ngũ chủng tạng

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種藏) Chỉ cho 5 thứ Như lai tạng được nói trong chương Tự tính thanh tịnh của kinh Thắng man. Theo sự giải thích trong phẩm Tự thể tướng của luận Phật tính quyển 2, thì chân tính có nghĩa của 5 tạng, tức là: 1. Như lai tạng: Tất cả pháp đều không ngoài tự tính của Như lai, cho nên nói các pháp là Như lai tạng. 2. Chính pháp tạng: Các chính pháp như 4 niệm xứ… của tất cả các bậc Thánh đều lấy tính này làm cảnh, cho nên gọi tính này là Chính pháp tạng. 3. Pháp thân tạng: Tất cả thánh nhân đều tin ưa chính tính, nhân dó mà được 4 đức và công đức của hết thảy Như lai nhiều hơn số cát sông Hằng, cho nên gọi tính này là Pháp thân tạng. 4. Xuất thế tạng: Chính tính xa lìa lỗi lầm của tất cả pháp thế gian và chân thực không hư hoại, cho nên gọi tính này là Xuất thế tạng. 5. Tự tính thanh tịnh tạng: Tất cả pháp đều thuận theo chính tính, thì là chính chứ không phải tà, còn nếu các pháp trái ngược lại với tính này thì là tà chứ chẳng phải chính. Thuận theo chính tính là thanh tịnh, trái với chính tính là nhiễm ô, cho nên gọi là Tự tính thanh tịnh tạng. [X. Thắng man kinh bảo quật Q.hạ, phần cuối].