nhị thập chủng phiền não tuỳ miên

Phật Quang Đại Từ Điển

(二十種煩惱隨眠) Hai mươi loại phiền não tùy miên. Phiền não là chỉ cho các pháp tối tăm, phiền muộn như: Kiến, tư, vô minh… làm não loạn tâm thần. Tùy miên là những phiền não ấy đeo đuổi chúng sinh, ngủ ngầm trong thức thứ 8, khi đủ nhân duyên thì hiện khởi. Hai mươi loại phiền não tùy miên là: 1. Bất định địa tùy miên: Phiền não ở cõi Dục. Bất định địa chỉ cho cõi Dục, là cõi tán loạn. Nghĩa là người ở cõi Dục vì không tu thiền định nên bị phiền não của các căn theo đuổi không bỏ. 2. Định địa tùy miên: Định địa chỉ cho cõi Sắc và cõi Vô sắc. Nghĩa là người ở 2 cõi này tuy tu thiền định, xa lìa các khổ của cõi Dục, nhưng vẫn còn bị các phiền não: Tham, si, ái và mạn theo đuổi, không bỏ. 3. Tùy trục tự cảnh tùy miên: Phiền não theo đuổi tự cảnh. Trong 3 cõi, mỗi cõi đều có cảnh sở nhiếp riêng, tùy theo các căn khởi diệt mà sinh ra các phiền não kiến chấp, đeo đuổi liên tục không ngừng. 4. Tùy trục tha cảnh tùy miên: Phiền não theo đuổi cảnh khác. Nghĩa là ở cõi Sắc mà khởi phiền não cõi Dục, hoặc ở cõi Vô sắc mà khởi phiền não cõi Sắc, hoặc ở cõi Dục mà ưa thích thiền định của 2 cõi trên, sinh ra đắm trước, không biết xa lìa. 5. Bị tổn tùy miên: Bị phiền não làm tổn hại. Nghĩa là chúng sinh luôn luôn bị các phiền não của cõi Dục làm tổn hại, vì các phiền não ấy thường ngấm ngầm theo đuổi không thôi. 6. Bất bị tổn tùy miên: Không bị phiền não làm tổn hại. Nghĩa là người đã sinh lên cõi Sắc nên không còn bị phiền não của cõi Dục làm tổn hại; hoặc chưa lìa cõi Dục, tuy phiền não thường ngấm ngầm đeo đuổi nhưng không gây tổn hại. 7. Tùy tăng tùy miên: Phiền não thêm lên. Nghĩa là chúng sinh trong 3 cõi đều khởi phiền não ở nơi cảnh của mình, tùy thời mà các phiền não ấy tăng trưởng, đeo đuổi ngầm không thôi. 8. Bất tùy tăng tùy miên: Phiền não không tăng thêm. Nghĩa là người trong thiền định ở cõi Sắc và cõi Vô sắc, không theo cảnh khác nên phiền não không tăng thêm, nhưng vì phiền não chưa bị đoạn trừ nên vẫn ngầm đeo đuổi, không rời bỏ. 9. Cụ phần tùy miên: Phiền não đầy đủ. Nghĩa là chúng sinh đối với tất cả trần cảnh khởi lên đủ các phiền não tham, sân, si… không thiếu 1 phần nào. 10. Bất cụ phần tùy miên: Phiền não không đầy đủ. Nghĩa là bậc Thánh Sơ quả Thanh văn(quả Tu đà hoàn) tuy đã dứt hết Kiến hoặc trong 3 cõi, nhưng còn Tư hoặc thì chưa dứt được toàn phần, nên gọi là Bất cụ phần tùy miên. 11. Khả hại tùy miên: Phiền não có thể gây hại. Nghĩa là bậc Thanh văn tu đạo phẩm (37 đạo phẩm), tuy đã dứt hết Kiến hoặc và Tư hoặc mà chứng Niết bàn, nhưng tập khí vô minh vẫn còn đeo đuổi ngầm, không rời, nên có thể gây tổn hại. 12. Bất khả hại tùy miên: Phiền não không thể bị hại. Nghĩa là chúng sinh phàm phu không tu 37 đạo phẩm, không đoạn trừ phiền não hoặc nghiệp, cho nên phiền não theo đuổi không thôi. 13. Tăng thượng tùy miên: Phiền não thêm lên. Nghĩa là các phiền não tham, sân, si… dần dần tăng thêm lên, theo đuổi không rời.14. Bình đẳng tùy miên: Phiền não bình đẳng. Nghĩa là các phiền não tham, sân, si… cùng khởi lên 1 lúc, theo đuổi không ngừng. 15. Hạ liệt tùy miên: Phiền não thấp kém. Nghĩa là người tu hành cầu ra khỏi cõi Dục, tâm niệm đối với các trần cảnh yếu kém, nên gọi là Hạ liệt tùy miên. 16. Giác ngộ tùy miên: Phiền não được giác ngộ. Nghĩa là người có khả năng biết tất cả phiền não và nghiệp quả đồng thời trôi lăn, tuy biết như thế nhưng chưa thể đoạn trừ được, cho nên gọi là Giác ngộ tùy miên. 17. Bất giác ngộ tùy miên: Phiền não không được giác ngộ. Nghĩa là hết thảy phiền não trói buộc, đeo đuổi căn thức, không lìa bỏ nhau, vậy mà con người không hề hay biết nên gọi là Bất giác ngộ tùy miên. 18. Năng sinh đa khổ tùy miên: Phiền não hay sinh nhiều khổ. Nghĩa là các phiền não tham, sân… của cõi Dục hay sinh ra nhiều đau khổ. 19. Năng sinh thiểu khổ tùy miên: Phiền não hay sinh ít khổ. Nghĩa là người ở trong thiền định của cõi Sắc và cõi Vô sắc tuy không có các khổ của cõi Dục, nhưng vẫn còn tâm ưa thích cõi trên, nhàm chán cõi dưới, đó cũng là phiền não, cho nên gọi là Năng sinh thiểu khổ tùy miên. 20. Bất năng sinh khổ tùy miên: Phiền não không hay sinh khổ. Nghĩa là hàng Bồ tát tuy đã lìa các khổ, nhưng vẫn còn tâm tự hành lợi tha và đó cũng là phiền não.