nhân đẳng khởi

Phật Quang Đại Từ Điển

(因等起) Đối lại: Sát na đẳng khởi. Đồng nghĩa: Động cơ. Do tác dụng của tâm tư duy mà phát khởi nghiệp, cũng chỉ cho tâm, tâm sở sinh ra biểu nghiệp và vô biểu nghiệp. Theo luận Đại tì bà sa quyển 117 và luận Câu xá quyển 13, vì Nhân đẳng khởi có nghĩa là dẫn phát, năng chuyển, nên cũng gọi là Năng chuyển tâm, Chuyển tâm. Nhân đẳng khởi có 2 loại: 1. Viễn nhân đẳng khởi: Nhân đẳng khởi xa. Tức suy nghĩ trước những việc cần phải làm, là nghiệp nhân gián tiếp, tương đương với Thẩm lự tư, Quyết định tư của Duy thức. 2. Cận nhân đẳng khởi: Nhân đẳng khởi gần. Tùy sự suy nghĩ lúc nào cần phải làm thì làm liền, chứ không suy nghĩ trước, cũng tức thân hành động, miệng phát ra lời nói, tương đương với Động phát thắng tư của Duy thức. Về vấn đề này, có thuyết khác cho rằng, ý niệm trước Quyết định tư là Viễn nhân đẳng khởi, ý niệm sau Quyết định tư là Cận nhân đẳng khởi. [X. Thành duy thức luận thuật kí Q.2, phần đầu; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.3, phần cuối]. (xt. Sát Na Đẳng Khởi, Tư).