ngũ đát đặc la

Phật Quang Đại Từ Điển

(五怛特羅) Phạm: Paĩcatantra. Cũng gọi Ngũ quyển thư. Sách ngụ ngôn trong văn học cổ điển Ấn độ được viết bằng tiếng Phạm, nguyên bản đã thất truyền nên không biết ai là tác giả cũng như niên đại soạn thuật. Nội dung lấy sự tụ tán li hợp của bạn bè làm trung tâm, do nhiều chuyện tích thí dụ cấu thành, mượn chuyện tăng lữ Bà la môn vâng mệnh vua làm thầy dạy Thái tử về các bí quyết cai trị, ngoại giao, xử thế, đạo đức v.v… để trang bị cho vị vua tương lai 1 nền giáo dục hoàn hảo. Sách gồm 5 thiên chuyện cổ chủ yếu có tính cách giáo dục là: Gặp được bạn bè, Bạn bè li biệt, Sự tranh đấu giữa quạ khoang và cú vọ (con kiêu), Được đó rồi mất đó và Hành vi chưa suy nghĩ kĩ… vì thế nên gọi là Ngũ đát đặc la. Ngoài ra, sách này cũng ghi thêm 1 số chuyện tiền thân của đức Phật bằng văn xuôi, 1 số ngụ ngôn trong Đại tự sự thi Ma ha bà la đa (Phạm:Mahàbhàrata) và 1 số chuyện cổ dân gian… Từ xưa, bản gốc của sách này đã được chép ra thành nhiều bản. Hiện nay còn có 5 loại bản tiếng Phạm, trong đó bản lưu truyền xưa nhất là Đát đặc la cơ da ý ca (Phạm: Tantràkhyàyika), được thành lập vào khoảng thế kỉ III, IV. Một bản khác thì vào khoảng thế kỉ V, VI đã được dịch ra tiếng Ba tư. Từ thế kỉ thứ V đến XI, có các bản dịch tiếng Syria và Arabia kế tiếp nhau xuất hiện. Khoảng thế kỉ XIII thì có bản dịch tiếng Latin được ấn hành. Từ đó về sau sách này được lưu truyền rộng rãi ở phương Tây, cho đến nay, kể cả phương Đông lẫn phương Tây, đã có bản dịch của hơn 60 thứ tiếng. Đối với sự phát triển và giao lưu văn học thông tục (ngụ ngôn, đồng dao, chuyện cổ dân gian…) của các quốc gia trên thế giới, hiển nhiên sách này đã có 1 giá trị bất hủ.