M-Từ Điển Đạo Uyển

Ma Cảnh

Từ Điển Đạo Uyển

魔境; J: makyō;
Danh từ chỉ những cảm giác và hiện tượng quái dị mà hành giả có thể trải qua trong khi Toạ thiền. Những hiện tượng này gồm: âm thanh, hình tượng lạ, hương vị, những hoạt động thân thể ngoài ý muốn… và đôi khi nhìn được việc sẽ xảy ra. Hành giả không nên coi trọng những hiện tượng này – kinh dị hay cám dỗ – và bất động, tiếp tục tu tập.
Trong một ý nghĩa bao quát hơn thì tất cả những cảnh mà phàm phu, người chưa thức tỉnh, nhận thức được đều là ma cảnh. Chỉ có những người Giác ngộ mới thấy được chân cảnh.
Ma Cốc Bảo Triệt 麻谷寶徹; C: māgǔ bǎochè; J: mayoku hōtetsu; tk. 8/9;
Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Mã Tổ Ðạo Nhất. Sử sách không ghi rõ về Sư ngoài vài Pháp chiến.
Sư cùng Mã Tổ đi dạo, nhân dịp hỏi: “Thế nào là Ðại niết-bàn?” Mã Tổ đáp: “Gấp!” Sư hỏi: “Gấp cái gì?” Tổ đáp: “Xem nước.”
Có vị tăng hỏi: “Mười hai phần giáo con chẳng nghi, thế nào là ý Tổ sư từ phương Tây sang?” Sư đứng dậy lấy trượng xoay quanh thân một vòng, đứng một chân, bảo: “Hội chăng?” Tăng thưa: “Không hội.” Sư liền đánh. Một vị khác hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Sư im lặng.

Mã Minh

Từ Điển Đạo Uyển

馬鳴; S: aśvaghoṣa;
Nhà thơ và luận sư Ðại thừa người Ấn Ðộ, sống giữa thế kỉ 1 và 2, được xem là một trong những luận sư quan trọng nhất của Phật giáo. Tác phẩm quan trọng nhất của Mã Minh là bộ Hi khúc Xá-lị tử, Phật sở hạnh tán, một tác phẩm diễn tả cuộc đời đức Phật, bộ Tôn-già-lợi Nan-đà. Sư cũng đươc xem là tác giả của bộ Ðại thừa khởi tín luận.
Ðầu tiên, Mã Minh theo đạo Bà-la-môn và được một vị tăng tên là Bà-lật-thấp-bà (s: pārśva) đưa vào đạo Phật. Các tác phẩm của Sư đọc rất dễ hiểu và có nhiều ẩn dụ. Thí dụ như chuyện Tôn-già-lợi Nan-đà “chàng trai tuấn tú Nan-đà” người tuy đã vào chùa đi tu nhưng vẫn còn thương yêu người vợ. Chỉ sau nhiều lần giảng dạy của Phật, chàng mới hết nghiệp yêu thương và sống viễn li. Mã Minh được xem là một trong bốn vị minh triết Phật giáo, được xếp vào “bốn mặt trời chiếu rọi thế giới”. Ba vị kia là Thánh Thiên, Long Thụ và Cưu-ma-la-đa (s: kumāralāta), một Ðại sư của Kinh lượng bộ.
Các tác phẩm được liệt kê dưới tên Mã Minh: 1. Ðại thừa khởi tín luận (mahāyānaśraddhotpāda-śāstra); 2. Phật sở hạnh tán (buddhacarita-kāvya); 3. Ðại tông địa huyền văn bản luận (mahāyānabhūmiguh-yavācāmūla-śāstra); 4. Ðại trang nghiêm kinh luận (mahālaṅkāra-sūtra-śāstra); 5. Ni-kiền tử vấn vô ngã nghĩa kinh; 6. Thập bất thiện nghiệp đạo kinh (daśaduṣṭakarmamārga-sūtra); 7. Sự sư pháp ngũ thập tụng; 8. Lục đạo luân hồi kinh; 9. Hi khúc Xá-lị tử (śāriputraprakaraṇa); 10. Tôn-già-lợi Nan-đà (saudarananda-kāvya).

Mã Tổ Ðạo Nhất

Từ Điển Đạo Uyển

馬祖道一; C: măzǔ dàoyī; J: baso dōitsu; 709-788;
Thiền sư Trung Quốc vĩ đại đời Ðường, môn đệ và người đắc pháp duy nhất của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sư có rất nhiều môn đệ đắc đạo không kém uy dũng như Bách Trượng Hoài Hải, Nam Tuyền Phổ Nguyện, Ðại Mai Pháp Thường, Ðại Châu Huệ Hải…
Sau Lục tổ Huệ Năng, Sư là người đã đem lại cho Thiền Trung Quốc một sắc thái đặc biệt. Sư chuyên sử dụng những phương pháp quái dị để dạy học trò như hét, im lặng, dựng phất tử, hay thình lình đánh gậy. Có khi Sư xô học trò xuống đất, vặn mũi bức tóc, tung ra những câu hỏi bất ngờ và cho những câu trả lời mâu thuẫn. Mục đích của mọi hành động đó là nhằm kéo thiền sinh ra khỏi mọi thói quen lí luận, dùng những cú sốc mạnh mẽ để giúp học trò khỏi vòng vây bọc của khái niệm để có một kinh nghiệm trực tiếp của Giác ngộ.
Sức giáo hoá của Sư mãnh liệt tới mức để lại được 139 đệ tử được truyền ấn. Mã Tổ được nhắc đến trong công án thứ 30 và 33 của Vô môn quan và công án thứ 3, 53 và 57 của Bích nham lục. Người đời sau vì quý trọng Sư quá nên gọi là Mã Tổ, tức là vị Tổ họ Mã. Sư cũng được phong danh là Giang Tây Pháp chủ. Tương truyền rằng Sư có những dấu hiệu đặc biệt của Thánh nhân (Ba mươi hai tướng tốt): mắt sáng như hổ và dáng đi như trâu, thè lưỡi đến mũi và dưới gan bàn chân có hình bánh xe.
Sư họ Mã, quê ở huyện Thập Phương. Lúc nhỏ, Sư vào chùa La Hán xin xuất gia với Hoà thượng Ðường ở Từ Châu, sau thụ giới cụ túc ở Du Châu. Sau, Sư đến Hoành Nhạc sống viễn li và ngày ngày tu tập thiền định. Cũng tại núi này, Sư gặp Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng và đắc pháp.
Cảnh Ðức truyền đăng lục kể câu chuyện sau về cách hoằng hoá của Sư và Thạch Ðầu Hi Thiên. Ðặng Ẩn Phong đến từ biệt Sư. Sư hỏi đi đâu, Ẩn Phong nói đi gặp Thạch Ðầu. Sư nói: “Ðường Thạch Ðầu trơn.” Ẩn Phong nói có cây gậy tuỳ thân, không sao. Ẩn Phong đến gặp Thạch Ðầu, dộng cây gậy xuống đất hỏi: “Ấy là tông chỉ gì?” Thạch Ðầu nói: “Trời xanh! Trời xanh!” Ẩn Phong không biết trả lời sao, về thuật lại Sư. Sư khuyên Ẩn Phong trở lại Thạch Ðầu, nếu Thạch Ðầu lại nói “Trời xanh” thì chỉ nên khòt mũi “Hư! Hư!”. Ẩn Phong nghe lời, đến Thạch Ðầu, dộng gậy, lại hỏi như trước. Lần này Thạch Ðầu chỉ khòt mũi “Hư! Hư!” Ẩn Phong không đáp được, lại trở về thuật lại, Sư nói: “Ta đã bảo ngươi đường Thạch Ðầu trơn.”
Có vị tăng đến hỏi Sư: “Thế nào được ngộ Ðạo?” Sư đáp: “Ta sớm chẳng ngộ Ðạo.” Tăng lại hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?” Sư liền nắm cây gậy đập và nói: “Nếu ta không đánh ngươi, các nơi sẽ chê ta.”
Lịch sử Thiền tông còn nhắc nhở những câu trả lời đặc biệt của Mã Tổ về “Phật là gì?” Những cuộc pháp chiến lừng danh của Sư với cư sĩ Bàng Uẩn được ghi lại trong Bàng cư sĩ ngữ lục. Các mẩu chuyện về Mã Tổ phần lớn được ghi trong Giang Tây Ðạo Nhất Thiền sư ngữ lục.
Ðời Ðường, niên hiệu Trịnh Nguyên, mùng bốn tháng hai, Sư có chút bệnh, tắm gội xong ngồi kết già thị tịch, thọ 80 tuổi, 60 tuổi hạ. Vua sắc thuỵ là Ðại Tịch.

Ma Vương

Từ Điển Đạo Uyển

魔王; S, P: māra; nguyên nghĩa là “kẻ phá huỷ”;
Hiện thân của thần chết, tượng trưng cho kẻ ngăn cản con người muốn Giác ngộ, muốn tạo Thiện (s: kuśala) nghiệp, muốn tiến bộ trên đường giác ngộ. Ma vương được xem là vua của tầng trời thứ sáu của dục giới (Tha hoá tự tại thiên, Ba thế giới, Thiên). Hình tượng của Ma vương được vẽ có trăm cánh tay, cưỡi voi.
Tương truyền lúc Phật Thích-ca sắp thành đạo, Ma vương tìm cách ngăn cản, không cho Ngài chuyển bánh xe pháp. Trước hết Ma vương hiện hàng trăm ngàn ma quỷ để trấn áp nhưng Ngài không sợ hãi, bất động. Sau đó Ma vương cho các ái nữ đẹp nhất tìm cách khuyến dụ nhưng dưới mắt Phật các nàng đó biến thành các con người xấu ác. Cuối cùng Ma vương đành khuất phục.

Ma-Ha

Từ Điển Đạo Uyển

摩訶; ~ tk. 10-11
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 11. Có lẽ Sư nối pháp Thiền sư Pháp Thuận.
Sư gốc người Chiêm Thành, thông minh từ thuở nhỏ và am hiểu cả hai thứ tiếng Phạn và Hán. Sau, Sư đến chùa Cổ Sơn thụ giáo với Thiền sư Pháp Thuận. Năm 1015, Sư dời về núi Ðại Vân ở Trường An, ngày ngày tu tập, đạt được Tổng trì tam-muội cùng các pháp thuật khó lường. Sư chu du đây đó hoằng hoá, thường hay thi triển thần thông làm phương tiện giáo hoá, người đời rất mến phục.
Năm Thiên Thành thứ 2 (1029), Sư được mời về trụ trì chùa Khai Thiên, phủ Thái Bình. Ở đây được sáu năm, Sư ra đi biệt tích, không ai biết Sư đi đâu, tịch ở đâu.

Ma-Ha Ba-Xà-Ba-đề Cồ-đàm-Di

Từ Điển Đạo Uyển

摩訶波闍波提瞿曇彌; P: mahāprajāpatī gautamī;
Dì và sau là mẹ nuôi của đức Phật Thích-ca. Sau khi chồng qua đời, bà đến xin đức Phật thành lập Tỉ-khâu-ni đoàn. Lúc đầu Phật không cho phép vì lo ngại việc giữ Giới luật, nhưng cuối cùng vì lời khẩn cầu của A-nan-đà mà Ngài đồng ý và tiên đoán rằng vì sự có mặt của tỉ-khâu-ni mà Giáo pháp thay vì tồn tại 1000 năm chỉ còn 500 năm.

Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-đa Tâm Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

摩訶般若波羅密多心經; S: mahāprajñā-pāramitā-hṛdaya-sūtra;
Kinh ngắn nhất chỉ gồm hơn hai trăm năm mươi chữ (bản tiếng Việt) và “trái tim” của bộ kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa. Tâm kinh là một trong những bộ kinh quan trọng nhất của Phật giáo Ðại thừa, được lưu hành rộng khắp tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và được hầu hết các tăng ni tụng niệm nằm lòng. Tâm kinh đóng vai trò quan trọng trong Thiền tông vì nói rõ về tính Không (s: śūnya-tā) và sự trực nhận tính Không đó một cách rõ ràng, cô đọng chưa hề có.

H 42: Nguyên bản Phạn ngữ (sanskrit) của Tâm kinh, viết theo chữ Devanāgarī, được Mithila Institute tại Darbhaṅga, Ấn Ðộ, xuất bản năm 1961.
Câu kinh căn bản của Tâm kinh là “Sắc chính là Không, Không chính là Sắc” (tạm hiểu: hiện tượng chính là bản thể, bản thể chính là hiện tượng), một điều mà Thiền tông luôn luôn nhắc nhở.
Toàn văn Tâm kinh:
प्रज्ञापारमिताहृदयसुत्रम्
(संक्षिप्तमातृका)
आर्यावलोकितेश्वरबोधिसत्त्वोगम्मीरायांप्रज्ञापारमितायांचर्यांचरमाणोव्यवलोकयतिस्म।पञ्चस्कन्धाः,
तांश्चखभावशून्यान्पश्यतिस्म।।
इहशारिपुत्ररूपंशून्यता, शून्यतैवरूपम्।रूपान्नपृथक्शून्यता,
शून्यतायानपृथग्रुपम्।यद्रूपंसाशून्यता, याशून्यतातद्रूपम्।।
एवमेववेदयासंज्ञासंकारविज्ञानानि।।
इहशारिपुत्रसर्वधर्माःशून्यतालक्षणाअनुत्पन्नाअनिरुद्धोअमलानविमलनोनानपरिपूर्णाः।
तस्माच्छारिपुत्रशून्यतायांनरूपम्, नवदना,
नसंज्ञा, नसंकाराः, नविज्ञानानि।नचक्षुःश्रोत्रघ्राणजिह्वाकायमनासि,
नरूपशब्दगन्दरसस्प्रष्टव्यधर्माः।नचक्षुर्धातुर्यावन्नमनोधातुः।।
नविद्यानाविद्यानविद्याक्षयोनाविद्याक्षयोयावन्नजरामरणंनजरामरणक्षयोनदुः
खसमुदयनिरोधमार्गानज्ञानंनप्राप्तित्वम्।।
बोधिसत्त्वस्य (श्च ?) प्रज्ञापारमितामाश्रित्यविहरतिचित्तावरणः.
चित्तवरणनास्तित्वादत्रस्तोविपर्यासातिक्रान्तोनिष्ठनिर्वाणः
त्र्यघ्वव्यवस्थिताःसर्वबुद्धाःप्रज्ञापारमितामाश्रित्यअनुत्तरांसम्यक्संबोधिमभिसंभुद्धाः।।
तस्माज्ज्ञातव्यःप्रज्ञापारमितामहामन्त्रोमहाविद्यामन्त्रोऽनुत्तरमन्त्रोऽसमसममन्त्रःसर्वदुः
खप्रशमनःसत्यममिथ्यत्वात्प्रज्ञापारमितायामुक्तोमन्त्रः।
तद्यथागतेगतेपारगतेपारसंगतेबोधिस्वाहा।।
prajñāpāramitāhṛdayasūtram
(saṃkṣiptamātṛkā)
— āryāvalokiteśvarabodhisattvo gambhīrāyāṃ prajñāpāramitāyāṃ caryāṃ caramāṇo vyavalokayati sma. pañca skandhāḥ, tāṃśca svabhāvaśūnyān paśyati sma.
iha śāriputra rūpaṃ śūnyatā, śūnyataiva rūpam. rūpānna pṛthak śūnyatā, śūnyatāyā na pṛthag rūpam. yadrūpaṃ sā śūnyatā, yā śūnyatā tadrūpam.
evameva vedayāsaṃjñāsaṃskāravijñānāni
— iha śāriputra sarvadharmāḥ śūnyatālakṣaṇā anutpannā aniruddhā amalā na vimalā nonā na paripūrṇāḥ. tasmācchāriputra śūnyatāyāṃ na rūpam, na vedanā, na saṃjñā, na saṃskārāḥ, na vijñānāni. na cakṣuḥśrotraghrāṇajihvākāyamanāsi, na rūpaśabdagandharasaspraṣṭavyadharmāḥ. na cakṣurdhāturyāvanna manodhātuḥ
na vidyā nāvidyā na vidyākṣayo nāvidyākṣayo yāvanna jarāmaraṇaṃ na jarāmaraṇakṣayo na duḥkhasamudayanirodhamārgā na jñānaṃ na prāptitvam.
— bodhisattvasya (śca?) prajñāpāramitāmāśritya viharati cittāvaraṇaḥ. cittāvaraṇanāstitvādatrasto viparyāsātikrānto niṣṭhanirvāṇaḥ. tryaghvavyavasthitāḥ sarvabuddhāḥ prajñāpāra-mitāmāśritya anuttarāṃ samyaksaṃbodhimabhi-saṃbuddhāḥ.
— tasmājjñātavyaḥ prajñāpāramitāmahāmantro mahāvidyāmantro ‘nuttaramantro ‘samasama-mantraḥ sarvaduḥkhapraśamanaḥ satyamamithyatvāt prajñāpāramitāyāmukto mantraḥ. tadyathā gate gate pāragate pārasaṃgate bodhi svāhā.
摩訶般若波羅密多心經
觀自在菩薩行深般若波羅蜜多時照見五蘊皆空度一切苦厄舍利子色不異空空不異
色色即是空空即是色受想行識亦復如是舍利子是諸法空相不生不滅不垢不淨不增不減
是故空中無色無受想行識無眼耳鼻舌身意無色聲香味觸法無眼界乃至無意識界無無明
亦無無明盡乃至無老死亦無老死盡無苦集滅道無智亦無得以無所得故菩提薩埵依般若波羅蜜多
故心無罣礙無罣礙故無有恐怖遠離顛倒夢想究竟涅槃三世諸佛依般若波羅蜜多
故得阿耨多羅三藐三菩提故知般若波羅蜜多是大神咒是大明咒是無上咒是無等等咒
能除一切苦真實不虛故說般若波羅蜜多咒即說咒曰揭諦揭諦波羅揭諦波羅僧揭諦菩提薩婆訶
Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Xá-lợi-tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thụ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá-lợi-tử! Thị chư pháp không tướng: Bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc vô thụ tưởng hành thức, vô nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới, vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận, vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố Bồ-đề Tát-đoá y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố viễn li điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết-bàn. Tam thế chư Phật y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề, cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú tức thuyết chú viết: Yết-đế yết-đế, Ba-la yết-đế, Ba-la-tăng yết đế, Bồ-đề Tát-bà-ha.
“Bồ Tát Quán Tự Tại, khi tu chứng đại trí huệ siêu việt, thấy rõ năm uẩn đều không, vượt hết thảy khổ ách.
Này Xá-lị tử! Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc; Sắc chính là Không, Không chính là Sắc; thụ, tưởng, hành, thức cũng đều như vậy.
Xá-lị tử! Tướng Không của các pháp là không sinh, không diệt, không nhiễm, không sạch, không thêm, không bớt. Vì thế trong Không không có sắc, thụ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, thiệt, thân, ý; không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không nhãn giới cho đến ý thức giới; không vô minh cũng không hết vô minh; cho đến không già chết, cũng không hết già chết; không khổ, tập, diệt, đạo; không trí huệ, cũng không chứng đạt vì không có gì để chứng.
Bồ Tát nương trí huệ siêu việt nên tâm không vướng ngại; vì không vướng ngại nên không sợ sệt, xa lìa hết thảy điên đảo mộng tưởng, rốt ráo đạt Niết-bàn. Các Phật ba đời nương trí huệ siêu việt nên được giác ngộ hoàn toàn, đúng đắn và cao nhất.
Vì thế nên biết rằng trí huệ siêu việt là sức lớn, sức sáng, sức cao nhất, sức không gì bằng, hay trừ hết thảy khổ đau, chân thật không sai. Cho nên từ trí huệ siêu việt rút ra nghĩa tinh yếu như sau:
Giải thoát, giải thoát, đã giải thoát, đã cùng giải thoát, giác ngộ hoàn toàn.”
(Dịch giả khuyết danh).

Ma-Ha Tất-đạt

Từ Điển Đạo Uyển

摩訶悉達; S: mahāsiddha; dịch nghĩa là Ðại thành tựu giả;
Danh hiệu chỉ những vị tu khổ hạnh, đã đạt cốt tuỷ của giáo pháp Tan-tra của Phật giáo (Vô thượng du-già) một cách siêu việt. Người ta nhắc đến nhiều nhất 84 vị Ma-ha Tất-đạt của thế kỉ thứ 8 đến thế kỉ thứ 12 tại Ấn Ðộ, là những vị tu học khác hẳn truyền thống tu tập ở các Tinh xá (s, p: vihāra) của Ðại thừa. Ðó là những vị nam nữ, thuộc tầng lớp xã hội khác nhau, là những người đã để lại cho Phật giáo Bắc Ấn Ðộ và Tây Tạng một ảnh hưởng quyết định.
Tất-đạt (s: siddha) là các vị đã đạt thần thông, thần thông này được gọi là Tất-địa (s: siddhi). Người Xuất gia hay Cư sĩ đều có thể đạt Tất-địa. Trong thời đức Phật còn tại thế, người ta đã thừa nhận trong quá trình tu tập, hành giả có thể đạt thần thông nhất định, nhưng các thần thông đó đều vô ích, không đáng quan tâm. Chính đức Phật cũng không cho phép đệ tử mình thi triển thần thông, trừ khi cần phải thi triển vì mục đích giáo hoá. Thế nhưng Mật tông, nhất là truyền thống Tan-tra có khuynh hướng khuyến khích việc thi triển thần thông, xem nó như một trong những Phương tiện thiện xảo để giáo hoá. Vì thế phần lớn các vị Tất-đạt hay xiển dương thần thông như bay trên không, đi dưới nước, xuyên qua tường hay kéo dài thọ mệnh. Các vị đạt một ít thần thông nhất định được gọi là Tất-đạt, các vị đạt được nhiều thần thông được gọi là Ma-ha Tất-đạt. Người ta kể ra khoảng 34 thần thông khác nhau. Các vị đạt Tất-địa không nhất thiết là đã giải thoát. Trong sách vở truyền lại, ít có vị nào được ghi là “nhập Niết-bàn”. Phần lớn được gọi là “đi vào cõi của Không hành nữ”, được hiểu là nơi không còn tái sinh, tiếp tục tu học để giải thoát hoàn toàn.
Chuyện về 84 vị Ma-ha Tất-đạt do Abhayadatta Śrī, một cao tăng Ấn Ðộ ghi lại trong thế kỉ 11,12 trong một tập dưới tựa Lịch sử của 84 Tất-đạt (s: caturraśīti-siddha-pravṛtti, bản dịch của Keith Dowman và H.-W. Schumann). Truyền thống Tây Tạng cũng có những tập nói về chư vị nhưng có khác đôi chút. Trong quyển sách này, sự tích các vị là dựa vào tập của Abhayadatta. Ða số 84 vị này đều sống trong khoảng từ thế kỉ thứ 8 đến 12 và truyền thừa cho nhau. Các vị thường có rất nhiều tên khác nhau, phần lớn dựa vào tính chất đắc đạo hay nghề nghiệp các vị đó. Các câu chuyện truyền lại với những thần thông khác nhau có thể được thêm bớt, nhưng người ta cho rằng tất cả các vị đó đều là những nhân vật lịch sử, đã sống thật trên trái đất này.
Ngày nay người ta còn tìm thấy tiểu sử của 84 vị Ma-ha Tất-đạt trong kinh sách Tây Tạng như Cha-tra-ba (s: catrapa), người hành khất; Kan-ta-li-pa (s: kantalipa), thợ may và Kum-ba-ri-pa (s: kumbharipa), thợ gốm. Người ta cũng phải kể các vị như nhà vua In-đra-bu-ti (s: indrabhūti) và người em gái La-kha Min-ka-ra (s: lakṣmīṅkarā) cũng như Luận sư San-ti-pa (s: śāntipa). Ðời sống các vị đó khác nhau rất nhiều nhưng tất cả đều có chung một điều là các vị đều phải trải qua một cơn khủng hoảng trong đời, gặp một lời khai thị của một vị Ðạo sư và biến khủng hoảng đó thành đạo giải thoát. Các vị thường có thái độ khó hiểu và ưa dùng nghịch lí để diễn tả cái không thể lĩnh hội được của sự thật vô thượng. Trong tiểu sử của vị Ma-ha Tất-đạt Tan-tê-pa (s: taṅtepa), người ta thấy sự hoà nhập giữa một cuộc đời tối tăm nhất và sự giác ngộ cao cả. Ông là người đánh bạc, phá tan gia sản và chỉ nhờ câu khai thị – thế giới thật ra cũng trống rỗng như túi tiền của mình – ông đạt giác ngộ và thực hiện Niết-bàn.
Các bài kệ ca tụng Chân như, trong đây được tạm dịch là chứng đạo kệ (s: dohā; Hán âm là Ðạo-bả, 道把) của các vị Ma-ha Tất-đạt thường rất thi vị và kích thích sức tưởng tượng. Tại Tây Tạng, truyền thống ca hát đó được Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa) và Drug-pa Kun-leg tiếp nối. Bài ca sau đây của người thợ rèn Sa-ra-ha, một trong những vị Ma-ha Tất-đạt danh tiếng nhất, để lại ấn tượng khó quên: “Ai thấu hiểu rằng, đầu đuôi chẳng có tâm thức nào cả, người đó đã thực hiện tâm Phật ba đời.”

Ma-Hi-đà

Từ Điển Đạo Uyển

摩呬陀; S, P: mahinda;
Cao tăng Phật giáo thế kỉ thứ 3 trước Công nguyên, con trai của A-dục vương (s: aśoka). Năm 250 trước Công nguyên, ông cầm đầu phái đoàn đi Tích Lan và thuyết phục nhà vua xứ này là Thiên Ái Ðế Tu (p: devānampiya tissa) theo Phật giáo. Sau đó, nhà vua cho xây dựng Ðại Tự (p: mahāvihā-ra) trong kinh đô A-nu-ra-đa-pu-ra (p: anurā-dhapura), trồng một nhánh cây Bồ-đề do Ma-hi-đà mang theo. Ông chết năm 60 tuổi tại Tích Lan.

Ma-Hi-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: mahipa; “Người vĩ đại nhất”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 10. Ma-hi-pa là người xứ Ma-kiệt-đà (s: magadha).
Ông là người có sức mạnh vô địch, luôn luôn tự hào về sức mạnh đó. Ngày nọ, ông gặp một Du-già sư, vị này đọc được ý nghĩ đầy kiêu mạn của ông làm ông khâm phục. Ông xin theo học. Vị Du-già sư bèn dạy:
Mọi hiện tượng là tâm,
quán tưởng thật kiên cố,
rằng tâm là tính Không,
bất sinh và bất tử.
Thế mới là sức mạnh.
Nghe qua ông không hiểu, vị Du-già sư đổi cách nói:
Nếu ngươi biết rõ rằng,
sức mạnh: sự trống rỗng,
thì ngươi thật sự là,
một con người vô địch.
Hãy dán các hiện tượng,
năng lực và nhận thức,
trên không gian mênh mông
của đất trời vô tận.
Nhà vô địch nghiêng đầu cảm tạ. Ông tìm cách lấy tâm làm đối tượng quán tưởng thì tâm chạy đi đâu mất, ông tìm sự nhận thức để quán sát thì cũng không nắm bắt được nó. Ngày trước nó là trở ngại của ông thì bây giờ nó chính là phương tiện cho ông. Nhờ thế mà ông đạt thánh quả, sống thêm 300 trăm năm nữa và giáo hoá cho người đời thấy rằng sức mạnh đích thật chính là tự tính cuối cùng của tâm. Thánh đạo ca của ông có những dòng sau:
Dưới ngọn núi kiêu mạn,
là viên ngọc Như ý
của thật chứng giác ngộ.
Hành động đầy giác ngộ
của con người tài tình,
thoả ước vọng của ta,
vì người đó đã đạt,
đã nếm vị duy nhất.

Ma-Kiệt-đà

Từ Điển Đạo Uyển

摩竭陀; S, P: magadha;
Vương quốc ở Bắc Ấn Ðộ trong thời Phật Thích-ca tại thế. Các kinh đô lần lượt là Vương xá (s: rājagṛha) và Hoa Thị thành (s: pāṭaliputra). Vua nước Ma-kiệt-đà là Tần-bà-sa-la (s, p: bimbisāra) và con trai là A-xà-thế (s: ajātaśatru), sau đó đến A-dục vương (s: aśoka). Ma-kiệt-đà được xem là nơi phát sinh Phật giáo, sau hội nghị Kết tập lần thứ 3, giáo pháp đã từ đây truyền qua các vùng khác của Ấn Ðộ.
Dưới thời A-dục vương, Ma-kiệt-đà có diện tích lớn nhất. Ngôn ngữ ở đây là Mā-ga-dhī, và mối liên hệ của nó với ngôn ngữ của Phật giáo nam truyền là một điều ngày nay người ta vẫn chưa hiểu hết.

Mã-Nhĩ-Ba

Từ Điển Đạo Uyển

馬爾波; T: marpa; 1012-1097;
Ðạo sư nổi tiếng của Nam Tây Tạng. Mã-nhĩ-ba đi Ấn Ðộ và mang về Tây Tạng giáo pháp Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā), Na-lạc lục pháp (t: nāro chodrug). Ông là thầy của Mật-lặc Nhật-ba (t: milarepa), đóng vai trò quan trọng trong phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyu-pa). Mặc dù tu hành tích cực nhưng Mã-nhĩ-ba vẫn tham gia công việc thế tục một cách hài hoà.
Thời trẻ tuổi, ông đã học Phạn ngữ (sanskrit) và sau đó ông đổi toàn bộ sản nghiệp lấy vàng bắt đầu chuyến du hành Ấn Ðộ. Tại đây, ông gặp Na-rô-pa (t: nāropa), một vị Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) và được vị này hướng dẫn 16 năm. Trở lại Tây Tạng, ông dùng hết thời giờ để phiên dịch kinh sách, sống cuộc đời của một nông dân, lập gia đình với Dag-me-ma và có nhiều con. Sau đó, trên đường tìm những chú giải của những Mật kinh, ông lại đi Ấn Ðộ một lần nữa và sau khi về lại Tây Tạng, ông nhận Mật-lặc Nhật-ba làm đệ tử. Sau nhiều lần thử thách khắc nghiệt, ông mới chịu truyền bí pháp cho Mật-lặc Nhật-ba.
Lúc tuổi đã cao, Mã-nhĩ-ba lại đi Ấn Ðộ lần thứ ba vì một bí pháp khác. Tại đây, ông gặp A-đề-sa và thầy Na-rô-pa lần cuối. Mã-nhĩ-ba ưa thích dùng giấc mộng để quyết đoán trước tương lai và từng tiên tri sẽ có tông Ca-nhĩ-cư ra đời.

Ma-Ni Ba-đra

Từ Điển Đạo Uyển

S: maṇibhadrā; “Bà nội trợ hạnh phúc”;
Một Du-già-ni Tất-đạt (s: yoginī siddhā) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 11.
Tại thành A-gạt-chê (agarce) có một thương nhân nọ có người con gái 13 tuổi tên là Ma-ni Ba-đra. Nàng được gả chồng nhưng theo tục lệ thời đó, nàng vẫn ở với cha mẹ cho đến tuổi làm vợ. Trong thời gian đó thì Ðạo sư Kuk-ku-ri-pa (s: kukkuripa) đi qua nhà khất thực. Thấy vị Du-già sư, nàng liền bố thí cúng dường và xin học đạo, Kuk-ku-ri-ba nhận lời và hẹn nàng đến bãi thiêu xác trong thành. Suốt ngày nàng chỉ nhớ lời vị Ðạo sư dặn và khi đêm đến, nàng lén đi đến chỗ hẹn. Thấy căn cơ nàng đã chín muồi, vị Ðạo sư cho nàng nhập môn Cha-kra sam-va-ra tan-tra, Quán đỉnh và hướng dẫn nàng phép thiền quán. Nàng ở liên tiếp bảy ngày tu tập, và khi về nàng bị cha mẹ la rầy đánh đập nhưng sau đó vẫn tiếp tục tu tập. Một năm sau chồng tới rước về, nàng đi theo không hề phản đối, làm trọn vẹn bản phận người vợ. Nàng sinh hạ một trai một gái.
Mười hai năm trôi qua sau khi gặp Ðạo sư, ngày nọ nàng đi xách nước, lỡ vấp chân và bình nước bị vỡ. Cả nhà đợi hoài không thấy đi tìm thì thấy nàng nhập định, người bất động, mắt đăm đăm nhìn bình nước bị vỡ. Ðến tối nàng mới xuất thiền, đọc bài kệ:
Từ vô thuỷ xa xưa,
loài hữu tình đánh vỡ,
bình chứa nước đời sống,
nhưng không hiểu tại sao
họ vẫn về lại nhà?
Hôm nay ta đánh vỡ,
bình chứa nước của ta,
nhưng ta không trở lại,
chốn Tử sinh này nữa.
Ði tiếp tới Ðại lạc,
huyền diệu thay, Ðạo sư!
Các ngươi muốn hạnh phúc,
hãy biết tôn kính Ngài!
Nói xong Ma-ni Ba-đra nhấc mình lên không và giáo hoá cho quần chúng 21 ngày liên tục. Sau đó bà biến mất vào cõi của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī).
Người ta còn nhắc thêm các dòng chứng đạo ca sau đây của bà:
Khi vô minh bao phủ,
thì mỗi một âm thanh,
kéo theo một phân biệt.
Khi Thật tại phơi bày,
thì Tự tính mọi chuyện,
lại chính là Thật tại.
Một câu chuyện gần giống như trên được Trúc Thiên thuật lại trong bản dịch Thiền luận (quyển thượng, trang 506-507) của Su-zu-ki: Thiền sư Lang Gia Huệ Giác (琅邪慧覺; thuộc tông Lâm Tế, môn đệ của Phần Dương Thiện Chiêu) có một vị nữ đệ tử. Sư trao cho cô ba chữ “tuỳ tha khứ” (隨他去; nghĩa là ›theo nó mà đi‹ hoặc ›mặc kệ nó‹) làm Thoại đầu tham quán. Cô chú tâm vào ba chữ này đến nỗi nhà cháy cô cũng không lo, cứ niệm “tuỳ tha khứ.”… Ngày nọ, chồng cô chiên bánh, liệng miếng bột vào chảo dầu sôi một tiếng xèo. Cô giật mình như tỉnh cơn mê, nhắc chảo dầu sôi đổ xuống đất, tay phủi miệng cười và hét to: “tuỳ tha khứ.” Chồng cô tưởng cô điên, không ngờ cô đã ngộ đạo.

Ma-Nô-La

Từ Điển Đạo Uyển

摩拏羅; S: manorata;
Tổ thứ 22 của Thiền tông Ấn Ðộ.

Ma-Thâu-La

Từ Điển Đạo Uyển

摩愉羅; S: mathurā;
Một thành phố Ấn Ðộ nằm bên phải của sông Ya-mu-na (s: yamunā), tiểu bang Uttar-Pradesh. Giữa 150 và 250, đây là một trung tâm văn hoá, nghệ thuật Phật giáo quan trọng. Song song với Càn-đà-la (gandhāra), những tượng Phật đầu tiên được kiến tạo tại đây. Phật được trình bày dưới dạng một Dạ-xoa (s: yakṣa) đang đứng.
Thân của đức Phật được trình bày gọn, lực lưỡng, Ngài mang một ca-sa láng trơn nằm sát người, không có nếp xếp và để lộ nhiều phần của thân thể. Tượng Phật tại đây được trình bày không như tại Càn-đà-la – nghĩa là chỉ hướng nội – mà là một vị Thánh sẵn lòng cứu giúp, thuyết pháp vì chúng sinh.
Dưới ảnh hưởng của Càn-đà-la, thân thể của đức Phật được trình bày mềm mại và gầy hơn, ca-sa trở thành một y phục nhẹ nhàn với những nếp xếp song song mà qua nó, thân của Ngài hiện ra rõ ràng. Tượng Phật tại đây phát ra một nét dung hoà và nhân cách cao quý.

Mặc Chiếu Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

默照禪; C: mòzhǎo-chán; J: mokushō-zen; nghĩa là “Thiền của sự giác ngộ thầm lặng”;
Danh từ này xuất hiện và được sử dụng trong thời Thiền sư Hoằng Trí Chính Giác (1091-1157) trong tông Tào Ðộng để phân biệt với phương pháp Khán thoại thiền trong dòng Lâm Tế. Theo phương pháp Mặc chiếu thiền, thiền sinh không cần phải dùng Công án mà chỉ việc ngồi trầm tĩnh tu tập Thiền định.
Như Khán thoại thiền trong dòng Lâm Tế, danh từ Mặc chiếu thiền được sử dụng ám chỉ dòng Tào Ðộng. Nói đến Mặc chiếu thiền là người ta nghĩ ngay đến Tào Ðộng.

Mặc Nhiên

Từ Điển Đạo Uyển

默然
Là sự lặng thinh, không trả lời. Biểu thị này thường được thấy trong hai trường hợp:
1. Chỉ sự im lặng của Phật Thích-ca Mâu-ni trước những câu hỏi về những chủ đề siêu nhiên, vượt khỏi tầm nhìn, vô bổ.
Các đệ tử của Ngài thường đặt những câu hỏi như “Có một Ngã hay không”, “Một Giác giả có tồn tại sau khi nhập Niết-bàn hay không”, “Thế giới vĩnh hằng hay không”. Ðức Phật giải thích sự im lặng của mình là những câu trả lời dành cho các câu hỏi này chẳng giúp ích gì trên con đường tu tập – bởi vì chúng không trợ giúp khắc phục tham ái, thành đạt trí huệ. Ngài lo ngại các vị đệ tử chỉ chú tâm vào những nghi vấn này mà xao lãng công trình tu tập.
Ðức Phật trình bày quan điểm của mình qua một ẩn dụ nổi tiếng: một người bị trúng tên. Người này được đưa đến y sĩ, và vị y sĩ muốn rút mũi tên ra lập tức. Nhưng kẻ bị trúng tên lại bảo: “Mũi tên này không được rút ra cho đến khi nào ta biết được kẻ nào đã bắn trúng ta, hắn thuộc về gia đình nào, thân thể lớn, bé hay vừa, da trắng, nâu hay đen.”
Và như người bị trúng tên chết trước khi nhận được những câu giải đáp – cũng như thế, các vị đệ tử sẽ bị những nỗi khổ thế gian đàn áp, sẽ chết trước khi nhận được những lời giải đáp về những vấn đề siêu nhiên, vô bổ nêu trên.
2. Chỉ sự im lặng như sấm sét (默如雷; mặc như lôi) của Cư sĩ Duy-ma-cật dành cho Bồ Tát Văn-thù, được ghi lại trong kinh Duy-ma-cật sở thuyết.

Mặc Tích

Từ Điển Đạo Uyển

墨跡; J: bokuseki; nghĩa là dấu mực;
Danh từ dùng để chỉ các tác phẩm, những lời văn, những chữ được các Thiền sư hoặc các vị tăng viết. Nội dung của các ›Dấu mực‹ thường là một pháp ngữ (j: hōgo) của các vị Thiền sư, Tổ sư. Một mặc tích được thực hiện không phải với tâm trạng ›muốn tạo‹ một tác phẩm nghệ thuật mà chính nó là một biểu hiện của một sự thật sinh động, xuất phát từ kinh nghiệm thiền.
Các mặc tích được các vị Thiền sư – đặc biệt là các vị thực hành Thư đạo (j: shodō) – trứ tác để cổ vũ, khuyến khích môn đệ, thường là được các môn đệ thỉnh cầu thực hiện. Khi thầy tặng môn đệ một mặc tích có nghĩa là vị thầy này ›cho đệ tử biết tâm trạng của mình‹. Có khi mặc tích chỉ là một chữ duy nhất, một chữ đặc biệt, có giá trị trung tâm cho Thiền, hoặc là một bài kệ ngộ đạo hoặc một câu pháp ngữ. Các mặc tích của các Ðại thiền sư Nhật Bản như Mộng Song Sơ Thạch (musō soseki, 1275-1351), Nhất Hưu Tông Thuần (ikkyū sōjun, 1394-1481), Bạch Ẩn Huệ Hạc (hakuin ekaku, 1685-1768) và Tiên Nhai Nghĩa Phạm (sengai gibon) chính là những kiệt tác của nghệ thuật Thiền và nền nghệ thuật Nhật nói chung (xem sự tích về việc viết một mặc tích dưới Hành-trụ-toạ-ngọa).

Mai-Tre-Ya-Na-Tha

Từ Điển Đạo Uyển

S: maitreyanātha;
Một trong những người sáng lập Duy thức tông, được xem là sống ở thế kỉ 4-5. Các dữ liệu gần đây cho rằng đây chính là thầy của Vô Trước (s: asaṅga). Mặt khác, người ta xem Vô Trước là người được học hỏi trực tiếp từ đức Di-lặc (s: maitreya). Như vậy, có thể Mai-tre-ya-na-tha (maitreyanātha) chính là Bồ Tát Di-lặc. Vì vậy có người cho rằng Di-lặc là Sơ tổ của Duy thức tông.
Các tác phẩm sau đây được xem là của Mai-tre-ya-na-tha hoặc của Vô Trước: A-tì-đạt-ma tập luận (s: abhidharma-samuccaya) được trình bày theo dạng của Duy thức tông, Ðại thừa kinh trang nghiêm luận (mahāyānasūtralaṅkāra-śāstra), Trung biên phân biệt luận (mādhyānta-vibhāga-śāstra), một bài luận ngắn có tính giáo khoa và bộ luận Du già sư địa (yogācārabhūmi-śāstra) nổi tiếng.

Mạn

Từ Điển Đạo Uyển

慢; S, P: māna;
Sự kiêu mạn tự cho ta bằng người (s: māna) hoặc hơn người (s: atimāna). Mạn là một trong mười Kết sử trói vào Luân hồi, chỉ hoàn toàn tan rã khi chứng quả A-la-hán. Mạn là một trong những Tuỳ miên (s: anuśaya; p: anusaya) và Phiền não (s: kleśa; p: kilesa).

Mãn Giác

Từ Điển Đạo Uyển

滿覺; 1052-1096
Thiền sư Việt Nam, thuộc đời thứ 8 của dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Sư nối pháp Thiền sư Quảng Trí và truyền tâm ấn lại cho đệ tử là Bản Tịnh.
Sư họ Nguyễn, thân phụ là Hoài Tố làm chức Trung thơ Viên ngoại lang. Lúc Lí Nhân Tông còn làm Thái tử, Sư được tuyển vào cung tham gia học thuật cùng với vua. Về sau, khi lên ngôi, Lí Nhân Tông ban cho Sư hiệu Hoài Tín.
Sau, Sư dâng biểu xin xuất gia, học với Thiền sư Quảng Trí và vân du khắp nơi. Sư là bậc lĩnh tụ pháp môn trong một thời, được vua Lí Nhân Tông cùng hoàng hậu hết sức kính nể và dựng chùa Giáo Nguyên thỉnh làm trụ trì.
Năm 1096 cuối tháng 11, Sư gọi chúng đọc bài kệ:
春去百花落。春到百花開
事逐眼前過。老從頭上來
莫謂春殘花落盡。庭前昨夜一枝梅
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.
*Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mắt việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua – sân trước – một cành mai.
Nói xong Sư ngồi kết già thị tịch, thọ 45 tuổi. Sau lễ hoả táng, Xá-lị được thu lại thờ tại chùa Sùng Nghiêm, vua thuỵ hiệu là Mãn Giác.

Mãn Nghiệp

Từ Điển Đạo Uyển

滿業; C: mănyè; J: mangō;
Nghiệp đặc thù, chi tiết; còn gọi là Biệt báo (別報). Những hành vi tạo thành nghiệp – liên quan tức thời đến những nghiệp làm phát sinh các chi tiết khác biệt nhau giữa loài người, như sinh trong gia đình giàu hoặc nghèo, xấu hay đẹp, v.v… Điều này khác với kết quả tổng thể của nghiệp, như được sinh ra trong chủng loại nào,v.v… được gọi là Dẫn nghiệp (引業).

Mãn Nguyện

Từ Điển Đạo Uyển

滿願; C: mănyuàn; J: mangan;
1. Mãn nguyện, nguyện vọng thành tựu; 2. Hán dịch tên của Phú-lưu-na (富留那, pūrṇa) từ tiếng Phạn. Phú-lâu-na.

Mãn Nguyệt

Từ Điển Đạo Uyển

滿月; C: mănyuè; J: mangetsu; S: candra-aṃśu
1. Trăng tròn (s: candra-aṃśu); 2. Mãn Nguyệt, tên một vị Bồ Tát.

Mãn Tự

Từ Điển Đạo Uyển

滿字; C: măn zì; J: manji;
1. Giáo lí viên mãn của Đức Phật; 2. Trong tiếng Phạn, chỉ cho sự kết hợp của một nguyên âm và phụ âm để tạo thành một chữ hoàn chỉnh.

Mãn Túc

Từ Điển Đạo Uyển

滿足; C: mănzú; J: manzoku;
1. Sự hoàn thành (ham muốn hay mục đích). Đáp ứng, thoả mãn, đáp lại, làm vừa lòng. Hoàn thành, hoàn chỉnh; 2. Giáo lí toàn hảo.

Man-đa-La

Từ Điển Đạo Uyển

S: maṇḍala; nguyên nghĩa là “vòng tròn, vòng cung”;
Một khái niệm quan trọng của Phật giáo Tây Tạng và Kim cương thừa. Ðó là biểu tượng của vũ trụ và lực lượng trong vũ trụ diễn tả bằng những tranh vẽ. Người ta sử dụng Man-đa-la để tập trung thiền định, nó là xuất phát điểm của nhiều phương pháp Quán đỉnh. Tại Tây Tạng, người ta hiểu Man-đa-la là “trung tâm và ngoại vi”, là cơ sở để hiện tượng hợp nhất với bản thể. Vì vậy trong một Man-đa-la, người ta thường thấy vô số cảnh vật, hình tướng khác nhau, nhưng chúng nằm trong một tranh vẽ duy nhất với thứ tự trên dưới rõ rệt.
Trong Kim cương thừa, Man-đa-la không chỉ là đối tượng thiền quán mà còn là bàn thờ để thiền giả bày biện các lễ vật hay pháp khí. Tuy thế muốn được làm như thế, hành giả phải được một vị đạo sư thừa nhận và cho phép thực hiện Nghi quỹ (s: sādhana) đó. Mỗi Man-đa-la đều nhắm đến một vị Phật nhất định và vì thế lễ vật hay pháp khí đều phải phù hợp. Kim cương thừa xem mọi thứ đều có thể là Man-đa-la, từ thế giới ngoại cảnh đến chính bản thân hay tâm thức mình. Tuy nhiên theo truyền thống người ta hay xem Man-đa-la là một lâu đài hình vuông có bốn cửa nhìn ra bốn phía. Có 4 cách để xây dựng một Man-đa-la: 1. Bằng một bức hoạ (Thăng-ka), 2. Bằng cát nhuộm màu, 3. Bằng từng đống gạo nhỏ và 4. Bằng vật thể ba chiều, thường là kim loại. Nếu trung tâm của Man-đa-la vẽ một vị thần mặt mày dữ tợn, thường Man-đa-la đó hay chỉ tính vô thường của vạn sự, được vẽ với tử thi vây tròn chung quanh. Có khi Man-đa-la được vẽ với biểu tượng của các Phật gia (buddhakula).

Mạn-đát-La

Từ Điển Đạo Uyển

曼怛羅; C: màndáluó; J: mantara;
Phiên âm chữ mantra trong tiếng Phạn, là lời nói mang một năng lực huyền nhiệm. Chân ngôn (眞言).

Mạn-đồ-La

Từ Điển Đạo Uyển

曼荼羅; C: màntúluó; J: mandara;
Biểu tượng tượng trưng cho năng lực vũ trụ qua sắc thái hai hoặc 3 chiều, đặc biệt thường được dùng trong Mật tông Phật giáo, hỗ trợ cho pháp tu thiền định.

Mạn-đồ-La Tập

Từ Điển Đạo Uyển

曼荼羅集; C: màntúluó jí; J: mandara shū;
3 quyển, do Hưng Nhiên (興然, j: kōzen) sưu tập vào năm 1173. Là tuyển tập các hình tượng dành riêng cho mạn-đà-la, Trong một vài trường hợp, có một số đồ hình bổ khuyết cho kinh văn cùng nguồn gốc và là đối tượng cho việc thờ phượng. Nhiều hính tượng miêu tả trong tác phẩm nầy không được tìm thấy trong bản tuyển tập các hình tượng khác.

Mạn-Thù Ngũ Tự Tâm đà-La-Ni Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

曼殊五字心陀羅尼經; C: mànshū wŭzì xīntuóluóní jīng; J: manju goji shindarani kyō;
Tên gọi khác của bản dịch Kim cương đỉnh kinh du già Văn-thù Sư-lợi Bồ Tát pháp nhất phẩm (金剛頂經瑜伽文殊師利菩薩法一品).

Mạn-Thù Sư-Lợi Bồ Tát Chú Tạng Trung Nhất Tự Chú Vương Kinh

Từ Điển Đạo Uyển

曼殊師利菩薩呪藏中一字呪王經;; C: mànshūshīlì púsàzhòuzàng zhōng yīzì zhòuwáng jīng; J: manjushiri bosatsujuzō chū ichiji juō kyō;
1 quyển, Nghĩa Tịnh (義淨) dịch năm 703. Tương đương phẩm thứ 9 của Văn-thù Sư-lợi căn bản nghi quỹ (s: mañjuśrīmūlakalpa).

Man-Tra

Từ Điển Đạo Uyển

S: mantra;
Là một số âm, chứa đựng sức mạnh đặc biệt của vũ trụ hoặc biểu hiện của một khía cạnh nào đó của Phật tính. Trong nhiều trường phái Phật giáo, Man-tra hay được lập lại trong các buổi tu tập hành trì, đặc biệt trong Kim cương thừa ở Tây Tạng. Ở đây Man-tra trở thành phương tiện trợ giúp tâm thức hành giả. Trong ba ải Thân, khẩu, ý thì Man-tra thuộc về khẩu và tác động thông qua âm thanh rung động do sự tụng niệm Man-tra phát sinh. Hành giả luôn luôn vừa đọc Man-tra vừa quán tưởng một đối tượng và tay giữ một Ấn (s: mudrā) nhất định như Nghi quỹ (s: sādhana) chỉ dẫn.
Trong các trường phái tại Tây Tạng thì chức năng của các Man-tra của mỗi cấp Tan-tra khác nhau. Có khi, trong lúc niệm Man-tra hành giả phải tập trung lên mặt chữ của Man-tra này hay tập trung lắng nghe âm thanh của nó. Nếu hành giả tập trung lên mặt chữ, thì các chữ đó hiện thành linh ảnh. Nếu tập trung lên âm thanh thì hành giả cần niệm thành tiếng hay tưởng tượng ra thanh âm của nó. Chương 5 của tác phẩm Subāhuparipṛcchā có ghi:
Lúc đọc Man-tra,
Ðừng quá gấp rút,
Ðừng quá chậm rãi,
Ðọc đừng quá to tiếng,
Ðừng quá thì thầm,
Không phải lúc nói năng
Không để bị loạn động.

Mao Luân

Từ Điển Đạo Uyển

毛輪; C: maó lún; J: mōrin; S: keśa-uṇduka.
Sự ví von được dùng như nghĩa của Không hoa (空華). Ẩn dụ cho ảo giác mê lầm khi nhìn lên trời lâu, khiến mắt bị suy yếu mỏi mệt nên thấy những hình tượng như vậy.

Mạt Hậu

Từ Điển Đạo Uyển

末後; C: mòhòu; J: matsugo;
Sau cùng; lúc cuối cùng; điểm kết thúc.

Mạt Pháp

Từ Điển Đạo Uyển

末法; C: mòfă; J: mappō;
Thời sau cùng của chính pháp, vốn có tên gọi khác là mạt thế (末世), là thời gian sau khi Đức Phật nhập niết-bàn; do người Trung Hoa hệ thống vào cuối thế kỉ thứ 6 như là thời kì thứ 3 và là thời cuối cùng trong 3 thời kì của Phật pháp. Chính tượng mạt (正像末).

Mạt Thế

Từ Điển Đạo Uyển

末世; C: mòshì; J: masse; S: paścima-kāla.
Thời tương lai. Đời sau. Giai đoạn chính pháp bị suy yếu. Thời đại cuối cùng.

Mật Tông

Từ Điển Đạo Uyển

密宗; C: mì-zōng;
Trường phái Mật giáo tại Trung Quốc, do ba Cao tăng Ấn Ðộ đưa vào trong thế kỉ thứ 8. Ðó là Thiện Vô Uý (善無畏; s: śubhākāra-siṃha, 637-735), Kim Cương Trí (金剛智; s: vajrabodhi, 663-723) và Bất Không Kim Cương (不空金剛; s: amoghavajra, 705-774). Thiện Vô Uý được phong là Quốc sư, là người dịch kinh căn bản của tông này là Ðại Nhật kinh (s: mahāvairocana-sūtra) ra chữ Hán, Bất Không dịch các Man-tra và Ðà-la-ni của bộ kinh đó.
Các yếu tố quan trọng của Mật tông là phép niệm Man-tra, phép bắt Ấn (s: mudrā) và sử dụng Man-đa-la cũng như các lần Quán đỉnh (灌頂; s: abhiṣeka). Mật tông là giáo pháp mà sư phụ truyền cho học trò bằng lời (khẩu quyết) và đó là lí do mà Mật tông không được truyền bá rộng rãi. Bất Không là thầy của ba nhà vua Trung Quốc và sau khi Sư mất thì Mật tông suy tàn vì không có vị đạo sư nào từ Ấn Ðộ đến nữa.
Trường phái này được Ðại sư Không Hải (空海; j: kūkai) đưa qua Nhật dưới tên Chân ngôn tông (j: shingon-shū), là một trong những tông phái quan trọng của nền Phật giáo Nhật Bản. Không Hải là môn đệ của Ðại sư Huệ Quả, một môn đệ của Bất Không.

Mật-Lặc Nhật-Ba

Từ Điển Đạo Uyển

蜜勒日波; T: milarepa [mi-la-ras-pa]; 1052-1135, có nghĩa là “Mật-lặc, người mặc áo vải khổ hạnh”;
Một trong những thánh nhân nổi tiếng nhất của Tây Tạng. Ông là đệ tử của Mã-nhĩ-ba (t: marpa) và bị thầy thử thách khắc nghiệt. Cuối cùng ông được truyền giáo pháp Ðại thủ ấn và Na-rô lục pháp (nāro chodrug), sáng lập tông phái Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa). Ngày nay, Phật giáo Tây Tạng vẫn còn nhắc nhở lại cuộc đời phiêu bồng và những bài ca của ông.

H 43: Mật-lặc Nhật-ba đang lắng tai nghe âm thanh của chư thiên và pháp. Cũng có thuyết nói rằng, tay phải của ông đang ở trong một tư thế tu tập của Ðại cứu kính (t: dzogchen). Dây nịt quàng vai và đầu gối (s: yogapaṭṭa) của ông được nhiều Du-già sư (s: yogin) sử dụng trong những chu kì thiền định nhọc nhằn, giúp thiền giả ngồi vững, không ngả ra phía trước hoặc phía sau.
Mật-lặc Nhật-ba sinh tại Tây Tạng, gần biên giới Nepal. Lúc lên bảy, cha mất, gia sản bị chiếm đoạt, gia đình ông bị đối xử tàn tệ. Nhằm trả thù nhà, Mật-lặc Nhật-ba đi học huyền thuật, dùng phép hô phong hoán vũ giết hại nhiều người. Ăn năn về hành động đó, ông tìm gặp một vị Ðạo sư của tông Ninh-mã (t: nyingmapa) là Rong-ton xin học nhưng vị này khuyên nên gặp Mã-nhĩ-ba. Ông trở thành môn đệ của Mã-nhĩ-ba lúc 38 tuổi, nhưng suốt sáu năm chỉ được xem là kẻ hầu, và Mã-nhĩ-ba thử thách khắc nghiệt làm ông hầu như kiệt sức và gần muốn tự vận.
Với thời gian đó, ác nghiệp của ông đã được trả xong, Mã-nhĩ-ba bắt đầu dạy pháp cho ông bằng cách sống viễn li cô tịch, truyền cho giáo pháp của Na-rô-pa (t: nāropa) và đặc biệt chú trọng phép phát triển Nội nhiệt (Na-rô lục pháp). Chỉ với một chiếc áo vải mỏng manh, ông sống năm này qua năm khác trong cái lạnh của Hi-mã-lạp sơn, chỉ chuyên tâm thiền định trong các hang động. Sau chín năm độc ẩn, ông bắt đầu thu nhận môn đệ, trong đó có vị y sĩ Ðạt-bảo Cáp-giải (t: dvags-po lharje) là người quan trọng nhất. Mật-lặc Nhật-ba để lại nhiều bài ca bất hủ cho đời sau và những bài ca này được ghi lại trong một tập dưới tên Thập vạn ca (100.000 bài hát của Mật-lặc Nhật-ba).

Mạt-Na

Từ Điển Đạo Uyển

末那; C: mònà; J: mana; S: manas; P: mano;
Phiên âm chữ manas từ tiếng Phạn, thường dịch sang chữ Hán là Ý. Theo giáo lí Duy thức, mạt-na là thức thứ 7 trong 8 thức. Nó được xem là cứ điểm sinh khởi những quan niệm sai lầm về ngã (ngã si, ngã kiến, ngã mạn) và những phiền não do kết quả từ những quan niệm sai lầm trên. Mạt-na thức (末那識).

Mạt-Na Thức

Từ Điển Đạo Uyển

末那識; C: mònàshì; J: manashiki; S: manas.
Thức mạt-na, thức thứ 7 trong 8 thức. Một trong các chức năng chính của nó là nhận lập trường chủ quan của thức thứ 8 (A-lại-da thức), lầm cho lập trường này là bản ngã của chính mình, vì vậy mà tạo ra ngã chấp. Bản chất của nó là suy tính, nhưng có sự khác nhau giữa nó và thức thứ 6. Nó được xem là tâm trạng của một lĩnh vực mà người ta không thể điều khiển một cách có chủ ý, thường sinh khởi những mâu thuẫn của những quyết định tâm thức, và không ngừng chấp dính vào bản ngã. Vì nó còn được xem là sự hoạt dụng của tâm thức con người – một tâm thức thấy được hạn cuộc của sự biến đổi trong vòng giới hạn – cho nên, điều tất yếu cho sự tồn tại của nó chính là việc con người có một vài điều chủ yếu tương tục biến chuyển không ngừng, mang công năng như một cơ sở của thức thứ 6. Du-già sư địa luận nói: “Mạt-na nhậm trì ý thức linh phân biệt chuyển, thị cố thuyết vi ý thức sở y 末那任持意識令分別轉是故説爲意識所依” nghĩa là: Mạt-na nhận lấy ý thức, khiến sinh khởi phân biệt; nên gọi nó là chỗ y cứ của ý thức. Thức nầy còn được gọi là nơi cùng tích chứa thiện ác, và nói theo lí thuyết thì nó là lĩnh vực kết nối giữa ý thức và A-lại-da thức. Gọi là “căn bản phiền não”, còn được gọi là “nhiễm ô thức”, có liên quan đến bốn loại ngã chướng nhiễm ô: ngã si, ngã kiến, ngã mạn và ngã ái.

Mạt-Nô-Sa

Từ Điển Đạo Uyển

末奴沙; C: mònúshā; J: manusha;
Phiên âm từ chữ manuṣya trong tiếng Phạn, có nghĩa là con người, sự hiện hữu của con người, đặc biệt là trong 6 nẻo luân hồi (lục thú 六趣).

Mâu Tử

Từ Điển Đạo Uyển

牟子
sinh khoảng năm 165-170, được xem là Luận sư đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Tác phẩm quan trọng của Sư còn được nhắc lại là Lí hoặc luận (luận giải cho những nghi ngờ về đạo Phật).

Mâu-Ni

Từ Điển Đạo Uyển

牟尼; S, P: muni; nghĩa là Thánh nhân, Trí giả, người có trí huệ;
Danh từ chỉ người đã đạt được thánh quả, đã đắc đạo. Thời đức Phật Thích-ca, danh từ Mâu-ni cũng được sử dụng chỉ người tu hạnh không nói (tịnh khẩu).

Mê-đi-Ni

Từ Điển Đạo Uyển

S: medhini; “Nông gia kiệt sức”;
Một trong 84 vị Tất-đạt (s: siddha) Ấn Ðộ, không rõ sống trong thời nào.
Ông là một nông dân ở Hoa Thị thành (s: pāṭalipu-tra). Ngày nọ, một vị Du-già sư dạy ông phép thiền quán, nhưng cố gắng tới mấy đầu óc ông vẫn vương vấn chuyện cày cấy. Ông thú nhận điều đó với vị này, vị này dạy ông quán tưởng như sau:
Lưỡi cày ví tâm thức,
Trâu bị ví cảm thụ,
vui sướng và khổ đau,
hãy cày bừa đồng ruộng,
của cuộc đời thế gian.
Hãy gieo hạt nhận thức,
rồi gặt hái quả chín,
của niềm vui thanh tịnh,
phúc hạnh ngập đầy tràn,
suối nguồn của thật tại.
Sau mười hai năm quán tưởng, những khái niệm ràng buộc ông bấy lâu nay tự tan biến, ông đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Chứng đạo ca của ông như sau:
Nhờ nhận thức toàn diện,
về tri kiến tiên thiên,
nhờ phương tiện khéo léo,
của trí óc phân biệt;
mà Tự tính nổi lên,
từ chiều sâu thăm thẳm.
Lành thay, đã chứng đạt.

Mê-Kha-La

Từ Điển Đạo Uyển

S: mekhalā;
Một Du-già-ni Tất-đạt (s: yoginī siddhā) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 9.
Một gia đình nọ tại Ðê-vi Kốt-ta (devīkoṭṭa) có hai cô con gái, Mê-kha-la và Ka-na Kha-la (kanakhalā). Hai cô này sớm được gả cho hai công tử, nhưng hai ông chồng sớm chê trách hai nàng, mặc dù hai nàng không có lỗi lầm gì. Lần đó thì Ðạo sư Kan-ha-pa (s: kāṇhapa) du hoá, có bảy trăm Không hành nam (s: ḍāka), nữ thần theo hộ tống, thiên nhạc trỗi lên vang lừng, ai cũng thấy cũng nghe được. Hai nàng liền quyết đi theo để xin học hỏi. Vị Ðạo sư chấp nhận và hướng dẫn vào Kim cương Va-ra-hi (vajra-vārāhī) và dạy cho nàng cách quán tưởng.
Mười hai năm liên tục, hai nàng tu tập thiền định và sau đó tìm gặp lại thầy. Vị Ðạo sư hỏi các nàng là ai và đòi phẩm vật cúng dường. Khi nghe thầy đòi cúng dường “bản thân” thì hai nàng biến lưỡi thành kiếm, tự cắt đầu dâng thầy và đọc bài kệ:
Nhờ Ðạo sư khai thị,
đã thực hiện thiền quán,
đã phá huỷ phân biệt,
giữa Niết-bàn, Sinh tử.
Tri Hành đã hợp nhất,
đã phá huỷ phân biệt,
giữa việc Cho, việc Nhận.
Không vô biên đã cùng,
Tâm tỉnh giác thanh tịnh,
đã phá huỷ phân biệt,
giữa cái Ta và Người.
Xin cúng dường vật này,
dấu hiệu của Vô tâm.
Vị Ðạo sư không ngờ đệ tử mình đã ngộ đạo, nhưng khuyên:
Hãy nhìn Du-già-ni
đạt niềm vui giải thoát!
Hãy tạm quên hạnh phúc,
sống phục vụ tha nhân.
Căng-ha-ba đặt đầu lại trên vai họ, thân hai nàng đều nguyên vẹn như cũ. Những người chứng kiến đều rất khâm phục, gọi hai nàng là “Du-già-ni mất đầu”. Khi cả hai cúi đầu chạm chân vị Du-già sư thì họ đạt Ðại thủ ấn tất-địa. Bài ca thành đạo của Mê-kha-la (người chị) như sau:
Mọi hiện tượng trong ngoài,
đó chính là Tâm hiện.
Thiền định không vướng mắc,
tất cả đều một vị.
Trong thiền định tối thượng,
không chút tâm sở cầu,
ta đã chứng Bất nhị,
và Phật quả hoàn toàn.

Mê-Kô-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: mekopa; “Ðạo sư với cặp mắt nhìn trừng”;
Một trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, có lẽ sống trong thế kỉ thứ 11.
Ông là một người bán thức ăn rong tại Bengalen, có thói quen tốt là luôn luôn cúng dường thức ăn cho một Du-già sư nọ. Một hôm, vị Du-già sư hỏi tại sao ông cứ cúng dường thức ăn, ông cho hay là muốn thu thập Phúc đức cho đời sau. Nghe vậy, vị này dạy ông về tính nhất thể của Luân hồi và Niết-bàn. Tuỳ nơi tư duy con người mà Niết-bàn hay Sinh tử hiện ra là một hay khác và giải thoát cũng nằm nơi con người. Sau lời khai thị đó, Mê-kô-pa chỉ cần 6 tháng để đạt tri kiến về tự tính muôn vật, đạt Tất-địa. Sau đó ông đi lang thang trên bãi thiêu xác, hay vào thành mở mắt thật lớn nhìn người qua kẻ lại, như một người điên. Người đời gọi là ông là “Du-già sư trợn mắt.” Bài kệ thành đạo của ông như sau:
Ðạo sư há dạy rằng:
“Hãy liễu ngộ tự tính,
Từ bỏ óc phân biệt,
làm quen pháp Bất nhị,
sống trên bãi thiêu xác.
Ðã ngộ tính Bình đẳng,
thõng tay vào thế gian,
như một tên điên khùng”.

Mệnh (mạng)

Từ Điển Đạo Uyển

命; C: mìng; J: myō;
Có các nghĩa sau: 1. Đời sống, tính mệnh; 2. Số phận hoặc định mệnh của con người, đặc biệt được ân định bởi mệnh trời (thiên mệnh 天命); 3. Luật lệ, nguyên tắc, trật tự. Vận, đạo, sử (運, 道, 使).

Mệnh Căn

Từ Điển Đạo Uyển

命根; C: mìnggēn; J: myōkon; S: jīvita-indriya.
Một trong 14 pháp Tâm bất tương ưng hành trong Câu xá luận (倶舎論); một trong 24 pháp Tâm bất tương ưng hành theo Duy thức tông. Tiềm lực mệnh sống của đời người trong một khoảng thời gian nhất định, nơi mà A-lại-da thức, – như là kết quả ảnh hưởng phổ quát của nghiệp lực – có năng lực tồn tại trong 50 đến 70 năm. Lực tiềm tàng nầy được duy trì trong danh ngôn chủng tử của A-lại-da thức.

Mệnh Chung

Từ Điển Đạo Uyển

命終; C: mìngzhōng; J: myōjū; P: maraṇa; S: maraṇa, kṛta-āyus, mṛtyu, cyuti.
Giờ phút cuối cùng của đời người; chết; qua đời.

Mệnh Chung Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

命終心; C: mìngzhōngxīn; J: myōshūshin;
Trạng thái tâm của người sắp qua đời. Sinh khởi 4 tâm trạng bám víu vào sự tồn tại của kiếp người, với tài sản sở hữu, gia đình thân thuộc và với sự hiện hữu trong tương lai. Tam ái (三愛)

Mi-Na-Pa

Từ Điển Đạo Uyển

S: mīnapa; “Người cá”;
Một Ma-ha Tất-đạt (s: mahāsiddha) trong 84 vị Tất-đạt Ấn Ðộ, là một nhân vật thần kì không xác định được trong lịch sử.
Ông là một ngư phủ, ngày nọ ông bị cá nuốt vào bụng nhưng ông vẫn tiếp tục sống trong bụng cá. Ngày nọ, vua trời Ðại Thiên (s: mahādeva, maheśvara, śiva) giảng pháp thâm diệu cho hoàng hậu Ô-ma Ðề-vi (s: umādevī) tại đáy biển để không ai nghe lén. Mi-na-pa nghe được và sau khi vua trời biết thế, ông truyền pháp luôn cho ông. Sau 12 năm tu trong bụng cá, Mi-na-pa đạt chính kiến. Sách chép rằng ông giáo hoá đến 500 năm, làm nhiều phép thần thông, để dấu chân lên đá v.v…
Chứng đạo kệ của ông như sau:
Ngư phủ Mi-na-pa,
lạc trên biển số phận,
sống sót trong bụng cá.
Nhờ học phép Du-già,
tưởng chỉ dành Ô-ma Ðề-vi.
Sau đó, ngay đá tảng,
không mang nổi sức nặng,
đầy minh triết trong ta.

Miễn Xuất

Từ Điển Đạo Uyển

勉出; C: miǎnchū; J: mensui;
Cứu thoát ra khỏi, sự thoát khỏi, trả lại.

Minh

Từ Điển Đạo Uyển

冥; C: míng; J: myō;
Có các nghĩa sau: 1. Tối, đặc biệt trong ẩn dụ về Vô minh; 2. Liên kết toàn bộ; hợp nhất; 3. Huyền bí, thần bí.

Minh

Từ Điển Đạo Uyển

明; C: míng; J: myō;
1. Biết, sự hiểu biết; 2. Kinh Vệ-đà (veda); 3. Trí tuệ giác ngộ. Sự giác ngộ (s: vidyā); 4. Chiếu sáng (s: prabhā, āloka, avabhāsa); 5. Khéo léo, tài giỏi (s: kauśala); 6. Ngày mai.

Minh ám

Từ Điển Đạo Uyển

明暗 (闇); C: míngàn; J: myōan;
Sáng và tối. Sự chiếu sáng và bóng tối (s: āloka-tamas).

Minh Am Vinh Tây

Từ Điển Đạo Uyển

明菴榮西; J: myōan eisai; 1141-1215;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Lâm Tế, dòng Hoàng Long. Sư được xem là vị Tổ khai sáng Thiền tông tại Nhật Bản. Sư đến Trung Quốc hai lần và lần thứ hai, Sư được Thiền sư Hư Am Hoài Sưởng (虛庵懷敞) ở chùa Vạn Niên trên núi Thiên Thai ấn chứng. Sư cũng là thầy đầu tiên của Ðạo Nguyên Hi Huyền, người khai sáng dòng Thiền Tào Ðộng tại Nhật.
Việc khai sáng Thiền tông tại Nhật được xem là thành tựu của Vinh Tây nhưng sự kiện này phải được đính chính lại một ít bởi vì sự thành lập Thiền tông tại Nhật – nếu nhìn một cách tổng quát – là một quá trình lâu dài, qua nhiều cấp bậc. Sư là người – có thể nói – thực hiện những bước quan trọng đầu tiên để Thiền tông được hưng thịnh tại đây.
Sư sinh ra trong một gia đình mộ đạo tại Bitchū (bây giờ là Okayama), học hỏi Phật pháp từ nhỏ. Năm 14 tuổi, Sư xuất gia trên núi Tỉ Duệ (j: hiei) tại Kinh Ðô (kyōto), trung tâm của Thiên Thai tông tại Nhật Bản. Sư chú tâm học hỏi tất cả những lí thuyết căn bản của Thiên Thai tông và cả Mật giáo của tông này (台密; Thai mật; j: taimitsu) trong thời gian ở tại đây.
Sau đó, Sư quyết định sang Trung Quốc để học hỏi thêm. Lần sang Trung Quốc đầu tiên (1168) đã mang đến cho Sư một ấn tượng về Thiền tông tại đây. Chuyến du học này kéo dài không lâu (7 tháng) và kết quả chỉ là những bài luận của Thiên Thai tông tại Trung Quốc mà Sư mang trở về quê nhà. Chuyến du học thứ hai xảy ra gần hai mươi năm sau đó (1187) và chuyến đi này là mốc ngoặt quan trong trong cuộc đời của Sư. Ban đầu, Sư có ý định đến tận Ấn Ðộ để thăm những thánh tích của đức Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni và sau khi đặt chân lên đất Trung Quốc, Sư liền xin phép đi từ đây sang Ấn Ðộ nhưng sự từ chối của chính quyền lúc bấy giờ buộc Sư phải ở lại. Ðây chính là cơ hội để Sư tham vấn các vị Thiền sư Trung Quốc. Dưới sự hướng dẫn của Hư Am Hoài Sưởng – một vị Thiền sư thuộc đời thứ tám dòng Hoàng Long Huệ Nam tông Lâm Tế – Sư đạt yếu chỉ Thiền và được Ấn khả. Sau bốn năm du học, Sư trở về Nhật, tuyên truyền giáo lí của Thiền tông tại đây. Trong thời gian sau (1198), Sư soạn bộ Hưng thiền hộ quốc luận (興禪護國論; j: kōzen gokokuron) để xiển dương Thiền tông và để chống đối lại sự phản bác mạnh mẽ của các vị tăng thuộc Thiên Thai tông. Sư viết như sau trong Hưng thiền hộ quốc luận: “Tổ Tối Trừng (j: saichō) của Thiên Thai tông đã từng dạy Thiền; nếu Thiền tông chẳng có ý nghĩa gì thì Ðại sư Tối Trừng cũng chẳng có ý nghĩa gì và – nếu Ðại sư Tối Trừng chẳng có ý nghĩa gì thì Thiên Thai tông cũng chẳng có ý nghĩa gì.”
Sư không những là một Thiền sư lỗi lạc mà còn rành về cả y thuật, đặc biệt là cách dưỡng sinh bằng trà. Sư có viết Khiết trà dưỡng sinh kí (喫荼養生記; j: kissa yōjōki), nói về tác dụng của trà và chính từ đây Trà đạo bắt đầu có tại Nhật. Tác phẩm khác của sư là Bồ-đề tâm luận khẩu quyết (菩提心論口訣, j: bodaishinron kōketsu), Hưng thiền hộ quốc luận (興禪護國論, j: kōzengokoku ron), Xuất gia đại cương (出家大綱, j: shukke daikō), còn thêm những luận giải về tông Thiên Thai và Mật giáo.
Trong những năm cuối đời, Sư hoằng hoá tại hai trung tâm Kinh Ðô (京都; j: kyōtō) và Liêm Thương (鎌倉; j: kamakura). Sư tịch năm 1215, thọ 75 tuổi.

Minh Chiêu Ðức Khiêm

Từ Điển Đạo Uyển

明招德謙; C: míngzhāo déqiān; J: meishō hoặc myōshō tokken; tk. 10;
Thiền sư Trung Quốc dòng Ðức Sơn Tuyên Giám. Sư nối pháp Thiền sư La Sơn Ðạo Nhàn. Vì Sư chột mắt bên trái nên cũng được thời nhân gọi là Ðộc Nhãn Long (獨眼龍). Sư giáo hoá lại núi Minh Chiêu hơn 40 năm và những lời dạy của Sư được truyền bá rộng rãi thời đó. Tương truyền Sư ấn khả cho năm môn đệ.

Minh Chủ

Từ Điển Đạo Uyển

明主; C: míngzhŭ; J: myōshu;
Người lĩnh đạo thông thái và trung thực.

Minh đắc

Từ Điển Đạo Uyển

明得; C: míng dé; J: myōtoku;
Tên gọi khác của món đầu tiên trong Tứ thiện căn, đó là Noãn (煖). Như cách ánh sáng hiện ra trước khi mặt trời mọc, người tu cũng có sự báo trước của trí tuệ giác ngộ. Giai vị nầy gọi là “Minh đắc”.

Minh Ðế

Từ Điển Đạo Uyển

明帝; C: míngdì;
Hoàng đế cai trị nhà Hán từ năm 58-75, còn gọi là Hán Minh Ðế. Theo truyền thuyết, Minh Ðế nằm mộng mà sau đó cho truyền đạo Phật tại Trung Quốc. Ông nằm mơ thấy một vị thần áo vàng lơ lửng trước điện. Hỏi các đại thần, có người cho hay có thánh nhân xuất hiện ở Ấn Ðộ, là người giác ngộ đạt Phật quả. Người đó có “màu da vàng tuyền và biết bay”. Sau đó Minh Ðế gởi một phái đoàn đi Ấn Ðộ. Phái đoàn về mang theo bộ kinh Tứ thập nhị chương. Minh Ðế cho xây hẳn một lâu đài để thờ kinh đó. Ðó là bộ kinh đầu tiên được dịch ra chữ Hán và đạo Phật được truyền vào Trung Quốc bắt đầu từ đây.

Minh Giới

Từ Điển Đạo Uyển

冥界; C: míngjiè; J: myōkai;
Cõi tối tăm, thường nói đến ba cõi địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh. Đặc biệt là nói đến địa ngục.

Minh Hạnh Túc

Từ Điển Đạo Uyển

明行足; C: míngxíngzú; J: myōgyōsoku;
Trí tuệ và công hạnh viên mãn. (s: vidyā-carana-saṃpanna; t: rig pa daṅ shabs su ldan pa). Người đã hoàn mãn trí tuệ và công hạnh tu tập. Là 1 trong 10 danh hiệu của Đức Phật. Vốn là một thuật ngữ của Kì-na giáo mà Phật giáo đã quen sử dụng.

Minh Hữu

Từ Điển Đạo Uyển

明友; C: míngyŏu; J: myōyū;
Hán dịch tên của Prabhākaramitra, thường phiên âm là Ba-la-ca Phả-mật-đa-la (波羅迦頗蜜多羅).

Minh Không

Từ Điển Đạo Uyển

明空; 1076-1141
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Tì-ni-đa Lưu-chi đời thứ 13. Không biết Sư nối pháp ai, chỉ biết rằng Sư kết bạn cùng với hai vị Ðạo Hạnh và Giác Hải.
Sư tên tục là Nguyễn Chí Thành, quê ở làng Loại Trì, huyện Chân Ðịnh, tỉnh Nam Ðịnh. Năm lên 29 tuổi, Sư cùng với hai vị Giác Hải và Ðạo Hạnh sang Thiên Trúc (Ấn Ðộ) học đạo, đạt được thần thông. Trở về quê, Sư kiến lập chùa Diên Phúc và chuyên trì chú Ðại bi tại đây.
Sư rất có công trong việc thu thập vật liệu để tạo “Ðại Nam tứ khí”, đó là tượng Phật, hồng chung, cái đỉnh, cái vạc. Tượng Phật A-di-đà được đúc và thờ tại chùa Quỳnh Lâm, huyện Ðông Triều tỉnh Hải Dương; cái đỉnh được đúc tại kinh đô, nơi tháp Báo Thiên; Ðại hồng chung được đúc tại Phổ Loại, vạc tại Minh Ðảnh.
Sư thường thi triển thần thông để giáo hoá chúng và tương truyền rằng, Sư cũng là người chữa bệnh hoá cọp của vua Lí Thần Tông.
Niên hiệu Ðại Ðịnh thứ 2 (1141), Sư viên tịch. Tượng của Sư và bia kí vẫn được tôn thờ tại chùa Lí Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Minh Liễu

Từ Điển Đạo Uyển

明了; C: míngliăo; J: myōryō; S: uttāna-kriyā.
Sáng sủa dễ hiểu. Hiểu rõ.

Minh Lợi

Từ Điển Đạo Uyển

明利; C: mínglì; J: myōri;
1. Nhạy bén, sắc sảo, thường thấy ở những người có trí tuệ, hay thường thấy ở tri giác của người có kiến văn hoàn hảo v.v…; 2. Xuất sắc, ưu tú.

Minh Lương

Từ Điển Đạo Uyển

明良; tk. 16-17
Thiền sư Việt Nam, thuộc tông Lâm Tế truyền sang miền Bắc, đời thứ 35. Sư nối pháp Thiền sư Chuyết Công. Môn đệ đắc pháp nổi tiếng của Sư là Thiền sư Chân Nguyên Huệ Ðăng.
Không rõ họ và quê quán Sư ở đâu. Chỉ biết khi nghe tin Hoà thượng Chuyết Công từ Trung Quốc sang, Sư tìm đến tham vấn.
Sư hỏi: “Khi sinh tử đến làm sao trốn tránh?” Chuyết Công đáp: “Chọn lấy nơi không sinh tử trốn tránh.” Sư hỏi: “Thế nào là nơi không sinh tử?” Chuyết Công đáp: “Ở trong sinh tử nhận lấy mới được.” Nghe vậy, Sư vẫn chưa ngộ. Chuyết Công bảo: “Hãy lui đi, đợi chiều hãy đến.”
Chiều, Sư lại đến. Chuyết Công bảo: “Ðợi sáng mai chúng sẽ vì ngươi minh chứng.” Sư nghe đây bỗng nhiên tỉnh ngộ, quì sụp xuống lạy. Sư được Chuyết Công Ấn khả và truyền tâm ấn.
Sau đó, Sư rời thầy trở về trụ trì chùa Vĩnh Phúc núi Côn Lương ở Phù Lãng. Nơi đây, Sư dốc lòng giáo hoá đồ chúng.
Sắp tịch, Sư truyền pháp cho Chân Nguyên và nói kệ:
美玉藏頑石。蓮花出淤泥
須知生死處。悟是即菩提
Mĩ ngọc tàng ngoan thạch
Liên hoa xuất ứ nê
Tu tri sinh tử xứ
Ngộ thị tức Bồ-đề.
*Ngọc quý ẩn trong đá
Hoa sen mọc từ bùn
Nên biết chỗ sinh tử
Ngộ vốn thiệt Bồ-đề.
Nói kệ xong, Sư bảo: “Nay ta trở về”. Vừa dứt lời, Sư viên tịch.

Minh Nguyệt Viện

Từ Điển Đạo Uyển

明月院; C: míngyuèyuàn; J: myōgetsuin;
Viện Minh Nguyệt năm ra đời năm 1160 với tên Minh Nguyệt am (j: meigetsu-an) do Yamanouchi Tsunetoshi (山ノ内經俊) thành lập để cầu siêu cho thân phụ mình là Toshimichi, bị chết trong chiến trận Heiji vào năm trước. Năm 1256, Hojo Tokiyori chọn nơi nầy để kiến trúc chùa Phật giáo tên là Saimyōji (phía Tây bắc Viện Minh Nguyệt ngày nay). Năm 30 tuổi, Tokiyori xuất gia làm Tăng sĩ với pháp danh Giác Liễu Phòng Đạo Sùng (覺了房道崇 j: kakuryōbō dosū). Khi thị tịch vào 7 năm sau, sư viết bài thi kệ nầy khi dang trong tư thế toạ thiền:
Suốt 37 năm,
Ta giương cao tấm gương nghiệp.
Nay với một cú đập mạnh, ta phá ra từng mảnh.
Và đại đạo biến mất.
Về sau Saimyōji trở thành người kế vị ngôi chùa mới tên là “fukugenzan zenkōkōshōzenji” (zenkōji) do Tokimune con trai của Hojo Tokiyori thành lập. Vị trú trì đầu tiên là Mật Thất Thủ Nghiêm (密室守嚴, j: misshitsu shugon), đệ tử truyền pháp thứ 5 của Thiền sư Đại Giác (j: daikaku), người sáng lập chùa Kenchōji. Năm 1380, Tướng quân Ashikaga Ujimitsu thăng cấp cho Zenkōji do việc kiến trúc những cung điện mới, mở rộng lãnh thổ và xây dựng thêm chùa chiền. Trong cương vị thứ ba trong hàng tướng quân, Ashikaga Yoshimitsu xếp hạng chùa Zenkōji đứng hàng thứ nhất trong 10 ngôi đại tự ở vùng Kanto. Trong khi đó, Minh Nguyệt am được đổi tên thành Minh nGuyệt viện và được công nhận là chi nhánh của chùa Zenkōji. Tượng thờ chính ở điện Phật là Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Bồ Tát của tình thương. Một bộ tranh minh hoạ cổ mang tên “Meigetsuin Ezu” cho cái nhìn tổng quát về tu viện nầy trong thời hoàng kim. Chùa Zenkōji bị rơi vào hoang phế chẳng bao lâu sau thời Minh Trị Phục hưng (1867), và chỉ còn Meigetsu-in đến ngày nay. Viện nầy thuộc chi nhánh Kenchōji trong dòng thiền Lâm Tế.

Minh Nhất

Từ Điển Đạo Uyển

冥一; C: míngyī; J: myōichi;
Hợp nhất một cách hài hoà thế nên khó phân biệt được.

Minh Phong Tố Triết

Từ Điển Đạo Uyển

明峰素哲; J: meihō sotetsu; 1277-1350;
Thiền sư Nhật Bản, thuộc tông Tào Ðộng, nối pháp Thiền sư Oánh Sơn Thiệu Cẩn (j: keizan jōkin) và là bạn đồng học của Thiền sư Nga Sơn Thiều Thạc (gasan jōseki).

Minh Tâm

Từ Điển Đạo Uyển

明心; ?-1034
Thiền sư Việt Nam, thuộc phái Vô Ngôn Thông đời thứ 7, nối pháp Thiền sư Ðịnh Hương (xem thêm dưới Bảo Tính).

Minh Trí

Từ Điển Đạo Uyển

明智; ?-1196
Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông đời thứ 10. Sư đắc pháp nơi Thiền sư Ðạo Huệ.
Sư họ Tô, tên Thiền Trí, quê ở làng Phù Cầm. Sư bẩm chất thông minh, nhân lúc gặp Thiền sư Ðạo Huệ liền xin xuất gia. Nơi Ðạo Huệ, Sư đạt yếu chỉ thiền, thông hiểu các bộ kinh luận lớn như Viên giác, Pháp hoa và Truyền đăng lục. Vua thấy vậy kính phục, phong hiệu là Minh Trí.
Niên hiệu Thiên Tư Gia Thuỵ thứ 11, sắp thị tịch, Sư nói kệ:
隨風水月明。無影亦無形
色相這箇是。空空尋響聲
Tuỳ phong thuỷ nguyệt minh
Vô ảnh diệc vô hình
Sắc tướng giá cá thị
Không không tầm hưởng thanh.
*Theo gió trăng nước sáng
Không bóng cũng không hình
Sắc tướng chỉ thế ấy
Trong không tìm tiếng vang.
Nói xong, Sư lặng lẽ viên tịch.

Mỗ

Từ Điển Đạo Uyển

某; C: mŏu; J: bō;
Người hay vật nào đó.

Mỗ Giáp

Từ Điển Đạo Uyển

某甲; C: mŏu jiă; J: bōkō;
Một người nào đó, một ai khác;

Mộc Am Tính Thao

Từ Điển Đạo Uyển

木菴性瑫; C: mùān xìngtāo; J: mokuan shōtō; 1611-1684;
Thiền sư Trung Quốc, thuộc tông Hoàng Bá (j: ōbaku-shū). Sư nối pháp Thiền sư Ẩn Nguyên Long Kì, và cùng với thầy sang Nhật giáo hoá.
Tại Nhật, Ẩn Nguyên khai sáng tông Hoàng Bá và cử Sư làm vị Tổ thứ hai (1664). Sư thành lập Thuỵ Thánh tự (zuishō-ji) tại Ðông Kinh (tōkyō), góp công rất nhiều trong việc truyền bá tông này tại Nhật.

Mộng Song Sơ Thạch

Từ Điển Đạo Uyển

夢窗疏石; J: musō soseki; 1275-1351;
Thiền sư Nhật Bản danh tiếng thuộc tông Lâm Tế. Sư là người rất có công trong việc truyền bá tông phong Lâm Tế tại Nhật, được Nhật hoàng phong danh hiệu Quốc sư.
Sư sinh ra trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc, mất mẹ năm bốn tuổi. Vừa lên tám, Sư đã xuất gia và ban đầu chuyên tu tập theo Mật giáo (j: mikkyō). Trong khoảng thời gian 10 năm, Sư thu thập tất cả những ấn tượng huyền bí của Mật giáo tại đây. Một năm sau khi thụ giới cụ túc (1292), Sư chuyển sang tu tập theo phương pháp của Thiền tông. Nguyên nhân của sự thay đổi này chính là cái chết bi thảm của một vị thầy. Sư tự thấy rằng, vấn đề chính của cuộc sống là sinh tử luân hồi không thể giải quyết được bằng tri thức uyên bác, kiến thức của một học giả. Trong thời gian 100 ngày sau khi vị thầy lâm chung, Sư tụng kinh cầu an cho vị thầy và nhân đây, Sư có một giấc mộng rất quan trọng. Trong giấc mộng này, Sư được gặp hai vị Thiền sư Trung Quốc quan trọng đời Ðường là Thạch Ðầu Hi Thiên (石頭希遷; c: shítóu xīqiān; j: sekitō kisen) và Sơ Sơn Quang Nhân (疏山光仁; c: chūshān guāngrèn; j: sozan kōnin), một môn đệ của Ðộng Sơn Lương Giới. Thạch Ðầu xuất hiện dưới dạng một vị tăng của Chân ngôn tông, Sơ Sơn dưới dạng Bồ-đề Ðạt-ma. Sau giấc mộng này, Sư tự đặt tên cho mình là Sơ Thạch (so-seki) – ghép từ hai chữ đầu của Sơ Sơn và Thạch Ðầu. ›Cửa sổ của giấc mộng‹ (夢窗; Mộng Song; j: mu-sō) đã mở rộng, hướng dẫn Sư trên con đường Thiền.
Sau đó, Sư yết kiến nhiều vị Thiền sư danh tiếng đương thời – một trong những vị này là Nhất Sơn Nhất Ninh (c: yīshān yīníng; j: issan ichinei), một vị Thiền sư Trung Quốc danh tiếng – nhưng không hài lòng với những phương pháp tu tập của những vị này. Nghe danh của Thiền sư Cao Phong Hiển Nhật (高峰顯日; j: kōhō kennichi), Sư liền đến tham học. Sư học không lâu nơi Cao Phong nhưng vẫn được xem là môn đệ vì sau này Cao Phong chính là người Ấn khả cho Sư.
Vào một ngày tháng năm (1305), đang trên đường trở về am và trong lúc mệt mỏi, Sư vừa muốn dựa lưng vào tường thì có cảm giác bức tường bỗng nhiên biến mất, Sư té xuống và nhân đây ngộ được yếu chỉ thiền.
Sau sự việc quan trọng này, Sư vẫn chu du đây đó, chú tâm đến việc Toạ thiền (j: zazen). Cuối cùng, Sư nhận lời mời trụ trì Thiên Long tự (j: tenryū-ji) tại Kinh Ðô – một ngôi chùa được xếp vào hệ thống Ngũ Sơn (j: gosan) – và trở thành một nhân vật quan trọng của nền văn hoá Phật giáo tại đây.
Sư cũng là một trong những tác giả đứng hàng đầu của phong trào Ngũ Sơn văn học (j: gosan bungaku), một phong trào rất quan trọng trong việc truyền bá văn hoá, khoa học và nghệ thuật của Trung Quốc sang Nhật. Tên của Sư gắn liền với nhiều việc khai sơn, sáng lập thiền viện và đích thân Sư cũng trụ trì nhiều thiền viện danh tiếng, trong đó có Nam Thiền tự (nanzen-ji), một ngôi chùa với những kiến trúc, vườn cảnh nổi danh trên thế giới. Dưới sự chỉ đạo của Sư, một vị Tướng quân (shōgun) với tên Túc Lợi Tôn Thị (j: ashikaga takauji) truyền lệnh lập 66 ngôi chùa ở 66 nơi khác nhau với tên An Quốc tự (j: ankoku-ji) và từ đây, Thiền tông được truyền bá khắp nước Nhật. Một trong những tác phẩm quan trọng của Sư là Mộng trung vấn đáp (muchū-mondō), trong đó, Sư trình bày các yếu chỉ của Thiền tông qua các câu hỏi và trả lời. Ngoài ra, Sư cũng nổi danh trong nghệ thuật Thư đạo (shodō). Sư được bảy vị Nhật hoàng tôn làm thầy và được phong bảy danh hiệu khác nhau. Dưới danh hiệu Mộng Song Quốc sư, Sư đi vào lịch sử của Phật giáo Nhật Bản.

Một

Từ Điển Đạo Uyển

沒 (没); C: mò; J: mochi;
Chìm, bị ngập dưới nước, biến mất, bị mất, bị tiêu huỷ, bị suy yếu, tàn tạ, diệt (滅, s: nirodha); 2. Phủ định; không, chẳng phải.

Một Sinh

Từ Điển Đạo Uyển

沒生; C: mòshēng; J: mochishō;
Hoại diệt và tái sinh. Biến mất rồi xuất hiện.

Mục Châu Trần Tôn Túc

Từ Điển Đạo Uyển

睦州陳尊宿; C: mùzhōu chénzūnsù; J: boku-shū chinsonshuku; ~ 780-877, còn được gọi là Mục Châu Ðạo Minh (睦州道明);
Thiền sư Trung Quốc, Pháp tự của Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận. Sư là một trong những môn đệ xuất sắc nhất của Hoàng Bá, người sớm nhận ra tài năng của Lâm Tế Nghĩa Huyền. Sư cũng nổi danh là vị thầy nghiêm khắc của Thiền sư Vân Môn Văn Yển.
Sư họ Trần, quê ở Giang Nam, xuất gia từ nhỏ. Nghe danh Hoàng Bá, Sư đến học, giữ giới chăm chỉ, được mọi người kính trọng gọi là Tôn Túc nên thành danh là Trần Tôn Túc. Nơi Hoàng Bá, Sư đạt yếu chỉ và sau đó trở về chùa Khai Nguyên, nhưng ban đầu không để lộ danh. Nơi đây, Sư dùng cỏ bồ đan giày bán nuôi mẹ và để ngoài đường cho khách vãng lai dùng. Sau nhiều năm người ta mới biết Sư làm giày tặng chúng nên gọi Sư là Trần Bồ Hài. Mọi người kính trọng Sư, lần lượt đến tham vấn. Lời nói của Sư rất bí hiểm, ít người hội nổi.
Sư nổi danh là một vị thầy khó tính, lúc nào cũng đóng cửa phòng và tương truyền rằng, tiếng bước âm thầm đến cửa đủ làm cho Sư biết nội tâm của người đến. Nếu người này có đủ khả năng, Sư kêu vào, nắm cổ hỏi: “Nói! Nói!” Nếu người này bắt đầu suy nghĩ trả lời thì bị tống ra ngoài và Sư đóng sầm cửa lại. Cũng vì thế mà Vân Môn bị què một chân, nhưng nhờ đó đại ngộ. Cách dạy khắc khe của Sư cũng được ghi lại trong Công án 10 của Bích nham lục: Sư hỏi một tăng mới đến: “Vừa rời chỗ nào?” Tăng liền hét. Sư bảo: “Lão tăng bị một tiếng hét của ông.” Tăng lại hét. Sư bảo: “Ba hét bốn hét sau rồi làm gì?” Tăng lặng thinh. Sư liền đánh và nói: “Kẻ cướp rỗng này.”
Sư sắp tịch, gọi chúng lại nói: “Ta hết duyên nơi đây, sắp đi vậy.” Sư ngồi Kết già thị tịch, thọ 98 tuổi, được 76 tuổi hạ.

Mục-Kiền-Liên

Từ Điển Đạo Uyển

目犍連; S: mahāmaudgalyāyana; P: mahāmo-ggallāna;
Một trong những đệ tử quan trọng của Phật Thích-ca. Mục-kiền-liên xuất thân từ một gia đình Bà-la-môn, cùng gia nhập Tăng-già Phật giáo với bạn thân là Xá-lị-phất (s: śāriputra) và sớm nổi danh là người đạt nhiều thần thông (Lục thông). Trong một số chùa, người ta thấy tượng của Tôn giả và Xá-lị-phất đứng bên tả và hữu đức Phật. Trước khi Phật nhập diệt, cả hai vị đều bị ngoại đạo giết chết. Mục-kiền-liên được xem là một trong Mười đại đệ tử của Phật.

Muội

Từ Điển Đạo Uyển

昧; C: mèi; J: mai;
1. Tối, mờ, không rõ, mờ mịt; 2. Bình minh, rạng đông; 3. Nén, che giấu, dành riêng (dùng làm việc gì); 4. Cắt.

Mười Danh Hiệu

Từ Điển Đạo Uyển

Hán Việt: Thập hiệu (十號);
Mười danh hiệu của một vị Phật, thường được nhắc đến trong những bài kinh, luận:
1. Như Lai (如來; s, p: tathāgata), là “Người đã đến như thế”; 2. A-la-hán (阿羅漢; s: arhat), dịch nghĩa là Ứng Cung (應供), là “Người đáng được cúng dường”; 3. Chính Biến Tri (正遍知; s: samyaksaṃbuddha), dịch theo âm là Tam-miệu-tam-phật-đà (三藐三佛陀), là “Người hiểu biết đúng tất cả các pháp”; 4. Minh Hạnh Túc (明行足; s: vidyācaraṇasaṃpanna), nghĩa là “Người có đủ trí huệ và đức hạnh”; 5. Thiện Thệ (善逝; s: sugata), là “Người đã đi trên con đường thiện”; 6. Thế Gian Giải (世間解; s: lokavid), là “Người đã thấu hiểu thế giới”; 7. Vô Thượng Sĩ (無上士; s: anuttarapuruṣa), là “Ðấng tối cao, không ai vượt qua”; 8. Ðiều Ngự Ðại Trượng Phu (調御大丈夫; s: puruṣadamyasārathi), nghĩa là “Người đã điều chế được mình và nhân loại”; 9. Thiên Nhân Sư (天人師; s: devamanuṣyānāmśās-tṛ), là “Bậc thầy của cõi người và cõi trời”; 10. Phật Thế Tôn (佛世尊; s: buddhaloka-nātha, buddhalokajyeṣṭha, bhagavān), là “Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính”.

Mười đại đệ Tử

Từ Điển Đạo Uyển

Hán Việt: Thập đại đệ tử (十大弟子);
Mười đệ tử quan trọng của Phật, hay được nhắc nhở trong kinh sách Ðại thừa (s: mahā-yāna):
1. Ma-ha Ca-diếp (摩訶迦葉; s: mahākāś-yapa): Ðầu-đà đệ nhất, được xem là Sơ tổ Thiền tông Ấn Ðộ; 2. A-nan-đà (阿難陀; ānanda): Ða văn đệ nhất, người “nghe nhiều” được xem là Nhị tổ Thiền tông Ấn Ðộ. A-nan-đà hay được trình bày trong tranh tượng đứng bên cạnh Phật cùng với Ca-diếp; 3. Xá-lị-phất (舍利弗; s: śāriputra): Trí huệ đệ nhất, đệ tử quan trọng nhất của Phật trong các kinh Tiểu thừa (; p: hīnayāna); 4. Tu-bồ-đề (須菩提; subhūti): Giải Không (s: śūnya-tā) đệ nhất; 5. Phú-lâu-na (富樓那; s: pūrṇa): Thuyết Pháp (dharma) đệ nhất; 6. Mục-kiền-liên (目犍連; s: mahāmaud-galyāyana): Thần thông đệ nhất, hay đi đôi với Xá-lị-phất; 7. Ca-chiên-chiên (迦旃延; s: katyāyana): Biện luận đệ nhất; 8. A-na-luật (阿那律; s: aniruddha): Thiên nhãn đệ nhất; 9. Ưu-ba-li (優波離; upāli): Giới luật đệ nhất; 10. La-hầu-la (羅羅; rāhula): Mật hạnh đệ nhất.

Mười đại Luận Sư

Từ Điển Đạo Uyển

Hán Việt: Thập đại luận sư (十大論師);
Mười luận sư danh tiếng của Duy thức tông tại Ấn Ðộ sau thế hệ của Trần-na (陳那; s: dignāga) và Pháp Xứng (法稱; s: dhar-makīrti), viết luận giải về Duy thức tam thập tụng (s: triṃśikāvijñāptimātratāsiddhi-kārikā) của Thế Thân (世親; s: vasuban-dhu), đó là: 1. Thân Thắng (親勝; s: bandhuśrī), 2. Hoả Biện (火辨; s: citra-bhāṇa), 3. Ðức Huệ (德慧; s: guṇamati), 4. An Huệ (安慧; s: sthiramati), 5. Nan-đà (難陀; s: nanda), 6. Tịnh Nguyệt (淨月; s: śuddhacandra), 7. Hộ Pháp (護法; s: dhar-mapāla), 8. (Tối) Thắng Tử ([最]勝子; s: jinaputra), 9. Thắng Hữu (勝友; s: viśeṣami-tra), 10. Trí Nguyệt (智月; s: jñānacan-dra).

Mười Hai Nhân Duyên

Từ Điển Đạo Uyển

S: pratītya-samutpāda; P: paṭicca-samuppāda; Hán Việt: Thập nhị nhân duyên (十二因緣); nguyên nghĩa là Duyên khởi (緣起), Nhân duyên sinh (因緣生), nhưng vì luật nhân duyên này bao gồm mười hai nhân duyên (điều kiện, s: nidāna) nên gọi là Mười hai nhân duyên (s: dvādaśanidāna hoặc dvādaśāṅga-pratītyasa-mutpāda).
Một trong những giáo lí quan trọng nhất của đạo Phật. Nguyên lí này chỉ rõ, mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi (s: saṃsāra).
Nguyên lí mười hai nhân duyên và giáo pháp Vô ngã (s: anātman; p: anattā) là hai giáo pháp làm rường cột cho tất cả các tông phái Phật giáo. Các nhân duyên (nguyên nhân chính và điều kiện phụ) này gồm có 12 yếu tố như sau:
1. Vô minh (無明; s: avidyā; p: vijjā), sự không thấu hiểu Tứ diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống;
2. Vô minh sinh Hành (行; s: saṃskāra; p: saṅkhāra), hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng, Thân, khẩu, ý;
3. Hành sinh Thức (識; s: vijñāna; p: viññā-ṇa), làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu quy định;
4. Thức sinh Danh sắc (名色; s, p: nā-marūpa), là toàn bộ tâm lí và vật lí của bào thai mới, do Ngũ uẩn (s: pañcaskandha; p: pañca-khandha) tạo thành;
5. Danh sắc sinh Lục căn (六根; s: ṣaḍāya-tana; p: saḷāyatana), là các giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu);
6. Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc (觸; s: sparśa; p: phassa);
7. Xúc sinh Thụ (受; s, p: vedanā), là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;
8. Thụ sinh Ái (愛; s: tṛṣṇā; p: taṇhā), luyến ái xuất phát từ ham muốn, vô minh;
9. Ái sinh Thủ (取; s, p: upādāna) là điều cá nhân mới muốn chiếm hữu cho mình;
10. Thủ sinh ra Hữu (有; s, p: bhāva), là toàn bộ điều mà ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới.
11. Hữu sinh ra Sinh (生; s, p: jāti), một thế giới và cá nhân mới xuất hiện hẳn hoi;
12. Sinh sinh ra Lão tử (老死; s, p: jarāma-raṇa), vì có Sinh nên có hoại diệt.
Người ta có thể nhìn mười hai nhân duyên dưới nhiều cách phân tích khác nhau. Cách phân tích thông thường có tính thời gian là: yếu tố 1-2 thuộc về đời sống cũ, yếu tố 3-7 là điều kiện và nguyên nhân sinh thành của đời sống mới, yếu tố 8-10 là kết quả trong đời sống hiện tại, yếu tố 11-12 chỉ đời sống tương lai.
Mười hai nhân duyên chỉ rõ tính chất liên hệ lẫn nhau của dòng chảy “Tâm”, “Vật” của thế giới hiện tượng, trong đó những khái niệm quan trọng nhất là “Ta”, “Người”, “Sinh vật”. Nếu thuyết vô ngã chỉ rõ thế giới và con người do các yếu tố giả hợp kết thành với nhau, thật chất là trống rỗng; thì thuyết nhân duyên có tính chất tổng hợp các yếu tố đó, chỉ ra rằng mọi hiện tượng thân tâm đều bắt nguồn từ những hiện tượng khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau đó có thể nhìn dưới khía cạnh đồng thời hoặc có thứ tự thời gian.
Thuyết Mười hai nhân duyên được các trường phái Phật giáo giải thích khác nhau. Tiểu thừa cho rằng thuyết này đã giải thích nguyên nhân của khổ và tất cả mọi pháp hữu vi (s: saṃskṛta) đều có nguyên nhân và điều kiện mới sinh ra nên chúng vô ngã – không có một tự tính nào. Như thế thuyết Mười hai nhân duyên nhằm dẫn đến quan điểm vô ngã.
Trong Ðại thừa, Mười hai nhân duyên được sử dụng để chứng minh sự không thật của sự vật và đặc biệt trong Trung quán tông (s: mādhyamika), Mười hai nhân duyên được định nghĩa là tính Không. Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa nhấn mạnh rằng, Mười hai nhân duyên không nên hiểu theo thứ tự thời gian. Thuyết này nói lên sự liên hệ của vạn vật một cách tổng quát.

Mười Hai Xứ

Từ Điển Đạo Uyển

Xứ: s, p: āyatana; Hán Việt: Thập nhị xứ (十二處);
Gồm Lục căn (nội xứ; p: ajjhattāyatana) tức là sáu giác quan và Lục xứ, hay lục nhập, lục cảnh (ngoại xứ; p: bāhirāyatana), sáu đối tượng của chúng: 1. Nhãn xứ (mắt) và 2. Sắc xứ (thấy được); 3. Nhĩ xứ (tai) và 4. Âm thanh (nghe được); 5. Tỉ (mũi) và 6. Hương; 7. Thiệt (lưỡi) và 8. Vị; 9. Thân và 10. Xúc; 11. Ý xứ hay tầm và 12. Tâm pháp.

Mười Lực

Từ Điển Đạo Uyển

S: daśabala; P: dasabala; Hán Việt: Thập lực (十力);
Mười năng lực hiểu biết, mười trí của một vị Phật:
1. Thi thị xứ phi xứ trí lực (知是處非處智力; s: sthānāsthānajñāna; p: ṭhānāṭhāna-ñāṇa); Biết rõ tính khả thi và tính bất khả thi trong mọi trường hợp; 2. Tri tam thế nghiệp báo trí lực (知三世業報智力; s: karmavipākajñāna; p: kammavipāka-ñāṇa): Biết rõ luật nhân quả, quả báo, tức là Nghiệp nào tạo quả nào; 3. Tri nhất thiết sở đạo trí lực (知一切所道智力; s: sarvatra-gāminīpratipajjñāna; p: sabbattha-gāminī-paṭipadāñāṇa): Biết rõ nguyên nhân nào dẫn đến con đường tái sinh nào; 4. Tri chủng chủng giới trí lực (智種種界智力; s: anekadhātu-nānādhātujñāna; p: ane-kadhātu-nānādhātu-ñāṇa): Biết rõ các thế giới với những yếu tố thành lập của nó; 5. Tri chủng chủng giải trí lực (知種種解智力; s: nānādhimukti-jñāna; p: nānādhimutti-katāñāṇa): Biết rõ cá tính của chúng sinh; 6. Tri nhất thiết chúng sinh tâm tính trí lực (知一切眾生心性智力; s: indriyapārapara-jñāna; p: indriyaparopariyatta-ñāṇa): Biết rõ căn cơ học đạo cao thấp của mọi chúng sinh; 7. Tri chư thiền giải thoát tam-muội trí lực (知諸禪解脫三昧智力; sarva-dhyāna-vimokṣa-…-jñāna; p: jhāna-vimok-kha-…-ñāṇa): Biết tất cả các cách thiền định; 8. Tri túc mệnh vô lậu trí lực (知宿命無漏智力; pūrvanivāsānusmṛti-jñāna, pub-bennivāsānussati-ñāṇa): Biết rõ các tiền kiếp của chính mình; 9. Tri thiên nhãn vô ngại trí lực (知天眼無礙智力; cyutyupa-pādajñāna, cutūpapāta-ñāṇa): Biết rõ sự tiêu huỷ và tái xuất của chúng sinh; 10. Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực (知永斷習氣智力; āśravakṣayajñāna, āsavakkhaya-ñāṇa): Biết các Ô nhiễm (s: āśrava) sẽ chấm dứt như thế nào.
Ba lực 8, 9, 10 được Phật nhắc đến khi Ngài thuật về sự đạt Bồ-đề của mình (Tất-đạt-đa Cồ-đàm). Chúng được gọi chung là Tam minh.