TỤC TẬP TẬP CỔ KIM PHẬT ĐẠO LUẬN HÀNH

Soạn giả: Đại Đường, chùa Sùng phước, Sa-môn Trí Thăng. Trích từ Hậu Hán thư liệt truyện 78.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

Theo nội truyện bản Hán pháp, vào niên hiệu Vĩnh Bình, đời vua Minh Đế nằm mơ thấy một người vàng, thân cao trượng sáu, ánh sáng khác thường, sắc tướng khó ai bằng. Nhà vua lo lắng. Hôm sau, vua nhóm họp các quan, kể rõ giấc mơ. Quan Phó Nghị thưa: Thần nghe ở Tây Vực có một vị thần được tôn là Phật. Người vàng mà bệ hạ thấy chắc là vị này. Tiến sĩ quốc học Vương Tuân kính cẩn thưa: Thần xét trong Chu Thư Dị ký có nêu: Vào thời Chu Chiêu Vương có vị Thánh xuất hiện ở phương Tây, Thái sử Tô Do thưa rằng: Theo sử chép một ngàn năm giáo pháp sẽ được truyền đến nơi này. Những gì bệ hạ mơ thấy chắc là điều đó. Vua Minh Đế tin lời, sai mười tám người như trung lang Thái Âm, trung lang tướng Tần Cảnh, tiến sĩ Vương Tuân tìm hỏi Phật pháp, đến Thiên Trúc gặp hai Sa-môn Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan, trung lang Tần Cảnh, tiến sĩ Vương Tuân… liền thỉnh hai Đại sư về nước. Với hạnh nguyện hoằng pháp hai Sa-môn không quản khó nhọc, cùng các đại thần vượt ngàn dặm trường về đến Lạc dương. Vua Minh Đế vui mừng, hết lòng tôn kính, lập tinh xá ở phía Tây thành Lạc dương, đó là chùa Bạch mã. Vì dùng ngựa trắng chở kinh từ Ấn Độ sang nên đặt tên chùa là Bạch mã. Hai Sa-môn Ma-đằng, Trúc Pháp Lan ở đó phiên dịch kinh điển, là những vị tăng đầu tiên trên đất Hán. Kinh của các vị dịch là pháp tạng đầu tiên trên đất Hán. Tượng Đức Thích-ca được vua Minh Đế cho phỏng theo tác phẩm của vua Ưu-điền để thờ 90 cúng là tượng Phật đầu tiên trên đất Hán.

Ngày mười một tháng mười hai niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười hai vua Minh Đế thiết lễ cúng dường tại chùa Bạch mã. Vua thưa Pháp sư Ma-đằng: Xin cho biết ngày tháng năm, nơi chốn mà Phật thọ sinh, giáo hóa, diệt độ. Pháp sư đáp: Ngày mười lăm tháng bảy năm Quý Sửu Phật gá thai vào phu nhân Ma-gia. Ngày mùng tám tháng tư năm Giáp Dần, Phật ra đời từ hông phải của phu nhân ở vườn Lâm-tỳ-ni thành Ca-tỳ-la-vệ. Theo Chu Thư Dị Ký: Ngày mùng tám tháng tư năm Giáp Dần, năm thứ hai mươi bốn của vua Chu Chiêu Vương thì sông suối ao hồ đều đầy tràn, cung điện, nhà cửa, núi sông, đất đai đều rung chuyển. Đêm ấy có ánh sáng năm màu chiếu soi khắp bốn phương. Nhà vua hỏi thái sử Tô Do: Hiện tượng gì vậy? Tô Do thưa: Có bậc Thánh xuất hiện ở phương Tây nên hiện điềm lành này. Vua hỏi: Có ảnh hưởng gì đến dân ta không? Tô Do đáp: Hiện tại thì không nhưng một ngàn năm nữa giáo pháp sẽ được truyền đến đây. Chiêu Vương liền sai khắc vào đá việc này, chôn ở trước đình tế trời Nam giao. Lúc đó, Phật sinh tại cung vua. Năm Nhâm Thân, Phật mười chín tuổi, xuất gia học đạo. Hán Thống sư nêu: Phật xuất gia lúc mười chín tuổi là vào năm Nhân Thân, năm bốn mươi hai thời Chu Chiêu Vương. Phật ba mươi tuổi thành đạo. Hán Thống Sư chép: Phật thành đạo lúc ba mươi hai tuổi. Năm Quý Mùi, năm thứ hai thời Chu Mục Vương, Phật hóa độ thế gian bốn mươi chín năm. Hán Thống Sư chép: Phật vào đời độ sinh bốn mươi chín năm. Theo Chu Thư Dị ký thì Chu Mục Vương lên ngôi được ba mươi hai năm, thấy ánh sáng lạ ở phương Tây, vua hỏi về những ghi chép của Tô Do mới biết là có bậc Thánh độ sinh ở phương Tây. Mục Vương không hiểu, sợ ảnh hưởng đến đạo trị dân nhà Chu nên sai tướng quốc Lữ Hầu, cùng chư hầu lên núi Đồ sơn cầu cúng. Lúc ấy pháp Phật đã được truyền bá ở đời khá lâu. Ngày mười lăm tháng hai năm Nhâm Thân, Phật nhập Niết-bàn. Theo Hán Thống Sư thì Phật nhập Niết-bàn vào năm Nhâm thân, năm thứ năm mươi hai thời Chu Mục Vương.

Xét Chu Thư dị ký ngày mười lăm tháng hai là năm Nhâm Thân, năm thứ năm mươi hai thời Chu Mục Vương, trời đang yên bỗng nổi cơn giông tố, làm sập nhà cửa, cây cối đổ gãy, sông núi rung chuyển. Xế trưa trời u ám, ở phương Tây xuất hiện cầu vòng trắng mười hai vòng nối liền Nam bắc, suốt đêm không mất. Mục Vương hỏi thái sử Hộ Đa: Đó là điềm gì? Hộ Đa đáp: Phương Tây có bậc Thánh Niết-bàn nên hiện tướng bi ai. Mục Vương vui mừng nói: Trẫm thường lo sợ vị ấy, giờ đã Niết-bàn, trẫm còn sợ gì? Phật Niết-bàn đến nay đã hơn một ngàn hai mươi hai năm. Minh Đế vui vẻ, thưa: Lời Pháp sư giảng rất hợp với những gì ghi trong Chu Thư Dị Ký của nước con. Vua lại hỏi Pháp sư: Phật là đấng Đại từ vì sao lúc xuất thế lại không giáo hóa cõi này? Pháp sư đáp: Nước Ca-tỳ-la-vệ là trung tâm của tam thiên đại thiên thế giới, trăm ức mặt trăng, mặt trời, chư Phật ba đời đều thọ sinh ở đó, trời rồng quỷ thần cũng nguyện sinh về đó để thọ chánh pháp của Phật, được ngộ đạo, chúng sinh ở nơi khác không có duyên nên Phật không đến. Tuy vậy ánh sáng của Phật hiện khắp mọi nơi, nơi nào có ánh sáng chiếu đến thì hoặc năm trăm năm hoặc một ngàn năm sau sẽ có bậc Thánh truyền bá pháp Phật. Vua thưa: Lời thánh rất hợp trong Chu Thư Dị Ký. Lời đáp của Pháp sư Đạt-ma Bạt-đa-la với các Pháp sư nước Cao Lô rằng: Phật giáng sinh vào ngày mùng tám tháng tư năm thứ hai mươi bốn thời Chu Chiêu Vương, Niết-bàn vào ngày mười lăm tháng hai năm thứ năm thời Chu Hiếu Vương.

Theo Đế Vương Thế Ký, Chu Chiêu Vương làm vua được năm mươi mốt năm, Chu Mục Vương làm vua được năm mươi lăm năm, Chu Cung Vương trị vì mười hai năm, Ý Vương trị vì hai mươi lăm năm. Từ đời Chiêu Vương năm thứ hai mươi bốn đến đời vua Hiếu Vương năm thứ năm là một trăm hai mươi bốn năm. Phật giáng sinh đến Niết-bàn là bảy mươi chín năm. Nếu nói Phật Niết-bàn vào đời vua Hiếu Vương năm thứ năm thì thật sai lầm. Không biết Pháp sư Thống y cứ kinh điển nào.

Theo Thế Truyền Ký thì chánh pháp tồn tại năm trăm năm, tượng pháp tồn tại một ngàn năm, mạt pháp kéo dài một vạn năm. Kinh dạy: không còn công dụng thì gọi là diệt, không phải là chết mất. Có bản chỉ ghi hai thời chánh và mạt pháp, không có tượng pháp. Từ lúc Phật Niết-bàn đến niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười đời Hán Minh Đế là một ngàn hai mươi năm. Từ niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười đến niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ mười, tức năm Giáp Tuất là năm trăm bốn mươi tám năm, cộng chung là một ngàn năm trăm sáu mươi tám năm. Từ niên hiệu Đại Nghiệp năm thứ mười đến niên hiệu Trinh Quán năm thứ mười là hai mươi hai năm, cộng chung là một ngàn năm trăm chín mươi năm.

92

HÁN PHÁP BẢN NỘI TRUYỆN THỨ 3

PHẨM ĐẠO SĨ ĐỘ THOÁT

Ngày mùng một tháng một niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười bốn. Theo tục lệ Trung Hoa, các đạo sĩ được xếp vào hàng thứ hai sau triều chính. Từ lúc các quan thần sang nước Thiên Trúc thỉnh được kinh Phật, nhờ hai Pháp sư Ca-diếp Ma-đằng và Trúc Pháp Lan dịch sang tiếng Hán, nhà vua xây hai ngôi chùa Bạch mã và Hưng thánh, cho vương tôn công tử xuất gia làm Sa-môn, hầu hạ hai Pháp sư Thiên Trúc, thực hành giáo pháp của hai vị. Từ quý tộc đến dân thường đều tôn kính theo. Thấy vậy các đạo sĩ liền trách, dâng sớ tâu lên vua rằng: Bệ hạ bỏ đạo pháp của chúng thần, tôn trọng giáo pháp của người Hồ. Chúng thần được xếp vào hàng thứ hai sau triều chính, đủ khả năng thông đạt kinh sách của Thái thượng Thiên tôn. Xin bệ hạ cho phép chúng thần được thi đấu với các đạo sĩ nước Hồ để bệ hạ kính tin. Thế rồi bảy mươi đạo sĩ ở Nam nhạc như đạo sĩ Chử Thiện Tín đem một bộ Linh Bảo Chân Văn, một bộ Thái Thượng Linh Bảo Ngọc Quyết, một bộ Không Động Linh Chương, một bộ Trung Huyền bộ Hư Chương, một bộ Thái Thượng Tả Tiên Công Thỉnh Vấn, một bộ Tự Nhiên Ngũ Xướng, một bộ Chư Thiên Nội Âm, gồm một trăm lẻ ba quyển. Bảy mươi đạo sĩ ở Hoa nhạc như đạo sĩ Lưu Chánh Niệm đem một bộ Trí Tuệ Định Chí, một bộ Trí Tuệ Thượng Phẩm Giới, một bộ Tiên Nhân Thỉnh Vấn Bổn Hạnh Nhân Duyên, một bộ Minh Chân Khoa, gồm sáu mươi hai quyển. Bảy mươi đạo sĩ ở Hằng nhạc như đạo sĩ Hoàn Văn Độ đem một bộ Bổn Nghiệp Thượng Phẩm, bộ Pháp Khoa Tội Phúc, bộ Minh Chân Khoa Trai Nghi, bộ Thái Thượng Thuyết Động Huyền Chân Văn, gồm tám mươi quyển. Bảy mươi đạo sĩ ở Đại nhạc như Đạo sĩ Tiêu Đức Tâm đem bộ Chư Thiên Linh Thư Độ Mạng, bộ Thái Thượng Thuyết Thái Cực Thái Hư Tự Nhiên, bộ Diệt Độ Ngũ Luyện Sinh Thi, bộ Độ Tự Nhiên Xứ Nghi, gồm tám mươi lăm quyển. Một trăm bốn mươi đạo sĩ ở Tung

Nhạc như đạo sĩ Lữ Tuệ Thông đem bộ Thái Thượng An Chí Thượng Phẩm, bộ Tam Nguyên Giới Phẩm, bộ Thái Cực Tả Công Thần Tiên Bản Khởi Nội Truyện, bộ Phục Ngự Ngã Nha Lập Thành, bộ Triêu Tịch Triều Nghi gồm chín mươi lăm quyển. Hai trăm bảy mươi đạo sĩ ở các núi Tiêu sơn, Thiên mục, Ngũ nhật tân, Bạch lộc, Cung sơn như đạo sĩ Kỳ Văn Tín đem bộ Thái Cực Chân Phu Linh Bảo Văn, bộ Thái Thượng Động Huyền Linh Bảo Đại Văn Ngũ Phù Kinh, bộ Bộ Hư Văn, bộ Thần Tiên Dược Pháp, bộ Thi Giải Phẩm, bộ Thượng Thiên Phù Lục Sắc Cấm gồm tám mươi bốn quyển, bộ Mao Thành Tử, bộ Hứa Thành Tử, bộ Liệt Thành Tử, bộ Tuệ Tử, kể cả sách của hai mươi bảy nhà thành hai trăm bốn mươi lăm quyển.

Ngày mùng chín tháng một đạo sĩ Chữ Thiện Tín ở núi Nam nhạc huyện Ngô khâu, quận Dự chương, tỉnh Dương châu đứng đầu: Sáu trăm chín mươi đạo sĩ (đệ tử Thái Thượng Tam Động) cam tội chết dâng sớ: Thần nghe Thái thượng không hình không tên vô cực vô thượng, hư vô tự nhiên, cội nguồn đại đạo. Đạo giáo có từ tạo hóa, là đấng tối tôn của vô vi, là cha lành của tự nhiên, thượng cổ đều tôn, trăm vua không đổi. Nay bệ hạ đạo vượt Hy, Hoàng, đức hơn Nghiêu, Thuấn, ân trạch bốn biển, mọi nơi đều hướng về. Chúng thần trộm nghĩ bệ hạ bỏ gốc theo ngọn, cầu giáo nơi Tây Vực. Thần xét người mà Tây Vực tôn kính là đạo sư người Hồ, những gì họ nói đều không bằng Hoa Hạ chúng ta. Bệ hạ thỉnh đạo sĩ người Hồ dịch sách ra tiếng Hán, thần nghĩ đó không phải là đạo lớn. Nếu không tin xin bệ hạ cho chúng thần tỉ thí. Các đạo sĩ ở Ngũ nhạc đều là người thông minh trí tuệ, rộng thông kinh điển, từ Nguyên Hoàng đến nay họ đều hiểu rõ kinh của Thái thượng, tỏ đạt phù chú thái hư, hoặc nuốt bùa chú, hoặc sai khiến quỷ thần, hoặc nhảy vào lửa không bị đốt, hoặc xuống nước không bị chìm, hoặc bay lên trời, hoặc chui vào trong đất, còn thông cả pháp thuật trị bệnh. Xin bệ hạ cho chúng thần tỉ thí để một là bệ hạ an lòng, hai là nói lên chân ngụy, ba là đạo lớn có nguồn, bốn là không loạn phong tục Hoa Hạ. Nếu chúng thần không địch nổi thì tùy bệ hạ định tội. Nếu chúng thần thắng thì xin bệ hạ đuổi hết tà đạo. Chúng thần rất đổi kinh sợ, cam chịu chết, cam chịu chết.

Vì được nghe hai Pháp sư Thiên Trúc giảng kinh, vua Minh Đế đã tỏ thông tướng pháp, rất mực kính tin nên khi nghe sớ của các đạo sĩ vua liền sai thượng thư đưa thư hẹn các đạo sĩ đến cung Trường lạc. Vua nói với các đạo sĩ: Các đại đức! Chớ tự lầm lạc. Theo các đại đức thái thượng là vô hình vô thượng, tự nhiên, tối tôn. Giờ có kinh giáo từ Tây Vực truyền đến. Kinh giáo này thật khó gặp, mới bắt đầu truyền qua phương Đông, những gì các đại đức học không phải là pháp chân thật. Đã thấy pháp chân thật, các đại đức còn cố chấp, thật chẳng khác gì con rồng của Diệp Công xưa. Chử Tín thưa: Nếu đạo Phật là chân thật lẽ ra không có hình sắc, vì sao lại vẽ tượng, như thế thì nhất định là hư giả không tự nhiên. Vua nói: Pháp sư Ma-đằng từng giảng pháp cho trẫm nghe rằng: Phật có bốn thân là Pháp, Báo, Ứng, Hóa. Pháp thân vô vi, không tướng, không chủ, không tông, vắng lặng. Báo thân thì độc lập không bạn bè, thênh thang không gì sánh, soi sáng thế giới, tự tại ẩn 9 hiện. Ứng thân đủ hình sắc ngôn hạnh, tùy vật hiện hình. Hóa thân: Giảng nói chánh pháp, dắt dẫn bằng ba thừa, lợi ích chúng sinh, tùy cơ độ thoát. Các đại đức nên biết, Phật có bốn thân, ẩn hiện tự tại, không thể nghĩ bàn, đủ mọi công dụng, vắng lặng nhiệm mầu. Đó là núi lớn trí tuệ, biển cả Niết-bàn, hãy kính tin, sẽ được vô lượng phước. Chử Tín hỏi: Chẳng hay Niết-bàn là gì? Vua nói: Niết-bàn vô vi, tự nhiên, vắng lặng, chỉ có một vị, là cách nói khác của nhãn mục. Chử Tín hỏi: Niếtbàn có mấy nghĩa? Vua đáp: Pháp sư Ma-đằng có giảng cho trẫm nghe rằng Niết-bàn có nhiều nghĩa, khi nhập Thánh vị, Niết-bàn có năm loại: Tùy phần, hữu dư, giác diệt, phương tiện, rốt ráo. Chữ Tín thưa: xin nói rõ nghĩa của năm loại. Vua nói: Ba quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm của Tiểu thừa sau khi hết quả báo trời người được sinh về cõi Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, đó là tùy phần Niết-bàn. Quả thứ tư của Tiểu thừa giữ gìn sáu căn, chứng trí không của bảy thức, sinh lên cõi thiền thứ tư, đó là Niết-bàn hữu dư. Quả Bích-chi-phật của trung thừa quán mười hai nhân duyên, chứng vui diệt tận, sinh về cõi Thức xứ hoặc Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là Niết-bàn giác diệt. Bồ-tát đại thừa từ địa một trở lên thường ở sáu đường, ra vào sinh tử, không bỏ chúng sinh, tùy loại thọ thân để độ, hạnh nguyện, thanh tịnh không thoái chuyển Bồ-đề, đó là Niết-bàn phương tiện. Bồ-tát trải qua vô số kiếp ở trong biển sinh tử, chịu nhiều khổ não, tu tập hạnh lành, thành tựu muôn hạnh, chứng đạo chánh chân vô thượng, đó là Niết-bàn rốt ráo. Chử Tín thưa: Nếu Phật đạt Niết-bàn rốt ráo thì xin cho tỉ thí. Vua hỏi: Các vị vẫn còn muốn tỉ thí ư? Chữ Tín thưa: Thần xin lập đàn, đặt kinh điển của Thái thượng thiên tôn, chất củi đốt. Nếu pháp chân thật thì không bị lửa đốt, nếu pháp hư ngụy thì sẽ bị lửa đốt. Giáo pháp của Tây Vực cũng xin làm như thần. Vua nói: Khanh không biết thẹn, trẫm e rằng việc đó chẳng khác nào ánh sáng của đom đóm lại muốn sánh với ánh mặt trời, mặt trăng, cục đất tròn lại muốn so với ngọc tùy quốc, thật không hợp. Nếu khanh không tin, muốn tỉ thí thì vào ngày mười lăm tháng giêng này hãy tập trung về chùa Bạch mã. Được vua nhận lời, đạo sĩ vui vẻ ra về. Các đạo sĩ đến những chỗ đông dân để thi thố tài năng, người thì đi trên mặt nước không bị chìm, người thì chất củi trong vườn đốt nhưng không bị cháy, người thì trì chú hô thần nhập quỷ, dân chúng thấy thế đều tôn là đại thánh. Đến ngày mười lăm vua đến chùa Bạch mã, đốt hương lạy Phật xong, vua thưa với hai Pháp sư: Các đạo sĩ đều muốn tỉ thí với hai Đại sư, đệ tử đã nhận lời, hẹn ngày mười lăm tháng này đến chùa Bạch mã để tỉ thí, xin hai Đại sư gia ân ban pháp lành. Pháp sư Ma-đằng đáp: Như Lai diệt độ hơn một ngàn năm, chánh pháp được truyền đến phương Đông, đó là thật. Các đạo sĩ muốn tỉ thí thì giờ đã đúng lúc, bần đạo tuy mặc áo nâu sòng, không trọn giới hạnh nhưng cũng nhờ oai lực của Phật pháp mà được tỏ ngộ. Nghe vậy vua rất vui, Pháp sư lại nói: Bệ hạ từng tu phước lành, được làm vua thiên hạ, lại có lòng kính tin nên mong mọi loài hướng về nẻo chánh, đó là ân đức nền tảng và công đức khó lường của Bồ-tát. Vua cúi lạy Pháp sư, thưa: Đệ tử nhờ ánh sáng của Pháp sư mà được thỏa nguyện, lại được Pháp sư giáo hóa, thật là hạnh duyên một đời, Từ bi nhuần thắm. Pháp sư vui mừng, mời vua ngồi. Vua lại hỏi Pháp sư Trúc Pháp Lan: Tây Vực có đạo sĩ không? Pháp sư đáp: Phạm chí ở Tây Vực như đạo sĩ ở cõi này. Vua hỏi: Đạo có mấy loại, đạo nào chính? Pháp sư đáp: Có chín mươi lăm loại, chánh pháp là chính. Hạnh nguyện có khác, xin nêu tám phạm hạnh: Thường tu hạnh thanh tịnh, tỏ thông ngoại điển, thờ trời Mahê-thủ-la, cầu sinh về không xứ, thức xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, thường tu phạm hạnh, thông hiểu ngoại điển, thờ Đại phạm thiên vương, cầu sinh về bốn cõi thiền; thường tu phạm hạnh, thông hiểu kinh điển, thờ thiên tôn, cầu sinh về các cõi trời Diệm-ma, Đâu-suất, Hóa lạc, Tha hóa tự tại; thường tu phạm hạnh, thông hiểu ngoại điển, có tài hùng biện, thờ sáu vị giáp chủ ngoại đạo, nương vào cái không, diệt có không; thường tu phạm hạnh, cầu học đạo tiên, giỏi về chú thuật, thờ tiên A-tưđà, cầu được uống năm thứ thần đan, nếu đạt đạo tiên sẽ bay đi như chim; thường tu phạm hạnh, chuyên về y học, giỏi phù phép, thờ tiên A-tư-đà, cầu uống cỏ ngũ chi, nếu đạt đạo sẽ ẩn hình; thường tu phạm hạnh, thờ đại tiên Ba-đầu, cầu vào lửa không bị cháy; thường tu phạm hạnh, thờ vị tiên nước Di Chế Thúc La, cầu vào nước không bị chìm. Tám đạo này nhờ phạm hạnh được sinh cõi trời, nhưng vì không có tâm hướng về chánh tín sau khi hết tuổi thọ ở cõi trời thì bị đọa vào ba đường ác. Vua hỏi: Tám đạo này đều tu phạm hạnh, thông hiểu kinh điển, tức là bậc thượng nhân của thế gian, lúc gặp Phật lẽ ra đã tỏ đạo sao vẫn giữ kiến chấp? Pháp sư đáp: Rất khó được gặp Phật ra đời, một trăm tiểu kiếp mới có một Đức Phật ra đời. Trước khi Phật ra đời hoặc có các vị trời có sức mạnh, hoặc có bậc Thánh tự tại sợ đời không ai giáo hóa nên giáng sinh vào đời hoặc làm vua, hoặc làm Pháp sư, hoặc dạy phạm hạnh, hoặc dạy hạnh tôn kính, hoặc dạy thờ Phật, hoặc dạy thờ thần, mặt trời mặt trăng, thần sông biển, chư tiên, thần nước lửa, thần lúa, tiên sư. Vì lúc đầu đã huân tập như thế nên tuy gặp Phật ra đời, kẻ độn căn thì cho rằng thần mà ta thờ đã có từ xưa, Phật tuy khác nhưng giáo pháp thì gần giống nhau, cần gì phải bỏ xưa theo nay, thế rồi chấp chặt vào đạo của họ. Vua hỏi: Trong đạo Phật có tiên hay không? Pháp sư đáp: Tiên thì truyền phạm hạnh, nhiều chú thuật nên được thế gian tôn thờ. Lúc Phật mới thành đạo ở cội Bồ-đề, người đời không biết ánh sáng của Phật nên nói là đại thiên giáng sinh, thật ít có. Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên tự tại biến hóa trong hư không, người ta cho là đệ tử thiên tiên. Phật tùy cơ ứng hiện nên tôn là Phật. Vua thưa: Đệ tử nghe Pháp sư giảng pháp tâm tưởng thông hiểu, chẳng hay Pháp sư hàng phục đạo sĩ bằng cách nào? Pháp sư đáp: Rồng gầm mây nổi, loài trùng dế không thể làm được. Cọp gầm gió thổi, loài ngựa không thể sánh. Sấm nào sợ tiếng trống, chớp nào ngại ánh đom đóm, địch đi thì đánh cần gì phải để móng gãi ngứa? Vua cười to, rằng đệ tử biết Pháp sư chứng đạo chứng lý, không lo sợ. Pháp sư nói: Bần đạo chưa được pháp hơn người, không dám cao ngạo. Như các hoàng tử được phong vương hầu, vua ra lệnh tuần tra thay đổi phong tục, thấy các quan địa phương, các vị vương hầu há sợ hay sao? Vua nói: Sứ giả là con của trẫm, được trẫm phái đi làm sao sợ quan quận huyện được. Pháp sư thưa: Các quan quận huyện có tự tại trước sứ giả không? Người thừa uy mệnh của trẫm, các quan quận huyện nào dám nghênh ngang. Pháp sư nói: Cũng như vậy, bần đạo là người xuất gia, là đệ tử của Đấng Pháp Vương, chánh pháp mà bần đạo thọ trì là pháp được giảng từ kim khẩu của Pháp Vương nên đến đâu đều không sợ, nơi nào có chánh pháp ma trời quỷ thần đều tôn kính, đạo sĩ trí nhỏ nào có đáng gì. Nghe lời Pháp sư, vua vui vẻ, cáo từ trở về thành, ra lệnh cho các quan hữu tư lo thiết trai lễ, và lệnh cho các quan văn võ trong ngoài từ ngũ phẩm trở lên vào ngày mười lăm tập trung về chùa Bạch mã. Ngày mười ba các đạo sĩ nhóm hợp về phía Nam chùa Bạch mã, lập ba đàn tràng ở phía Tây, Đông, mỗi đàn có hai mươi bốn cửa, đàn phía Tây đặt ba trăm sáu mươi chín quyển kinh Thái thượng linh bảo thiên tôn, đàn ở giữa đặt hai trăm ba mươi lăm quyển sách của hai mươi lăm nhà nhà, đàn phía Đông để thức cúng thần linh. Ngày mười bốn vua đặt hành điện bảy báu ở phía Nam cách chùa một trăm bộ, trên đó đặt xá-lợi và kinh tượng Phật. Sáng ngày mười lăm tất cả đã bố trí xong, mọi người đều nhóm hợp về. Vua bảo các đạo sĩ: Các đại đức muốn tỉ thí thì giờ đã đến, hãy trổ tài của các vị cho mọi người xem. Các đạo sĩ vâng lệnh vua, chất gỗ chiên-đàn, trầm thủy đốt đàn tràng để kinh, khóc lóc cầu khẩn rằng kinh giáo của thái thượng thiên tôn có từ thời sơ khai, các bậc hiền triết xưa nay đều tuân hành, nay giáo pháp của Tây Vực làm loạn phong tục Hoa Hạ, chúng thần sáu trăm chín mươi đạo sĩ của các đạo quán trong Ngũ nhạc xin đốt kinh điển để nói lên chân ngụy. Khi họ đốt kinh điển cháy rụi, ai nấy đều kinh sợ, người muốn bay lên trời thì không bay được, người muốn ẩn mình cũng không ẩn được, người muốn ngảy vào lửa thì không dám vào, người giỏi chú thuật giờ lại không linh nghiệm, các đạo sĩ đều hổ thẹn. Vua nói: Các vị không nghe sao, ở Ích châu có núi Chung sơn, trên núi có tên cướp cướp bóc ngang dọc, cho là không ai hơn mình, đến khi quân lính đến thảo phạt thì chúng không còn ngông nghênh. Các khanh hôm nay cũng như vậy. Lúc ấy thái phó Trung Diễn nói với Chử Tín: Hôm nay ông ấy tỉ thí không có hiệu nghiệm, thì giáo pháp của ông là luống dối, giáo pháp của Tây Vực là chân thật. Chử Tín nói: Mao Thành Tử dạy: Thái thượng là linh bảo thiên tôn. Đứng đầu của tạo hóa là Thái Tố, há đó là luống dối hay sao? Trương Diễn đáp: Thái Tố chỉ có danh đức quý nhưng không có kinh giáo, giờ nói có kinh giáo thật là luống dối. Tôi tra cứu điển tích biết Linh Bảo không có dòng tộc để nương, xưa nay Linh Bảo không có nơi thành đạo. Nếu Linh Bảo là tự nhiên thì sao lại có kinh điển. Nếu nói Linh Bảo xuất thế thì đã nói pháp cho ai nghe, chỉ là giả mượn tên hiệu Thái Thượng thiên tôn. Còn đây là pháp của bậc giác ngộ, cứu mọi loài trong sáu đường, ông hãy theo chân bỏ vọng, nếu không thì sẽ luống uổng trăm năm. Nếu ông không tin thì hãy tôn thờ Hoàng Lão. Hoàng Lão tuy không bằng Pháp Vương nhưng cũng là bậc Thánh đời trước, tuy cũng viết sách như các vị khác nhưng lời lẽ và việc làm rất sâu xa, tánh vương đạo đức vô vi. Xưa kia hoàng đế Hiếu Cảnh siêng năng tu tập, do đó mà có đạo học đứng đầu trăm nhà, được xếp sau pháp Phật. Mao Thành tử, Trang tử, Liệt tử đều học đạo tự nhiên, tiêu diêu ngoài trần lụy, được xếp sau Hoàng lão. Vì sao chỉ tôn thờ Linh Bảo? Chử Tín đáp: Linh Bảo có khả năng lên trời xuống đất, kêu gọi quỷ thần, đi trong nước lửa. Hôm nay ta đốt kinh, không được sự che chở nên rất hổ thẹn. Diễn nói: Lớn chế phục nhỏ là điều tự nhiên như các quan lại của châu quận tự do ở một cõi, nếu không tôn oai đức của hoàng đế thì như các vị học pháp thuật, muốn cho núi không có dấu thú dữ, đời không có đạo bạn, giờ đã rõ chân ngụy, không làm đời sau lầm lẫn. Chử Tín im lặng không đáp, sau đó chết chung với đạo sĩ Phí Thúc Tài ở Nam Nhạc. Lúc ấy, ánh sáng từ xá-lợi Phật phát ra năm màu, chiếu soi trên hư không, tạo thành lọng báu, che khắp đại chúng, che khuất cả ánh sáng mặt trời.

Pháp sư Ma-đằng đã chứng quả A-la-hán nên bay lên hư không, tự tại biến hóa trong hư không, rồi an nhiên trở về pháp tòa. Lúc ấy trời tuôn hoa báu trước tượng Phật và chúng tăng, nhạc trời vang xa chấn động lòng người, đại chúng vui mừng khen là việc hiếm có. Pháp sư liền nói kệ:

Cáo không phải sư tử
Đèn chẳng phải trời trăng
Ao không nạp biển cả
Gò không cao như núi
Mây pháp bủa thế giới
Hạt giống lành đâm chồi
Hiển hiện pháp hy hữu
Độ chúng sinh mọi nơi.

Nói kệ xong Pháp sư hỏi các đạo sĩ: Các đại đức! Nếu muốn hỏi gì xin cùng đàm đạo. Đạo sĩ Lữ Tuệ Thông ở Tung nhạc nói: Chúng tôi không tự lượng đức mình dám tỉ thí với đại đức. Vừa được thấy ánh sáng thần soi chiếu và sự biến hóa thần thông của đại đức, được nghe nhạc trời vi diệu, chúng tôi đã tỏ đường mê, hoa trời tuôn mới biết cội nguồn của đạo. Chúng tôi chưa hiểu chánh pháp, nào dám vặn hỏi. Vua Minh Đế liền rời tòa, cúi lạy Pháp sư, thưa: Đệ tử chúng con luân hồi sinh tử, chìm trong sông ái, giờ mới thấy chánh pháp truyền đến phương Đông, xin Pháp sư rũ lòng từ mở bày chánh pháp. Pháp sư im lặng nhận lời. Vua ra lệnh cho đại chúng, ai muốn cầu pháp hãy đến gần Pháp sư. Đại chúng liền vây quanh Pháp sư, lặng lẽ lắng nghe. Pháp sư dùng tiếng vi diệu khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật, bảo đại chúng khen ngợi Tam bảo và pháp lành, rồi Pháp sư giảng pháp nhân duyên trời người địa ngục, hoặc giảng pháp A tì đàm của tiểu thừa, hoặc giảng pháp Đại thừa, hoặc giảng pháp sám hối diệt tội, hoặc giảng pháp công đức xuất gia. Được nghe pháp đại chúng đều thấy kỳ diệu. Lúc ấy tư không Dương Thành Hầu, Lưu Thiện Tuấn thưa: trí tuệ của đại đức như biển lớn, chúng con không thể vượt qua, xin cho chúng con được xuất gia, thờ phụng đại đức. Pháp sư nói: đại chúng phát tâm xuất gia là duyên nghiệp giải thoát. Các vị đều bị ràng buộc theo pháp vua, ta không thể cho phép. Vua Minh Đế liền thưa: từ xưa đến nay đệ tử không phân biệt chân ngụy, không có trí tuệ, nhờ gương sáng của Pháp sư chiếu rọi mới biết được cội nguồn thật tướng. Ở đây có đạo sĩ, quan dân, nếu ai xin xuất gia, đệ tử đều chấp thuận, xin cung cấp ba y và bình bát, xây tinh xá để họ học đạo. Pháp sư khen: Hay thay! Hay thay! Công đức của bệ hạ thật khó lường.

Được vua cho phép mọi người đều vui mừng, sáu trăm hai mươi đạo sĩ như Lữ Tuệ Thông đều xuất gia. Đạo sĩ Chữ Tín, Phí Thúc Tài chết ở đại hội, sáu mươi tám đạo sĩ ở Nam nhạc lo chôn cất họ nên không dự nghe pháp, không được xuất gia, chín mươi ba vị quan từ ngũ phẩm trở lên như Dương Thành Hầu, Lưu Thiện Tuấn xuất gia, một trăm bảy mươi lăm vị quan thị vệ cửu phẩm trở lên như tướng quân Chấn Viễn, Khương Tuân Nhi xin xuất gia, một trăm hai mươi mốt dân thường xin xuất gia vào ngày mười sáu. Nhà vua cắt tóc cho người xuất gia, ngày đêm cúng dường, trỗi nhạc, đến ngày ba mươi thì y phục và bình bát bắt đầu chuẩn bị xong. Vua xây mười ngôi chùa, bên ngoài bảy ngôi, bên trong thành ba ngôi, bảy chùa cho tăng, ba chùa cho ni. Phật pháp đời Hán hưng thịnh từ đó.

Hán pháp bản nội truyện gồm năm quyển.

– Quyển 1: Minh Đế cầu pháp.
– Quyển 2: Thỉnh Pháp sư xây chùa.
– Quyển 3: Tỉ thí, độ thoát đạo sĩ.
– Quyển 4: Minh Đế, đại thần khen ngợi.
– Quyển 5: Lưu truyền rộng rãi.
– Truyền pháp ký một quyển.

Năm Kỷ sửu, niên hiệu Kiến Hòa năm thứ ba đời Hán Hoàn Đế, có Sa-môn An Thanh, là thái tử nước An Tức, bỏ ngôi xuất gia, du hóa khắp nơi, đến Lạc dương, dịch các kinh điển. Năm Bính Thìn, niên hiệu Gia Bình năm thứ năm đời Hán Linh Đế, Sa-môn Lâu-ca-sấm, người nước Nguyệt Chi, đến Lạc dương, dịch các kinh điển. Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Hòa năm thứ hai đời Hán Linh Đế, Sa-môn Trúc Phật Sóc, thừa tướng nước Nguyệt Chi, bỏ tướng vị, mở mang Phật đạo, khai hóa chúng sinh, đến Lạc dương dịch các kinh điển. Theo Ngụy Thư, vào năm Nhâm Dần, niên hiệu Hoàng Sơ năm thứ ba đời Văn Đế, có Samôn Đàm-ma-ca-la, người Thiên Trúc, đến Hứa đô dịch kinh, giới luật. Từ niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười, đời Hán Minh Đế đến niên hiệu Hoàng Sơ năm thứ ba đời Ngụy Văn Đế là một trăm năm mươi năm. Theo Ngô Thư, vào năm Tân Dậu, niên hiệu Xích Ô thứ tư đời Tôn Quyền làm chủ nước Ngô, Sa-môn Khương Tăng Hội, người nước Khương Cư, con lớn của đại thừa tướng, mở mang chánh pháp, du hóa mọi nơi, khi đến nước Ngô, Sa-môn lập am tranh, thờ tượng Phật, hành đạo. Lúc đầu người Ngô cho là yêu dị. Hữu Tư dâng sớ, Ngô chủ nói: Hán Minh Đế nằm mơ thấy Phật, đây có phải thuộc phong giáo đó không? Vua liền cho mời Khương Tăng Hội vào cung, hỏi: Phật có kinh nghiệm gì? Linh tích của Phật ẩn hơn ngàn năm, chỉ còn xá-lợi, người thành tâm cầu sẽ hiện. Vua nói: Nếu được xá-lợi thì sẽ xây tháp thờ, còn nếu luống dối sẽ bị hình phạt. Tăng Hội đáp: Xá-lợi thương xót, cầu là hiển linh, nếu không cảm ứng nguyện xin chịu tội chết. Thế rồi, Pháp sư thành tâm Cầu khẩn suốt hai mươi mốt ngày thì được xá-lợi đủ năm sắc rực sáng. Ngô Vương đặt xá-lợi trên tấm sắt, sai lực sĩ cầm chày sắt đập, lập tức tấm sắt và chày sắt đều bị vùi trong đất, xá-lợi vẫn nguyên vẹn. Vua lại bỏ xá-lợi vào lửa đốt, xá-lợi càng rực sáng, tạo thành hoa sen soi khắp cung điện. Vua tôn kính Pháp sư, xây chùa Kiến sơ, lập tháp bảy báu thờ xá-lợi, nơi đó được gọi là làng Phật-đà. Pháp Phật được hưng thạnh ở Giang đông từ đó. Từ niên hiệu Hoàng Sơ năm thứ ba đến niên hiệu Xích Ô năm thứ tư là một trăm bảy mươi năm. Khương Tăng Hội là vị tăng đầu tiên trên đất Ngô, giáo pháp đầu tiên được truyền đến đất này. Vua Ngô hỏi Thượng thư Lịnh Kiền Trạch: Từ khi Hán Minh Đế mơ thấy Phật, sai các đại thần đi cầu giáo đến nay đã bao nhiêu năm. Kiền Trạch thưa: Đã một trăm bảy mươi năm. Vua hỏi: Phật giáo truyền vào đất Hán đã lâu sao giờ mới đến Giang Đông? Kiền Trạch kể lại việc các đạo sĩ và hai Pháp sư tỉ thí vào niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười bốn cho vua Ngô nghe. Vì các đạo sĩ ở Nam nhạc không nghe pháp, không xuất gia, nên chánh pháp không được truyền bá. Lại vì binh biến liên miên nên hơn trăm năm qua giáo pháp không được truyền bá. Giờ đây nhờ Pháp sư Tăng Hội mà giáo pháp được truyền đến Giang đông. Vua hỏi: Khổng Khâu, Lão Tử có sánh bằng Phật không? Giữa niên hiệu Kiến An thần có đến Lạc dương học, đến chùa Pháp cử tham bái, gặp Pháp sư giảng kinh đại thừa, thần yêu thích nên ở lại ba năm, theo thần Phật là pháp vương vô thượng, các Thánh đều nương, chỉ dạy tất cả, thương yêu mọi loài, sâu như biển lớn không phân biệt dòng nhỏ, sáng tựa ánh mặt trời mặt trăng nào chê đèn đuốc, tùy cơ giáo hóa, được trời người tôn kính. Trời có đức bao dung, đất có công năng chuyển, đều nhờ năng lực Phật. Xét Khổng Khâu nước Lỗ, là bậc tài giỏi, thánh đức siêu phàm, được đời tôn là Tố Vương, biên soạn kinh điển, dạy bảo khắp nơi, nho phong được truyền bá. Còn có các vị khác như Hứa Thành tử, Quảng Thành tử, Nguyên Dương tử, Liệt tử, Trang tử đều tu thân, ở trong hang cốc, tự tại tu học, nhưng mọi việc làm trái với nhân luân không phải an đời độ dân. Vì thế người xưa cho là xấu. Đến khi Hán Cảnh Đế xét các học thuyết, thấy kinh điển của Hoàng tử, Lão tử sâu xa nên lập ra đạo học, lệnh quan dân đều đọc tụng. Nếu so sánh giữa học thuyết Lão tử và pháp Phật thì cách nhau quá xa. Vì sao? Vì học thuyết của Lão Khổng không dám trái mệnh trời, pháp Phật thì chư Thiên đều tôn thờ. Ngô Vương hỏi: Pháp linh bảo của đạo tiên ra sao? Kiền Trạch đáp: Linh bảo: Không có dòng tộc, không có nơi thành đạo. Chỉ là học thuyết của kẻ ở trong hang núi, không phải pháp của bậc Thánh. Ngô Vương khen ngợi: Khanh học rộng hiểu sâu, phong thêm chức thái phó.

Theo Hậu Lương Thư, niên hiệu Kiến Nguyên năm thứ mười chín, Tần chủ Phù Kiên sai chinh tây tướng quân Lữ Quang kéo quân đánh nước Quy Tư. Đến Lương châu nghe Tần chủ bị hại, Lữ Quang liền xưng đế ở đó. Pháp sư La-thập dịch kinh Đại Hoa Nghiêm ở đây. Niên hiệu Hoằng Thỉ năm thứ hai Pháp sư được mời về Trường an, pháp Phật lúc này rất thịnh. Niên hiệu Đại Hưng năm thứ ba đời Tấn, Sa-môn Đàm-ma-sấm đến Lương châu, dịch các kinh điển, nhưng không dịch phẩm giới vì cho rằng người Hán không giữ được. Có một Tỳ-kheo đọc kinh không thấy phẩm giới liền thành tâm cầu khẩn. Đang nửa đêm một đạo nhân đến truyền giới, Tỳ-kheo đắc giới, thường tụng đọc, giữ gìn. Sau thưa với Pháp sư Đàm-ma-sấm, nhờ chỉnh lại giới mình đã thọ trong mơ. Biết giới Tỳ-kheo tụng không sai, Pháp sư khen: Hay thay, đại đức! Ta sợ người Hán không giữ được giới nên không dịch. Nay đại đức cầu đắc giới, như vậy đất Hán hẳn có người giữ giới, phẩm giới được lưu hành từ đó (tức niên hiệu Long An năm thứ tư đời Tấn). Từ đó về sau mỗi năm đều có Sa-môn Tây Vực đến truyền pháp. Tháng bảy năm Canh Tý, niên hiệu Chánh Quang năm thứ nhất đời Ngụy, vua đại xá thiên hạ, ngày hai mươi ba thiết trai cúng dường tăng ni. Thọ trai xong, vua bảo thị trung Lưu Đằng hạ chiếu cho Pháp sư và đạo sĩ hùng biện để trừ nghi. Đầu tiên là đạo sĩ Khương Bân và Pháp sư Đàm Mô chùa Duy Giác hùng biện. Vua hỏi: Phật và Lão tử có sinh cùng thời hay không? Họ Khương cười đáp: Khi Lão tử qua phương Tây hóa độ người Hồ, Phật là thị giả, như vậy là cùng thời. Pháp sư hỏi: Dựa vào đâu để biết? Theo kinh Lão Tử Khai Thiên. Lão tử sinh vào năm nào? Sang Tây Vực năm nào? Lão tử sinh giờ Tý ngày mười bốn tháng chín năm Ất Mão ở làng Khúc nhân huyện Khổ, quận Trần, nước Sở, tức đời Chu Định Vương năm thứ ba. Năm Đinh Sửu, đời Chu Giản Vương năm thứ tư làm quan giữ kho, năm Bính Tuất được làm thái sử. Năm Canh Thìn, đời Chu Kính Vương năm thứ nhất, sang Tây Vực độ người Hồ. Pháp sư nói: Phật giáng sinh ngày tám tháng tư năm Giáp Dần, đời Chu Chiêu Vương năm thứ hai mươi bốn, ba mươi tuổi thành đạo, độ sinh bốn mươi chín năm, ngày mười lăm tháng hai năm Nhâm Dần, đời Chu Mục Vương năm thứ năm mươi hai thì Niết-bàn. Từ lúc Phật Niết-bàn đến năm Chu Định Vương thứ ba là ba trăm bốn mươi lăm năm, Lão tử thọ sinh năm này, sau bốn trăm hai mươi lăm năm Lão tử qua Tây Vực, như vậy làm sao Phật làm thị giả. Khương Bân đáp: Theo văn kinh khai thiên là vậy, điều Pháp sư nói e không thỏa đáng. Pháp sư đáp: Phật là Đấng Pháp Vương nên từ Đâu-suất giáng thần vào cung vua, đủ mọi phước lành, hóa độ sáu đường, tam thiên đại thiên, đi thì có hoa vàng nâng chân, ngồi thì có đài sen bảy báu, ra thì có Đế thích bảo hộ, vào thì có Phạm thiên theo hầu, bên trái thì có mật tích trừ tà ác, bên phải thì có Kim Cang diệt ma, vô số Bồ-tát làm pháp tử, vô lượng Thanh văn làm thánh chúng, Tứ Thiên vương hộ thế ngày đêm bảo vệ, tám bộ trời rồng sớm tối phụng thờ, nhạc trời trỗi vang, hoa trời tuôn cúng, sư tử gầm rống ngoại đạo quy phục, tiếng pháp vang lên tà ma theo về, vì sao làm thị giả cho quan lại nhà Chu. Nếu Lão tử có khả năng sao không hóa hiện thần thông ở đất Chu mà phải trốn sang đất Hồ. Đức nhà Chu tuy suy vi nhưng nhờ phong hóa của các vua Văn, Vũ, Thành, Khang sao không thêm thần biến, hiển thuốc pháp. Như thế chẳng khác nào gió giữa rừng cây, cần gì phải tránh né, huống gì Đấng Pháp Vương cách thời Lão Tử những hơn bốn trăm năm.

Nay nói là cùng thời, làm thị giả thì thật sai lầm, kinh Khai thiên mà vị đưa ra có đáng tin cậy không. Đạo sĩ hỏi: Căn cứ vào đâu để biết năm sinh diệt của Phật? Căn cứ Chu Thư Dị Ký và Hán Thư Pháp Bổn Nội truyện. Các bậc quân tử đều rõ, không cần nói cho ông. Đạo sĩ hỏi: Khổng Tử đã được tôn là bậc Thánh chế pháp sao không nói gì về Phật? Ông đã không biết cần gì phải mượn Khổng tử. Nếu ông không tin, hãy xem trong kinh Tam Bị Bốc của Khổng tử sẽ rõ. Khổng Tử là bậc Thánh tự biết, cần gì phải bói? Chỉ có Phật là Đấng Pháp Vương trong các bậc Thánh, là đấng tối tôn của bốn loài, soi thấy mọi loài, biết rõ đầu mối nên không cần bói, các bậc Thánh khác tuy hiểu lý nhưng phải hờ mai rùa để nói quẻ. Vua liền hạ lệnh đạo sĩ Khương Bân trình bày không có y cứ, hỏi đạo sĩ: Kinh Khai Thiên có từ đâu, ai giữ? Thần thấy kinh ở đạo sĩ Trương Tường. Vua hỏi: Hiện ở đâu? Ở đạo quán. Vua liền sai trung thư thị lang đến đạo quán lấy về. Vua sai một trăm bảy mươi quan văn võ như thái úy Công Túc Tôn, thái phó Lý Thật… cùng đọc. Đọc xong các quan thưa Lão tử chỉ viết năm thiên, khi ẩn dật phương Tây không viết gì nữa. Sách này luống dối, lại nói Lão tử hóa độ người Hồ, giảng mười hai bộ kinh. Theo chúng thần Khương Bân mang tội mê hoặc mọi người. Vua bảo đạo sĩ: Các khanh từ xưa đến nay chuyên học pháp này, sao gọi là cầu đạo? Các đạo sĩ thưa: Chúng thần không có sách này, hôm nay mới nghe Khương Bân nói. Vua sai các quan đến tìm ở đạo quán, quả nhiên không có sách ấy. Vua bảo: Khương Bân đáng tội, giam vào nhà lao chờ xử trảm. Tam tạng Pháp sư Bồ-đề-lưu-chi tâu với vua: Bệ hạ vừa đại xá, ân đức thấm nhuần thiên hạ, hôm nay lập trai đàn để tạo phúc, hạ lệnh hùng biện để phân chân ngụy. Khương Bân tuy đáng tội nhưng nếu bệ hạ xử tội thì e trái ý trời. Vua nói: Đệ tử đọc kinh, thấy ghi rằng: Lúc Phật làm vua, giết năm trăm Bà-la-môn mà không phạm giới. Nay Khương Bân phạm tội, làm loạn triều chính nếu không xử thì hậu họa khó lường. Pháp sư hết sức khuyên can Khương Bân được miễn tội chết nhưng bị đày về ấp Tỷ mã.