Đ a n g t i d l i u . . .
Tuyển Tập Hải Triều Âm

Tuyển Tập Hải Triều Âm
Hoà Thượng Thích Viên Huy

 

Chớ chờ đợi

Lý tưởng, mục tiêu hay ước vọng đều là đích đến mà  tất cả mọi người muốn đạt được trong tương lai. Tương  lai ở đây có thể là một tháng, rộng hơn là một năm hay  xa hơn nữa đó là một kiếp người. Tuy nhiên, những ước  muốn, những lý tưởng chúng ta hướng đến sẽ chỉ mãi là  những ý nghĩ, những vọng tưởng viễn vông nếu chúng  ta không thực hiện chúng. Vì vậy, những ai đã đặt ra  mục tiêu, một đích đến tối thượng cho đời sống tinh  thần lẫn vật chất thì hãy bắt đầu từng bước thực hiện  chúng, chớ chờ đợi thời gian luống qua vô ích.  

 Sở dĩ chúng ta chần chừ không thực hiện những mục  tiêu đặt ra bởi nhiều nguyên do. Người thì sợ thất bại, kẻ  lại ngại khó khăn, người thì chẳng biết bao nhiêu là đủ  rồi cứ mãi ước mơ. Do đó mà nhà văn Lỗ Tấn đã từng  nói: “Trên đường thành công không có dấu chân của  kẻ lười biếng.” Thứ chướng ngại to lớn trên con đường  thành công đó chính là sự lười biếng. Không có bất kỳ  ai có thể thành công nếu chúng ta cứ biện ra nhiều lý do  để không thực hiện những lý tưởng mà bản thân hướng  tới. Cũng giống như việc tất cả đều biết rõ thế gian là  khổ và con đường duy nhất để thoát khổ ấy là tinh tấn  tu tập theo lời đức Phật dạy mới có thể đi đến quả vị giải  thoát. Nếu chẳng nỗ lực tu tập, cứ mãi chờ đợi nhưng  lại vẫn muốn đạt được quả vị giải thoát là điều hết sức  vô lý. Do đó, trong Pháp Cú số 112, phẩm Ngàn đức  Phật đã dạy như sau: 

“Ai sống một trăm năm, 
Lười nhác không tinh tấn, 
Tốt hơn sống một ngày, 
Tinh tấn tận sức mình.”

Một đời người cứ mãi buông lung, lười biếng, thả  mình trôi theo sự lôi cuốn của dục lạc thế gian thì quả  thật vô ích. Huống hồ Đức Phật từng dạy rằng “Nhân  thân nan đắc, Phật pháp nan văn” nghĩa là thân người  khó được, Phật pháp khó nghe. Nay tất cả chúng ta đã  được thân người chính là điều quý báu, lại hữu duyên  được quy y Tam Bảo, nghe pháp cùng nhau tu tập là  phước lành không thể nghĩ bàn. Chính vì vậy, tất cả  chúng ta cần phải nỗ lực tu tập nhằm gieo trồng thiện  căn chuẩn bị cho lộ trình hướng đến giải thoát. Tuy  nhiên, sự tu tập hướng đến giải thoát chẳng phải là  con đường trải hoa mà đó là con đường đầy chông gai,  thử thách để đoạn trừ những lậu hoặc, vô minh vốn đã  ăn sâu trong tâm thức. Nếu chúng ta cứ mãi chần chừ,  phân vân cho đến khi tử thần gõ cửa thì chỉ còn lại sự  sợ hãi, hoảng hốt tột độ do vốn chẳng có nơi nào để an  trú. Tâm thức tán loạn, khổ đau tột cùng bởi cái khổ thứ  tư trong bát khổ được đức Phật đề cập đến khi nói về Tứ  Diệu Đế “chết là khổ”. 

Bản chất “chết là khổ” vốn đã là quy luật tất yếu  chẳng thể thay đổi nhưng cái khổ lại càng khổ hơn nếu  chúng ta thiếu tu tập. Bởi không tu tập đưa đến thiếu trí  tuệ, không như lý tác ý, vạn pháp trở nên mờ mịt dưới  sự bủa vây của lưới vô minh. Lại bắt nguồn từ vô minh  làm nhân sanh khởi, xoay vần vòng luân hồi với khổ đau  bất tận. Vòng khổ đau ấy nếu muốn thoát được thì tu  tập tinh cần chính là yếu tố quan yếu. Bất kỳ pháp môn  tu tập nào đều cần sự tinh cần và nỗ lực không ngừng  mới có thể đạt đến đích đến cuối cùng-thanh tịnh hoá  tâm thức. 

Bên cạnh sự tinh tấn thì việc xác định pháp môn  chơn chánh để tu tập cũng mang yếu tố vô cùng quan  trọng. Đức Phật do thấy căn cơ chúng sanh sai khác,  đốn tiệm không đồng nên mở môn phương tiện bày ra  nhiều cánh cửa hầu đưa chúng sanh bước lần vào con  đường hướng đến quả vị Vô Thượng. Tuy nhiên, vào  thời đại ngày nay-thời mạt pháp, có rất nhiều tà giáo lợi  dụng giáo lý Phật giáo pha trộn đôi chút yếu tố mê tín  nhằm thu hút thị hiếu quần chúng. Vì vậy, việc tìm hiểu  kỹ về một pháp môn tu tập là điều cần thiết. Chính đức  Phật cũng đã từng dạy rằng: “Tin ta mà không hiểu ta  là phỉ báng ta”. Hay trong kinh Kalama, thuộc Tăng  Chi Bộ Kinh, đức Phật đề ra mười điều chớ vội tin  như sau: “Chớ có tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó  nhiều lần; chớ có tin chỉ vì đó là truyền thống; chớ có  tin bởi vì đó là lời đồn; chớ có tin bởi vì điều đó đúng  với sách vở và kinh điển truyền tụng; chớ có tin bởi  vì nó nghe có vẻ hợp lý; chớ có tin bởi vì điều đó phù  hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; chớ có tin bởi  vì lý luận logic và suy diễn; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình; chớ có tin bởi vì  người nói điều đó có vẻ là người đáng tin; chớ có tin  bởi vì người đó là thầy của mình”. Sự tin tưởng không  suy xét thấu đáo dễ đưa đến sai lầm. Một người chỉ tu  tập với niềm tin mù quáng sẽ khó đạt được đích đến tối  thượng. Không những vậy việc tà tín đưa đến hậu quả  nguy hiểm vô cùng cho tất cả chúng ta. Do đó, đối với  những gì chúng ta được nghe, được thấy đừng vội tin  tưởng. Vì đối với các pháp không phải chân chánh rất  dễ làm cho chúng ta đi nhầm đường lạc lối. Giống như tướng cướp Angulimala do vì vị thầy dạy cho những  pháp không chân chánh mà đưa đến việc giết người.  Cũng vậy, đối với những gì được nghe, được thấy chúng  ta cần phải lấy giới luật và giáo pháp của đức Phật đã dạy để xem nó có đúng hay không, xác định chánh  giáo hay tà giáo để tránh đi sai đường lạc lối đến nỗi  mất mạng. 

Một đời người thoắt cái đã qua, chẳng tồn tại lâu dài.  Do đó, nếu chúng ta không cấp tốc tu tập, cứ mãi chờ  đợi cho đến khi tắt hơi thở thì đã hết một kiếp người.  Vậy nên, mỗi người chúng ta cần phải tinh tấn không  ngừng, nỗ lực tu tập để tạo một đạo lộ chơn chánh cho  tự thân. Chúng ta nên biết rằng, dù chỉ còn sống một  ngày mà bản thân nỗ lực tận sức mình để hướng đến  con đường giải thoát thì vẫn hơn người sống một trăm  năm trong giải đãi, phóng dật. Do đó, những gì chúng  ta muốn đạt được, muốn hướng tới thì hãy nỗ lực tinh  cần để đạt được những lý tưởng, những hướng đi mà chúng ta đã chọn. Đặc biệt hơn hết đó là tinh tấn tu tập  không ngừng trên con đường hướng đến giải thoát. Phải  nhanh thoát khỏi sự ràng buộc của ma chướng, cắt đứt  sợi dây tham ái, rũ sạch các kiết sử mà thẳng bước về  quả vị giác ngộ. 

Trong Phật giáo, trạng thái tâm tịnh hay uế cùng  với khả năng phản quang tự kỷ, liễu tri rốt ráo tâm  thức của mỗi người sẽ là cơ sở để phân loại người đó  tối thắng hay hạ tiện. Điều này được xác chứng dựa  trên bản kinh số 87: Kinh Uế Phẩm, thuộc kinh Trung  A Hàm (tương đương với kinh số 5: Không Uế Nhiễm  (Anangana Sutta) thuộc Trung Bộ kinh). Trong bản  kinh này, tôn giả Sariputta đã nêu lên bốn hạng người  hiện hữu trên thế gian này như sau: “Này chư Hiền, thế  gian có bốn hạng người. Những gì là bốn? Hoặc có  một hạng người bên trong thật có ô uế mà không tự  biết, không biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có  một hạng người bên trong thật có ô uế nhưng tự biết,  biết như thật bên trong có ô uế. Hoặc có một hạng  người bên trong thật không có ô uế mà không tự biết,  không tự biết bên trong thật không có ô uế. Hoặc có  một hạng người bên trong thật không có ô uế và tự  biết, biết như thật bên trong thật không có ô uế.” Dựa  vào bốn hạng người kể trên, tôn giả lại chia ra hai hạng  người: hạng người thứ nhất được gọi là người tối thắng,  bậc trí (bao gồm hai hạng người có khả năng tự biết  như thật các trạng thái tâm thức đang hiện hữu và ngự  trị); hạng người thứ hai đó là người tối hạ tiện, kẻ ngu  (bao gồm hai hạng người không có khả năng tự biết  như thật về trạng thái tâm thức của chính mình). 

Thuật ngữ “bên trong”nhằm ẩn dụ cho tâm của tất  cả chúng ta. Đồng thời, khả năng “tự biết” chính là nói  đến trí tuệ để có thể thấy rõ tâm thức của mỗi người. 

Trong hệ thống kinh điển Phật giáo, chúng ta sẽ dễ  dàng nghe đến sự phân chia giữa người tối thắng, hạ  tiện hay sự phân chia giữa kẻ ngu và bậc trí. Tuy nhiên,  đây chẳng phải là sự phân chia về sắc tộc hay giai cấp  mà chính là sự phân định về trạng thái vô minh hay đã  đoạn trừ vô minh nơi tự thân của mỗi người. Vậy như  thế nào được gọi là kẻ ngu (hạ tiện) và người trí (bậc  tối thắng)?  

Theo từ điển Pali, danh từ “Bala” tức chỉ cho kẻ ngu,  kẻ ác, hạng tối hạ tiện. Kẻ ngu, theo thế gian, là những  người không có trí tuệ, đần độ, thiếu hiểu biết. Trong  Phật giáo, kẻ ngu được đức Phật định nghĩa như sau: “  Này các Tỳ-Kheo kẻ ngu si, không thông minh, không  là bậc chân nhân, tự mình xử sự như kẻ bị mất gốc,  không sinh lực, có tội, bị người trí quở trách, tạo nhiều  vô phước.” Người ngu là người thiếu trí tuệ, không thông  minh. Có thể là do nghiệp lực từ những kiếp trước khiến  họ thiếu trí tuệ, cũng có thể là do kiếp hiện tại họ huân  tập những điều bất thiện nên dần khiến cho họ trở nên  ám độn. Tuy nhiên, người ngu không chỉ nói đến những  người có trí tuệ yếu kém, hay là người học hành không  giỏi mà ở đây đức Phật muốn nhấn mạnh, người ngu là những người bị uế nhiễm, không nỗ lực tu tập, không có khả năng tiếp thu những điều đức Phật dạy, họ thường  làm những điều bất thiện. Do luôn làm các việc ác nên  kẻ ngu cũng được xem là kẻ ác, chính vì ngu nên hay  làm điều ác và tạo bất thiện nghiệp.

 Trong hàng đệ tử Phật cũng có những người về mặt  trí tuệ họ rất ám độn, ngu si nhưng họ vẫn không bị cho  là kẻ ngu, kẻ ác. Tôn giả Cullapanthaka là một ví dụ điển hình. Xét về mặt học thuật tôn giả rất ám độn, bởi  xuất gia đã lâu nhưng không thể thuộc nổi một bài kệ.  Tuy nhiên, sau khi được đức Phật dạy cho phương pháp  pháp tu tập: phất trần trừ cấu (phủi trừ bụi dơ) tôn giả  nỗ lực thực hành theo và chứng đắc thánh quả. Do đó,  có thể thấy sự phân chia người ngu hay kẻ trí phụ thuộc  vào khả năng phân biệt tà, chánh; chân, ngụy cùng với  sự nỗ lực không ngừng hướng đến giải thoát nơi tự thân  mỗi người chứ chẳng phải dựa vào sự khôn khéo, mưu  mẹo thường thấy nơi thế gian. 

Xét về sự phân loại, người ngu gồm hai nhóm sau:  “Có hai loại người ngu này. Thế nào là hai? Người  có phạm tội nhưng không thấy có phạm tội và nguời  không chấp nhận người khác như pháp phát lộ tội  lỗi của mình.” Kẻ ngu là những người phạm lỗi nhưng  không tự mình biết lỗi và cũng không chịu sửa đổi khi có người khác chỉ lỗi. Bản thân người ấy không có khả năng  tự thấy lỗi mình, chỉ mãi u mê trong đêm dài không lối  thoát. Do đó, kẻ ngu như người từ bóng tối đi vào bóng  tối. Lại dựa theo kinh Hiền Ngu mà người ngu thường  có ba đặc điểm như sau: “Này các Tỳ Kheo, có ba đặc  điểm, đặc tướng và đặc ấn này của người ngu. Thế nào  là ba? Ở đây, này các Tỳ kheo, người ngu tư duy ác tư duy, nói lời ác ngữ và hành ác hạnh.”Tư duy ở đây chính  là sự suy nghĩ, nhận thức của một người về biểu tượng, khái niệm, phán đoán. Người tư duy ác tư duy tức thường  nghĩ về những điều ác, gây đau khổ, tai họa cho người  khác như: nghĩ đến việc hãm hại người, cạnh tranh hơn  thua với người khác, nghĩ về sự khao khát ái dục,…Do  tư duy không chân chánh nên đưa đến hành động và  lời nói bất thiện. Theo Túc Sanh Truyện, người ngu,  người ác có năm hành động như sau: kẻ ác hằng rủ  người khác làm những điều sai lầm; kẻ ác làm những  việc không phận sự của mình; kẻ ác thường nhận thức  sai lầm, cho quấy là phải; mặc dù nói ra sự chân thật,  lời lẽ phải, kẻ ác cũng không nhận thức đúng đắn, trái  lại còn hờn giận, chuốc oán, gây thù; kẻ ác không tuân  theo luật lệ, luật pháp của một nơi chốn, một xứ sở, một  quốc độ. Chúng ta có thể thấy tất cả những hành động  của kẻ ác, kẻ ngu đều là những hành động xấu, không  có trí tuệ, không có giới luật. Dưới cái nhìn bị bao phủ  bởi vô minh nên kẻ ngu không biết đâu là việc nên làm,  đâu là việc không nên làm. Kẻ ngu không những khiến  bản thân mê mờ, ngu muội mà họ còn làm cho những  người thân cận họ cũng bị ảnh hưởng theo những thói  hư, tật xấu. Do đó, không thân cận kẻ ngu là việc cần  thiết cho hành giả sơ cơ tu tập. 

Việc thân cận kẻ ác có nhiều điều nguy hiểm  mà ngài Quy Sơn Linh Hựu đã từng nhấn mạnh rằng:  “Hiệp tập ác giả, trưởng ác tri kiến, hiểu tịch tạo ác, tức  mục giao báo, một hậu trầm luân, nhất thất nhân thân,  vạn kiếp bất phục” nghĩa là quen gần kẻ ác ngày càng  thêm lớn những tri kiến ác, sớm tối làm ác thì phải chịu  quả báo trước mắt, sau khi chết đi phải chịu trầm luân,  một khi mất thân người, vạn kiếp khó mà khôi phục lại  được. Do đó, đức Phật dạy chúng ta: 

“Tìm không được bạn đường, 
Hơn mình hay bằng mình, 
Thà quyết sống một mình, 
Không bè bạn kẻ ngu.” 

Thực chất bên trong tâm thức của mỗi chúng ta  luôn tồn tại song song kẻ ngu và người trí. Vậy nên,  không thân cận kẻ ngu ở đây cũng chính là điều phục  các tâm bất thiện khiến chúng không tăng trưởng,  hướng dần đến đoạn diệt. Kẻ ngu, hạ tiện sẽ hiện khởi  ngay khi chúng ta làm những điều bất thiện. Điều quan  trọng khi phân định ra người tối thắng và hạ tiện hay kẻ  ngu, người trí chẳng phải muốn chúng ta chấp vào nhị  nguyên lý thuyết mà đây chính là sự chia chẻ để hướng  đến hoàn thiện bản thân. Việc chuyển hoá tâm thức của  mỗi người để loại bỏ sự ngu, ác, bất thiện nơi tâm khiến  dần trở nên tối thượng, có trí. 

Sự nguy hại, vô minh của kẻ ngu, hàng tối hạ tiện,  hạng người nên tránh xa đã được tìm hiểu rõ.Vậy bậc trí  có những điều thù thắng gì mà bậc đạo sư khuyên nên  gần gũi? Bậc trí trong tiếng Pali được gọi là Pandita. Dựa  theo quan niệm của thế gian, người trí thức là những  người thông minh, học cao, hiểu rộng, có bằng cấp,  học vị như thạc sĩ, tiến sĩ, bác học, triết gia,… ho đều là những người có trình độ về mặt học vấn. Trong Phật  giáo, quan điểm về người trí lại có phần khác đi, người  trí thức có thể không có bằng cấp, học vị, họ là “Bậc  hiền trí, thông minh, là bậc chân nhân, tự mình sử  xự không như người mất gốc, có sinh lực, không có tội, không bị người quở trách và tạo nhiều phước  đức.” Định nghĩa này đối lập với định nghĩa về kẻ ngu, kẻ ác. Người trí cũng có ba đặc điểm được  đức Phật đề cập đến trong kin Tăng Chi bộ như  sau: “ Này các Tỳ-Kheo, có ba đặc điểm, đặc tướng,  và đặc ấn này của người trí. Thế nào là ba? Ở đây,  này các Tỳ-Kheo, người trí tư duy thiện tư duy, nói  lời thiện ngữ, và hành các thiện hành”. Người trí tư  duy thiện tư duy tức luôn suy nghĩ hướng thiện, không  nghĩ đến việc làm tổn hại hay gây đau khổ cho người  khác cũng như tất cả mọi loài. Với tư duy thiện đưa  đến hành động và lời nói thiện. Bậc trí có đủ trí tuệ để  thấy được sự tai hại của việc ác, thấy được bản chất của  tất cả các pháp là vô thường, thấu hiểu về Tứ Diệu Đế một cách sâu sắc. Nhờ đó họ đối với các bất thiện pháp  không có tâm mong cầu, họ luôn tinh cần tu tập và thực  hành các thiện pháp. 

Dựa trên những định nghĩa đã được đề cập đến,  chúng ta có thể thấy bậc trí xét theo khía cạnh của đạo  Phật hay của thế gian học đều là những người có đạo  đức, có giới luật. Người trí luôn tự thấy lỗi của mình,  không che giấu nó mà còn ra sức sửa đổi để làm cho bản  thân tốt hơn. Đối với ba nghiệp thân, khẩu, ý, người trí giữ gìn và hộ trì tam nghiệp được thanh tịnh, không hướng  đến việc bất thiện ngay cả trong ý nghĩ. Do không hành  động sai trái nên bậc trí và người ngu có cách xử sự khác  nhau. Cụ thể như trong kinh Trung Bộ, đức Phật từng  so sánh như sau: “Này các Tỳ-Kheo, trường hợp này  làm không thích ý, nhưng đem lại lợi ích cho người  làm; trong trường hợp này, này các Tỳ-Kheo, người  ta có thể biết kẻ ngu, bậc trí, về sức kiên trì của con  người, tinh tấn của con người, nỗ lực của con người.  Và này các Tỳ-Kheo, người ngu không suy xét rằng:  Dẫu trường hợp này không thích ý, nhưng trường hợp  này đem lại lợi ích cho người làm. Người ấy không  làm trường hợp này. Do không làm trường hợp này,  nên không đưa lại lợi ích cho người ấy. Còn người trí,  này các Tỳ-Kheo, suy xét rằng: Dẫu trường hợp này  làm không được thích ý, nhưng trường hợp này đem  lại lợi ích cho người làm. Người ấy làm trường hợp  này. Do làm trường hợp này, nên đem lại lợi ích cho  người ấy.” Đối với việc khó làm nhưng đem lại nhiều lợi  ích, bậc trí không từ bỏ. Bậc trí nỗ lực để có thể đạt được  những kết quả tốt trong tương lai. Ngược lại, kẻ ngu do  thấy việc khó trước mắt nên liền từ bỏ, không có sự kiên  trì, nỗ lực. Cũng như trong việc giữ gìn và thực hành giới  luật, người trí thấy được lợi ích trong việc hành trì giới  nên họ ra sức nỗ lực hành trì còn kẻ ngu lại thấy những  giới luật phiền hà, rắc rối bởi giới luật không thỏa mãn  những nhu cầu cầu của bản thân họ nên liền từ bỏ. 

Với sự thông tuệ của bậc trí có thể là người hướng dẫn đường đúng đắn nhất hàng sơ cơ nhập vào đạo.  Lợi ích khi thân cận bậc hiền trí cũng giống như người  đi trong sương buổi sáng, tuy không ướt áo, nhưng luôn  được thấm nhuận. Con đường trở thành bậc chân nhân  là một quá trình gạn lọc và đào thải những ác bất thiện,  lậu hoặc để thân tâm dần trở nên thanh tịnh. Nó cũng  giống như quá trình người thợ đãi cát tìm vàng. Người  thợ phải bỏ công sức loại bùn dơ, cát, các rác để cuối  cùng chỉ còn lại vàng- thứ quý giá nhất. Chúng ta cũng  như vậy, bản thân đều là những người trí nhưng những  tạp chất nơi vô minh, tham ái cho chúng ta bị che mờ đi, không còn nhận bản chất vốn vẫn là bậc hiền trí.  

Do đó, một người được xem là tối thắng, là bậc trí, bậc  chân nhân chỉ khi họ có trí tuệ. Nhờ có trí tuệ mà đối  với các trạng thái thiện hay bất thiện của tâm thức đều  thấu triệt rốt ráo. Do tự liễu tri về sự thanh tịnh hay cấu  uế của tâm nên có thể khắc phục và đoạn trừ chúng  thông qua các phương pháp tu tập. Trí tuệ có công  năng đoạn diệt các ác pháp, bất thiện và tăng trưởng  thiện pháp. Đối với những kẻ được xem là tối hạ tiện  khi họ thiếu mất trí tuệ, thiếu sự nhìn nhận đúng sai, chỉ  hành động theo bản năng. Những người như vậy dù tâm  có vốn không có cấu uế cũng sẽ dễ dàng bị cấu uế xâm  chiếm và ngự trị. Cũng ví như kẻ thiếu trí cho rượu là  thuốc tốt, chẳng biết đây là loại nước khiến cuồng say,  mải mê uống cho đến khi thân, tâm điên đảo. 

Người tối thắng, kẻ hạ tiện hay người trí tuệ, kẻ ngu  si đều phụ thuộc vào năng lực phản tỉnh của tự thân. 

Loại năng lực này sanh khởi từ trí tuệ phát sanh do sự  tu tập đoạn trừ tam độc dơ bẩn thường trú trong tâm.  Đồng thời, cấu bẩn trong tâm được đoạn trừ, tâm hoàn  toàn thanh tịnh chính là yếu tố vô cùng quan trọng cho  những ai đang hướng đến con đường giải thoát, giác  ngộ. Do đó, không một ai trên cõi đời này có thể trở  nên tối thắng hay hạ tiện nếu chỉ dựa trên khía cạnh vật  chất, giai cấp, huyết thống. Vậy nên, mỗi người hãy nỗ  lực tu tập không ngừng để đoạn trừ cấu uế trong tâm và  trang hoàng tự thân bằng trí tuệ tối thắng.

 

Trang 1 2 3 4 5 6 7 8 9

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả ý kiến