nhất xiển đề

Phật Quang Đại Từ Điển

(一闡提) Phạm: Icchantika, hoặc Ecchantika. Cũng gọi Nhất xiển để ca, Nhất điên ca, Nhất xiển đề kha, Xiển đề, A điên để ca, A xiển đề, A xiển để ca. Hán dịch: Đoạn thiện căn, Tín bất cụ túc, Cực dục, Đại tham, Vô chủng tính, Thiêu chủng. Người dứt hết căn lành, không có cơ hội thành Phật. Kinh Nhập lăng già quyển 2 chia Xiển đề làm 2 loại: 1. Đoạn thiện xiển đề: Người dứt hết thiện căn, vốn không có nhân giải thoát. 2. Đại bi xiển đề, cũng gọi Bồ tát xiển đề. Tức Bồ tát vốn mang tâm nguyện đại bi cứu vớt hết thảy chúng sinh, nên cố ý không vào Niết bàn. Đại trang nghiêm kinh luận cũng nêu 2 thuyết về Xiển đề: 1. Hữu tính xiển đề: Nhờ sức hộ trì của Phật, cuối cùng có thể thành Phật. 2. Vô tính xiển đề: Vĩnh viễn không có đìều kiện thành Phật. Ngoài ra, Thành duy thức luận chưởng trung xu yếu quyển thượng thành lập thuyết 3 loại Xiển đề là: Đoạn thiện xiển đề, Đại bi xiển đề và Vô tính xiển đề. Trong đó, Đoạn thiện xiển đề thuộc loại Hữu tính xiển đề. Nhất xiển đề phát tâm rất khó, giống như người mù bẩm sinh rất khó chữa lành, nên được dùng để ví dụ với Xiển đề mà gọi là Sinh manh xiển đề(Xiển đề mù bẩm sinh). Thời xưa, tại Trung quốc, ngài Đạo sinh chủ trương thuyết Xiển đề thành Phật, bị giới tăng đồ thủ cựu công kích kịch liệt, mãi đến khi kinh Đại bát niết bàn do ngài Đàm vô sấm dịch xuất hiện, thì thuyết Xiển đề thành Phật của ngài Đạo sinh mới dần dần được đón nhận. Tuy nhiên, tông Pháp tướng vẫn chủ trương có những chúng sinh không có khả năng thành Phật; còn các tông Đại thừa khác như Thiên thai, Hoa nghiêm… thì cho rằng tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật. Cho nên, Nhất xiển đề có được thành Phật hay không, vẫn còn là 1 vấn đề gây tranh luận trong giới Phật giáo. [X. kinh Niết bàn Q.9 (bản Bắc); luận Đại thừa a tì đạt ma tạp tập Q.5; Hoa nghiêm kinh sớ Q.2; Huyền ứng âm nghĩa Q.23].