Q-Từ Điển Đạo Uyển

Quả

Từ Điển Đạo Uyển

果; C: guŏ; J: ka;
1. Trái cây, kết quả; 2. Sinh ra quả, một kết quả, sự tất yếu, sự kết luận; 3. Sự khai hoa kết trái. Kết quả của một hành vi hay tu tập, phương diện quả của nghiệp (s: karma, phala, kārya); 4. Kết quả của việc tu tập, chứng ngộ, giác ngộ, giải thoát, – là Phật quả; 5. Một trong Bốn quả vị của hàng Thanh văn; 6. Một trong Mười như thị được đề cập trong kinh Pháp Hoa. Thập như thị (十如是)

Quả Báo

Từ Điển Đạo Uyển

果報; C: guŏbào; J: kahō; S, P: vipāka;
Kết quả, hiệu quả của các hành vi trước đây; kết quả của nghiệp (s: karma, phala). Là sự chín muồi của một “quả” (dị thục quả) trong nguyên lí Nhân quả (Nghiệp). Một khi quả chín, nó sẽ tác động lên người gieo quả đó theo một cách nhất định. Sự chín muồi một quả có thể xảy ra trong đời này, cũng có thể trong đời sau. Người ta cho rằng một quả xấu mà chín ngay trong đời này vẫn tốt hơn là đợi đến đời sau.

Quả Báo Thức

Từ Điển Đạo Uyển

果報識; C: guŏbàoshì; J: kahōshiki;
Thành thục thức; một cách diễn tả thức A-lại-da.

Quả Câu Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

果倶有; C: guŏjùyŏu; J: kaguu;
Tính chất đồng thời của các chủng tử và sự hiện hành của chúng. Một trong 6 đặc tính của chủng tử trong tàng thức (chủng tử lục nghĩa 種子六義).

Quả địa Vạn đức

Từ Điển Đạo Uyển

果地萬徳; C: guŏdì wàndé; J: kaji mantoku;
Công đức vô lượng của Đức Phật. Khác với Nhân vị vạn hạnh (因位萬行).

Quả đức

Từ Điển Đạo Uyển

果徳; C: guŏ dé; J: katoku;
1. Công đức nằm trong kết quả; 2. Công đức nằm bên sau sự giác ngộ.

Quả Phần

Từ Điển Đạo Uyển

果分; C: guŏfēn; J: kabun;
Phương diện kết quả của công phu tu tập – Phật quả, khác với phương diện nhân (nhân phần 因分) – là chúng sinh. Tính hải quả phần (性海果分).

Quả Phần Bất Khả Thuyết

Từ Điển Đạo Uyển

果分不可説; C: guŏfēn bùkě shuō; J: kabunfu-kasetsu;
Ngược với Nhân phần khả thuyết (因分可説). Theo giáo lí kinh Hoa Nghiêm, niềm tin vào quả vị Phật (giác ngộ) không phải là điều có thể giải thích bằng ngôn từ.

Quả Phần Khả Thuyết

Từ Điển Đạo Uyển

果分可説; C: guŏfēn kěshuō; J: kabun kasetsu;
Theo giáo lí Mật tông, đực tin vào sự hoàn hảo của “quả phần” (nghĩa là cảnh giới Phật là “quả”) là điều có thể giảng giải được. Điều nầy ngược với giáo lí chỉ có nhân phần của Phật quả mới có thể giải thích được – giai đoạn tu tập có thể được xem là nguyên nhân của sự giác ngộ là có thể giải thích được, nhưng cảnh giới tối thượng, lĩnh vực tu đạo thì không thể giảng giải được.

Quả Tính

Từ Điển Đạo Uyển

果性; C: guŏxìng; J: kashō;
1. Sự giác ngộ như kết quả của việc tu tập, khác với Lí tính (理性); nguyên lí không thay đổi hay là bản tính như là nguyên nhân của giác ngộ.

Quai

Từ Điển Đạo Uyển

乖; C: guāi; J: ke;
Xung đột; mâu thuẫn; đặc biệt là trái nghịch với đạo lí Phật pháp chân chính, chẳng hạn trái với tinh thần Vô ngã hoặc luật nhân quả (theo Nhị chướng nghĩa 二障義).

Quải Tích

Từ Điển Đạo Uyển

掛錫; J: kashaku;
Nghĩa là “treo Tích trượng”; chỉ bước nhập môn của một thiền tăng sau một cuộc Hành cước, khi đã tìm được vị Thiền sư thích hợp với căn cơ của mình.
Thiền sinh có thể tự chọn Thiền viện để gia nhập. Quan trọng nhất cho sự tu tập của thiền sinh là việc chọn đúng vị thầy thích hợp mà mình tin tưởng tuyệt đối. Vì vậy mà các thiền sinh thường đến viếng nhiều thiền viện, tham vấn nhiều vị Thiền sư khác nhau trước khi chọn được vị “chân sư” của mình. Nhưng – như thiền sinh chọn thầy – các vị Thiền sư cũng lựa chọn kĩ các vị mới đến trước khi cho phép nhập môn. Nếu Thiền sư thấy rõ mình không phải là thầy thích hợp cho một thiền sinh nào đó thì sẽ gửi vị này đến một vị khác thích hợp hơn.
Khi đến cổng (sơn môn) của một thiền viện sau một cuộc hành cước, thiền sinh sẽ thấy hai tấm bản gỗ nằm hai bên của cửa cổng: Một bản ghi tên của thiền viện và bản khác ghi tên của vấn đề mà vị Thiền sư trụ trì đang Ðề xướng. Những bước chân vào cổng của thiền sinh – cửa cổng thường được xây dựng rất kiên cố, cách biệt với bên ngoài – với lòng mong mỏi được thâu nhận làm đệ tử chính là những biểu hiện của sự quyết chí bước vào con đường tu học vô cùng tận để chứng ngộ Phật pháp.

Quán

Từ Điển Đạo Uyển

觀; S: vipaśyanā; P: vipassanā;
Nghĩa là quán sát bằng trí huệ, minh sát; có thể hiểu hai cách, đó là: 1. Phương pháp tu tập quán sát song song với tu Chỉ và 2. Kết quả, mục đích, sự trực chứng Ba tính chất của vạn sự (s: trilakṣaṇa) là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Trong Ðại thừa, quán cũng được xem là sự phân tích sự vật để tự trực nghiệm tính Không (s: śūnyatā). Kiến giải này giúp ngăn ngừa tham Ái khởi sinh. Quán là một trong hai yếu tố giúp đạt Giác ngộ, yếu tố kia là Chỉ (s: śamatha).

Quán (xuyến) Tập

Từ Điển Đạo Uyển

串習; C: guànxí; J: genshū;
Tập thành thói quen; phát triển thông qua hành động thường xuyên, đều đặn. Thực hành thường xuyên, thường dùng ý thức chuyên cần tu tập nhắm đến việc gieo trồng thiện căn (善根).

Quan Âm

Từ Điển Đạo Uyển

觀音; J: kannon; nguyên là Quán Thế Âm nhưng do tránh tên nhà vua Ðường là Thế Dân nên gọi là Quan Âm hoặc Quán Âm.
Tên của Bồ Tát Quán Thế Âm (觀世音; s: avalokiteśvara) tại Trung Quốc và các nước lân cận. Phật tử Trung Quốc thường thờ cúng Quan Âm bên cạnh các vị Bồ Tát Phổ Hiền (普賢; s: samantabhadra), Ðịa Tạng (地藏; s: kṣitigarbha) và Văn-thù (文殊; s: mañjuśrī). Ðó là bốn vị Ðại Bồ Tát của Phật giáo Trung Quốc.
Quan Âm hiện thân trong mọi hình dạng để cứu độ chúng sinh, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỷ dữ và đao kiếm. Phụ nữ không con cũng hay cầu Quan Âm. Trong kinh Ðại thừa vô lượng thọ (s: sukhāvatīvyūha), Quan Âm cũng hay được nhắc tới bên cạnh Phật A-di-đà (s: amitābha). Tại Trung Quốc và Việt Nam, Quan Âm hay được diễn tả dưới dạng nữ nhân.
Tranh trượng hay trình bày Quan Âm dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dạng một vị Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt. Có khi Quan Âm ẵm trên tay một đứa bé, có khi có một đồng tử theo hầu. Người ta cũng hay vẽ Quan Âm hiện lên trong mây, hoặc cỡi rồng trên thác nước. Hình ảnh Quan Âm đứng trên một hải đảo cứu người bị nạn cũng phổ biến, biển cả tượng trưng cho Luân hồi. Tay Quan Âm hay cầm hoa sen hay bình nước Cam lộ.
Theo quan niệm Trung Quốc, Quan Âm ngự tại Phổ-đà Sơn, miền Ðông Trung Quốc, đó là một trong Tứ đại danh sơn – bốn trú xứ của bốn Ðại Bồ Tát của Phật giáo Trung Quốc.
Tại Trung Quốc – đến thế kỉ 10 – Quan Âm còn được giữ dưới dạng Nam giới, thậm chí trong hang động ở Ðôn Hoàng, người ta thấy tượng Quan Âm để râu. Ðến khoảng thế kỉ thứ 10 thì Quan Âm được vẽ mặc áo trắng, có dạng nữ nhân. Có lẽ điều này xuất phát từ sự trộn lẫn giữa đạo Phật và đạo Lão trong thời này. Một cách giải thích khác là ảnh hưởng của Mật tông (xem Tan-tra) trong thời kì này: đó là hai yếu tố Từ bi (s: maitrī-karuṇā) và Trí huệ (s: prajñā) được thể hiện thành hai dạng nam nữ, mỗi vị Phật hay Bồ Tát trong Mật tông đều có một “quyến thuộc” nữ nhân. Vị quyến thuộc của Quán Thế Âm được xem là vị nữ thần áo trắng Ða-la (s: tārā), và Bạch Y Quan Âm là tên dịch nghĩa của danh từ đó. Kể từ đó quần chúng Phật tử Trung Quốc khoác cho Quan Âm áo trắng và xem như là vị Bồ Tát giúp phụ nữ hiếm muộn.
Có rất nhiều huyền thoại về Bồ Tát Quan Âm. Theo một huyền thoại Trung Quốc thì Quan Âm là con gái thứ ba của một nhà vua. Lớn lên, mặc dù vua cha ngăn cản nhưng công chúa quyết đi tu. Cuối cùng vua nổi giận, sai đem giết nàng. Diêm vương đưa nàng vào địa ngục, ở đó công chúa biến địa ngục thành Tịnh độ, cứu giúp người hoạn nạn. Diêm Vương thả nàng ra và công chúa tái sinh lại trên núi Phổ-đà biển Ðông và trở thành người cứu độ cho ngư dân. Ðến khi vua cha bị bệnh nặng, nàng cắt thịt đắp lên chỗ bệnh. Nhà vua khỏi bệnh và nhớ ơn, cho tạc tượng nàng. Tương truyền rằng, vì hiểu lầm ý của nhà vua mà người ta tạc nên bức tượng nghìn tay nghìn mắt, được lưu truyền đến ngày nay.

Quán Bất Tịnh

Từ Điển Đạo Uyển

Bất tịnh quán (不淨觀)
Là phép quán tử thi được gọi theo kinh điển Nam truyền (Thanh tịnh đạo). Bất tịnh tưởng (nghĩ đến) cũng là quán 32 thân phần. Phép quán này là cách đối trị cái tham dục và sự thấy đảo ngược của tâm, cho là sạch đẹp những gì vốn không sạch (Ðảo kiến).

Quán đỉnh

Từ Điển Đạo Uyển

灌 (潅) 頂; S: abhiṣeka; C: guàndĭng; J: kanchō; nghĩa là rưới nước lên đầu;
Một nghi thức tôn giáo trong những buổi lễ long trọng. Trong Kim cương thừa, danh từ quán đỉnh được dùng chỉ những nghi lễ, trong đó vị Ðạo sư (s: guru; t: lama) cho phép đệ tử tu tập một Tan-tra. Vì vậy trong Phật giáo Tây Tạng, người ta hay sử dụng danh từ “Truyền lực” (t: dbang-bskur).
Trong Vô thượng du-già (s: anuttarayoga-tantra), người ta kể bốn cấp quán đỉnh từ dưới lên trên: 1. Quán đỉnh bình (s: ka-lābhiṣeka; bình ở đây là tịnh bình); 2. Quán đỉnh bí mật (s: guhyābhiṣeka); 3. Quán đỉnh trí huệ (s: prajñābhiṣeka); 4. Quán đỉnh thứ tư (s: caturthābhiṣeka).
Quán đỉnh bình bao gồm sự khai giảng về năm khía cạnh của Phật gia (s: buddhaku-la).
Thông thường, vị Ðạo sư đọc Nghi quỹ (s: sā-dhana) qua một lần và lần đọc này có giá trị cho phép người đệ tử tu học Nghi quỹ này. Sau đó, Ðạo sư bình giảng những điểm khúc mắc, khó hiểu, những bí truyền trong Nghi quỹ để bảo đảm sự tu tập chính tông, đúng đắn của đệ tử.

Quân Như

Từ Điển Đạo Uyển

均如; C: jūnrú; J: kinnyo; K: kyunyŏ, 923-973.
Học giả Hàn Quốc có uy tín về kinh Hoa Nghiêm trong thời kì Cao Li (k: koryŏ). Ông viết nhiều luận giải về tác phẩm của các vị tổ Hoa Nghiêm tông Trung Hoa và thiết lập nền tảng cho việc lập lại mối tương quan của Hoa Nghiêm tông và Thiền tông trong tương lai qua thái độ cởi mở theo quan điểm của lớp người sau. Các tác phẩm của ông là một nguồn rất quan trọng cho tri thức hiện đại để nhận ra bản chất đặc biệt của Hoa Nghiêm tông Triều Tiên. Một trong những tài liệu có liên quan đến Quân Như là Quân Như truyện (均如傳, k: kyunyŏ-jŏn), đã được Adrian Buzo và Tony Prince dịch sang tiếng Anh.

Quan Sơn Huệ Huyền

Từ Điển Đạo Uyển

關山慧玄; J: kanzan egen; 1277-1360;
Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Lâm Tế, nối pháp của Tông Phong Diệu Siêu (j: shūhō myōchō). Sư kế thừa và trụ trì Ðại Ðức tự (daitoku-ji), sau lại trụ trì Diệu Tâm tự (myōshin-ji). Cả hai đều là những thiền viện danh tiếng nhất của tông Lâm Tế tại Kinh Ðô (kyōto).
Sư sinh tại Shinano (phủ Nagano), sớm đã được cha gửi đến một người chú tại Liêm Thương (kamakura) để học Phật pháp. Nơi đây, Sư may mắn được học với Thiền sư Nam Phố Thiệu Minh (nampo jōmyō, 1235-1309). Sau khi Nam Phố tịch, Sư trở về quê nhà tu học khổ hạnh. Khi nghe danh tiếng của Thiền sư Tông Phong tại Liêm Thương, Sư liền đến Ðại Ðức tự tại Kinh Ðô đến tham học. Tông Phong giao cho Sư Công án “Quan” (Bích nham lục, công án 8) của Thiền sư Vân Môn Văn Yển để tham cứu. Sau hai năm quán công án này – một thời gian tu tập cực kì khắc khe với một công án nổi danh là khó giải – Sư ngộ được yếu chỉ của Thiền tông. Tông Phong liền làm một bài kệ ấn chứng cho môn đệ của mình, năm đó Sư đã vượt ngoài năm mươi (1329).
Sau đó, theo lời khuyên của thầy, Sư lên núi ẩn cư tám năm để tiếp tục tu luyện và trong thời gian này, Sư làm việc hằng ngày trên đồng ruộng, đêm thì Toạ thiền trên những tảng đá. Sau thời gian này, Sư nhận lời trụ trì chùa Diệu Tâm. Phong cách giảng dạy của Sư rất nghiêm khắc và cũng vì thế mà Lâm Tế chính mạch được truyền đến những đời sau qua dòng thiền này. Sư chẳng chú trọng đến đồ vật trang trí trong thiền viện và cũng không thích những nghi lễ rườm rà. Sư đòi hỏi nơi đệ tử một ý chí, một tâm trạng tinh tiến tuyệt đối. Một trong những công án Sư thường đưa ra để tham quán là “Ðối với Huệ Huyền, nơi đây không có sinh tử.” Chỉ những thiền sinh đầy ý chí quyết định mới dám ở lại đây, phần lớn đều rời Sư sau một thời gian. Dưới sự hoằng hoá của Sư, Diệu Tâm tự cũng được gọi là “Ðịa ngục tột cùng của Phật pháp.” Sư cũng được gọi là “Tổ sư với những đức tính thầm kín” (Ẩn đức tổ sư; 隱德 [の] 祖師; j: intoku [no] soshi).
Trước khi tịch, Sư trao pháp y lại cho vị kế thừa duy nhất là Thụ Ông Tông Bật (授翁宗弼; j: jūo sōhitsu, 1296-1380), chuẩn bị hành lí và đứng mà tịch. Dòng thiền của Sư sau trở thành dòng chính của tông Lâm Tế Nhật Bản.

Quán Thân

Từ Điển Đạo Uyển

Thân quán (身觀); P: kāyagata-sati;
Chỉ sự tỉnh giác, chú tâm vào thân thể. Một phần tu tập được ghi lại trong kinh Bốn niệm xứ (p: satipaṭṭhāna), bao gồm: tỉnh giác trong lúc thở ra, thở vào cũng như trong lúc đi, đứng, ngồi, nằm (Hành, trụ, toạ, ngọa); tỉnh giác trong mọi hành động; quán 32 thân phần; Phân tích thân phần (p: dhātu-vavatthāna); Quán tử thi.
Tuy nhiên, danh từ “Quán thân” thường được sử dụng để chỉ riêng cách quán 32 thân phần.

Quán Thế Âm

Từ Điển Đạo Uyển

觀世音; S: avalokiteśvara; J: kanzeon; T: chen-resi [sPzan-ras-gzigs]; cũng gọi là Quán Tự Tại, Quan Âm;
Một trong những vị Bồ Tát (s: bodhisattva) quan trọng nhất trong Ðại thừa (s: mahāyā-na). Có nhiều luận giải khác nhau về nguyên nghĩa tên Ngài. Có người hiểu “īśvara” là một “người nam” quán chiếu thế giới, có người hiểu “svara” là “Âm”, tức là vị Bồ Tát lắng nghe mọi tiếng thế gian.
Nhìn chung, Quán Thế Âm là thể hiện lòng Bi (s, p: karuṇā), một trong hai dạng của Phật tính. Vì vậy, có khi người ta đặt tên cho Ngài là bậc Ðại Bi (s: mahākaruṇika). Dạng kia của Phật tính là Trí huệ (Bát-nhã; s: prajñā), là đặc tính được Bồ Tát Văn-thù (s: mañjuśrī) thể hiện. Quán Thế Âm là vị Bồ Tát thể hiện nguyện lực của Phật A-di-đà (s: amitābha) và được xem như quyến thuộc của Ngài (Tịnh độ tông). Với lòng từ bi vô lượng, Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp mọi chúng sinh quán tưởng đến Ngài lúc gặp hiểm nguy. Trong nhân gian, Ngài là vị bảo hộ tránh khỏi tai hoạ và hay được phụ nữ không con cầu tự.
Trong các loại tranh tượng về Ngài, người ta thấy có 33 dạng, khác nhau về số đầu, tay và các đặc tính. Thông thường ta thấy tượng Ngài có ngàn tay ngàn mắt, có khi 11 đầu. Trên đầu có khi có tượng của A-di-đà, xem như đặc điểm chính. Trên tay có khi thấy Ngài cầm hoa sen hồng, vì vậy Ngài cũng có tên là Liên Hoa Thủ (người cầm hoa sen; s: padmapāṇi) hay nhành dương liễu và một bình nước Cam-lộ (s: amṛta). Số tay của Ngài biểu hiện khả năng cứu độ chúng sinh trong mọi tình huống.
Trong tranh tượng với 11 đầu, thì Quán Thế Âm mang 9 đầu của chín vị Bồ Tát, một đầu của một vị Phật và cuối cùng là đầu của Phật A-di-đà. Cứ mỗi ba đầu tượng trưng là ba đặc tính: từ bi với chúng sinh khổ nạn, quyết tâm đối trị cái xấu, hoan hỉ với cái tốt. Theo một cách nhìn khác thì 11 đầu biểu tượng cho mười cấp của Thập địa và Phật quả.
Một thuyết khác giải thích tích của 11 đầu và nghìn tay: lúc Quán Thế Âm quán chiếu cảnh khổ của chúng sinh thì đầu Ngài đau xót vỡ ra từng mảnh. Phật A-di-đà xếp các mảnh đó lại thành 11 đầu. Xuất phát từ nguyện lực cứu độ mọi chúng sinh, thân Ngài mọc ra nghìn tay, trong mỗi tay có một mắt. Quán Thế Âm cũng hay được vẽ là kẻ cứu độ chúng sinh trong sáu nẻo Luân hồi (Lục đạo): trong súc sinh, Quán Thế Âm đầu ngựa, hoặc cưỡi sư tử; trong địa ngục, là kẻ có nghìn cánh tay; trong cõi A-tu-la, là kẻ có 11 đầu.

H 47: Quán Thế Âm Bồ Tát được trình bày trong hình này dưới một dạng ít thấy, đó là “Sư Tử Hống Quán Tự Tại” (獅子吼觀自在; s: siṃhanāda-lokeśvara). Dưới dạng này, Ngài là một dược sư, đặc biệt cứu độ những người bệnh phong cùi (e: lepra). Mắt Ngài đang nhìn bệnh nhân và mắt chính giữa (huệ nhãn) đang tập trung chẩn bệnh. Hai bảo vật bên vai cũng là những dụng cụ của một dược sĩ, bình sắc thuốc bên trái của Ngài và đao trừ tà (bệnh) bên phải. Sư tử Ngài cưỡi xuất phát từ một sự tích. Tương truyền rằng, có một con sư tử sinh được một con nhưng con chết ngay sau khi sinh. Ðau đớn quá nó rống lên thật to và nhờ tiếng rống uy dũng này, nó làm cho con nó sống lại. Vì thế mà có sự liên hệ giữa tên của Ngài (“giọng sư tử”) với nghề nghiệp của một dược sĩ “gọi người sống lại”.
Tại Trung Quốc, Việt Nam và Nhật, Quán Thế Âm có tên là Quan Âm, hay được trình bày dưới dạng “Phật Bà” Tại Tây Tạng, Quán Thế Âm (t: chenresi [spzan-ras-gzigs]) là “người bảo vệ xứ tuyết” và có ảnh hưởng trung tâm trong truyền thống Phật giáo tại đây. Người ta xem Ngài là cha đẻ của dân tộc Tây Tạng và nhờ Ngài mà Phật giáo được truyền bá qua nhà vua Tùng-tán Cương-bố (t: songten gampo, 620-649), được xem là một hiện thân của Quán Thế Âm. Ðạt-lại Lạt-ma và Cát-mã-ba (t: karmapa) cũng được xem là hiện thân của Ngài. Câu Man-tra OṂ MA-NI PAD-ME HŪṂ được xem là thuộc tính của Quán Thế Âm, là thần chú đầu tiên truyền đến Tây Tạng và ngày nay được tụng đọc nhiều nhất. Tranh tượng của Ngài được biểu diễn bằng một người có 11 đầu và ngàn cánh tay hoặc trong dạng có bốn tay, ngồi toà sen.

Quân Tử

Từ Điển Đạo Uyển

君子; C: jūnzí; J: kunshi;
Người tốt, người tài, người đức hạnh theo giáo lí nhà Nho, được lập trong sự tương phản với Tiểu nhân (小人).

Quán Tử Thi

Từ Điển Đạo Uyển

觀死屍; P: sīvathikā;
Một phần trong phép quán thân, được ghi lại trong kinh Bốn niệm xứ (p: satipaṭṭhāna-sutta).

Quán Vô Lượng Thọ Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

觀無量壽經; S: amitayurdhyāna-sūtra;
Một trong ba bộ kinh quan trọng nhất của Tịnh độ tông. Kinh mô tả thế giới Phương Tây của Phật A-di-đà và dạy cách hành trì: bằng cách sống thanh tịnh, giữ Giới luật (s: śīla) và niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hành giả giải thoát các nghiệp bất thiện và được tái sinh nơi Tịnh độ của Ngài.
Kinh này chỉ rõ quá trình phát sinh giáo pháp của Tịnh độ tông và thật ra đã được đức Phật lịch sử Thích-ca trình bày. Tương truyền rằng, hoàng hậu Vaidehi, mẹ của vua A-xà-thế, bị con mình bắt hạ ngục cùng với chồng là Tần-bà-sa-la (s, p: bimbisāra). Bà nhất tâm cầu nguyện Phật và khi Phật hiện đến, Bà xin tái sinh nơi một cõi yên lành hạnh phúc. Phật dùng thần lực cho bà thấy mọi thế giới tịnh độ, cuối cùng bà chọn cõi Cực lạc của A-di-đà. Phật dạy cho bà phép thiền định để được tái sinh nơi cõi đó. Phép thiền định này gồm 16 phép quán tưởng, và tuỳ theo nghiệp lực của chúng sinh, các phép này có thể giúp tái sinh vào một trong chín cấp bậc của Tịnh độ. Mười sáu phép quán tưởng đó là: quán mặt trời lặn; quán nước; quán đáy sông; quán cây cối; quán nước cam lộ; quán thế giới thực vật; quán nước và đáy nước; quán toà sen; quán ba báo thân của ba vị thánh A-di-đà, Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí; quán ba ứng thân của Phật A-di-đà; của Quán Thế Âm; của Ðại Thế Chí; quán A-di-đà trong cõi Tịnh độ; quán ba vị thánh trong cõi Tịnh độ; quán cấp thượng căn trong cõi Tịnh độ; quán cấp trung căn và hạ căn trong cõi Tịnh độ. Các phép quán này giúp hành giả có thể thấy được A-di-đà và hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí ngay trong đời này và đó là dấu hiệu chắc chắn hành giả sẽ được tái sinh về Tịnh độ.

Quang

Từ Điển Đạo Uyển

光; C: guāng; J: kō;
Có các nghĩa sau: 1. Ánh sáng, sự rực rỡ, sự chói lọi; 2. Ánh sáng mặt trời; 3. Sự biểu hiện, sự hiển hiện (s: ābhāsa); 4. Phản nghĩa của tối tăm, u ám, sự hiểu biết, thông thái, trí huệ; 5. Vầng hào quang, sự phát tiết.

Quang Đức

Từ Điển Đạo Uyển

光德; C: guāngdé; J: kōtoku; K: kwangdǒk, 1927-;
Cao tăng Hàn Quốc thuộc dòng Tào Khê (k: chogye). Sư học ở Đại học Dongguk, sau đó trở thành người đứng đầu tông Tào Khê. Sư dịch nhiều kinh luận Phật giáo sang tiếng Hàn Quốc (han’gul), trong đó có Vô môn quan (無門關).

Quang Minh

Từ Điển Đạo Uyển

光明; C: guāngmíng; J: kōmyō; S: āloka, prabhāsvara, amśu, tejas, prabhā.
Ánh sáng rực rỡ, hào quang. Biểu tượng của trí tụê của đức Phật hay của Bồ Tát. Là biểu tượng chỉ cho sự phá huỷ sự tối tăm của vô minh và sự hiển bày đạo lí chân thật. Là từ ngữ tán thán ánh sáng vô biên, vô ngại của Đức Phật A-di-đà, trong đó “Quang” đặc biệt là ánh sáng trí huệ và ánh sáng từ thân tướng của Ngài. “Minh” là biểu tượng cho cái Dụng từ trí huệ của Ngài toả ra.

Quang Minh Biến Chiếu

Từ Điển Đạo Uyển

光明遍照; C: guāngmíngbiànzhào; J: kōmyō-henshō;
Tiếng Hán dịch từ Mahāvairocana Tathā-gata. Đại Nhật Như Lai (大日如來).

Quang Minh Tự

Từ Điển Đạo Uyển

光明寺; C: guāngmíng sì; J: kōmyō-ji;
1. Ngôi chùa của phong trào Tam giai giáo (三階教) toạ lạc ở Trường An; 2. Ngôi chùa nơi Thiện Đạo (善導) làm công việc giáo hoá nhiều nhất.

Quảng Nghiêm

Từ Điển Đạo Uyển

廣嚴; 1121-1190
Thiền sư Việt nam thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông đời thứ 11. Sư nối pháp Thiền sư Trí Thiền. Môn đệ nổi danh của Sư là Thường Chiếu.
Sư họ Nguyễn, quê ở Ðan Phượng, mồ côi từ thuở bé. Ban đầu, Sư theo học Phật pháp với người cậu là Bảo Nhạc. Sau khi Bảo Nhạc qua đời, Sư Hành cước, viếng thăm nhiều pháp hội. Nghe Thiền sư Trí Thiền giảng pháp ở chùa Phúc Thánh, hạt Ðiển Lãnh, Sư liền đến tham vấn.
Một hôm, khi nghe Trí Thiền giảng Ngữ lục của Thiền sư Tuyết Ðậu Trọng Hiển, đến chỗ Ðạo Ngô Viên Trí và Tiệm Nguyên Trọng Hưng đối đáp về vấn đề sinh tử ở nhà đàn việt, Sư bỗng có tỉnh, liền hỏi: “Một câu Thoại đầu ấy, người xưa nói ở trong sinh tử, lại có lí hay không?” Trí Thiền đáp: “Ngươi nhận được lí này chăng?” Sư hỏi lại: “Thế nào là lí không sinh tử?” Trí Thiền bảo: “Chỉ ở trong sinh tử nhận lấy.” Sư thưa: “Ðạt vô sinh rồi.” Thiền bảo: “Vậy thì tự liễu.” Ngay câu này, Sư thấu suốt, hỏi thêm: “Làm sao gìn giữ?” Thiền đáp: “Ðã liễu ngộ lại đồng chưa liễu.” Sư quì xuống lạy.
Sư trước đến chùa Thánh Ân trụ trì, sau lại đến chùa Tịnh Quả giáo hoá. Một vị tăng hỏi: “Thế nào là Pháp thân?” Sư đáp: “Pháp thân vốn không tướng.” Hỏi: “Thế nào là Bát-nhã?” Sư đáp: “Bát-nhã không hình.” Hỏi: “Thế nào là cảnh Tịnh Quả?” Sư đáp: “Cây thông, cây thu bên ngôi mộ xưa.” Hỏi: “Thế nào là người trong cảnh?” Sư đáp: “Một mình ngồi bịt miệng bình.” Hỏi: “Chợt gặp tri âm làm sao tiếp?” Sư đáp: “Tuỳ duyên nhướng đôi mày.” Hỏi: “Thế ấy là cháu chắt Kiến Sơ, là con Âu Tông?” Sư đáp: “Người ngu nước Sở.” Tăng không đáp được.
Ngày 15 tháng 2 năm Canh Tuất, niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 5, Sư biết sắp tịch bèn nói kệ:
離寂方言寂滅去。生無生後說無生
男兒自有衝天志。休向如來行處行
Li tịch phương ngôn tịch diệt khứ
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh
Nam nhi tự hữu xung thiên chí
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.
*Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt
Ðược vô sinh sau nói vô sinh
Làm trai có chí xông trời thẳm
Chớ dẫm Như Lai vết đã qua.
Nói kệ xong, Sư chắp tay thị tịch, thọ 69 tuổi.

Quang Nghiêm Tự

Từ Điển Đạo Uyển

光嚴寺; C: guāngyán sì; J: kōgon-ji;
Ngôi chùa ở Tương Châu (湘州), nơi Tín Hành, người sáng lập Tam giai giáo tập trung vào việc thực hành 16 hạnh Vô tận tạng (無盡藏).

Quang Tán Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

光讃經; C: guāngzàn jīng; J: kōsan kyō;
Kinh, 10 quyển. Trúc Pháp Hộ (竺法護; s: dharmarakṣa) dịch.

Quang Thế Âm

Từ Điển Đạo Uyển

光世音; C: guāngshìyīn; J: kōseion;
Một trong nhiều cách phiên dịch từ Avalokiteśvara (Quán Thế Âm 觀世音) sang tiếng Hán, được Trúc Pháp Hộ (竺法護; s: dharmapāla) sử dụng.

Quang Trạch

Từ Điển Đạo Uyển

光宅; C: guāngzhái; J: kōtaku;
Tên khác của Pháp Vân (法雲), vị trú trì chùa Quang Trạch.

Quang Trạch Tứ Thừa

Từ Điển Đạo Uyển

光宅四乘; C: guāngzhái sìshèng; J: kōtaku-shijō;
Đề cập đến sự lập ra giáo lí Nhất thừa (tứ thừa, cỗ xe thứ tư) do Quang Trạch dựa rên kiến giải của mình về ví dụ Nhà bắt lửa cháy trong kinh Pháp Hoa. Đây là đặc điểm quan trọng của tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm.

Quang Trí

Từ Điển Đạo Uyển

光智; C: guāngzhì; J: kōchi;
Tiếng Hán dịch ý tên Prabhākaramitra, thường được phiên âm là Ba-la-ca-phả Mật-đa-la (波羅迦頗蜜多羅).

Quảng Trí

Từ Điển Đạo Uyển

廣智; ?-1091 (?)
Thiền sư Việt Nam thuộc dòng Vô Ngôn Thông, pháp hệ thứ 7. Sư nối pháp Thiền sư Thiền Lão. Hai vị đệ tử nổi danh của Sư là Mãn Giác và Ngộ Ấn.
Sư họ Nhan, người ở kinh đô. Năm đầu niên hiệu Chương Khánh Gia Khánh (1059), Sư xuất gia, đến tham vấn Thiền Lão. Chỉ qua một câu nói của Thiền Lão mà Sư ngộ được yếu chỉ và từ đây, Sư chú tâm vào thiền học.
Sau, Sư trụ chùa Quán Ðỉnh núi Không Lộ ở Từ Sơn, sống rất đạm bạc. Sư cùng với một vị tăng tên Minh Huệ kết bạn đồng tu và người thường nói rằng, đó là Hàn Sơn và Thập Ðắc tái sinh.
Khoảng niên hiệu Quảng Hựu (1085-91), Sư viên tịch.

Quy Ngưỡng Tông

Từ Điển Đạo Uyển

潙仰宗; C: guī-yǎng-zōng; J: igyō-shū;
Một dòng thiền do Thiền sư Quy Sơn Linh Hựu và đệ tử là Ngưỡng Sơn Huệ Tịch sáng lập, được xếp vào Ngũ gia thất tông – Thiền chính phái của Trung Quốc. Dòng thiền này sau được tông Lâm Tế hấp thụ và thất truyền trong thế kỉ thứ 10/11.
Một nét đặc biệt của tông này là phương pháp giáo hoá, “đánh thức” môn đệ bằng những biểu tượng được vẽ trong 97 vòng tròn (viên tướng). Hệ thống giáo hoá này được Lục tổ Huệ Năng sử dụng, truyền cho Quốc sư Nam Dương Huệ Trung đến Ðam Nguyên Ứng Chân và Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Ngày nay cách sử dụng viên tướng này đã thất truyền nhưng có lẽ đã gây ảnh hưởng lớn đến sự hình thành của Thập mục ngưu đồ (mười bức tranh chăn trâu) và Ðộng Sơn ngũ vị của Thiền sư Ðộng Sơn Lương Giới. 97 viên tướng được sử dụng như mật ngữ, và các vị Thiền sư có kinh nghiệm Giác ngộ thâm sâu sử dụng nó để trau dồi kinh nghiệm với nhau. Vì biết được khả năng tiêu hoại khi truyền hệ thống này bừa bãi – nếu bị lạm dụng trở thành một trò chơi – nên các vị giữ kín bí mật này, chỉ truyền cho những môn đệ hạng thượng căn.
Thiền sư Ngưỡng Sơn trả lời như sau khi được hỏi vì sao Sư thấy người đến liền vẽ một vòng tròn trong đó viết chữ “Ngưu” (牛) (Ðịnh Huệ dịch):
“Cái ấy cũng là việc không đâu. Nếu chợt hội được thì cũng chẳng phải từ bên ngoài đến, nếu không hội thì quyết chắc là không biết. Ta hỏi lại ông: Bậc lão túc các nơi – ngay trên thân các ông – chỉ cái gì là Phật tính? Nói là phải hay nín là phải, hay chẳng nói chẳng nín là phải, hay lại đều là không phải? Nếu ông nhận nói là phải thì như là người sờ đuôi voi. Nếu ông nhận nín là phải thì như người mù sờ tai voi. Nếu ông nhận chẳng nói chẳng nín là phải thì như người mù sờ vòi voi. Nói vật vật đều phải thì như người mù sờ nhằm bốn chân voi. Nếu bảo đều chẳng phải tức là ném bỏ con voi ấy, rơi vào không kiến. Chỗ thấy của các người mù kia chỉ ở nơi danh mạo sai biệt trên con voi… Lại nói: ›Ðạo vốn không hình tướng, trí huệ tức là đạo. Người có kiến giải này gọi là chân Bát-nhã.‹ Người có mắt sáng thấy được toàn thể con voi thì thật tính cũng như vậy.”

Quy Sơn Linh Hựu

Từ Điển Đạo Uyển

潙山靈祐; C: guīshān língyòu; J: isan reiyū; 771-853;
Thiền sư Trung Quốc trứ danh, môn đệ của Bách Trượng Hoài Hải và thầy của Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Cùng với Ngưỡng Sơn, Sư khai sáng tông Quy Ngưỡng. Sư là vị Thiền sư nổi danh nhất trong thời đó và môn đệ của Sư trên dưới không dưới 1500. Sư có trứ tác Quy Sơn cảnh sách văn, được phổ biến rộng rãi trong giới Thiền cho đến ngày nay.
Sư họ Triệu, quê ở Trường Khê, Phúc Châu. Sư xuất gia năm mười lăm tuổi và chăm học kinh luật Ðại thừa, Tiểu thừa. Ban đầu, Sư đến núi Thiên Thai, chú tâm nghiên cứu các bài luận của hai vị Ðại luận sư Ấn Ðộ Vô Trước và Thế Thân với giáo lí Duy thức. Tương truyền Sư cũng có gặp hai dị nhân trong giới Thiền tại đây là Hàn Sơn và Thập Ðắc. Không rõ là những bài luận nói trên có gây ấn tượng nào trong Sư không, nhưng chỉ ba năm sau đó (khoảng 796), Sư rời Thiên Thai và quyết định tham học với một vị Thiền sư. Sư đến Giang Tây yết kiến Thiền sư Bách Trượng. Bách Trượng thấy Sư liền cho nhập hội, nơi đây Sư đứng hàng đầu.
Một lần, Bách Trượng hỏi Sư: “Ngươi đem được lửa đến chăng?” Sư thưa: “Ðem được.” Bách Trượng hỏi tiếp: “Lửa đâu?” Sư cầm một nhánh cây làm vẻ thổi lửa. Bách Trượng gạt qua và bảo: “Như sâu đục vỏ cây. Nhìn thì như chữ nhưng chẳng có nghĩa gì!” Hôm khác, Sư vừa đứng hầu, Bách Trượng liền hỏi: “Ai?” Sư thưa: “Con, Linh Hựu!” Bách Trượng bảo: “Ngươi vạch trong lò xem có lửa chăng?” Sư vạch ra thưa: “Không có lửa.” Bách Trượng đứng dậy, đến vạch sâu trong lò được chút lửa, đưa lên chỉ Sư bảo: “Ngươi bảo không, cái này là cái gì!” Sư nghe vậy hoát nhiên đại ngộ. Bách Trượng bảo: “Ðây là con đường rẽ tạm thời. Kinh nói ›Muốn thấy Phật tính phải quán thời tiết nhân duyên, thời tiết đã đến như mê chợt ngộ, như quên rồi nhớ lại, mới biết tĩnh vật của mình không từ bên ngoài được.‹ Cho nên Tổ sư bảo ›Ngộ rồi đồng chưa ngộ, không tâm cũng không pháp.‹ Chỉ là không tâm hư vọng phàm thánh. Xưa nay tâm pháp nguyên tự đầy đủ. Nay ngươi đã vậy, tự khéo gìn giữ.” Sư ở lại hầu Bách Trượng khoảng hai mươi năm rồi vâng lời thầy đến núi Quy khai sơn. Nơi đây thú dữ nhiều, Sư bảo chúng: “Nếu ta có duyên nơi đây thì các ngươi đi chỗ khác, còn không duyên thì cứ ăn thịt ta đi.” Sư nói xong, thú dữ đi hết. Dần dần chúng hay tin Sư ở đây rủ nhau đến tham học và thành lập một ngôi chùa, vua đặt tên là Ðồng Khánh. Sư bắt đầu hoằng hoá và cùng với Hoàng Bá Hi Vận, môn phong của Bách Trượng cao vút từ đây.
Có vị tăng hỏi: “Người được Ðốn ngộ có tu chăng?” Sư trả lời: “Nếu người khi thật ngộ được gốc thì họ tự biết, tu cùng không tu là lời nói hai đầu. Như nay có người sơ tâm tuy từ duyên được một niệm đốn ngộ chân lí nơi mình, nhưng vẫn còn Tập khí nhiều kiếp từ vô thuỷ chưa có thể chóng sạch, nên dạy hắn trút sạch dòng thức tạo nghiệp hiện tại, tức là tu vậy. Không có nói một pháp riêng dạy hắn tu hành thú hướng. Từ nghe nhập được lí nghe và lí sâu mầu, tâm tự tròn sáng không ở chỗ mê lầm, hiện thời dù có trăm ngàn diệu nghĩa thăng trầm, hắn vẫn được ngồi yên mặc áo, tự biết tạo sinh kế. Nói tóm lại ›Chỗ lí chân thật không nhận một mảy bụi, trong cửa muôn hạnh chẳng bỏ một pháp.‹ Nếu được như vậy là một mình cầm đao thẳng vào, lòng phàm thánh sạch, hiện bày chân thường, lí sự không hai, tức Phật như như.”
Sư thượng đường bảo chúng: “Sau khi Lão tăng trăm tuổi đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái viết năm chữ ›Quy Sơn Tăng Linh Hựu.‹ Khi ấy gọi là Quy Sơn Tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Quy Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng?”
Ðời Ðường niên hiệu Ðại Trung năm thứ bảy (853), ngày mùng 9 tháng giêng, Sư tắm gội xong ngồi kết già viên tịch, thọ 83 tuổi, 64 tuổi hạ. Vua ban hiệu là Ðại Viên Thiền sư, tháp hiệu Thanh Tịnh. Những lời dạy của Sư còn được ghi lại trong Ðàm Châu Quy Sơn Linh Hựu Thiền sư ngữ lục.

Quy Tông Trí Thường

Từ Điển Đạo Uyển

歸宗智常; C: guīzōng zhìcháng; J: kishū chijō; tk. 8/9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ nối pháp của Thiền sư Mã Tổ Ðạo Nhất và là thầy của Thiền sư Cao An Ðại Ngu, người đã làm cho cho Lâm Tế ngộ được pháp của Hoàng Bá.
Sử sách không ghi rõ Sư quê quán ở đâu, chỉ biết rằng Sư đại ngộ nơi Mã Tổ và cùng rời Tổ với các vị Nam Tuyền, Trí Kiên… Sau, Sư trụ tại chùa Quy Tông ở Lô Sơn.
Sư dạy chúng: “Các bậc cổ đức từ trước không phải chẳng hiểu biết, các Ngài là bậc cao thượng chẳng đồng hạng thường. Người thời nay không thể tự thành tự lập, để tháng ngày qua suông. Các ngươi chớ lầm dụng tâm, không ai thế được ngươi, cũng không có chỗ ngươi dụng tâm. Chớ đến người khác tìm, từ trước chỉ nương người khác mà hiểu, nói ra đều kẹt, ánh sáng không thấy suốt, chỉ vì trước mắt có vật.”
Ðại Ngu đến từ biệt Sư. Sư hỏi đi đâu, Ðại Ngu trả lời: “Ði các nơi học Ngũ vị thiền.” Sư bảo: “Các nơi có Ngũ vị thiền, ta trong ấy chỉ có Nhất vị thiền.” Ðại Ngu hỏi: “Thế nào là Nhất vị thiền” Sư cầm gậy đánh, Ðại Ngu hoát nhiên đại ngộ, thưa: “Ngưng, con hội rồi.” Sư quát: “Nói! Nói!” Ðại Ngu vừa suy nghĩ trả lời Sư liền đánh đuổi ra. Ðại Ngu sau thuật lại lời này với Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Hoàng Bá thán phục, nói với chúng: “Mã Ðại sư sinh ra tám mươi bốn vị thiện tri thức, hỏi đến thì cả thảy đều chậm lụt, chỉ có Quy Tông là khá hơn một chút.”
Sư vào vườn hái rau, sẵn tay vẽ một vòng tròn quanh một bụi rau và bảo chúng: “Không được động đến cái này!” Tất cả chúng đều không dám động. Sau đó, Sư trở lại bụi rau, thấy bụi rau còn nguyên, Sư bèn cầm gậy đuổi chúng, bảo: “Cả bọn mà chẳng có một người trí huệ.”
Một vị quan tên Lí Bột đến hỏi: “Kinh sách nói ›Hạt cải để trong núi Tu-di‹, Bột không nghi, lại nói ›Núi Tu-di để trong hạt cỏ‹, phải là nói dối chăng?” Sư hỏi lại: “Người ta đồn Sử quân đọc hết muôn quyển sách phải chăng?” Lí Bột đáp: “Ðúng vậy”. Sư hỏi tiếp: “Rờ từ đầu đến chân bằng cây dừa lớn, muôn quyển sách dể chỗ nào?” Lí Bột nghe rồi lặng thinh.
Sư có một vị đệ tử – vị này sau nổi danh với tên Ðại Thiền Phật Trí Thông – với một cơ duyên giác ngộ rất kì đặc. Một đêm, Ðại Thiền la lớn: “Tôi đại ngộ rồi!” Chúng nghe như vậy đều giật mình. Sáng hôm sau, Sư hỏi: “Ðêm qua ai đại ngộ hãy bước ra?” Ðại Thiền bước ra, nói: “Chính con.” Sư hỏi: “Ông thấy đạo lí gì mà nói đại ngộ?” Ðại Thiền thưa: “Sư cô vốn là phụ nữ.” Sư im lặng chấp nhận.
Không biết Sư tịch năm nào. Sau khi tịch, Sư được sắc phong là Chí Chân Thiền sư.

Quy Y

Từ Điển Đạo Uyển

歸依; T: kyabdro; Quy y trong Phật giáo Tây Tạng.
Trong mỗi tông phái của Phật giáo Tây Tạng, lễ quy y rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết của mọi tu học về Pháp (s: dharma). Quy y của Phật giáo Tây Tạng có khác biệt so với Quy y Tam bảo trong Tiểu thừa hoặc Ðại thừa. Ba đối tượng quy y thông thường là: 1. Phật, 2. Pháp (dharma), 3. Tăng (saṅgha). Trong Kim cương thừa được lưu hành tại Tây Tạng thì ngoài Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), còn thêm một đối tượng nữa là Lạt-ma, vị đạo sư. Trong một số trường phái, người ta có thể có đến sáu đối tượng quy y, tức là ngoài Tam bảo còn có thêm: 4. Lạt ma, 5. Hộ Thần (t: yidam) và 6. Không hành nữ (s: ḍākinī).
Tầm quan trọng của Phật như là đạo sư và Tăng là giáo hội do Ngài xây dựng lên để truyền bá giáo pháp đã được xác lập rất sớm và xem như nhãn quan Phật giáo. Với sự thành hình của Ðại thừa, tính chất quan trọng của đức Phật lịch sử giảm đi và thay vào đó là “Phật quả” có tính chất bao trùm, vượt thời gian. Ðến Kim cương thừa, thì vị đạo sư lại trở nên quan trọng, đó là vị hoá thân của “Phật quả”.
Trong giáo pháp Tan-tra, người ta luôn luôn nhấn mạnh tính chất quan trọng của đạo sư, là người giúp hành giả trong các phép tu khó khăn. Kim cương thừa xem vai trò của đạo sư như là đối tượng quy y thứ tư và quan điểm cho rằng vị đó là hiện thân của Tam bảo bắt nguồn trực tiếp từ các phép tu của trường phái này. Thời gian Kim cương thừa truyền qua Tây Tạng cũng là thời điểm người ta bắt đầu thiết lập việc quy y đạo sư. Tiểu sử của Na-rô-pa (t: nāropa) và Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) còn ghi lại rất rõ điều này. Ngay cả A-đề-sa cũng nhấn mạnh đến việc quy y Lạt-ma và vị vậy ông được tặng danh hiệu “Quy y học giả” (kyabdro paṇḍita).
Trong các tông phái Tây Tạng, khi hành giả chuẩn bị thiền quán phải để ý đến phần quy y và phát Bồ-đề tâm. Tương truyền rằng Na-rô-pa quy y như sau: “Tâm ta là Phật hoàn toàn, Khẩu ta là Pháp hoàn toàn, Thân ta là Tăng hoàn toàn.”

Quyền

Từ Điển Đạo Uyển

權; C: quán; J: gon;
1. Quyền lực, ảnh hưởng; 2. Phương tiện. Giáo lí tạm thời; 3. Quả cân trong cân đứng; 4. Cân, đo; 5. Ngang bằng, làm cho bằng nhau.

Quyền Thật

Từ Điển Đạo Uyển

權實; C: quán shí; J: gonjitsu;
“Phương tiện và chân thật”.

Quyền Thật Nhị Trí

Từ Điển Đạo Uyển

權實二智; C: quánshí èrzhì; J: gonjitsu nichi;
Hai loại trí huệ chư Phật vận dụng. Thật trí (實智), hàm ý nhận thức trực tiếp thực tại như chúng đang là; quyền trí (權智), dùng chân lí tương đối và phương tiện để dẫn dắt mọi người đến chân lí.

Quyền Trí

Từ Điển Đạo Uyển

權智; C: quánzhì; J: gonchi;
Trí phương tiện căn cứ trên chân lí tương đối, dùng để dẫn dắt chúng sinh đến Thật trí, căn cứ trên chân lí tuyệt đối. Tương đương với nghĩa “phương tiện”.

Quyết

Từ Điển Đạo Uyển

決; C: jué; J: ketsu;
Quyết định, ấn định, phán đoán, đồng ý chọn, giải quyết, sắp đặt, xác định.

Quyết định

Từ Điển Đạo Uyển

決定; C: juédìng; J: ketsujō;
1. Nhất thiết, tất nhiên. Kiên quyết, chắc chắn (s: bhūta-niścaya; nirvicikitsa, avaśyam); 2. Phán xét, giải quyết, xác định. Sự phán xét, sự giải quyết, sự xác định; 3. Bản tính tiên quyết (về phía thiện hay ác); 4. Các pháp thật sự hiện hữu.

Quyết định Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

決定心; C: juédìngxīn; J: ketsujōshin;
1. Sự quyết tâm; sự cam kết bền vững; tâm không bối rối; 2. Hết sức quyết tâm đạt đến giác ngộ; 3. Theo Du-già sư địa luận thì đây là điều kiện để ổn định tư tưởng xảy ra qua tiến trình nhận thức là theo sau “Tầm cầu tâm” (尋求心).

Quyết định Tín

Từ Điển Đạo Uyển

決定信; C: juédìng xìn; J: ketsujōshin;
Niềm tin bền vững, đức tin kiên cố.

Quyết Liễu

Từ Điển Đạo Uyển

決了; C: juéliăo; J: ketsuryō;
1. Quyết định dứt khoát; 2. Hiểu rõ tường tận.

Quyết Ngưng

Từ Điển Đạo Uyển

決凝; C: juéníng; J: ketsugyō; K: kyŏrŭng, 964-1053;
Học giả tông Hoa Nghiêm trong thời kì Cao Li (k: koryŏ).

Quyết Trạch

Từ Điển Đạo Uyển

決擇; C: juézé; J: ketchaku;
“Quyết định dứt khoát”, “Quyết định và chọn lựa”. 1. Cắt đứt sạch các nghi ngờ và thông suốt nội dung Tứ diệu đế tìm thấy trong Thánh đạo (聖道, s: viniścaya). Đạt được kết quả Tứ thiện căn (四善根); 2. Chọn lấy điều ưu tú nhất; 3. Rút ra một luận lí, một luận đề; Nói chung là sự thông đạt thực tại và hoá giải vô minh thông qua sự vận dụng trí huệ. Xem Quyết trạch phần (決擇分) và Thuận quyết trạch phần (順決擇分); Tên một phẩm trong Du-già sư địa luận (s: yogācārabhūmi-śāstra).

Quyết Trạch Phần

Từ Điển Đạo Uyển

決擇分; C: juézéfēn; J: kechakubun;
Nguyên nhân của việc lựa chọn. Trí huệ vô lậu xuất sinh trong giai vị Kiến đạo, vận hành trong giai vị Tu đạo (修道) và ở quả vị Vô học (無學果). Xem Thuận quyết trạch phần (順決擇分).