Đ a n g t i d l i u . . .
Tuyển Tập Hải Triều Âm

Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy

 

Vô Thường

Có một sự hiện hữu liên lỉ, nhanh chóng không ngừng  của một thứ thường bị lãng quên mang tên vô thường.  Chúng ta thường chỉ nhận ra sự vô thường khi đối diện  với cái chết- bước vào giai đoạn hoại không. Vô thường  tồn tại trong tất cả các loài hữu tình từng phút giây một,  từng sát-na. Sự thay đổi, biến hoại của từng phân tử  nhỏ đều được chứa đựng vô thường nơi bản chất. Với  tính chất biến đổi không ngừng của vạn hữu, Heraclitus  đã phải thốt lên rằng: “Không ai tắm hai lần trên một  dòng sông” để miêu tả về sự lưu chuyển không ngừng  của thời gian. Dòng sông luôn luân chuyển và đời sống  của chúng ta cũng vậy. Sự vô thường của thời gian khiến  con người thay đổi, có thể cùng một địa điểm, cùng một  hành động nhưng không ai có thể trở về đúng thời điểm  mà chúng ta đã từng trong quá khứ. Bởi như dòng nước  đã trôi qua chẳng thể nào tắm lần thứ hai trên trong  nước ấy.  

Trong Phật giáo, nguyên lý vô thường thường  được gói gọn tóm tắt qua câu: “Tất cả các pháp là vô  thường”. Sự khẳng định mạnh mẽ này dựa trên nguyên  tắc hình thành và tổng hợp của các pháp. Pháp ở đây  chẳng mang nghĩa là giáo pháp mà đức Như Lai tuyên  thuyết, Pháp nhằm chỉ cho tất cả các pháp tục đế-mang  bản chất tạm thời, thay đổi. 

Bắt đầu với câu hỏi: Cái gì hình thành nên vạn  pháp? để nhận chân rõ từ bản chất cốt lõi của vô thường.  Chúng ta nên biết, tất cả mọi sự hiện hữu đều được cấu  thành từ tổ hợp duyên. Sự tổng hợp này với cơ chế  chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác theo  quy luật vô thường. Thông thường, mọi sự sanh khởi  của các pháp là sự vay mượn nơi tứ đại sở tạo. Lại nương nhờ các nhân duyên bổ trợ kết hợp lại mà tồn  tại, hiện hữu. Ngay cả con người cũng không có trường  hợp ngoại lệ, đều do duyên hợp, vay mượn giả danh  mà thành. Nếu chia chẻ từng phần nơi cơ thể chúng ta  thì cái gì được gọi là “tôi”. Không hề tồn tại một ngã  thể thực sự. Chính vì vậy, khi nói đến vô thường của  các pháp thì ngay lập tức liền nhận ra hai tính chất khổ  và vô ngã cùng tồn tại song song. Ba dấu ấn không  thể thay đổi đối với các pháp là đều nằm trong sự chi  phối của vô thường, khổ, vô ngã. Đồng thời, hàng đệ  tử Phật nương vào tam pháp ấn này làm cơ sở để xác  định sự chơn chánh của tất cả giáo nghĩa của ngài đã  tuyên thuyết. 

Xét về mặt tính chất thì hầu hết các biểu hiện của vô  thường đều mang tính chất vận động, chuyển đổi theo  vòng tuần hoàn sanh khởi, tồn tại và đoạn diệt. Nếu xét  theo nhân sinh quan, chúng ta dễ dàng thấy vô thường  biểu hiện qua ba khía cạnh: Thân vô thường, tâm vô  thường và hoàn cảnh vô thường (các pháp vô thường).  Ba khía cạnh này bao quát toàn bộ những gì mà chúng  ta thường thấy về vô thường. Tuy nhiên, những ai muốn  nhận chân một cách chân xác nhất về vô thường biến  đổi nơi tự thân thì yếu tố quan yếu đó là cần đôi phút  giây lắng đọng để cảm nhận rõ ràng vô thường tồn tại trong từng sát na, từng sự chuyển động vi tế nơi hơi thở  thoáng chốc.  

Bắt đầu với cảm nhận về thân vô thường với cái  nhìn tổng quát về sự vay mượn nhiều duyên để hình  thành một thân thể-sắc pháp. Chúng ta thấy gì khi chia  chẻ thân thể theo tứ đại. Hơi thở chính là phong đại;  máu mủ là thuỷ đại; da, thịt, gân, xương,… là địa đại;  thân nhiệt, hơi âm là hoả đại. Bốn yếu tố này kết hợp  với sự bổ trợ của bốn duyên: nghiệp, tâm thức, vật thực,  thời tiết mà sanh khởi. Vì tồn tại do duyên nên mang  bản chất vô thường là điều không thể phủ định. Khi  nơi thân thể có sự chống trái của bất kỳ duyên nào nơi  cơ thể liền sanh ra bệnh tật, đưa đến khổ đau do các  duyên đối nghịch. Xét theo khía cạnh của khoa học thì  mỗi một giây phút vô thường hiện khởi nơi sự sanh diệt  không ngừng của các tế bào. Nếu nhìn thật thấu đáo thì  thân thể của chúng ta có không có gì ngoài sự biến hoại  của ba mươi hai thể trược được gói gọn bởi một túi da  có thể cử động. Do đó ngài Quy Sơn đã từng dạy rằng:  “Phù nghiệp hệ thọ thân, vị miển hình lụy. Bẩm phụ mẫu chi di thể, giả chúng duyên nhi cộng thành. Tuy  nãi tứ đại phù trì, thường tương vi bội. Vô thường lão  bịnh bất dữ nhân kỳ. Triêu tồn tịch vong, sát na dị thế.  Thí như xuân sương, hiểu lộ, thúc hốt tức vô; ngạn thọ,  tỉnh đằng, khởi năng trường cửu. Niệm niệm tấn tốc,  nhất sát na gian, chuyển tức tức thị lai sanh. Hà nãi yến  nhiên không quá” nghĩa là vì nghiệp lực trói buộc mà  có thân này nên chưa thoát khỏi cái luỵ của hình hài. 

Vay mượn tinh cha, huyết mẹ cùng với các duyên bổ trợ  mà thành. Tuy thường được tứ địa giữ gìn nhưng cũng  thường chống trái. Vô thường, già bệnh không hẹn một  ai. Sớm còn tối mất, trong khoảng sát na là đã qua đời  khác. Cũng ví như cây bên bờ, dây trong giếng đâu được  lâu dài. Niệm niệm trôi qua nhanh chóng, trong khoảng  sát na chuyển hơi thở là đã qua đời sau. Sao có thể an  nhiên nhìn thời gian luống qua vô ích? 

Trước đã nói đến thân vô thường, tiếp theo chúng ta  cần phải hiểu rõ sự vô thường nơi tâm thức. Nếu quan  sát thật kỹ thì tâm của chúng ta luôn chuyển biến liên  tục, không ngừng nghỉ. Dựa theo sự phân tích tâm thức  khi có sự tác động trong Thắng Pháp thì tiến trình tâm  diễn ra nhanh chóng chỉ trong mười bảy sát-na và chia  làm ba giai đoạn. Bắt đầu với trạng thái thụ động khi  chưa có kích thích từ ngoại cảnh được đưa vào đến sự  vận động mở đầu với ba hữu phần sát-na bắt đầu nhận  tác động từ cảnh. Mười hai sát-na tiếp theo cho quá  trình tiếp nhận thông tin qua ngũ căn cùng với sự phân  tích chia chẻ bởi tâm sở, suy tính, đo đạc, xác định. Đặc  biệt tại giai đoạn này tốc hành tâm chiếm đến bảy  sát-na và là yếu tố quyết định hành động. Giai đoạn cuối  cùng gồm hai sát-na dùng để sao chép và lưu trữ được  gọi là đồng sở duyên tâm. Với sự nhanh chóng và biến  đổi không ngừng cho thấy tính chất vô thường nơi tâm  thức. Không ai có thể chỉ suy nghĩ duy nhất một điều,  hay an trú vào một cảm thọ nào mãi mãi. Chúng ta có  thể buồn đó nhưng cái buồn ấy cũng sẽ bị thay thế bởi những cảm xúc khác. Do đó, khi nói thân và tâm vô  thường chính là sự miêu tả đúng đắn nhất về trạng thái  của khối hợp thể Danh-Sắc. 

Hai phần trên chúng ta đã xét về khía cạnh vô thường  nơi nội tại chủ thể. Vậy yếu tố tác động ngoại tại có vô  thường hay không? Thực chất khi nói về vũ trụ, vạn hữu  đều không nằm ngoài tính biến đổi tương tục, sinh diệt  vô thường. Người dân Việt ta cũng thấu triệt được triết  lý vô thường thông qua những câu nói cổ xưa: “Thương  hải biến vi tang điền” nghĩa là biển hoá thành bể dâu  với mục đích nhằm chỉ cho tính chất thay đổi của thời  thế, của thiên nhiên luân chuyển. Đây núi cao lâu ngày  cũng thành biển, đây biển cả bỗng chốc hoá núi cao.  Sự đời cũng chẳng thể nào cố định mãi, bất định là một  thực tế hằng hữu, không thay đổi nơi thế gian.  

Chúng ta thử ngẫm lại thật kỹ, ai trên thế gian này  có thể làm ngưng đọng dòng chảy của thời gian, ai có  thể níu kéo mùa Xuân khi tiết trời đã vào Hạ rồi cái  lạnh giá của mùa Đông chực chờ ập đến. Không một  ai có quyền năng tạo ra sự cố định cho vạn hữu, không  ai thoát khỏi cuồng quay nhanh chóng của thế sự vô  thường. Do đó, hoàn cảnh vô thường lại là biểu hiện thứ  ba về tính chất vô thường không thể thay đổi. 

 Với ba biểu hiện thường thấy nhất của vô thường,  chúng ta có thể khẳng định rằng tất cả các pháp hữu  vi đều mang tính tương đối, bản chất tạm thời và chịu sự chi phối của vô thường. Hành giả tu tập hiểu được  triết lý này có thể đưa đến xả ly tham ái và chấp thủ.  Không còn chấp ngã, chấp pháp, thấy rõ tự tánh là  vô ngã, không thực thể nên chẳng phân biệt có “ta”  “người”. Nhận ra được sự đồng nhất về bản chất  giả tạm nơi tự thân, nhờ đó hoàn toàn rũ sạch những  kiến chấp sai lầm, đoạn trừ vô minh tham ái. Sống  đời sống tự tại, khinh an giữa những biến đổi của vô  thường luân chuyển. 

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến