ma ni giáo

Phật Quang Đại Từ Điển

(摩尼教) Anh: Manicheism. Đức: Manichismus. Pháp:Manichéisme. Cũng gọi Mạt ni giáo, Mâu ni giáo, Minh giáo, Minh tôn giáo. Tông giáo do ông Ma ni (Mani, Manes, Manichaeus) người Ba tư sống vào thế kỉ thứ III Tây lịch tổng hợp các thuyết của Bái hỏa giáo (Zoroastrianism, cũng gọi Thiên giáo, tông giáo của Ba tư cổ đại), Cơ đốc giáo và tư tưởng của Phật giáo mà thành lập ra. Giáo nghĩa của Ma ni giáo lấy thiện, ác nhị nguyên luận của Bái hỏa giáo làm nền tảng, tóm thu tất cả mọi hiện tượng vào thiện và ác, thiện là ánh sáng, ác là bóng tối, mà ánh sáng thì chắc chắn đánh tan bóng tối, nếu nhân loại nương theo chân lí của tông giáo và chí hướng của thần linh thì chắc chắn sẽ đi đến thế giới tươi sáng và hạnh phúc yên vui. Nhưng từ vô thủy đến nay, sáng và tối giao nhau; ác ma thường ở trong thế giới tối tăm gây nhiễu loạn, do đó thế giới hiện tại vẫn lẫn lộn thiện và ác, bởi thế loài người phải nỗ lực hướng thiện, để tạo nên một thế giới tươi sáng. Đó chính là lí do mà tông giáo này còn được gọi là Minh giáo. Thần của Ma ni giáo có 10 đức: Ái, tín, thành, kính, trí, thuận, thức, giác, bí và sát. Công phu tu dưỡng của tín đồ lấy sự cấm dục và im lặng làm chính. Công khóa hàng ngày là trai giới, cầu nguyện (4 lần mỗi ngày). Tính chất đơn giản, sáng sủa và trực tiếp của tông giáo này rất được người đương thời đón nhận, cho nên đã truyền bá ở vùng Trung á, Đế quốc La mã (khoảng thế kỉ IV), Ấn độ, Trung quốc v.v… một cách rộng rãi, cho đến thế kỉ XIII Ma ni giáo vẫn còn hưng thịnh. Ma ni giáo được truyền đến vùng Tân cương thuộc Trung quốc vào khoảng từ thế kỉ VI đến thế kỉ VII, rồi từ Tân cương truyền đến Hồi hột ở phía bắc sa mạc và thịnh hành ở vùng này. Vào năm Đại lịch thứ 3 (768) đời Đường, đáp lời thỉnh cầu của nước Hồi hột, vua Đại tông cho phép xây chùa Ma ni giáo ở vùng Giang hoài. Năm Hội xương thứ 5 (845), Đường vũ tông phá diệt Phật pháp, Ma ni giáo cũng bị đả kích nghiêm trọng, vì thế mà chuyển thành tông giáo bí mật, đồng thời, tiếp thu Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, cũng từ đó đổi tên là Minh giáo. Minh giáo tin chắc rằng bóng tối sẽ qua đi và ánh sáng tất phải đến, cho nên dám tạo phản, thường tỏ dấu hiệu chống lại chính phủ. Bắt đầu từ cuối đời Bắc Tống, ở các tỉnh Chiết giang, Giang tây, An huy v.v… thường xảy ra việc Minh giáo làm loạn. Về sau, Minh giáo lại liên kết với Di lặc giáo và Bạch liên xã mà biến thành Bạch liên giáo vào cuối đời Minh. Danh từ Minh giáo tuy không còn được thấy trong các văn hiến, nhưng thuyết Minh vương xuất hiện vẫn còn lưu truyền trong dân gian. [X. Phật tổ thống kỉ Q.29; Liễu tử hậu tập Q.28].