dương văn hội

Phật Quang Đại Từ Điển


(楊文會) (1837 – 1911) Người Thạch đại, An huy, tự Nhân sơn. Ông là nhân vật then chốt trong công cuộc phục hưng Phật giáo Trung quốc ở cuối đời Thanh. Tính ông hào hiệp, thích đọc sách, thờ ơ với danh lợi, ghét bỏ khoa cử, không muốn làm quan. Khi quân Thái bình nổi lên, ông lánh nạn đến Hàng châu, tình cờ được đọc luận Đại thừa khởi tín ở thư viện, ông bèn chuyên tâm học Phật. Ông từng đi châu Âu hai lần, ở nước Anh, ông làm quen với các cư sĩ Đạt ma ba la (Dharmapàla) người Tích lan và Nam điều Văn hùng học giả Phật giáo Nhật bản, hẹn ước cùng nhau hợp sức khôi phục và hoằng dương chính pháp. Sau khi về nước, vào năm Đồng trị thứ 5 (1866), ông xuất tiền của thiết lập cơ sở khắc kinh ở Kim lăng, dự định khắc in hơn 3.000 quyển kinh Đại, Tiểu thừa, nhưng mới xuất bản được hơn 2.000 quyển thì ông qua đời. Khi Nhật bản biên tập và ấn hành tạng kinh chữ…(vạn) ông đã tặng vài trăm loại kinh sách Phật giáo. Năm Quang tự 33 (1907), ông xây dựng tinh xá Kì hoàn trong khu vực nhà khắc kinh làm nơi học tập, rồi tự mình soạn sách giáo khoa, chiêu tập học viên học kinh Phật, Phạm văn, Anh văn v.v… để bồi dưỡng lớp hậu tiến. Ông còn lập Hội Nghiên Cứu Phật Học, giảng kinh định kì. Những vị cao tăng như Nguyệt hà, Đế nhàn, Mạn thù v.v… đều đến giúp ông. Lại như Âu dương tiệm, Mai quang hi, Lí chứng cương v.v… đều là học trò của ông. Ông còn hợp lực với Lí đề ma thái người Anh dịch kinh luận sang Anh văn để giúp các nhân sĩ Âu tây học Phật. Rồi lại chọn họa sĩ vẽ tranh chính báo y báo trang nghiêm ở thế giới Cực lạc phương Tây để hoằng dương Tịnh độ giáo. Những bức tranh vẽ ấy hiện nay vẫn còn lưu hành. Về giáo nghĩa, ông đặc biệt tôn sùng luận Đại thừa khởi tín, còn về phương diện hành trì thì ông quí trọng Tịnh độ. Ông từng biện luận với người Nhật về cái sai trái của Tịnh độ chân tông, phê bình, công kích những lỗi lầm của hạng Thiền sư ám chứng và đề xướng Pháp tướng duy thức để cứu vãn thời tệ. Ông qua đời vào mùa thu năm Tuyên thống thứ 3 (1911), thọ 75 tuổi. Các trứ tác của ông gồm có 12 loại, được đưa vào Dương nhân sơn cư sĩ di thư. [X. Trung quốc Phật giáo sử Q.4 (Tưởng duy kiều); Dương nhân sơn dữ hiện đại Trung quốc Phật giáo (Hoa cương Phật học học báo kì thứ 2)].