ngũ chủng bất phiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(五種不翻) Có 5 trường hợp không phiên dịch mà phải giữ âm tiếng Phạm, khi dịch 1 bản kinh tiếng Phạm ra Hán văn. Đây là 5 nguyên tắc do Đại sư Huyền trang đời Đường đặt ra để làm mẫu mực cho người dịch kinh đời sau noi theo. Đó là: 1. Vì bí mật: Như các Đà la ni (thần chú) trong kinh là lời nói bí mật của chư Phật, sâu xa mầu nhiệm chẳng thể nghĩ bàn nên không dịch nghĩa. 2. Một chữ bao hàm nhiều nghĩa: Như từ Bạc già phạm (Phạm: Bhagavad) có 6 nghĩa: Tự tại, xí thịnh, đoan nghiêm, danh xưng, cát tường, tôn quí… vì thế không thể chọn 1 nghĩa nào để phiên dịch. 3. Vì ở Trung quốc không có: Như cây Diêm phù (Phạm: Jambu) mọc ở Ấn độ, ở Trung quốc không có loại cây này, cho nên phải giữ nguyên âm. 4. Theo thông lệ từ xưa: Như A nậu đa la tam miệu tam bồ đề (Phạm: Anuttarasamyak-saôbodhi), nghĩa là Vô thượng chính đẳng chính giác, nhưng từ đời Đông Hán trở về sau, các nhà dịch kinh đều chỉ phiên âm, vì muốn giữ lại qui thức của người xưa nên không dịch. 5. Vì lòng tôn trọng: Như các từ Bát nhã, Thích ca mâu ni, Bồ đề tát đỏa… không dịch là trí tuệ, năng nhân, đạo tâm chúng sinh… là vì muốn cho mọi người giữ ý niệm tôn trọng, nếu dịch rõ ra sẽ bị coi nhẹ. [X. Đại minh tam tạng pháp số Q.20; bài tựa trong Phiên dịch danh nghĩa tập]. (xt. Dịch Kinh).