Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy
Triết Lý Nhân Quả Trong Phật Giáo
Triết lý Nhân Quả là một trong những triết lý Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân Việt. Điều này được thể hiện đậm nét qua những câu ca dao tục ngữ xa xưa như: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ” hay “gieo gió, gặt bão”. Tuy nhiên, phần đông mọi người vẫn chưa thực sự thấu triết toàn bộ triết lý thâm diệu này. Người ta chỉ hiểu những phần nổi của lý nhân quả qua cái nhìn phiến diện với mục đích như liều thuốc an thần, xoa dịu những khổ đau trong cuộc sống. Thực chất triết lý nhân quả trong Phật giáo chính là nguyên lý của tất cả mọi sự hiện hữu, mọi đau khổ hay mọi sự vận hành tất yếu của vạn pháp mà được bao hàm trong nhiều triết lý thâm diệu khác.
Nhân Quả hay gọi đầy đủ là Nhân Duyên Quả Báo bao gồm ba yếu tố: Nhân, Duyên và Quả. Nếu thiếu một trong ba thì không thể nào được gọi là Nhân Quả. Chúng ta thường quên mất yếu tố “Duyên” khi nói về nhân quả. Duyên chính là yếu tố cần và đủ để quy luật nhân quả vận hành. Nếu nghiên cứu và suy xét một cách sâu sắc hơn thì duyên chính là cái tổng hợp tất cả các nhân tố để quả có thể hình thành. Chúng ta nên hiểu rằng không có bất kỳ vật nào trên thế gian chỉ do một nhân mà tạo thành. Tất cả các pháp hữu vi đều tồn tại dựa trên sự tổng hợp nhiều nhân duyên với nhau. Do đó, có thể nói Quả chính là yếu tố có được do nhân duyên đồng thời sinh.
Một điều đặc biệt hơn hết khi phân tích nhân sinh quan theo triết lý Nhân Quả thì không hề có bất kỳ nhân tố nào được gọi là định mệnh cũng như không có bất kỳ đấng toàn năng nào tạo ra con người. Một con người được hình thành dựa trên nghiệp lực của tự thân (quả). Trong kinh Trung Bộ, Tiểu kinh Nghiệp Phân Biệt, Đức Phật đã từng dạy rằng: “Các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.” Mỗi người phụ thuộc vào biệt nghiệp mà có sự khác nhau ở nhiều kiếp sống. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cộng nghiệp do những nhân tương đồng với nhau tạo nên một cái nghiệp chung của một cộng đồng hay ở một nhóm người. Giống như trong Jataka có đề cập đến việc dòng tộc Thích Ca bị tàn sát bởi vua Vidùdabha (Tỳ Lưu Ly). Mặc dù đức Phật đã ba lần cản trở nhưng cũng không thể nào giúp dòng tộc của ngài tránh khỏi nghiệp quả thả thuốc độc vào dòng sông trong quá khứ. Vì vậy, có thể thấy nhân thiện hay ác đã gieo trồng xuống khi hội tụ đủ duyên ắt sẽ trổ quả. Do đó, ngài Quy Sơn cũng từng khẳng định rằng: “Giả sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ”.
Xét theo phương diện của thập nhị nhân duyên, giữa mười hai chi phần đều nằm trong lý nhân quả tại ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai. Vô minh và hành được đặt trong quá khứ. Hiện tại gồm tám chi phần: Thức, Danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu. Tương lai với hai chi phần Sanh và Lão tử thể hiện quá trình tái sinh. Với các mắt xích nhân quả nối nhau không ngừng tạo nên một vòng tuần hoàn bất tận mà trong Phật giáo thường gọi đó là vòng luân hồi (Samsara). Không thể có bất kỳ một chi phần nào đơn lẻ sanh khởi để vận hành vòng luân chuyển ấy. Ngay cả vô minh, chi phần thường được xem là xuất phát điểm để vận hành duyên khởi cũng chẳng do một nhân mà sanh khởi. Vô minh là sự tổng hợp tất cả những nhiễm ô, lậu hoặc được tích tụ lâu dần làm nhân và quả của nó chính là hành. Dựa trên lập trường của lý duyên sinh thì lý thuyết đấng sáng tạo hay định mệnh đều không thể tồn tại. Mỗi người đến với thế giới cùng với những nghiệp nhân đã tạo và mỗi cá nhân lại là người thừa tự nghiệp, là chủ nhân để điều khiển thiện, ác, tốt, xấu. Không ai có thể gieo nhân và bắt chúng ta gặt quả được. Do đó, chớ có sợ hãi khi nghe những điều tà thuyết vu vơ của bọn tà ma ngoại đạo, những người tự xưng là bậc có khả năng ban phước giáng họa, bởi lẽ không ai có thể điều khiển được nghiệp lực ngoài chính chúng ta.
Nhân Quả không phải là một lý thuyết khó hiểu vì nó hiện hữu ngay trong cuộc sống chúng ta. Có thể lấy ví dụ như việc chúng ta gieo trồng hạt giống. Ngay khi quyết định mua loại hạt giống nào thì chúng ta đã biết rõ cái quả của nó là gì. Chúng ta muốn trồng ớt thì mua hạt giống ớt, muốn trồng cà thì mua hạt giống cà. Cũng vậy, trong cuộc sống khi chúng ta nhìn nhân thì sẽ biết cái quả trong tương lai và ngược lại, muốn biết nhân thì hãy nhìn quả ngay trong hiện tại. Trong quy luật nhân quả không có trường hợp đột biến gen để cho quả sai khác. Nhân nào quả đó là lý thuyết bất di bất dịch. Do đó, khi nói đến luật nhân quả nó thường được định nghĩa: “Nhân là cái năng sinh, quả là cái sở sinh. Có nhân ắt có quả, có quả ắt có nhân.” Hạt giống và quả đều nằm trong nhau và tùy theo giống loại mà có quả tương ứng, không sai lệch.
Có thể thấy, quy luật Nhân Quả luôn vận hành trong cuộc sống của chúng ta. Không có bất kỳ ai có thể bước ra ngoài vòng luân chuyển bất biến này. Triết lý này giúp cho tất cả chúng ta nhìn thấy rõ những gì chúng ta đang thọ lãnh trong hiện tại chính là cái quả của nhân trong quá khứ và những hành động thiện, ác ngay thời điểm hiện tại lại chính là nhân đưa đến quả trong tương lai. Hiểu được triết lý này một cách thấu đáo rồi thì sẽ không còn bất kỳ sự hận thù, hơn thua nào còn tồn tại trong chúng ta. Vậy nên, mọi người hãy để cho quy luật Nhân Quả vận hành và chúng ta không phải tạo thêm bất kỳ hạt giống bất thiện nào nữa.