O-Từ Điển Đạo Uyển

Ô Nhiễm

Từ Điển Đạo Uyển

污染; S: āśrava, āsrava; P: āsava;
Nguyên nghĩa là Lậu, nghĩa là rỉ chảy, tiết lậu ra ngoài, cũng có thể hiểu là Phiền não; có ba thứ ô nhiễm làm gốc của mọi khổ đau và nguyên nhân của Luân hồi: 1. Ô nhiễm qua dục Ái (欲漏; Dục lậu; s: kāmāśrava; p: kāmāsava); 2. Ô nhiễm qua sự tồn tại (有漏; Hữu lậu; s: bhavāśrava; p: bhavāsava); 3. Ô nhiễm của Vô minh (無明漏; Vô minh lậu; s: avidyāśrava; p: avijjāsava).
Giải thoát ba ô nhiễm này (漏盡; lậu tận) đồng nghĩa với việc đắc quả A-la-hán (s: arhat).
Quan điểm về ô nhiễm này là quan điểm cuối cùng trong mọi suy luận từ trước đến nay về nguyên nhân của sự dính mắc trong vòng sinh tử. Quan điểm này bao gồm ba dạng của Ái (s: tṛṣṇā; p: taṇhā) và vô minh, là nguồn gốc của Khổ như trong Mười hai nhân duyên chỉ rõ.

Ô-Trượng-Na

Từ Điển Đạo Uyển

烏仗那; T: orgyen; S: oḍḍiyana, uḍḍiyana; dịch theo âm Hán Việt;
Một vùng đất huyền thoại được Phật giáo Tây Tạng cho là nơi sinh của Liên Hoa Sinh (padmasambhava) và quê hương của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī). Vùng đó ngày nay thuộc về Pakistan. Các trường phái Phật giáo cổ thì cho rằng Ô-trượng-na nằm phía bắc Ấn Ðộ. Cả hai truyền thuyết đều nhất rằng Ô-trượng-na là nơi sản sinh ra một số giáo pháp Tan-tra (Mật tông Ấn Ðộ). Một trong 84 vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) là In-đra-bu-ti (s: indrabhūti) được xem là vua xứ Ô-trượng-na.

Oánh Sơn Thiệu Cẩn

Từ Điển Đạo Uyển

瑩山紹瑾; J: keizan jōkin; 1268-1325;
Thiền sư Nhật Bản, Tổ thứ tư của tông Tào Ðộng (j: sōtō) sau Ðạo Nguyên Hi Huyền (j: dōgen kigen). Sư nối pháp Thiền sư Triệt Thông Nghĩa Giới (tettsū gikai, 1219-1309), thành lập Tổng Trì tự (sōji-ji), một trong hai ngôi chùa quan trọng nhất của dòng Tào Ðộng song song với Vĩnh Bình tự (eihei-ji). Sư trứ tác Truyền quang lục (denkōroku), một tác phẩm được tất cả các dòng thiền Nhật Bản ưa chuộng và sử dụng cho đến ngày nay. Sư được các đệ tử trong tông môn Tào Ðộng cung kính gọi là Ðại Tổ (大祖; daiso), Ðạo Nguyên được gọi là Cao Tổ (高祖; kōso).
Sư quê tại Echizen, sớm được bà mẹ sùng tín gửi đến Vĩnh Bình tự để tu học. Sư thụ giới lần đầu (1280) nơi Thiền sư Cô Vân Hoài Trang (koun ejō, 1198-1280) – vị Tổ thứ hai của tông Tào Ðộng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, Hoài Trang quy tịch và Sư lưu lại tu học với Thiền sư Nghĩa Giới đến năm 17 tuổi. Sau đó, Sư bắt đầu một cuộc Hành cước kéo dài bốn năm (1285-1288), thu thập kiến thức cho cuộc đời hoằng hoá vinh quang của mình. Sư yết kiến nhiều vị cao tăng của nhiều tông phái khác nhau, tu tập Thiền theo Thiền sư Tịch Viên (寂圓; jakuen, 1207-1299, bạn đồng học với Ðạo Nguyên nơi Thiên Ðồng Như Tịnh) tại Bảo Khánh tự (hákyō-ji). Tại Kinh Ðô (kyōto), Sư tu tập Thiền theo tông Lâm Tế dưới sự hướng dẫn của hai vị Ðông Sơn Trạm Chiếu (東山湛照; tōzan tanshō, 1231-1291) và Bạch Vân Huệ Hiểu (白雲慧曉; hakuun egyō, 1228-1297), cả hai đều là môn đệ của Viên Nhĩ Biện Viên (enni ben’ nen, 1202-1280). Một cuộc viếng thăm núi Tỉ Duệ (hieizan) được Sư sử dụng để nghiên cứu giáo lí của Thiên Thai tông (tendai-shū). Sư cũng đến tham vấn Thiền sư Tâm Ðịa Giác Tâm (shinchi kakushin, 1207-1298) – người đã đem tập Công án quan trọng Vô môn quan sang Nhật.
Khi trở về học với Nghĩa Giới – lúc bấy giờ trụ trì chùa Ðại Thừa (daijō-ji) – Sư đại ngộ (1294) khi Nghĩa Giới trao cho môn đệ công án thứ 17 của Vô môn quan để tham cứu. Trong cuộc vấn đáp trong công án này, Thiền sư Nam Tuyền Phổ Nguyện trả lời sư Triệu Châu Tòng Thẩm: “Tâm bình thường là Ðạo” (Bình thường tâm thị đạo). Khi Sư suy nghĩ trình Nghĩa Giới ›Bình thường tâm‹, Nghĩa Giới liền đánh ngay vào miệng Sư. Ngay lúc này, mắt tâm Sư liền mở sáng. Không bao lâu sau, Nghĩa Giới phó chúc Sư là người nối dõi tông đường và từ đây, Sư bắt đầu cuộc đời giáo hoá của mình.
Sau khi thừa kế Nghĩa Giới trụ trì chùa Ðại Thừa (1303), học chúng từ khắp nơi đến tham học và ngôi chùa này trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của các miền Ðông bắc Nhật Bản. Nơi đây, Sư hoàn tất hai tác phẩm quan trọng của mình là Truyền quang lục (dentōroku) và Toạ thiền dụng tâm kí (坐禪用心記; zazenyōjinki). Trong Toạ thiền dụng tâm kí, Sư khuyên mọi người chú tâm đến việc Toạ thiền (zazen) và đặc biệt nhấn mạnh sự quan trọng của tư tưởng người đang toạ thiền. Tập này bắt đầu bằng những câu:
“Toạ thiền giúp con người khai sáng tâm lực và an trụ nơi cội nguồn. Ðó chính là sự thấy rõ Bản lai diện mục, là sự phát minh tâm địa. Thân tâm đều biến mất, không còn vướng mắc vào những hành động như ngồi, nằm. Vì thế nên hành giả không nên nghĩ thiện, ác, vượt hẳn ngôn ngữ như phàm, thánh, Vô minh, Giác ngộ, rời bỏ cõi của chúng sinh và Phật.”
Dựa trên các giáo lí nền tảng, Sư hướng dẫn rất tỉ mỉ về việc thực hành toạ thiền:
“Các buổi lễ long trọng và những ngôi chùa vĩ đại thờ Phật đều rất có ý nghĩa, nhưng nếu ai muốn toạ thiền rốt ráo, người ấy không được tham gia tổ chức các lễ này… Không nên toạ thiền ở nơi nào quá sáng hoặc quá tối, quá nóng hoặc quá lạnh, cũng không nên toạ thiền gần những người say đắm vào việc vui chơi hoặc kĩ nữ! Thiền đường, bên cạnh một vị thầy uy tín, cao vút trên núi hoặc tận sâu dưới thung lũng là những nơi thích hợp. Bên cạnh suối xanh, trên đỉnh núi cao là những nơi thuận tiện để kinh hành… Hành giả không được quên việc quán tất cả các Pháp đều Vô thường vì việc ấy giúp trau dồi tâm kiên cường… Lúc nào cũng giữ lòng Từ bi và chuyển tất cả những phúc đức thu thập được đến tất cả chúng sinh! Không được phát tâm kiêu mạn, không được khinh thường Phật pháp! Những phong cách này chính là phong cách của phàm phu, ngoại đạo. Nếu lúc nào cũng chú tâm đến lời nguyện đoạn tất cả phiền não để đạt Giác ngộ thì phải toạ thiền và vô tác (không làm). Ðây là quy luật quan trọng của việc toạ thiền.”
Một trong những thành công lớn của Sư là việc thành lập hai ngôi chùa lớn của tông Tào Ðộng, đó là Vĩnh Quang tự (yōkō-ji) và Tổng Trì tự (sōji-ji, 1322). Hậu Ðề Hồ (go-daigo) Thiên hoàng nâng cấp Tổng Trì tự ngang hàng với Vĩnh Bình tự (eihei-ji) và gọi là Ðại bản sơn (daihonzan) của tông Tào Ðộng.
Trong khoảng thời gian cuối đời, Sư lui về Vĩnh Quang tự và giao phó việc quản lí chùa Tổng Trì cho vị đại đệ tử là Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki, 1275-1365). Trước khi tịch, Sư còn soạn tập Oánh Sơn thanh quy (keizan shingi). Hài cốt của Sư được chia ra và thờ cúng tại bốn ngôi chùa: Ðại Thừa, Vĩnh Quang, Tổng Trì và Tịnh Trụ (jōjū-ji).

OṂ

Từ Điển Đạo Uyển

S: OṂ (ॐ); có khi được viết là AUM, phát âm theo Việt ngữ là Ôm, kéo dài âm Ô;
Là biểu tượng âm thanh cao quý và trọn vẹn nhất trong Ấn Ðộ giáo, được một vài trường phái Phật giáo, nhất là Kim cương thừa xem như một Man-tra.

H 45: OṂ
OṂ được xem là tượng trưng của cả hai, sắc và âm. OṂ là âm thanh tượng trưng sức mạnh của tâm thức nội tại, của Phật tính trong thế giới giả tạm, trong Ảo ảnh (s: māyā) này. OṂ được biểu diễn bằng ba vòng cung và một chấm nhỏ. Ba vòng cung biểu diễn sắc thể, ý thức và vô ý thức và chấm nhỏ nằm ngoài ba vòng đó biểu hiện trí huệ cao nhất dung chứa cả ba. Hình dạng của OṂ là một biểu hiện cụ thể của Chân như. Không có khái niệm hay vật thể nào trong vũ trụ có thể tồn tại độc lập. Tất cả đều là biến thể một một Chân tâm duy nhất, có liên hệ với Chân tâm đó và vì vậy chúng liên hệ lẫn nhau.
OṂ gồm có ba đường cong, một hình bán nguyệt và một dấu chấm. Các dạng này được xem nằm trong một thể thống nhất. Ba đường cong được nối với nhau, diễn tả ba tâm trạng (s: avasthā): tỉnh (s: jāgrat, vaiśvānara), mộng (s: svapna) và say ngủ (s: suṣupti). Dấu chấm và hình bán nguyệt, đứng rời, diễn tả Chân tâm là trạng thái “Thứ tư” (s: turīya), đứng trên và là nền tảng của ba trạng thái đó. Vòng bán nguyệt chỉ sự vô cùng và dấu chấm riêng lẽ chỉ óc suy luận (vòng bán nguyệt) không thể tiếp cận được Chân tâm.
Vòng tròn lớn (số 1) diễn tả tâm trạng thông thường, đó là hoạt động tiếp xúc ngoại cảnh. Vòng số 2 diễn tả giấc mộng, đó là tâm thức nội tại, do quá trình suy luận hình thành, không phụ thuộc vào ngoại cảnh và được xem là gạch nối giữa vòng 1 và 3. Vòng cao nhất (số 3) diễn tả tầng tiềm thức, đó là tâm trạng khi con người say ngủ. Vòng số 3 cũng chỉ là giai đoạn tiếp nối, nó là cấp gần với tâm trạng tuyệt đối nhất. Tâm trạng đó chính là dấu chấm, nó chiếu rọi và chế ngự ba tầng tâm thức kia, được gọi đơn giản là “Thể thứ tư” (s: turīya). “Thể thứ tư” là nguồn gốc của tất cả. Chỉ những người tu hành đã vượt ba tâm thức thô thiển trước mới tiếp cận được với thể thứ tư này.

OṂ Ma-Ṇi Pad-Me HŪṂ ॐमणिपद्मेहूं

Từ Điển Đạo Uyển

S: OṂ MA-ṆI PAD-ME HŪṂ; có thể dịch là ” OṂ, ngọc quý trong hoa sen, HŪṂ.” Câu này được dịch âm Hán Việt là “Án ma-ni bát-mê hồng”;
Một Man-tra Phạn ngữ (sanskrit), được xem là Man-tra cầu đức Quán Thế Âm và là Man-tra quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Thông thường người ta không giảng nghĩa Man-tra, nhưng ở đây cần nói thêm là, “ngọc quý” biểu hiện cho Bồ-đề tâm (s: bodhicitta), “hoa sen” chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ-đề nở trong lòng người. Tuy nhiên Man-tra có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa. Ðối với Phật giáo Tây tạng thì OṂ MA-ṆI PAD-ME HŪṂ chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới (Vòng sinh tử, Ba thế giới).