Từ Chuyện Hứa Do Rửa Tai Tới Chuyện Phật
Thiện Quả Đào Văn Bình

 

Sách Cổ Học Tinh Hoa có chép chuyện Sào Phủ và Hứa Do – hai ẩn sĩ đời Vua Nghiêu. Câu chuyện như sau: Hứa Do được tiếng là người hiền, vua Nghiêu vời vào để truyền ngôi thiên tử. Hứa Do từ chối, cười mà về rồi ra suối rửa tai.

Khi đó, Sào Phủ vừa dắt trâu tới suối uống nước, thấy Hứa Do rửa tai, bèn hỏi tại sao rửa tai? Hứa Do trả lời: “Ông Nghiêu đòi tôi đến, mời tôi làm vua.”

Sào Phủ bèn dắt trâu bỏ lên trên dòng nước cho uống.

Hứa Do hỏi tại sao? Sào Phủ đáp: “Anh rửa tai anh xuống đó tôi sợ trâu tôi uống nhằm nước bẩn.”

Sào Phủ lại nói:

“Anh đi đâu cho người ta biết, vua mà muốn nhường ngôi vua cho anh, ấy là tại bụng anh vẫn còn danh lợi.”

Hồi còn nhỏ, đọc truyện này tôi cảm phục hai ẩn sĩ phong thái thanh cao, thật sự thoát vòng danh lợi. Có lẽ trên đời này không thể nào có được những tấm gương như thế. Người ta đâm chém nhau, bầy tôi phản loạn, thậm chí anh em giết nhau để đoạt ngôi vua. Thế mà Hứa Do được vua Nghiêu được mời tới để trao ngôi báu lại cười rồi bỏ về.

Thế nhưng ngày nay sau khi học Phật, tôi lại có ý nghĩ khác. Vua Nghiêu mới thật người hiền. Thấy người tài đức hơn mình thỉ mời tới để nhường ngôi là không tham quyền cố vị. Không coi ngôi thiên tử là tài sản riêng của mình. Ngày nay, đã làm tổng thống bốn năm, thất cử ở nhiệm kỳ hai thì cảm thấy nhục nhã, rồi cay cú, làm đủ mọi cách để trở lại nắm quyền. Rồi nào là nhiều ông bà bỏ ra mấy chục triệu Mỹ Kim để tranh chức thượng nghị sĩ. Rồi ở các nước khác, thất cử rồi quay sang lập đảng chống đối kịch liệt làm đảo điên cả đất nước. Điều này cho thấy cái danh vọng, quyền uy quyến rũ người ta như thế nào. Thời Đông-Chu Liệt Quốc có kẻ giết vợ, giết con để cầu danh lợi. Hứa Do từ chối lời mời của Vua Nghiêu là cao thượng. Nhưng về nhà rửa tai lại là hành vi cao ngạo khinh thường ngôi vua.

Làm vua trị vì thiên hạ, lo việc kinh bang tế thế sao cho trăm họ âu ca đâu phải chuyện xấu? Mỉnh không có duyên phận hoặc không thích hoặc không đủ tài đức… thì từ chối khéo léo mà không làm tổn thương tới người có lòng tốt. Nếu không có vị vua hiền đức để đem lại thái bình no ấm cho muôn dân thì làm sao có thể tu hành? Liệu chúng ta có thể ngồi yên trong chùa khi đất nước loạn lạc, trộm cướp khắp nơi, nạn đói hoành hành, nhà nhà bỏ đi lánh nạn? Vậy thì một ông vua lo được cho dân ấm no, hạnh phúc để phát triển tâm linh, vun bồi đạo đức…đó là chức năng cao cả chứ? Việc đạo và việc đời phải cân bằng, không cái nào hơn cái nào. Đạo không đời thì đạo diệt. Đời không đạo thì đời trở thành đấu trường dã man. Có đạo không chưa đủ mà phải có cuộc sống ấm no nữa chứ? Dù Phật có tái sinh cũng không thể đem lại cuộc sống ấm no cho tất cả mọi người. Nhưng một vị minh quân với bầy tôi hiền đức có thể đem lại ấm no cho toàn dân.

Dùng con mắt pháp và mắt Phật rọi vào thì Hứa Do thấy mình thanh cao cho nên tỏ ra cao ngạo, thấy mình bị xúc phạm nên rửa tai vì cho rằng cái tai của mình bị nhiễm ô. Còn Sào Phủ kéo trâu, không cho trâu uống nước ở hạ nguồn cũng là hành vi cao ngạo.

Trong Tam Giáo Phật-Lão-Khổng thì Khổng Giáo sản sinh ra các nho gia lấy đạo Tu Thân làm gốc với khuôn phép Chính Tâm, Thành Ý, Tu, Tề, Trị, Bình. Con người Nho gia thẳng thắn, trung quân ái quốc, tôn trọng phép nước (Pháp bất vị thân). Thế nhưng Nho gia hay Nho sĩ cố chấp vào sở học của mình và thường cao ngạo, coi thường kẻ ít học và coi dân như con cháu trong nhà và tự nhận mình là “phụ mẫu chi dân”. Còn Lão Giáo sản sinh ra các đạo gia sống đời thanh cao nhưng yếm thế và xa rời cuộc sống. Còn Phật Gia bao gồm hai giới tu sĩ và cư sĩ cũng tu thân như Khổng Giáo và cũng thanh cao thoát tục như Lão Giáo nhưng chủ trương lấy Từ Bi làm gốc. Tuy xuất gia nhưng vẫn chan hòa với mọi người qua châm ngôn Giới Hòa Đồng Trụ và chủ trương khiêm tốn, phá chấp, phá bỏ tự ngã, coi tất cả đều bình đẳng qua câu nói “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Người con Phật dù tại gia hay xuất gia phải hết sức khiêm tốn, biết cảm thông và chia xẻ với mọi người, không bị câu thúc, trói buộc bởi bất cứ cái gì dù là pháp cao thượng của Phật. Pháp Phật đọc tụng hằng ngày không phải là cứu cánh mà chỉ là cái bè để qua sông.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy ngài Tu Bồ Đề rằng, “Phàm chấp vào tướng đều là hư vọng”. Như vậy thì, không thể nào có tu sĩ cao ngạo coi mình như núi Thái Sơn ở trên đời này, dù người đó có cả triệu tín đồ đi theo.

Theo lời Phật dạy thì:

-Chấp vào sự đắc quả của mình là hư vọng. Bồ Tát tự nhận mình là Bồ Tát thì không phải Bồ Tát.(Kinh Kim Cang)

-Chấp vào mình có chức vụ cao trong giáo hội là hư vọng.

-Chấp vào mình có chùa to cho nên hơn các chùa khác và các thầy khác là hư vọng.

-Chấp rằng mình có kiến thức cao rộng. thông minh, lanh lợi là hư vọng. Chứng đắc là xả bỏ mọi kiến thức, đầu óc rỗng rang, tịch mịch mà chiếu soi.

-Chấp rằng mình nổi tiếng vì có cả triệu người vào coi và nghe những băng video mình thuyết pháp là hư vọng. Có cái tôi thuyết pháp là chấp ngã tướng. Chấp có người nghe thuyết pháp là nhân tướng. Chấp có cả triệu người nghe thuyết pháp là chúng sanh tướng. Chấp vào những tướng này để sanh tâm mình là hư vọng.

-Chấp rằng mình có bằng tiến sĩ Phật học là tự cao tự đại. Chấp cái ngã có bằng cấp là hư vọng. Giới-Định-Huệ lớn hơn mảnh bằng tiến sĩ rất nhiều.

Chính vì thế mà khi Lương Vũ Đế hỏi Tổ Đạt Ma rằng, “Tôi đang nói chuyện với ai?” Tổ đáp rằng, “Tôi không biết”. Đó là Tổ đã không còn ngã tướng.

Để tiếp nối câu chuyện. Giả dụ như có một vị tổng thống hay thủ tướng nào đó nghe danh một vị sư đắc đạo, “tam cố thảo lư” ân cần mời sư ra lãnh đạo đất nước thay mình. Thì sư chắp tay nói, “A Di Đà Phật, tôi vốn từ nhỏ ở chùa, tụng kinh niệm Phật, ăn cơm với đậu phụ, tương chao dưa muối không biết và không giỏi chuyện kinh bang tế thế. Xin tổng thống/thủ tướng tìm người học rộng tài cao, tinh thông về kinh tế, tài chính và quản trị để phụ giúp việc quốc gia. Tôi xin cám ơn mỹ ý của ngài.”

Khi khách ra về rồi, chẳng phải xuống suối rửa tai như Hứa Do, sư pha một ấm trà. Giờ đây nắng đã nhạt màu. Bóng chiều đổ xuống những rặng cây trước sân chùa. Sư nhìn ra ngoài, những chuyện vui -buồn sáng nay giờ đây chẳng còn thấy đâu nữa. Sư cảm khái đọc một bài kệ trong Kinh Kim Cang:

Tất cả các pháp hữu vi như mộng huyễn, như bọt ảnh, như sương mai, như chớp.

Xin quán xét đúng như vậy.

Vị tổng thống/thủ tướng kia là chim. Sư là mặt hồ. Hình của chim in trên mặt hồ chỉ là huyễn ảo. Chim bay rồi thì không còn bóng chim trên mặt hồ nữa.

 

(*) Pháp hữu vi là pháp sinh ra rồi diệt mất, có khi chỉ trong một sát-na.