nhị chính

Phật Quang Đại Từ Điển

(二正) Chỉ cho thể chính và dụng chính. Tam luận huyền nghĩa (Đại 45, 7 trung) nói: Đối với pháp không có danh tướng gượng nói danh tướng, khiến cho người theo học nhờ đó mà được ngộ, cho nên lập ra Nhị chính: Một là thể chính, hai là dụng chính. Thể chính thì chẳng phải chân, chẳng phải tục, còn dụng chính thì là chân và tục. Sở dĩ như thế là vì thực tướng các pháp dứt bặt nói năng suy nghĩ, không hề có chân tục, cho nên gọi là thể. Không có thiên lệch, đó là chính, cho nên gọi là Chính thể. Còn nói về dụng chính thì thể của nó dứt hết danh ngôn, không do đâu mà ngộ được, tuy chẳng phải hữu vô mà gượng nói có chân tục, nên gọi là dụng. Chân và tục này cũng không thiên lệch, đó là chính, vì thế gọi là Dụng chính. Vì pháp thể là thực tướng và lí Bát nhã chứng được vốn không 2, xa lìa thiên lệch tà vạy, nhưng gượng gọi là chính, nên nói là Chính thể. Còn thể của vô ngôn là cái lìa danh tướng, nhưng nếu không nói thì không làm được lợi ích gì cho chúng sinh, bởi thế dùng trí lực Bát nhã để khởi lên cái dụng phương tiện hóa tha, gượng đặt ra ngôn giáo chân đế, tục đế, dùng để thuyết pháp giáo hóa. Tuy nhiên, cái dụng phát khởi từ thể chính bất nhị, không rơi vào thiên lệch, dụng của 2 đế chân tục cũng chính, cho nên gọi là Dụng chính. [X. Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập Q.5; Tam luận huyền nghĩa giảng thuật Q.trung (Hiểu ngộ)].