mật hiệu

Phật Quang Đại Từ Điển

(密號) I. Mật Hiệu. Danh từ ẩn chứa chân nghĩa sâu xa không thể qua hình dạng văn tự mà có thể hiểu thấu được. Như ví dụ núi có nghĩa là tâm bồ đề thanh tịnh không động chuyển, hoặc ví dụ đất có nghĩa chọc thủng vô minh trụ địa và trừ bỏ sự nhơ nhớp của tâm vọng tưởng. Ý nghĩa sâu xa trong 2 thí dụ này, những người tầm thường không thể theo mặt chữ để suy lường mà biết được, cho nên gọi là Mật hiệu. Lại như câu nói: Hãy giết hết hữu tình trong 3 cõi. Theo ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong câu nói ấy là phải diệt trừ hết hoặc nghiệp làm nhân cho sinh tử trong 3 cõi. Đại Nhật Kinh Sớ quyển 4 (Đại 39, 620 hạ) nói: Pháp môn mạn đồ la này cũng lại như thế, Như Lai dùng các nhân duyên sự tướng của thế gian ví dụ cho pháp giới chẳng thể nghĩ bàn để dẫn dắt các căn cơ. Nếu nhận ra điều này thì có thể tin hiểu được Phổ môn, dũng mãnh tiến tu, được Tam mật gia hộ. Khi nguồn tâm đã sáng, mới biết tất cả danh ngôn đều là Mật hiệu của Như Lai, những người thường tình không thể biết được. Như nói trì tụng 3 tháng, cho đến phương tiện 3 chuyển trong tính thanh tịnh viên minh, há có thể hiểu là 9 tuần thôi sao? Lại như Phật Bảo chàng ở phương đông, là nghĩa mới phát tâm bồ đề, há chỉ hiểu là 4 phương được sao? II. Mật Hiệu. Cũng gọi Kim cương danh, Quán đính hội. Danh hiệu Kim cương mà Phật và Bồ Tát thuộc Mật bộ đều có. Như Đại Nhật Như Lai mật hiệu là Biến chiếu kim cưong, Minh vương Ô xu sa ma mật hiệu là Hỏa đầu kim cương, đức Phật A Di Đà mật hiệu Thanh Tịnh Kim Cương. Ngoài ra, khi hành giả Mật giáo nhận lãnh pháp Quán đính cũng được gọi bằng mật hiệu này. III. Mật Hiệu. Tên khác của chân ngôn Mật giáo. [X. Đại Nhật Kinh Sớ Q.1]. (xt. Chân Ngôn).