[thienminh_vce_heading_style text=”Phật Quang Đại Từ Điển” heading_style=”style7″ tag:div|font_size:24 extrabold=”bolder” upper=”1″]
(臘八) Ngày mồng 8 tháng chạp âm lịch, ngày đức Phật thành đạo. Lạp vốn là tên của lễ cúng tế ở Trung quốc vào cuối năm; vì Trung quốc đời xưa thường lấy tháng 12 âm lịch làm tháng tế lễ, nên gọi tháng chạp là Lạp nguyệt, gọi ngày mồng 8 tháng 12 là Lạp bát. Điều Phật thành đạo Niết bàn trong Sắc tu Bách trượng thanh qui quyển 2 (Đại 48, 1116 thượng), nói: Ngày mồng 8 tháng chạp là ngày đức Bản sư Thích ca Như lai đại hòa thượng thành đạo, đại chúng phải chuẩn bị hương, hoa, đèn, nến, trà, quả cho trang nghiêm, thanh tịnh để cúng dường. Vào ngày này, Phật tử Trung quốc phỏng theo điển tích mục nữ (cô gái chăn bò) dâng sữa cúng Phật, nấu cháo bằng gạo với trái cây cúng dường đức Phật, gọi là Lạp bát chúc (cháo mồng 8 tháng chạp). Tại Nhật bản, kỉ niệm ngày đức Phật thành đạo, từ ngày mồng 1 đến mồng 8 tháng chạp, trong các chùa thuộc Thiền tông, suốt ngày đêm chư tăng chỉ tọa thiền tu hành chứ không làm bất cứ việc gì khác ngoại trừ việc ăn uống và vệ sinh. Đến sáng sớm ngày mồng 8, sau khi tụng chú Đại bi trước tượng Phật Thích ca là kết thúc pháp hội kỉ niệm Phật thành đạo. Pháp hội này được gọi là Lạp bát nhiếp tâm, Lạp bát đại nhiếp tâm, cùng với hội tắm Phật, hội Niết bàn, gọi chung là Tam đại hội. [X. kinh Trường a hàm Q.4; kinh Quán tẩy Phật hình tượng; Đại Tống tăng sử lược Q.thượng; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.3].