TRUYỆN A DỤC VƯƠNG

Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư An Pháp, nước An Tức.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

QUYỂN 3

BỔN DUYÊN VỀ CÂU-NA-LA

Phu nhân của vua A-thứ-già tên là Liên Hoa, hạ sinh một hoàng tử tên là Pháp Tăng. Quan phụ tướng bạch vua rằng:

– Vua nên vui mừng, vì sao? Vua đã có một hoàng tử diện mạo khôi ngô, đoan chánh, lại có đôi mắt rất xinh đẹp tối diệu.

Vua nghe nói thì rất đỗi vui mừng mà nói rằng:

– Hậu tự của tiên nhân đều có đại danh xưng. Ta nay được tăng trưởng đạo pháp mới sinh được đứa con này.

Rồi vua đặt tên cho con là Tăng Pháp. Người nhũ mẫu bế đứa bé đến chỗ vua. Vua trông thấy con lòng càng yêu mến, liền nói kệ:

Đôi mắt này tối thắng
Vì có nhiều phước đức
Như sinh vào Liên Hoa
Trang nghiêm trên vẻ mặt
Cũng như mặt trăng đầy
Người thấy đều hoan hỷ.

Nói kệ xong, vua quay qua hỏi quan phụ tướng:

– Có thấy ai có đôi mắt như hoàng tử của ta không?

Quan phụ tướng đáp:

– Ở loài người thì chưa từng thấy, duy chỉ nghe trên núi Tuyết sơn có chim tên Câu-na-la, có đôi mắt rất đẹp.

Vua liền gọi Dạ-xoa đến:

– Người đến ngay núi Tuyết bắt chim Câu-na-la về cho ta. Ta muốn được nhìn thấy tận mắt.

Dạ-xoa theo lệnh vua đi đến núi tuyết, chỉ trong khoảnh khắc là bắt được chim Câu-na-la và bắt về cho vua.

Vua thấy chim mắt nhỏ mà lại đẹp, giống như mắt hoàng tử. Do đó mà đặt tên cho con là Câu-na-la. Tên này được lưu bố rộng rãi, mọi người đều biết đến. Từ đó lấy hiệu là Câu-na-la. Sau này vương tử Câuna-la lớn lên có vợ tên là Chơn-kim-man. Khi ấy, vua cùng với hoàng tử đi đến chùa Kê-đầu-ma, vị Thượng tọa ở đó quán thấy Câu-na-la không bao lâu nữa sẽ bị mất đôi mắt. Thượng tọa nói với vua:

– Sao không bảo hoàng tử Câu-na-la phải thường đến đây để nghe pháp.

Vua bảo hoàng tử:

– Con phải tùy thuận theo lời Hòa thượng dạy.

Câu-na-la chắp tay thưa:

– Ngài có điều gì chỉ dạy con nguyện nghe theo.

Thượng tọa nói:

– Mắt là vật vô thường, ta không thể nương cậy suốt đời. Ngươi nên phát nguyện tu theo Giới Định Tuệ.

Câu-na-la nghe theo lời dạy của Hòa thượng, trở về cung tìm chỗ tự tư duy. Quán mắt là khổ không vô thường, khổ không vô ngã.

Lúc này bà Đệ nhất phu nhân của vua A-dục là Đế-thất-la-xoa nhìn thấy Câu-na-la ngồi một mình. Bà cảm thấy yêu mến cặp mắt của vương tử, bèn tới ôm lấy Câu-na-la và nói:

– Lửa dữ đang thiêu đốt cả núi rừng hoang dã, lòng dâm dục cũng bức bách ta như thế. Ngươi nay hãy cùng với ta chung vui lạc thú nơi đây.

Câu-na-la nghe lời này thì lấy hai tay bịt tai lại nói rằng:

Đây là lời bất thiện
Bịt tai không muốn nghe
Người là bậc làm mẹ
Sao cùng con vô luân
Tâm phi pháp không đoạn
Cửa ác càng vào sâu.

Đế-thất-la-xoa nổi giận:

– Người không đồng ý thì chẳng bao lâu nữa ta sẽ giết ngươi.

Câu-na-la lại nói kệ tiếp:

Chết mà giữ pháp tịnh
Không thuận ý tà tâm
Phá hoại đạo thiên nhân
Thánh hiền đều quở trách.

Đế-thất-la-xoa từ đó về sau thường tìm lỗi của Câu-na-la.

Lúc này ở phía Bắc có nước tên là Kiền-đà-la. Thành nước này là Xoa-thi-la. Nhân dân trong thành đó tạo phản nghịch không phục vương triều của vua A-dục. Vua A-dục muốn tự mình đi thảo phạt. Quan phụ tướng liền can:

– Vua không cần phải đi, chỉ cần sai một vương tử đi chiêu dụ là được.

Vua bảo Câu-na-la:

– Con có thể thay ta đi chinh phục được không?

Đáp:

– Tâu phụ vương! Con xin đi.

Vua biết ý con muốn đi bèn cho sửa sang đường sá, ra lệnh cho những kẻ bệnh hoạn già yếu và bọn ăn mày phải tránh xa con đường mà vương tử đi qua. Vua A-thứ-già cùng lên xe đưa thái tử ra khỏi thành. Lúc sắp chia tay liền ôm lấy cổ con khóc rồi nói rằng:

– Người kia phước đức rồi sẽ nhìn thấy mắt con. Có vị tướng sư bảo ta yêu đôi mắt này mà nó không bao lâu nữa sẽ bị hủy hoại. Thấy đôi mắt con lòng thật vui vẻ. Mai này mắt kia mất đi thì đau xót vô cùng.

Câu-na-la đi lần đến nước Xoa-thi-la. Dân chúng trong thành nghe Câu-na-la đến đều lo sửa sang đường phố, đem đầy hương hoa phủ đầy ngoài đường để cung nghinh. Khi nhìn thấy Câu-na-la đến liền thưa:

– Nhân dân nước tôi không có lòng phản vua, cũng không phản vương tử, chỉ có bọn ác thần ở bên vua xúi dục tạo phản mà thôi.

Sau đó mọi người thiết bày đủ nghi thức cung kính vây quanh thái tử rồi đưa Câu-na-la vào thành. Khi ấy vua A-thứ-già sinh trọng bệnh. Trong miệng đầy mùi hôi thối, các lỗ chân lông đều tỏa mùi hôi như vậy mà không ai trị được. Vua bảo với đại thần:

– Đi gọi Câu-na-la về để lên ngôi. Ta chắc chẳng sống bao lâu nữa.

Đại phu nhân Đế-thất-la-xoa nghe vậy liền suy nghĩ: “Nếu Câuna-la lên làm vua, thì ta khó mà sống được.” Bà liền tìm cách thưa với vua:

– Chớ cho thầy thuốc vào nữa, thiếp sẽ trị lành bệnh cho vua.

Vua không cho các thầy thuốc vào cung nữa. Đệ nhất phu nhân ra lệnh cho bọn họ rằng:

– Nếu ai có bệnh như vua, cẩn thận chớ có chữa trị mà phải đem vào đây.

Khi đó có một người cũng có bệnh như vua. Người vợ liền tìm đến thầy thuốc nói:

– Chồng tôi cũng bị bệnh như thế.

Thầy thuốc bảo đem lại đây. Khi người bệnh được đưa vào thì

thầy thuốc bèn đưa vào cung cho phu nhân. Đế-thất bèn giết người ấy, mổ bụng ra xem thì thấy một con trùng lớn trong đó. Khi trùng bò lên thì phân cũng theo lên. Trùng bò xuống thì phân cũng theo xuống. Đem bỏ các loại mạt tiêu, các loại thức cay khác mà nó vẫn không chết. Sau cùng bà bèn đem hành bỏ vào thì trùng mới chịu chết và phân được tống ra ngoài. Do đây mà khuyên vua nên ăn hành.

Vua nói:

– Ta là dòng Sát-đế-lợi, vì sao lại có thể ăn hành?

Phu nhân nói:

– Vì trị bệnh thì cũng cần phải ăn nó.

Vua khi ăn hành vào thì liền hết bệnh. Vua cho gọi Đế-thất vào nói:

– Khanh có ước nguyện gì không?

Đáp:

– Thiếp muốn được làm vua bảy ngày.

Vua bằng lòng. Khi được toại ý, Đế-tthất bèn nghĩ: “Ta nay đến lúc phải báo oán Câu-na-la.” Nghĩ rồi bà liền viết chiếu thư cho người đem đến thành Xoa-thi-la nói rằng:

– Vì Câu-na-la phạm đại tội, phải móc mắt và đuổi đi.

Vua A-thứ-già vốn rất nghiêm khắc, vì sợ chậm trễ phạm vào vương chết. Nhưng thư viết xong cần phải đợi ấn đóng vào.

Đế-thất-la-xoa chờ khi vua ngủ để bà trộm lấy ấn đóng vào chiếu thư. Vua khi ấy giật mình tỉnh giấc. Đế-thất hỏi:

– Vì sao vua lại thức?

Vua nói:

– Vì nằm ác mộng thấy hai con chim Thứu muốn mổ mắt Câu-nala.

Nói xong lại nằm ngủ tiếp. Lần hai vua lại thức giấc nói với phu nhân:

– Ta lại nằm ác mộng.

Phu nhân hỏi:

– Nhà vua trông thấy gì?

Đáp:

– Mộng thấy Câu-na-la, đầu tóc thật dài trải dưới đất mà ngồi.

Phu nhân nói:

– Vua cứ ngủ yên đi, chẳng ai dám làm hại vương tử đâu.

Vua lại nằm ngủ. Phu nhân lén lấy được ấn vua đóng vào thư, rồi sai người mang đi.

Vua lại nằm mộng thấy răng bị rụng. Sáng hôm sau bèn gọi tướng sư đến đoán mộng. Tướng sư nói rằng:

– Điềm mộng này ứng vào việc Vương tử đã bị mất đôi mắt.

Vua nghe lời này chắp tay hướng về bốn phương, phát tâm tin Pháp, tin Tăng, xin hộ trì phật đạo, xin nguyện cầu gia hộ cho vương tử Câu-na-la.

Khi thư đưa đến thành Xoa-thi-la, vì dân trong thành rất yêu quí Pháp Tăng có lòng nhân đức nhân hậu, do đó không đưa thư ra mà cùng thương nghị:

– Vua còn không thương con của mình, thì với dân chúng làm sao có thể yêu tiếc. Câu-na-la thường đem lòng từ xót thương cứu giúp các loài quần sinh. Các căn điều thuận không có kiêu mạn. Con như thế mà lại muốn hủy hoại, huống gì bọn ta.

Sau đó họ mới đưa chiếu thư ra cho Câu-na-la. Câu-na-la đọc thư thì tin và nói rằng:

– Tùy các ngươi, cứ việc móc mắt.

Lúc này, không có người nào chịu lấy mắt của vương tử. Bèn cho gọi Chân-đà-la đến, nhưng Chân-đà-la cũng không chịu và nói:

– Thà hủy hoại mắt của tôi chứ làm sao tôi có thể lấy mắt của người.

Câu-na-la đem ra một hộp báu trị giá mười vạn lượng vàng, thưởng cho Chân-đà-la để móc mắt, Chân-đà-la quyết vẫn không chịu.

Vì nghiệp duyên đã đến, nên tự nhiên có người mặt xấu xí như quỷ đến xin móc mắt. Câu-na-la thấy vậy liền nhớ lại lời của Thượng tọa Da-xá nói mắt là vô thường, liền nghĩ: “Bởi người biết ta phải trả nghiệp báo bị móc mắt, cho nên mới nói lời này. Quả thật là bậc thiện tri thức. Vì thương cảm nên đem lời từ mẫn dạy ta. Chính là khiến cho ta nhận sự báo oán này mà không sợ hãi. Lại dạy ta: Nên biết ba cõi là vô thường, sự nguy ách như huyễn. Ta từ lâu biết mắt này là hoại tướng, nên đã quyết kiên trì giữ đạo pháp mà thôi.” Nghĩ vậy nên nói với xú nhân rằng:

– Ngươi có thể móc lấy một mắt trước, rồi đem bỏ vào lòng bàn tay của ta.

Xú nhân tiến đến bên Câu-na-la móc lấy một mắt bỏ vào tay Thái tử. Mọi người trông thấy thì khóc to lên nói:

– Lạ thay! Khổ thay! Mắt sáng tinh anh mà nay lại bị mù. Hoa sen vi diệu mà sớm bị hủy diệt.

Hàng ngàn người kêu khóc buồn than không ngớt. Câu-na-la quán con mắt trong lòng bàn tay mình và nói:

– Thương thay! Đôi mắt! Từ nay ngươi làm sao còn có thể trông thấy sắc nữa. Ai cũng cho là ngươi đẹp, nay chỉ còn là miếng thịt bỉ lậu hư hoặc kẻ ngu tình. Giờ đây còn gì để ta yêu mến trọng vọng. Thật chỉ là các duyên giả hợp lại mà thành thôi. Đâu có gì là thật của mắt, có khác nào như bọt nước. Nếu không buông lung phóng dật thì pháp quán này sẽ giúp người thoát ra sinh tử.

Khi Câu-na-la tư duy đến đó thì liền chứng quả Tu-đà-hoàn, đắc được kiến đế, liền bảo với xú nhân:

– Ngươi móc luôn mắt kia của ta đi.

Mắt kia móc ra cũng được đặt vào lòng bàn tay của Câu-na-la. Lúc này người lại quán tưởng về mắt và chứng quả Tư-đà-hàm. Xả bỏ hết mắt thịt ô uế mà chứng pháp nhãn tịnh, liền nói rằng:

– Bỏ nhục nhãn mà được tuệ nhãn, xả xác thân do cha mẹ tạo thành mà được pháp vương tử. Tuy mất sự giàu sang nhân thế, mà được pháp tài vĩnh viễn xa lìa ưu não.

Sau này, Câu-na-la mới biết đây là do thư của Đế-thất viết chứ không phải nhà vua, liền phát nguyện rằng:

– Nguyện cho đại phu nhân được trường thọ an lạc, không bị hoạn nạn bức bách. Vì sao? Bởi do người tìm cách hại đôi mắt mà giúp ta có nhân duyên đắc được pháp lợi.

Vợ của Câu-na-la là Chơn-kim-man, nghe tin chồng bị móc mắt, liền tìm đến thì thấy đôi mắt đã bị khoét, máu chảy đầy thân thể. Nàng kêu khóc bi ai, té xỉu xuống đất. Mọi người lấy nước rửa mặt hồi lâu mới tỉnh. Nàng lại đứng lên kêu khóc nói:

– Đôi mắt thanh tịnh xinh đẹp mà nay bị hủy hoại như thế.

Câu-na-la nói kệ đáp:

Tự tạo ra ác nghiệp
Nay phải chịu nhận lấy
Tất cả khổ thế gian
Ân ái rồi xa lìa
Nàng hãy thôi khổ não
Còn khóc để làm gì?

Nhân dân trong thành lại đuổi hai vợ chồng đi. Câu-na-la và vợ lâu nay đều sống trong cảnh sung sướng, chưa từng làm lụng cực khổ. Nay phải lấy nghề đàn hát xin ăn mà nuôi sống. Lần hồi đi về đến thành Hoa thị. Khi đến trước cung vua thì muốn vào. Người giữ cửa vì không nhận ra nên không cho vào. Câu-na-la đành tá túc bên ngoài chuồng voi. Sáng sớm lại khảy đàn. Mượn tiếng hát để nói lên sự đau đớn bị móc mắt và nhân duyên đắc đạo. Người giữ cửa nghe tiếng đàn đó thì tự quán ấm nhập mà lìa khổ sinh tử.

Vua khi nghe tiếng đàn thì vội nói:

– Âm thanh của tiếng đàn này sao giống của Câu-na-la. Trong ấy vang lên những lời đau đớn, dường như có điều gì lớn lao. Ta nghe tiếng này có cảm giác như mất mát cái gì, như voi mẹ bị đánh mất con.

Vua bảo người ra xem. Người này trông thấy Câu-na-la gầy đen tiều tụy, lại mù lòa thì không nhận ra, bèn trở lại tâu với vua:

– Có một người ăn xin, đôi mắt bị mù, lại gầy đen rách rưới đi cùng với vợ.

Vua nghe nói thì suy nghĩ: “Ta nằm mộng thấy Câu-na-la mất cả hai mắt, không biết đây có phải không? Ta luôn nhớ con không nguôi, nay nên gọi vào thử xem.

Vua bảo người hầu trở ra hỏi:

– Người là người nào? Con của ai?

Người mù đáp:

– Cha tôi là vua A-dục, làm chủ cõi Diêm-phù-đề, là bậc cao quý tự tại trong tất cả loài người. Tôi là con của người, tên Câu-na-la, cũng là con của đấng Đại Pháp vương, hiệu Phật-đà.

Hai vợ chồng người mù được dẫn vào chỗ vua. Vua trông thấy Câu-na-la mắt mù, thân thể gầy đen, áo quần lam lũ, thì vẫn còn nghi hoặc mới hỏi:

– Ngươi là Câu-na-la à?

– Thưa vâng! Chính là con.

Vua nhận ra lời nói của con thì đau đớn té xỉu. Người hầu lấy nước rửa mặt giây lâu mới tỉnh dậy. Vua ôm lấy Câu-na-la đặt trên đầu gối, lấy tay rờ vào mắt con than khóc:

– Mắt con vì giống chim Câu-na-la, cho nên ta mới lấy tên đó mà đặt. Nay mắt không còn thì gọi tên mà làm gì? Con hãy nói cho ta biết ai đã móc đôi mắt của con. Mắt không còn thì chẳng khác nào như hư không, không có mặt trăng cũng không có tinh tú. Chỉ kẻ vô tâm không có lòng từ mới hủy hoại đôi mắt này. Ai gây thì trọn đời phải chịu đau khổ. Câu-na-la, ai đã làm đôi mắt con thế này? Mau nói cho ta biết. Nay thấy thân con hình hài tiều tụy, thiêu đốt cả lòng ta. Thân ta đau đớn chẳng khác nào như đụng vào tảng đá Kim cang.

Câu-na-la thưa:

– Xin cha bớt ưu não. Cha không nghe là Phật cũng có quả báo. Dù là phàm phu hay Thanh văn, Độc giác không ai mà thoát được. Nghiệp thiện ác đã gây thì phải trả báo không thể trốn chạy. Con đã tạo nghiệp, nay phải trả oán cho người. Chẳng phải do đao kiếm hại, cũng chẳng phải do Kim cang hại, chẳng phải lửa, cũng không phải độc xà ác thú, chẳng phải là do người đem khổ đến cho con. Đây chính là do nghiệp đời trước gây tạo, nay phải thọ báo. Nếu làm cho người khổ não thì thật là không phải.

Vua nghe nói vậy nhưng lòng giận dữ đau đớn vẫn không nguôi.

Lại hỏi con:

– Ai đã móc mắt con?

Câu-na-la đáp:

– Chính cha đã ra lệnh móc mắt con.

Vua bảo:

– Nếu như ta sai người móc mắt con thì nay ta phải tự cắt lưỡi mình.

Câu-na-la nói:

– Đó là ấn cha đóng vào chiếu thư.

Vua nói:

– Nếu do ấn của ta thì nay phải nhổ răng ta. Đã làm cho mắt con như thế thì ta cũng phải tự móc mắt của mình.

Đế-thất-la-xoa gọi phu nhân Liên Hoa đến nói:

– Nếu như ta có bị móc mắt thì nên cầu xin cho toàn mạng sống.

Vua nghe lời này liền suy nghĩ: “Đây hẳn là Đế-thất-la-xoa ra lệnh khoét mắt con ta”. Vua cho gọi Đế-thất lại:

– Người làm điều tàn ác, trời đất không dung. Ngươi quả thật là người oan gia của ta, lừa dối hại cả thâm tình cốt nhục của ta.

Vừa từ đau khổ mà trở thành giận dữ, quát mắng:

– Ngươi đã hại mù đôi mắt của con ta. Nay phải lóc thịt xương ngươi treo trên lầu cao, lấy cưa mà cưa ra từng khúc, lấy đao mà cắt lưỡi, lấy búa lớn sắt bén mà băm dầm cả xương tủy đem bỏ vào trong hầm lửa, để cho loài độc xà gặm nhấm.

Vua mắng chửi một hồi. Câu-na-la nghe thì khởi lòng từ bi thương xót liền thưa với cha:

– Đế-thất-la-xoa làm các điều ác như thế, cha nay cũng nên đem chánh pháp tu tập mà tha thứ, chớ nên sát hại một người phụ nữ, cũng như trẻ con ngu muội chớ có giận dữ.

Vua không nghe theo, truyền đem vào nhà Hồ. Giao lấy lửa thiêu đốt. Vua cũng ra lệnh thiêu hết dân chúng trong thành Xoa-thi-la.

Lúc này chư Tỳ-kheo thấy việc như vậy thì lòng rất nghi hoặc, liền hỏi Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa rằng:

– Câu-na-la vì nhân duyên gì mà bị móc mắt như thế?

Tôn giả đáp:

– Các ngươi phải khéo nghe lời ta nói đây! Ngày trước ở nước Bala-nại có một người thợ săn. Mùa Hạ thì ở trong nhân gian. Mùa Đông thì vào rừng săn bắn. Một lần lên núi tuyết thì gặp trận mưa đá. Có năm trăm con nai cùng núp vào hang đá. Người thợ săn nghĩ: “Nếu ta giết hết chúng thì thịt sẽ hư thúi. Vậy chỉ nên khoét mắt để chúng khỏi đi mà giết lần”. Do tạo nghiệp duyên đó mà nay bị người móc mắt.

Chư Tỳ-kheo lại hỏi:

– Vậy nhờ nhân duyên gì mà được sinh vào nhà vương giả?

Đáp:

– Ngày xưa khi con người thọ đến bốn vạn tuổi. Bấy giờ có Phật ra đời hiệu là Già-la-già Tôn-đại. Khi hóa duyên xong thì nhập Niết-bàn Vô dư. Lúc này có vua tên Đoan Nghiêm, vì kính tin Phật mà xây tháp bằng bảy báu, trang nghiêm tường vách đến bốn mươi lý. Khi vua Đoan Nghiêm mất, thì có vị vua tên Bất Tín. Vua này lấy hết trân bảo nơi tháp, chỉ lưu lại cây đá. Nhân dân thấy vậy thì than khóc buồn đau. Có vị trưởng giả hỏi mọi người:

– Vì sao lại khóc?

Đáp rằng:

– Tháp Phật Già-la-tôn-đại làm bằng bảy báu nay đã bị phá hoại, họ đã lấy hết vàng báu chỉ còn là cây đá. Do đó, chúng tôi thấy vậy mà than khóc buồn thương.

Lúc ấy trưởng giả liền tu sửa tháp báu trở lại như cũ. Nhân đó lại phát nguyện vào đời vị lai được diệu quả tối thắng giải thoát thanh tịnh như Phật. Vì nhân duyên tạo pháp mà được sinh vào nhà hào tộc tôn quý. Do đời trước tạo tượng Phật mà được thân đoan chánh. Vì phát chánh nguyện mà gặp được đạo quả.

 

NHÂN DUYÊN VỀ TRÁI AM-LA

Vua A-thứ-già đối với Phật pháp rất có tín tâm, vua hỏi Ưu-bacúc-đa rằng:

– Khi Đức Phật còn tại thế thì ai là Đại thí chủ.

Đáp rằng:

– Có vị trưởng giả tên Tu-đạt-đa là một bậc thí chủ.

Lại hỏi:

– Vị ấy cúng khoảng bao nhiêu?

Đáp:

– Vàng ròng cả trăm ức.

Vua nói:

– Vị trưởng giả kia còn có thể bố thí trân bảo nhiêu đó. Huống gì ta nay là vua cõi Diêm-phù-đề sao lại làm không được.

Thế là vua đem cả thân mình, Câu-na-la cùng đại thần, đất đai đều cúng dường hết. Rồi lại khởi công xây dựng tám vạn bốn ngàn bảo tháp Phật và tháp Thanh văn, làm bình tưới cây Bồ-đề, tổng cộng tất cả được chín mươi sáu ức lượng vàng.

Lúc bấy giờ vua lại bị bệnh, biết mình không qua khỏi nên u buồn than khóc. Quan phụ tướng La-đề-cúc-đề ngày xưa khi vua A-thứ-già cúng đất cho Đức Phật, thì cũng tùy hỷ theo, cho nên được phước báo làm quan Nhất đại phụ tướng. Khi thấy vua cảm thấy không vui chắp tay thưa:

– Muôn tâu Đại vương! Oai đức của vua như mặt trời soi sáng, tất cả nhân dân đều không dám nhìn mặt. Duy chỉ có bốn ngàn thể nữ được trông thấy vua mà thôi. Nay thấy vua bị bệnh thì chẳng khác nào như mặt trời sắp lặn. Ba cõi dời đổi thì cũng đến lúc phải hoại diệt. Nếu suy nghĩ được sự vô thường như thế thì vì sao mà lại không vui.

Vua đáp:

– Ta nay không phải sợ mất ngôi vị mà ôm lòng áo não. Cũng chẳng phải vì sắp phải bỏ thân mạng mà ưu phiền buồn sầu; lại cũng chẳng phải vì xa lìa cung nhân kho tàng báu vật mà thêm lo sợ. Chính là vì ta sắp rời xa chư Hiền Thánh Tăng mà ưu tư phiền muộn. Ta vốn có phát nguyện cúng dường chúng Tăng đủ trăm ức lượng vàng. Nay chỉ mới cúng chín mươi sáu ức còn bốn ức nữa thì chưa làm được nên mới ưu sầu khổ não như thế.

La-đề-cúc-đề nói:

– Kho tàng vua rất nhiều có thể đem ra bố thí cúng dường cho đủ.

Vua sai người đem kim ngân trân bảo đến chùa Kê-đầu-ma để cúng dường. Vua cũng lập con của Câu-na-la là Ni-ma-đề làm thái tử. Bọn ác thần tà kiến nói với thái tử:

– Vua đã sắp băng hà và lại đem kho tàng phân tán gần hết. Tương lai ngài sẽ làm vua. Phàm làm vua thì phải có kho tàng trân bảo để chi dụng. Nay thái tử nên ngăn chận vua cha chớ để tiêu hoang hết.

Thế là Ni-ma-đề cùng chư đại thần, vì vua bệnh nặng nên cắt hết mọi thứ chi dụng. Duy chỉ để lại một cái mâm vàng, một mâm bạc để đưa thức ăn cho nhà vua. Vua lấy mâm đem cúng dường chùa Kê-đầuma. Thái tử lại sai người đưa đến cho vua mâm dựng bằng gạch nung. Sau cùng chỉ cho vua nửa trái Am-la. Vua cầm lấy quả, cho tụ tập chư đại thần đến hỏi:

– Cõi Diêm-phù-đề này ai làm chủ?

Quần thần thưa:

– Chỉ có vua làm chủ.

Vua bảo:

– Các người chỉ toàn nói chỉ nói lời hư vọng. Ta chẳng phải là vua. Vì sao? Ta nay chỉ được nửa quả Am-ma-lặc này là của mình thôi.

Than ôi! Phú quý thường hay đem lại điều xấu xa đê tiện. Ta làm vua mà lúc gần lâm chung lại trở thành kẻ bần cùng nghèo khổ? Chỉ còn nửa trái Am-la này thôi. Chẳng khác nào như nước xoáy mạnh, gặp núi thì dừng. Lại nói kệ:

Lời Phật quả chân thật
Thuyết pháp cũng chân thật
Tất cả đều ân ái
Rồi cũng phải xa lìa
Ta xưa làm chiếu lệnh
Không thể nào dứt tuyệt
Ngày nay như nước dốc
Húc vào núi liền ngưng
Ta nay có giáo lịnh
Không làm cũng như thế
Ta xưa trong đại dịa
Làm chủ vương khắp cả
Các nơi có kiêu mạn
Ta đều hay chế phục
Nghèo khổ không chỗ nương
Ta đều ra tay cứu
Trước vì người che chở
Nay lực đã không còn
Ví như xe bị hoại
Chẳng có chỗ quay về
Cũng như cây già thứ
Rễ khô cành lá héo
Hoa lá cũng chẳng còn
Thảy đều là hư giả
Sức nay đã chẳng còn
Cũng lại là như thế.

Nói xong thì gọi vị cận đến và nói:

– Ngươi đem quả Am-ma-lặc này đến chùa Kê-đầu-ma cúng dường cho chúng Tăng ở đó và bạch Thượng tọa rằng:

– Đây là vật cúng dường cuối cùng của vua A-thứ-già. Duy chỉ có quả Am-ma-lặc này được tự tại. Còn vật sở hữu thì đã mất hết. Xin chư Tăng lân mẫn thọ của nghèo khổ cuối cùng để cho ta được lợi phước.

Thượng tọa Đa-xá nói cùng chúng Tăng:

– Các ông đã thấy vua A-thứ-già được hưởng phước an vui tự tại uy quyền nhất trong trời đất. Vậy mà ngày nay một chút tự do vương quyền cũng chẳng còn. Duy chỉ có nửa trái Am-la là được tùy ý đắc dụng, rồi đem tâm ân cần trân trọng cúng dường chư Tăng.

Thượng tọa sai đem trái này bâm nhỏ ra cho vào nồi canh để chúng Tăng cùng được thọ dụng.

Rồi bảo chúng Tăng nên lấy đó mà nhàm chán việc sinh tử. Dù có giàu sang phú quý rồi thì không bao lâu cũng tàn lụi. Dù có uy quyền tự tại thì rồi cũng mất. Than ôi! Việc sinh tử rất đáng nhàm chán. Nên lấy đây để truyền lại cho các vị vua sau này. Lúc còn phú quý tự tại chớ để như vua A-thứ-già bị quần thần ngăn cấm. Vậy lúc thế lực chưa suy yếu, nên đem hết tâm lực ra mà làm điều công đức.

Lúc ấy, vua A-thứ-già đã gần mạng chung và kêu La-đề-cúc-đề lại nói:

– Trong cõi Diêm-phù-đề này ai là người được uy quyền tự tại.

La-đề-cúc-đề đáp:

– Chỉ có Đức Thế Tôn được tự tại hơn cả.

Vua nghe vậy liền ngồi dậy chắp tay nhìn khắp bốn phía mà nói rằng:

– Chỉ trừ kho tàng cung điện, còn trong bốn biển, khắp đại điện đều cúng dường chúng Tăng, những công đức mà đã làm trước đây, không cầu phước lạc nhân thiên cùng hàng Thích phạm Chuyển luân Thánh vương. Duy nguyện đời sau được sinh nơi chỗ luôn được tự tại, mau chứng thánh quả.

Sau đó vua viết chiếu thư rồi đóng dấu vào rồi giao cho quan phụ tướng La-đề-cúc-đề. Chẳng bao lâu vua băng hà. Chư quần thần làm lễ chuyển luân thánh vương mà an táng cúng dường thật trang nghiêm và lập Ni-ma-lưu lên làm vua. La-đề-cúc-đề triệu tập chư quần thần lại nói rằng:

Vua A-thứ-già đem cả đại địa ra cúng dường cho chúng Tăng, là muốn noi theo trưởng giả Tu-đạt cúng dường đủ trăm ức. Khi sinh tiền vua chỉ cúng dường chín mươi sáu ức. Nếu đem bốn ức chuộc lại cõi Diêm-phù-đề này thì mãn được sở nguyện của Tiên vương.

Quần thần nghị bàn rồi đem bốn ức lượng vàng chuộc lại cõi Diêm-phù-đề này. Trải qua mấy đời hậu tự của vua Nị-ma-lưu, con của vua này là Kỳ-ha-đề. Con của Kỳ-ha-đề tên là Phất-xa-ma, con của Phất-xa-ma là Phất-xá-mật-xĩ.

– Lúc đó Phất-xá-mật-xĩ cùng quần thần thương nghị, mới hỏi rằng:

– Làm sao khiến cho danh tiếng được lưu bố khắp thế gian?

Quan phụ tướng thưa:

– Ngày trước có vua A-thứ-già. Tiên vương của vua ở nơi cõi Diêmphù-đề này khởi xây tám vạn bốn ngàn tháp, đem trăm ức lượng vàng để bố thí cúng dường cho chúng Tăng và làm nhiều công đức khác nữa. Nay vua cũng có thể xây tám vạn bốn ngàn tháp, thì danh tiếng cũng sẽ lưu lại đời sau. Vua nói: “Tiên vương của ta ngày có đủ uy đức, nên mới có thể làm được việc này. Nay ta làm sao có thể làm được.”

Có một tà kiến phụ tướng thưa;

– Tu phước làm ác cả hai đều nổi tiếng. Tiên vương đã lập tám vạn bốn ngàn bảo tháp mà danh đức còn lưu lại mãi mãi. Nay nếu vua đem phá hoại hết thì danh tiếng cũng lưu mãi đời sau.

Phất-xá-mật-xĩ nghe lời này liền quy tập tứ binh đi đến chùa Kêđầu-ma muốn phá hoại chùa này. Trụ trì ở đây là một vị Sư tử hống. Vua cảm thấy sợ không dám vào chùa liền đem quân trở về. Cứ như thế có đến ba lần mà không thể vào chùa được. Sau vua cho người đến bảo với chư Tỳ-kheo rằng:

– Ta muốn hoại Phật pháp. Các Tỳ-kheo muốn lưu lại Phù-đồ hay Tăng phòng.

Tỳ-kheo đáp:

– Muốn lưu Phật-đồ.

Thế là Mật-xĩ bèn giết hại chúng Tăng và phá hoại phòng xá. Lần hồi thì giết hại đến nước Xá-già-la và chiếu mộ rằng:

– Nếu ai đem đầu Sa-môn đến thì được thưởng tiền. Bấy giờ ở trong nước có một vị A-la-hán hóa ra vô số đầu Sa-môn bảo dân chúng mang đến cho vua. Vua nghe nói thì muốn giết A-la-hán. Nhưng A-lahán đã nhập diệt tận định nên vua không giết được. Vua đi đến nước Thâu-la quyết sát để phá hoại Phật pháp. Trong nước này có thần hộ Phật pháp. Vị thần suy nghĩ: Ta thọ trì giới pháp nên không thể làm ác. Vậy thì làm sao để hộ trì Phật pháp. Ngày trước quỷ Mật-xá có cầu hôn con gái ta. Vì làm điều ác cho nên ta không chịu. Nay vì Phật pháp mà phải đưa con gái cho hắn. Vì nhân duyên đó mà nước Thâu-la quyết sát có đại quỷ thần ủng hộ. Vì vậy, Phật-xá-mật-xĩ không thể làm hại. Quỷ thần đưa vua đến Nam Hải để cho quỷ Mật-xá lấy đá đè vua và quan binh chết hết. Cho nên gọi chỗ này là Thân tạng và Già-đề. Dòng họ vua A-dục đã chấm dứt từ đây.

 

NHÂN DUYÊN NÓI VỀ ƯU-BA-ĐỀ-CÚC

Khi Đức Thế Tôn ở nước Ma-đột-la có bảo với A-nan rằng: Sau khi ta diệt độ một trăm năm tại nước Ma-đột-la có con của trưởng giả Cúc-đa tên là Ưu-ba-cúc-đa làm bậc giáo thọ thiền đệ nhất. Tuy không có tướng hảo hóa độ như ta. Nhưng sau khi ta nhập Niết-bàn rồi thì vị nầy sẽ làm các việc Phật lớn lao, giáo hóa chúng sinh được giải thoát đến vô lượng vô số.

Mỗi vị đắc quả A-la-hán đều lấy một thẻ tre bốn tấc đem đặt vào hang. Hang nầy dài ba mươi sáu thước, rộng hai mươi bốn thước Đức Phật lại hỏi A-nan:

– Ông có thấy khu rừng xanh kia không?

– Thưa Thế Tôn có thấy!

– A-nan! Ở đó có núi Ưu-lưu-man-trà. Sau khi ta diệt độ một trăm năm, có Tỳ-kheo tên Thương-na-hòa-tu, ở trong núi này, tạo lập tăng phường, sau đó độ Ưu-ba-cúc-đa, ở nước Ưu-lưu có hai vị trưởng giả. Một tên là Na-la và một tên là Bạt-lợi. Hai vị lên núi Mạn-trà xây dựng tăng phòng, là chỗ thanh tịnh u nhàn, có thể phát sinh thiền định. Nơi đây phòng xá, tọa cụ đều có đầy đủ. Bèn đặt tên là Na-la-bạt-sất Alan-nhã.

A-nan bạch Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Ưu-ba-cúc-đa hóa độ chúng sinh thật nhiều lợi ích.

Đức Phật bảo:

– Ưu-ba-cúc-đa chẳng phải chỉ có ngày nay mới hóa độ chúng sinh có nhiều lợi ích, mà từ vô lượng kiếp, cũng từng làm nhiều lợi ích như thế. Nếu ông muốn nghe, ta sẽ vì ông mà nói. Thuở xưa, ở núi Ưu-lưumạn-trà có năm trăm vị Bích-chi-phật đến trụ vào một bên núi. Có năm trăm vị tiên cũng đến ở một bên núi. Lại có năm trăm con khỉ đi đến chỗ của năm trăm vị Bích-chi-phật, sinh lòng hoan hỷ rồi cùng hái hoa quả cúng cho Bích-chi-phật. Chư vị Bích-chi-phật ngồi kiết già nhập thiền, bầy khỉ cũng bắt chước làm theo. Về sau chư vị Bích-chi-phật nhập Niết-bàn. Bầy khỉ kéo đến kéo áo kéo chân thì thấy bất động, nên biết chư vị đã nhập Niết-bàn. Bọn chúng u buồn ảo não, bỏ đi đến bên kia núi thì thấy năm trăm vị Bà-la-môn, có vị ngồi trên cỏ gai, hoặc nằm trên tro đất, có người dơ một chân lên, hoặc dơ một tay, hoặc có người treo lộn ngược, hoặc nướng thân trên năm ngọn lửa. Bầy khỉ liền tới phá rối. Người ngồi trên cỏ gai, thì khỉ đem cỏ gai quăng ra xa. Người nằm trên tro đất, khỉ cũng lấy tro đất đem bỏ đi. Người dơ một tay thì khỉ kéo tay xuống. Dơ một chân thì khỉ dơ chân ra. Người treo mình ngược thì khỉ cắt dây cho đứt. Người nằm trên lửa thì lại dập tắt lửa. Năm trăm vị tiên thấy như vậy thì bảo nhau: Lũ khỉ này làm các điều quái lạ ở chỗ ta. Chúng ta thử bắt chước làm theo chúng.

Thế là năm trăm vị ngồi kiết già tư duy buộc niệm, không có thầy mà vẫn tỏ ngộ, tâm giác ngộ tự nhiên tỏ rõ, rồi đắc quả Bích-chi-phật. Các vị liền suy nghĩ: Chúng ta nay đã chứng Bích-chi-phật, là do Di hầu khai hóa, nay nên đem hoa quả đến cúng dường cho Di hầu.

Sau đó, bầy Di hầu mạng chung cũng lấy củi thơm mà thiêu đốt cúng dường. A-nan! Di hầu lúc ấy nay là Ưu-ba-cúc-đa, ngày trước Di hầu làm lợi ích cho năm trăm vị tiên nhân được đắc quả Bích-chi-phật.

Đức Phật lại bảo A-nan:

– Ông nắm lấy y của ta.

Bấy giờ Đức Phật đưa A-nan đi đến nước Kế tân, đến nơi Đức Phật lại bảo A-nan:

– Đất này bằng phẳng lại rất rộng lớn.

A-nan bạch Đức Phật:

– Bạch Đức Thế Tôn! Quả là như vậy.

Phật lại bảo A-nan:

– Sau khi ta diệt độ một trăm năm, có Tỳ-kheo tên là Ma-điền-địa, lo làm phòng xá ngọa cụ tạo ra chỗ tu thiền bậc nhất tại đây.

Từ nước Kế tân, Đức Phật cùng A-nan đi lần vào thành Câu-thina. Khi ấy Đức Phật muốn nhập Niết-bàn liền bảo Tôn giả Ca-diếp:

– Sau khi ta diệt độ thì nên tuyển chọn lại pháp nhãn, để cho Phật pháp được trụ lại đời một nhàn năm, làm lợi ích chúng sinh.

Ca-diếp thưa:

– Xin lãnh thọ lời Đức Thế Tôn dạy.

Đức Phật nhập vào thế tục tâm nghĩ rằng: Thích Đề-hoàn Nhân nên đến chỗ ta.

Thích Đề-hoàn Nhân biết tâm của Đức Phật liền tìm đến. Đức Như Lai liền nói với Thích Đề-hoàn Nhân:

– Sau khi ta diệt độ nên hộ trì thiện pháp.

– Bạch Đức Thế Tôn! Con xin nguyện lãnh thọ. Đức Phật cũng nhập thế tục tâm nghĩ.

Tứ Thiên vương nên đến chỗ ta. Tứ Thiên vương biết tâm niệm Phật liền tìm đến. Phật bảo Tứ Thiên vương!

– Sau khi ta vào Niết-bàn, phải ủng hộ Phật pháp.

Phật nói với ngài Ca-diếp về Thích Đề-hoàn Nhân và Tứ Thiên vương rồi, Ngài liền đi đến rừng Ta-la trong rừng Thi-la. Ngài đến nằm chỗ giữa hai cây Ta-la vào buổi tối. Khi sắp vào Niết-bàn, Đức Phật liền bảo A-nan:

– Trong rừng Ta-la này vào lúc nữa đêm này ta sẽ này ta sẽ nhập Niết-bàn. Ông nên đặt đầu ta xoay về hướng Bắc.

Rồi Đức Phật nói kệ:

Chư hữu thật vô cùng
Sinh lão như sóng dâng
Vượt qua biển tử này
Xả thân như rác rưởi
Đến vô úy Niết-bàn
Quỷ chết liền sợ hải
Biển Tam giới mênh mông
Bờ giải thóat vượt qua.

Trang: 1 2 3 4 5 6 7