diêm phù thụ

Phật Quang Đại Từ Điển


(閻浮樹) Diêm phù, Phạm; Pàli: Jumbu. Cũng gọi Thiềm phù thụ, Thiệm bộ thụ, Diệm phù thụ, Nhiễm bộ thụ, Tiềm mô thụ. Gọi tắt: Diêm phù. Tên khoa học: Eugenia jambolana. Thuộc loại cây cao lá rụng. Vốn sinh sản ở Ấn độ, nở hoa, kết trái vào khoảng tháng 4 tháng 5, quả màu tía đậm, vị hơi chua, hột có thể dùng làm thuốc. Luận Đại trí độ quyển 35 nói, Ấn độ là nơi cây Diêm phù xanh tốt nên được gọi là Diêm phù đề. Lại các con sông chảy qua rừng cây Diêm phù phần nhiều có hàm chứa vàng cát, cho nên vàng này được gọi là vàng Diêm phù đàn. Ngoài ra, kinh Khởi thế nhân bản và phẩm Diêm phù đề trong luận Lập thế a tì đàm quyển 1, đều nói có Diêm phù đại thụ vương. Cây này cao to, lá cây dày kín có thể ngăn che mưa gió, quả ngọt ngon không gì sánh bằng. Có người cho đây là cây lí tưởng do người Ấn độ tưởng tượng ra. [X. kinh Khởi thế Q.1; kinh Niết bàn (bản Nam) Q.9; Thiện kiến luật tì bà sa Q.17; Thích Ca phương chí Q.thượng; Bích nham lục tắc 14; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.7].