Chỉ Quán

Chỉ-Quán

Chỉ-Quán

Từ điển Đạo Uyển

止觀; C: zhǐguān; J: shikan; S: śamatha-vipaś-yanā; P: samatha-vipassanā; J: shikan;

  1. Hai pháp thiền căn bản của Phật giáo: chỉ (止, còn gọi xa-ma-tha 奢摩他, s: śamatha) và quán (觀, tì-bà-xá-na 毘婆舍那, s: vipaśyanā). Chỉ thường được dịch sang tiếng Anh là “stabilizing meditation” và “calm abiding.” Là pháp tu thiền nhắm vào làm an tĩnh tâm ý và phát huy sức tập trung (định 定). Quán được dịch là “phân tích” hay “quán sát rõ ràng”, là áp dụng định lực quán sát sự biểu hiện một ý niệm dẫn đến thực tại trong Phật pháp, như duyên khởi (縁起);
  2. Viết tắt tên bài luận giải Ma-ha chỉ quán (摩訶止觀).
    Một phép tu đặc biệt của Thiên Thai tông ở Trung Quốc. “Chỉ” nói sự lặng yên, tịch tĩnh của tâm thức, đạt cảnh vô phân biệt, “Quán” là quán xét phù hợp với sự thật. Chỉ là trạng thái phải đạt được để có thể quán xét đúng đắn. Các vị luận sư ví Chỉ như một hồ nước tĩnh lặng và Quán là những con cá bơi lượn. Trong một số tác phẩm được lưu hành tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, phép Chỉ-Quán được truyền bá rộng rãi, nhất là Ma-ha chỉ quán của Trí Khải Ðại sư.
    Cách tu tập Chỉ-Quán bao gồm hai phần: Phần chuẩn bị và phần chính. Phần chuẩn bị bao gồm: tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu tập (順境; thuận cảnh); giảm các nhu cầu hằng ngày (少慾; thiểu dục); điều hoà các hoạt động hằng ngày như ăn uống, ngủ, thân, hơi thở và tâm (離多所作; li đa sở tác); chuyên chú vào việc trì giới (清淨律儀; thanh tịnh luật nghi).
    Trong phần chính, hành giả thực hiện nhiều cách Chỉ-Quán khác nhau.

Người ta phân biệt ba cách tu chỉ:

  1. Chú tâm vào chóp mũi;
  2. Thuần phục tâm bằng cách nhận ra sự khởi động, phát sinh của ý nghĩ và lập tức gián đoạn nó ngay;
  3. Nhận thức được nguyên lí Duyên khởi (s: pratītyasamutpāda) và tính Không (s: śūnyatā) của vạn vật.

Quán được thực hành theo nhiều cách khác nhau:

  1. Quán bất tịnh;
  2. Quán tâm Từ (s: maitrī) để đối trị tâm sân hận;
  3. Quán những hạn chế, không trọn vẹn, không hoàn hảo trong sáu nẻo luân hồi (Lục đạo) để hàng phục ngã kiến;
  4. Quán tính không của các Pháp (s: dharma).

– Tất cả những cách tu luyện trên có thể được thực hành trong mọi hoạt động thân thể hằng ngày.
Kế theo đó là việc phòng hộ các giác quan (Nhiếp căn) và tu chỉ ở đây được hiểu là sự nhận thức được tính huyễn của tất cả những hiện hữu, phòng ngừa sự xuất hiện của hai tâm trạng đối đãi là yêu và ghét. Quán là sự hướng nội của tâm trong khi thụ nhận những tin tức từ những giác quan, với mục đích là nhận thức được tính vô sắc, vô tướng của tâm.

– Cuối cùng hành giả phải quán tưởng đến tính chất “phi thật” của hiện hữu để trực ngộ được tính không của chúng và ý nghĩa tột cùng của Trung đạo.