mạt na thức

Phật Quang Đại Từ Điển

(末那識) Mạt na, Phạm: Manas. Hán dịch: Ý, Tư lương. Thức nhiễm ô, luôn chấp thức thứ 8 A lại da làm ngã, là thức thứ 7 trong 8 thức tâm của loài hữu tình do tông Duy thức lập ra. Vì để phân biệt với thức thứ 6 cũng là Ý thức (Phạm: Mano-vijĩàna: Thức của ý) nên dùng âm Phạm là Mạt na làm tên gọi. Thức này tương ứng với các phiền não ngã si, ngã kiến, ngã ái và ngã mạn, lúc nào cũng thẩm xét, chấp trước kiến phần của thức A lại da làm ngã và ngã sở (ta và của ta), vì thế đặc chất của nó là hằng thẩm tư lương (luôn suy lường tính toán). Lại vì thức này là gốc của ngã chấp, nếu chấp trước mê vọng thì tạo các ác nghiệp, trái lại, thì đoạn trừ phiền não ác nghiệp, triệt ngộ chân lí nhân không, pháp không, cho nên gọi là Nhiễm tịnh thức, cũng gọi là Tư lương thức, Tư lương năng biến thức. Hơn nữa, từ vô thủy đến nay, thức này ngấm ngầm tương tục, không dùng sức bên ngoài, chỉ tự nhiên sinh khởi, cho nên tính chất của nó là Hữu phú vô kí. Thức này không dẫn sinh ra quả dị thục nhưng lại thường chướng ngại Thánh đạo, che lấp chân tính. Tông Pháp tướng căn cứ theo sự cạn sâu của các giai đoạn tu hành mà lập ra 3 vị về thức Mạt na, gọi là Mạt na tam vị. Đó là: 1. Bổ đặc già la ngã kiến tương ứng vị (Bổ đặc già la, Phạm: Pudgala, tức là người): Giai vị thức Mạt na duyên với thức A lại da mà sinh khởi kiến chấp về nhân ngã. Như tâm hữu lậu của phàm phu, Hữu học nhị thừa và Bồ tát từ Thất địa trở xuống. 2. Pháp ngã kiến tương ứng vị: Thức Mạt na duyên với thức dị thục thứ 8 mà sinh khởi kiến chấp về pháp ngã. Đây là chỉ cho hàng phàm phu, Nhị thừa và Bồ tát chưa chứng trí pháp không. 3. Bình đẳng tính trí tương ứng vị: Giai vị khởi Bình đẳng tính trí vô lậu, tức là Bồ tát quán pháp không mà vào Kiến đạo, lại ở giai vị Tu đạo sinh khởi quả trí pháp không và quả Phật. Trong 3 vị trên đây, 2 vị trước thuộc hữu lậu, vị thứ 3 thuộc vô lậu. Theo luận Thành duy thức quyển 5, thì sự tồn tại của thức Mạt na có thể dùng 2 giáo thuyết của kinh Nhập lăng già, kinh Giải thoát và 6 đạo lí để chứng minh. Đây gọi là Hai giáo sáu lí. Hai giáo: 1. Kinh Nhập lăng già quyển 9 cho rằng tính tư lương gọi là Ý. 2. Theo kinh Giải thoát thì Ý nhiễm ô cùng với các hoặc thường hằng sinh diệt. Sáu lí: 1. Bất cộng vô minh chứng: Tác dụng của thức thứ 6 tuy không gián đoạn, nhưng Bất cộng vô minh (cũng gọi Độc đầu vô minh, loại vô minh chỉ khởi một mình, chứ không tương ứng với các phiền não khác) của phàm phu thì không có gián đoạn mà thường tương tục, cho nên phải có thức Mạt na. 2. Lục nhị duyên chứng: Năm thức trước lấy 5 căn trước làm chỗ nương, lấy 5 cảnh trước làm chỗ duyên, cho nên thức thứ 6 cũng phải có thức Mạt na làm Ý căn là chỗ nương của nó. 3. Ý danh chứng: Mạt na gọi là Ý, vì là hằng thẩm tư lương nên nó phải thường tồn tại. 4. Nhị định sai biệt chứng: Bậc Thánh vào định Diệt tận có khác với các ngoại đạo vào định Vô tưởng, vì định Diệt tận không còn thức Mạt na, mà định Vô tưởng thì vẫn còn. 5. Vô tưởng hữu nhiễm chứng: Tu định Vô tưởng được sinh lên cõi trời Vô tưởng, ở đây tuy không còn thức thứ 6 nhưng vẫn có ngã chấp, bởi thế cần phải có thức Mạt na. 6. Hữu tình ngã bất thành chứng: Người phàm phu làm các việc thiện như bố thí v.v… nhưng không thể trở thành vô lậu, không thoát li được ngã chấp, là bởi vì còn có thức Mạt na. [X. kinh Nhập lăng già Q.8; luận Du già sư địa Q.63; luận Hiển dương Thánh giáo Q.1; luận Thành duy thức Q.4, 5; Thành duy thức luận xu yếu Q.hạ; Đại thừa nghĩa chương Q.3 phần cuối].