nhất thiết như lai trí ấn

Phật Quang Đại Từ Điển

(一切如來智印) Phạm: Sarvatathàgata-jĩàna-mudrà. Tạng: De-bshin-gzegs-pa thams-cad kyi ye-zes kyi phyag-rgya. Cũng gọi Nhất thiết Phật tâm ấn, Nhất thiết biến tri ấn, Chư Phật tâm ấn, Đại cần dũng ấn, Tam giác ấn. Trí ấn hình tam giác ở giữa viện Biến trí trong Mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo.Ấn này là hình Tam muội da biểu thị 4 loại Pháp thân, là tiêu biểu chung của 4 Trí ấn; màu trắng tinh, dựng trên hoa sen trắng, bên ngoài có những tia sáng bao quanh. Tam giác có nghĩa hàng phục, trừ chướng, tức là đức Phật ngồi ở gốc cây Bồ đề, vận dụng uy lực mạnh mẽ, hàng phục 4 loài ma mà thành Chính giác. Màu trắng tinh biểu thị đại từ bi, nghĩa là Như lai thường phóng ánh sáng từ bi chiếu khắp pháp giới. Bên trong tam giác và trên đầu tam giác đều có chữ….(Vạn), vì tam giác là lửa trí tuệ, cũng là chỗ mới phát tâm bồ đề. Mới phát tâm bồ đề tức như lửa trí đốt vật, có năng lực diệt trừ các nghiệp tham, sân, si… trong 3 cõi, đây là gốc thành tựu muôn đức, nên có chữ Vạn. Nếu khi đến được tột cùng Phật trí thì mọi đức đều đầy đủ, giống như trăng tròn, nên ở trên tam giác lại có vòng tròn, trên vòng tròn có chữ Vạn, biểu thị tướng muôn đức của quả vị, cho nên Thai tạng giới của Mật giáo đã từ ấn này mà sinh khởi, từ ấn này mà hình thành. [X. phẩm Bí mật mạn đồ la trong kinh Đại nhật Q.5; Đại nhật kinh sớ Q.5, 16; Đại nhật kinh sớ sao Q.3].