TỨ DIỆU ĐẾ
YẾU LƯỢC

ESSENTIAL SUMMARIES OF
THE FOUR WONDERFUL TRUTHS

Thiện Phúc

 

Luận Về Pháp Tướng Nhất Định Tông Duy Thức (pdf)

Lời Đầu Sách

Ngay sau khi Đức Phật đạt được đại giác tại Bồ đề đạo tràng, Ngài đã đi vào vườn Lộc uyển tại thành Ba La Nại, để giảng bài pháp đầu tiên về Trung Đạo, Tứ Thánh Đế và Bát Thánh Đạo. Tại Vườn Lộc Uyển trong thành Ba La Nại, thoạt đầu Đức Phật bị năm anh em Kiều Trần Như lãng tránh, nhưng khi Đức Phật tiến lại gần họ, họ cảm nhận từ nơi Ngài có những tướng hảo rất đặc biệt, nên tất cả đều tự động đứng dậy nghênh tiếp Ngài. Sau đó năm vị đạo sĩ thỉnh cầu Đức Thế Tôn chỉ giáo những điều Ngài đã giác ngộ. Đức Phật nhân đó đã thuyết Bài Pháp Đầu Tiên: Chuyển Bánh Xe Pháp. Ngài bắt đầu thuyết giảng: “Này các Sa Môn! Các ông nên biết rằng có bốn Chân Lý. Một là Chân Lý về Khổ. Cuộc sống đầy dẫy những khổ đau phiền não như già, bệnh, bất hạnh và chết chóc. Con người luôn chạy theo các dục lạc, nhưng cuối cùng chỉ tìm thấy khổ đau. Mà ngay khi có được thú vui thì họ cũng nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi vì những lạc thú nầy. Không có nơi nào mà con người tìm thấy được sự thỏa mãn thật sự hay an lạc hoàn toàn cả. Thứ hai là Chân Lý về Nguyên Nhân của Khổ. Khi tâm chúng ta chứa đầy lòng tham dục và vọng tưởng chúng ta sẽ gặp mọi điều đau khổ. Thứ ba là Chân Lý về sự Chấm dứt Khổ. Khi tâm chúng ta tháo gỡ hết tham dục và vọng tưởng thì sự khổ đau sẽ chấm dứt. Chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm hạnh phúc không diễn tả được bằng lời. Cuối cùng là Chân Lý về Đạo Diệt Khổ, con đường giúp chúng ta đạt được trí tuệ tối thượng.”

Nói rộng ra về Tứ Diệu Đế, về chân lý thứ nhất là Khổ Đế, Đức Phật dạy rằng mọi vật đều khổ: sanh, lão, bệnh, tử, chia lìa, không thỏa mãn ước muốn, hủy hoại, trạng thái thay đổi liên tục của tất cả các hiện tượng, bất cứ cảm nhận nào, dù sung sướng hay đau khổ đều là “khổ.” Khổ là điều kiện vô thường của vũ trụ tác động trên vạn vật. Ngay cả “cái tôi” hoặc “bản ngã” cũng không có đặc tính vững bền, do bởi trên thực tế nó chỉ là một sai lầm khởi lên từ một khái niệm sai lầm mà thôi. Thuyết “Vô Ngã” này là một trong ba đặc tính của tất cả sự sống cùng với “khổ” là “vô thường.” Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Phật giáo định nghĩa khổ đau và hạnh phúc bằng một cách rất đơn giản: Cái gì mang lại khó khăn là đau khổ. Khổ đau hay phiền não đến trong nhiều lốt vỏ khác nhau. Cần nên nhớ rằng khi Đức Phật bảo cuộc sống của chúng ta là khổ, ý Ngài muốn nói đến mọi trạng thái không thỏa mãn của chúng ta với một phạm vi rất rộng, từ những bực dọc nho nhỏ đến những vấn đề khó khăn trong đời sống, từ những nỗi khổ đau nát lòng chí đến những tang thương của kiếp sống. Cái gì mang lại thoải mái là hạnh phúc. Cần nên hiểu rằng khi Đức Phật bảo cuộc sống của chúng ta là khổ, ý Ngài muốn nói đến mọi trạng thái không thỏa mãn của chúng ta với một phạm vi rất rộng, từ những bực dọc nho nhỏ đến những vấn đề khó khăn trong đời sống, từ những nỗi khổ đau nát lòng chí đến những tang thương của kiếp sống. Vì vậy chữ “Dukkha” nên được dùng để diễn tả những việc không hoàn hảo xảy ra trong đời sống của chúng ta và chúng ta có thể cải hóa chúng cho tốt hơn. Nói cách khác, mọi hiện hữu đều có bản chất khổ chứ không mang lại toại nguyện (sự khổ vô biên vô hạn, sanh khổ, già khổ, bịnh khổ, chết khổ, thương yêu mà phải xa lìa khổ, oán ghét mà cứ gặp nhau là khổ, cầu bất đắc khổ, vân vân. Khổ đeo theo ngũ uẩn như sắc thân, sự cảm thọ, tưởng tượng, hình ảnh, hành động, tri thức). Qua thiền định, hành giả tu Phật có thể thấy trực tiếp là các hiện tượng danh và sắc, hay thân và tâm, đều đau khổ.

Nói về chân lý thứ hai là “Tập Đế,” Tập Đế giải thích rằng “khổ” phát sinh từ tham ái, tham muốn có nhiều hay có ít, tham muốn sinh tồn hay hoại diệt. Sự tham ái hoặc lòng tham như thế là một phần của chu kỳ được mô tả trong thập nhị nhân duyên: phát sinh từ thọ, lần lượt phát sinh từ xúc, từ lục căn, từ danh sắc, từ thức, từ ý hành, từ vô minh, từ khổ, từ sanh, hữu, thủ, và trở lại ái, cứ như thế mà xoay vòng liên tục trở lại. Một trong những định luật căn bản tự nhiên nổi tiếng trong đạo Phật. Lý Duyên Khởi hoặc Thập Nhị Nhân Duyên đặt nền móng cho Nghiệp, nhân quả, sự thay đổi và tự nguyện và tính cách mà ở đó tất cả những hiện tượng quy ước tồn tại. Nó thường được mô tả là sự khởi đầu với vô minh hoặc mê mờ. Khi có một đệ tử đến sám hối với Đức Phật về những việc sai trái trong quá khứ, Đức Phật không hề hứa tha thứ, vì Ngài biết rằng một khi đã gây tội tạo nghiệp, dầu lớn hay dầu nhỏ, mỗi người đều phải gặt kết quả khổ đau hay phiền não của nhân do chính mình đã gieo. Tam Độc Tham-Sân-Si là những nguyên nhân chính không thể tranh cãi của khổ đau phiền não phiền não. Chính vì những lý do nầy mà hành giả tu Phật nên luôn cố gắng hết sức mình tìm cách đối trị chúng. Theo Phật giáo, tu tập, nhất là tu tập thiền định, là sự trợ lực lớn lao giúp chúng ta điềm tĩnh khi đối diện với những tư duy xấu nầy. Bên cạnh đó, tà kiến cũng góp phần không nhỏ trong việc vân tập khổ đau phiền não. Tà kiến là những tâm thái và giáo thuyết chống lại với giáo thuyết và phương cách tu tập của Phật giáo, như tin nơi cái ngã thường hằng; chối bỏ luật nhân quả; thường kiến hay tin rằng có một linh hồn vĩnh cửu sau khi chết; đoạn kiến hay tin rằng không còn gì hết sau khi chết; giới cấm thủ hay tuân thủ giới luật tà vạy; kiến thủ hay nhận rằng những hành động bất thiện là tốt; và nghi pháp (Phật pháp), vân vân. Tà kiến cũng có nghĩa là khư khư bảo thủ, kiên trì giữ lấy định kiến của mình, không chấp nhận rằng có những kiếp sống trong quá khứ và những kiếp sống kế tiếp trong tương lai, không chấp nhận rằng con người có thể đạt tới trạng thái Niết Bàn. Đây chính là những nguyên nhân gây ra vô vàn khổ đau phiền não trên cõi đời nầy.

Nói về chân lý thứ ba là “Diệt Đế,” chân lý nầy khẳng định rằng có một sự chấm dứt “khổ” hay sự giải thoát cuối cùng và tối cao là sự dập tắt lửa tham, sân và si, việc này xảy ra khi nhân của “khổ” bị loại trừ. Khi người ta hiểu rõ lý Duyên Khởi và những hậu quả của nó được mở lối, khi ấy chuỗi dây xích bị phá và tham ái dẫn đến vòng sinh tử luân hồi bất tận bị đoạn tận và sự diệt khổ đã hoàn tất. Đức Phật gọi chân lý thứ ba là “sự diệt tắt.” Sự kiện này không giống như Niết Bàn. Niết Bàn không phải là quả được tạo bởi nhân: nếu là Niết Bàn, nó tự phát sinh, và nếu nó đã tự sinh; nó không thể đưa ra một phương cách để vượt khỏi những sự bám chặt vào nghiệp và tái sinh. Trong tu tập Phật giáo, hàng phục phiền não cũng là đang triệt tiêu khổ đau. Như trên đã nói, phiền não chỉ tất cả những nhơ bẩn làm rối loạn tinh thần, cơ sở của bất thiện, cũng như gắn liền con người vào chu kỳ sanh tử. Trong Phật giáo, người ta còn gọi chúng là khát vọng của Ma vương. Hành giả muốn giác ngộ trước tiên con người phải cố gắng thanh lọc tất cả những nhơ bẩn nầy bằng cách thường xuyên tu tập thiền định. Theo Đức Phật, hiểu biết đúng đắn về “Tánh Không” sẽ dẫn đến đoạn khổ đoạn não. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng khổ đau chỉ có thể vượt qua bằng cách triệt tiêu căn cố của chính nó. “Tánh Không” tượng trưng cho một phương pháp tu tập hơn chỉ là một khái niệm để bàn luận. Như trên đã nói, về mặt tâm lý học, “Tánh Không” là sự buông bỏ chấp thủ. Pháp thoại về “Tánh Không” nhằm để buông xả tất cả khát ái của tâm. Về mặt đạo đức học, sự phủ định của “Tánh Không” là một hiệu quả tích cực, ngăn chặn Bồ Tát không làm các điều ác mà nỗ lực giúp người khác như chính bản thân mình. Đức hạnh nầy khiến nuôi dưỡng và tăng trưởng lòng từ bi. Về mặt nhận thức luận, “Tánh Không” như ánh sáng chân trí tuệ rằng chân lý không phải là thực thể tuyệt đối. Tri thức chỉ cung cấp kiến thức, không cung cấp trí tuệ chân thật và tuệ giác là vượt qua tất cả ngôn từ. Về mặt siêu hình, “Tánh Không” nghĩa là tất cả các pháp không có bản chất, tánh cách và chức năng cố định.

Về mặt tinh thần, “Tánh Không” là sự tự do, Niết Bàn hoặc giải thoát khỏi khổ đau phiền não. Như vậy, “Tánh Không” không phải là lý thuyết suông, mà là nấc thang để bước lên giải thoát. Công dụng duy nhất của “Tánh Không” là giúp cho chúng ta loại bỏ khổ đau phiền não và vô minh đang bao bọc chúng ta để mở ra những tiến trình tâm linh siêu vượt thế giới nầy ngang qua tuệ giác.

Nói về Chân lý thứ tư là “Đạo Đế,” Đức Phật giúp chúng ta xác định những yếu tố dẫn đến sự diệt khổ và khẳng định ba thành phần căn bản của sự tu tập tâm linh Phật giáo: Giới, Định, và Huệ. Gần hai mươi sáu thế kỷ về trước, Đức Phật đã chiến đấu và chiến thắng như một vị anh hùng chinh phục và đạt được mục đích của Ngài. Ngài cũng đã tìm thấy những phẩm trợ đạo trên con đường tu tập diệt khổ và dẫn tới giác ngộ và quả vị Phật. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bao gồm Tứ Chánh Cần, Tứ Như Ý Túc, Tứ Niệm Xứ, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần và Bát Thánh Đạo. Nói cách khác, Chân Lý về Đạo Diệt Khổ, con đường giúp chúng ta đạt được trí tuệ tối thượng.” Bài pháp đầu tiên này của đức Phật đã trở thành cốt lõi của giáo pháp nhà Phật trong đó bao gồm những phẩm trợ đạo dẫn tới giác ngộ và quả vị Phật.

Tứ Diệu Đế được giải thích bằng cách dùng một hình thức bóng bẩy mang tính y học. Trong đế thứ nhất, thân phận con người được chẩn đoán là khổ. Chân lý thứ hai trích dẫn tham ái, nhân của chứng bệnh này. Chân lý thứ ba tạo nên một triệu chứng tình trạng, chỉ ra rằng có thể hồi phục. Cuối cùng chân lý thứ tư, Bát Chánh Đạo đi đến sự diệt khổ là phương thuốc được kê toa để phục hồi sức khỏe bệnh nhân.

Theo lệ thường, người ta cũng kết hợp hình thức hoạt động nào đó với từng chân lý một. Chân lý thứ nhất được “hiểu thông suốt.” Chân lý thứ hai được loại trừ tận gốc: nó đòi hỏi sự khao khát cần được dập tắt. Chân lý thứ ba là cần được chứng nghiệm, để biến thành thực tế. Và chân lý thứ tư cần được trau dồi, “được biến thành hiện thực,” nghĩa là cần được gìn giữ và tuân thủ. Toàn bộ Phật Pháp có thể được xem như là sự giải thích rộng rãi và tỉ mỉ từ Tứ Diệu Đế mà ra. Nói tóm lại, giáo pháp của Đức Phật được diễn tả rất ngắn gọn trong Tứ Diệu Đế, một trong những phương thức được chấp nhận rộng rãi nhất của tư tưởng Phật giáo. Những chân lý này công bố về “khổ” và sự chấm dứt khổ và phản ánh nội dung sự giác ngộ của Ngài.

Quyển sách nhỏ có tựa đề “Tứ Diệu Đế Yếu Lược” này không phải là một nghiên cứu về triết lý sống, mà nó chỉ đơn thuần trình bày bài pháp đầu tiên của đức Phật, một bậc giác ngộ vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng tu Phật không hẳn là cần thiết phải xuất gia vào chùa làm Tăng hay Ni, mà nó có nghĩa là bước vào việc thực tập những bài tập được liên kết để thiết lập những mẫu mực sống hằng ngày của mình, giúp cho đời sống của chúng ta gánh chịu ngày càng ít khổ đau phiền não và ngày càng trở nên yên bình, tỉnh thức, và hạnh phúc hơn. Đức Như Lai đã giải thích rõ về con đường diệt khổ mà Ngài đã tìm ra và trên con đường đó Ngài đã tiến tới quả vị Phật. Hành trang của cuộc hành trình hướng đến Niết Bàn bao gồm chánh pháp của đức Phật hay nội dung của những chứng ngộ của con đường dẫn đến sự diệt khổ và diệt hết những nhân tố ngọn nguồn tạo ra khổ nằm trong dòng tâm thức. Trong đó bốn chân lý nhiệm mầu trong giáo lý nhà Phật đóng một vai trò rất quan trọng, vì chúng là giáo pháp căn bản của nhà Phật, chúng nói rõ do đâu có khổ và con đường giải thoát. Cuộc hành trình qua bờ bên kia (Niết Bàn) còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Đường tu tập còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn tập sách “Tứ Diệu Đế Yếu Lược” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.

Thiện Phúc

 

TẬP 1 II TẬP 2