TRUYỆN A DỤC VƯƠNG
Hán dịch: Đời Tây Tấn, Tam tạng Pháp sư An Pháp, nước An Tức.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 2
Vua lại hỏi rằng:
– Khi Đức Phật đản sinh, thì sự việc như thế nào?
Thần cây đáp:
– Nếu dùng ngôn ngữ thì không thể nào nói cho hết được. Nay xin lược nói kệ:
Thân sắc vàng chói sáng
Trời người đều mừng vui
Núi sông đều chấn động
Như thuyền gặp sóng to.
Vua liền xuất trăm ngàn lượng vàng để tại đó xây tháp rồi đi. Tôn giả dẫn vua vào trong thành Ca-tỳ-la, lấy tay chỉ và nói:
– Đây là nơi ở của vua Tịnh Phạn, là nơi mà Bồ-tát hiện thân, Tôn giả lại chỉ đền thờ của Đế Thích và nói Bồ-tát khi vào đây thì tượng Nê-mộc đều đến cung nghinh cúi mình làm lễ; ngài lại chỉ chỗ các vị tướng sư xem tướng cho Bồ-tát, vị tiên A-tư-đà xem tướng Bồ-tát ngày sau ắt sẽ thành Phật.
Ngài lại chỉ chỗ của bà Xa-bà-đề nuôi dưỡng Bồ-tát và chỉ chỗ của Bồ-tát học tập, chỗ cưỡi voi, chỗ tập cưỡi ngựa, chỗ cưỡi xe, chỗ học bắn cung, phóng lao… chỗ của Bồ-tát thấy cảnh sinh già bệnh chết mà sinh tâm nhàm chán sinh tử.
Tôn giả lại dẫn vua đến gốc cây Bồ-đề, lấy tay chỉ và nói:
– Đây là chỗ của Bồ-tát ngồi tọa thiền.
Ngài lại dẫn vào rừng chỉ chỗ Bồ-tát tư duy dứt trừ mọi tham dục bất thiện, giác ngộ quán xét ly sinh hỷ lạc và chứng quả Sơ thiền. Những cành cây khi đó cong xuống che chở Bồ-tát ngồi thiền nay vẫn không dời đổi.
Nơi nào vua cũng cúi mình đảnh lễ. Tôn giả lại chỉ cửa thành mà nói với vua:
– Đây là chỗ của Bồ-tát đem năm ngàn chư Thiên lần lượt cùng đi nhiễu quanh ra khỏi thành Ca-tỳ-la.
Lại chỉ chỗ mà Bồ-tát cởi châu anh lạc và đưa ngựa cho Sa-nặc đem về. Ngài chỉ chỗ Bồ-tát một mình vào rừng sâu, lại chỉ chỗ của Bồ-tát cầm dao cắt tóc, ném lên hư không, được trời Đế Thích đỡ lấy, rồi lại chỉ chỗ Bồ-tát đem áo mão trang nghiêm đưa cho thợ săn để lấy ca-sa. Ngài lại chỉ chỗ vua Tần-ba-ta-la lấy nửa giang sơn để dâng cho Bồ-tát, Tôn giả lại chỉ chỗ của Bồ-tát đến A-lan-già-la Uất-đầu-lam và lại chỉ chỗ Bồ-tát tu khổ hạnh sáu năm.
Rồi nói kệ rằng:
-Bồ-tát sáu năm tu khổ hạnh
Thân ngồi trên tro lửa gai chông
Biết đây là hạnh không phải đạo
Liền bỏ quay về tu chánh pháp.
Tôn giả chỉ chỗ của Bồ-tát thọ bát sữa của Nan-đà Bạt-nan-đà, lại chỉ chỗ của Bồ-tát hướng về cây Bồ-đề thiền định.
Những chỗ mà Tôn giả chỉ ra đó, vua đều ghi nhớ mà xây tháp tại đó. Tôn giả lại chỉ chỗ mà Ca-la Long vương khen ngợi vị Bồ-tát. Vua liền đảnh lễ dưới chân và chắp tay thưa rằng:
– Tôi nay muốn hỏi những việc mà Ca-la Long vương đã diện kiến Đức Phật.
Tôn giả liền nói với Long vương:
– Mau lại đây! Long vương! Vua muốn hỏi các việc mà trước kia ngươi đã gặp Đức Phật.
Long vương liền hiện đến bên Tôn giả, chắp tay thưa:
– Đại đức có điều gì chỉ dạy?
Tôn giả liền nói với vua:
– Đây là Ca-la Long vương, là vị mà đã dùng kệ tán thán Đức Phật.
Vua liền chắp tay nói kệ:
Người thấy chơn kim
Sắc vàng rực rỡ
Vô thượng Thế Tôn
Mặt như trăng đầy
Nay vì ta nói
Mười phần diệu lực
Vì sao đoan nghiêm
Hướng Bồ-đề thọ.
Long Vương đáp:
– Việc này trang nghiêm không thể bàn. Nay xin lược, liền nói kệ:
Phật bước chân đi
Sơn hà đại địa
Thảy đều vang lên
Lục chủng chấn động
Thân sáng Như Lai
Trùm cả nhật nguyệt
Chiếu khắp mười phương
Lợi ích khôn cùng.
Vua cho xây bảo tháp ở chỗ đó, rồi vua lại đi cùng với Tôn giả đến chỗ cây Bồ-đề. Tôn giả lấy tay chỉ và nói:
– Nơi cây Bồ-đề này, Phật đã dùng lực từ bi phá hoại chúng ma vương, thành tựu quả Vô thượng Bồ-đề.
Vua cũng cho xây tháp ở chỗ này và lấy trăm ngàn lượng vàng đem cúng dường bố thí.
Lại chỉ chỗ tứ Thiên vương cúng dường Đức Phật bốn cái bát, Như Lai thọ nhận một cái. Đây cũng là chỗ mà năm trăm khách buôn cúng thí thức ăn. Lại chỉ chỗ mà Bà-la-môn khen ngợi Đức Phật. Đối với những chỗ này vua đều cho xây tháp.
Tôn giả lại đưa vua đến rừng Cổ tiên và nói:
– Đây là chỗ mà Đức Như Lai đã chuyển pháp luân.
Vua lại đem trăm ngàn lượng vàng cho xây tháp ở tại nơi đây.
Tôn giả lại chỉ chỗ Như Lai độ một ngàn người Bà-la-môn.
Tôn giả lại chỉ chỗ vua Tần-bà-ta-la nghe pháp ngộ được Chân đế, lại chỉ chỗ của tám vạn bốn ngàn Thiên vương xa lìa trần cấu, đắc được pháp nhãn thanh tịnh, cũng là chỗ có vô lượng Bà-la-môn và hàng cư sĩ đắc quả Tu-đà-hoàn. Tôn giả cũng chỉ chỗ Đế Thích được lãnh thọ giáo pháp.
Tôn giả lại chỉ chỗ Đức Như Lai biến hóa thần thông. Lại chỉ chỗ mà Đức Như Lai lên cõi trời Đao lợi, thuyết pháp cho mẹ rồi trở xuống. Mỗi chỗ ở trên, vua đều cho xây tháp bảo. Tôn giả lại đưa vua đến thành Câu-thi-la và chỉ nói:
– Đây là chỗ khi xưa Đức Như Lai hóa duyên xong rồi nhập Niếtbàn.
Vua nghe nói thì buồn rầu áo não, ngất xỉu. Kẻ tả hữu lấy nước rửa mặt hồi lâu vua mới tỉnh dậy. Vua cho đem trăm ngàn lượng vàng để xây tháp tại đây. Sau đó vua chắp tay lễ bái dưới chân Tôn giả thưa:
– Tôi nay muốn lễ tháp của chư vị Thanh văn đệ tử của Đức Phật.
Tôn giả tán thán:
– Lành thay! Lành thay! Do đây mà vua lại càng có tâm cung kính tín hướng về Phật pháp.
Rồi Tôn giả đưa vua đến rừng Kỳ-đà và nói:
– Đại vương! Đây là tháp của Tôn giả Xá-lợi-phất. Ông nên cung kính cúng dường.
Vua hỏi:
– Vị này có hạnh đức gì?
Đáp:
– Đây là vị đại đệ tử lớn của Đức Như Lai, ngài có thể chuyển pháp luân. Đức Như Lai đã thọ ký cho vị đại đệ tử ấy là bậc Đại trí huệ bậc nhất. Ngoài Đức Phật ra thì tất cả chúng sinh không ai có được trí tuệ như ngài. Đây chỉ có thể sơ lược qua, chứ không thể nào nói hết.
Vua nghe nói thì rất hoan hỷ, liền đem trăm ngàn lượng vàng để cúng dường xây tháp. Vua hướng về tháp ngài Xá-lợi nói kệ:
Giải thoát mọi triền phược
Xưng danh khắp thế gian
Là bậc tối thượng nhất
Trong tất cả trí tuệ.
Rồi ngài lại dẫn vua đến tháp ngài Mục-kiền-liên và nói:
– Đây là tháp Tôn giả Mục-kiền-liên, ông nên cung kính cúng dường.
Vua lại hỏi:
– Vị này có đức hạnh gì?
Tôn giả đáp:
– Như Lai đã thọ ký, đây là vị đại Thần thông đệ nhất. Tôn giả có thể duỗi chân phải động đến cung Đế Thích; lại có thể hàng phục được Long vương Nan-đà Bạt-nan-đà. Vì vậy, không thể nào nói hết được công đức của ngài.
Vua lấy ra trăm nghìn lượng vàng để xây tháp cúng dường.
Lại chắp tay nói kệ:
Quy mạng Đại danh xưng
Bậc thần túc đệ nhất
Chỗ sinh lão bệnh tử
Mà đắc hạnh giải thoát.
Tôn giả chỉ vua:
– Đây là tháp ngài Ca-diếp, ông nên cung kính cúng dường.
Vua hỏi:
– Vị này có công đức gì?
Tôn giả đáp:
– Vị này tu hạnh Đầu-đà thiểu dục trí túc. Ngày trước Như Lai chia nửa tòa để cho ngài cùng ngồi. Phật cởi y trao cho Tôn giả Ca-diếp, vì thương cảm Tôn giả tu hành khổ hạnh hộ trì giáo pháp của Phật. Ở đây chỉ nói lược chứ không thể nói hết.
Vua cũng lấy trăm ngàn lượng vàng cho xây tháp và nói kệ:
Ở trong hang núi
Trừ bỏ đấu tranh
Không còn sân giận
Thường tu thiền định
Thiểu dục trí túc
Công đức tối thượng
Ta nay đảnh lễ
Đem tâm quy mạng.
Tôn giả lại chỉ chỗ tháp của vua Ba-câu-la.
Vua hỏi:
– Vị này có công hạnh gì?
Đáp:
– Như Lai thọ ký không bị bệnh suy, là người thiểu dục đệ nhất, chưa từng dạy người dù một bài kệ bốn câu.
Vua sai người lấy một đồng tiền vàng để cúng dường xây tháp. Quan phụ tướng tâu vua:
– Cũng đồng là tháp của bậc Đại đức La-hán. Vì sao vị này chỉ có một đồng cúng dường xây tháp.
Vua đáp:
– Vị này chỉ tu để độ mình mà không độ người, cho nên chỉ đem một đồng để cúng dường.
Khi ấy thần giữ tháp hiện lên hoàn trả lại tiền cho vua. Quan phụ tướng lại nói:
– Thật là thiểu dục, nhẫn đến một đồng còn không nhận.
Tôn giả lại dẫn vua đến tháp A-nan, vua nên cúng dường. Vua hỏi:
– Vị này có công đức gì?
Đáp:
– Như Lai đã thọ ký vị này là bậc Tổng trì đệ nhất, bậc Đa văn trí tuệ như biển, ghi nhớ chấp trì giáo pháp của Phật, đem nghĩa lý vi diệu tuyên nói lại cho khắp cõi trời người cúng dường. A-nan cũng có thể thấu rõ tâm ý của Đức Phật cùng tất cả công đức thiện xảo của các pháp.
Vua nghe lời này thì rất vui mừng, lấy một ức lượng vàng để bố thí cúng dường xây tháp. Đại thần hỏi:
– Tại sao các tháp được cúng dường, mà tháp này lại tối thắng hơn cả?
Vua đáp:
– Vì đây là bậc tổng trì pháp thân của Đức Phật khiến cho ngọn đèn pháp đến nay vẫn chưa bị hủy diệt. Công lực của Tôn giả cũng như trân châu không nhận nước biển. Còn trí tuệ của Đức Phật thì A-nan đều lãnh thọ. Vì nhân duyên đó mà trong các tháp cúng dường tháp này là hơn cả.
Vua đã cúng dường tháp của chư đại đệ tử xong thì rất vui mừng đảnh lễ Tôn giả, rồi chắp tay cung kính nói kệ:
Trải qua ngàn năm
Mới được làm người
Tôi nay đã được
Lãnh thọ thân này
Thật là phước điền
Đầy đủ nhân duyên
Xả mọi ác tái
Mà tu pháp đạo
Tạo tháp khắp nơi
Trang nghiêm Phù-đề
Dụ như mây trắng
Che cả hư không
Nay gặp Phật pháp
Thanh tịnh vô biên.
Nói kệ xong, rồi kính lễ trở về. Vua A-thứ-già cho xây tháp nơi Phật đản sinh tại gốc cây Bồ-đề. Cho xây tháp nơi Phật chuyển pháp luân, nơi Phật nhập Niết-bàn. Mỗi nơi đều cúng dường trăm ngàn lượng vàng. Riêng tháp nơi cây Bồ-đề thì lòng tôn trọng hơn hết. Vì sao? Vì Phật ở chỗ này tu hành Chánh giác. Từ đó về sau, đạo pháp được lưu chuyển khắp nơi. Vua thường đem trân báu đến cúng dường nơi tháp Bồ-đề này. Vị Đệ nhất phu nhân của vua là Đế-thất-la-xoa suy nghĩ: “Vua đem bảo vật cúng dường cho tháp Bồ-đề quả là ít thấy.” Bà liền cho gọi Chiên-đà-la Ma-đăng-già đến nói:
– Ngươi có thể hủy hoại cây này được không?
Đáp:
– Nếu cho tôi tiền thì tôi làm được.
Bà liền cho tiền người kia. Ma-đăng-già vì tâm ý không thấu triệt, bèn đến cây Bồ-đề đọc chú thuật làm cho cây khô héo dần. Người giữ cây vào thưa với vua là cây Bồ-đề nay đã khô héo, lại nói kệ:
Như Lai tại chốn này
Giác ngộ khắp thế gian
Đều đắc đạo Bồ-đề
Chứng thành nhất thiết trí
Nay cây sắp bị hoại
Lần hồi muốn héo khô.
Vua nghe lời này thì tâm sầu não, ngã quỵ xuống đất, kẻ tử sĩ lấy nước rửa mặt hồi lâu vua mới tỉnh dậy. Vua lại khóc lóc than rằng:
– Ta nay thấy cây thọ vương này cũng như được thấy Đức Phật.
Nay cây mà bị hủy hoại thì ta tất sẽ chết.
Đề-xá-la-xoa liền bạch với vua:
– Cây Bồ-đề tuy đã chết, thì vẫn còn có thiếp đây vui vẻ cùng đại vương.
Vua nói:
– Bồ-đề là cây chứ chẳng phải nữ nhân. Đó là chỗ Đức Phật đắc đạo quả Vô thượng.
Đề-xá-la-xoa nghe lời này thì tâm kinh sợ hối hận, bèn nói lại với Ma-đăng-già rằng:
– Ngươi có thể làm cho cây xanh trở lại như cũ không?
Đáp rằng:
– Nếu cây chưa khô hết, còn một ít sinh khí thì có thể xanh lại.
Sau đó thì giải chú cho cây, rồi lấy nước tưới vào. Chẳng bao lâu cây xanh tốt như cũ. Người giữ cửa lại đến thưa với vua là cây đã xanh lại. Vua nghe nói thì hết sức vui mừng, liền đi đến chỗ cây xem xét và nói:
– Vua Tần-bà-ta-la không có chỗ nào mà không làm. Còn ta, ngày nay làm được hai việc. Một là tạo ngàn cái bình bằng báu vật đựng đầy hương hoa để cúng dường tưới cây Bồ-đề; hai là thiết đại hội trai đàn thật trang nghiêm vĩ đại.
Vua cho đem các loại kim ngân, lưu ly làm thành ngàn cái bình báu đựng đầy nước hương để tưới cây. Vua tự tắm rửa sạch sẽ, mặc y phục mới, thọ trì tám ngày trai giới. Sau đó vua đứng trên lầu quán xét khắp bốn phương, khấn nguyện:
– Xin chư vị chúng Thanh văn đệ tử của Phật, tu hành chánh kiến, các căn an định, diệt hết mọi tham dục kiết phược. Trời, người, A-tu-la đều cúng dường, nguyện xin rũ lòng lân mẫn, thọ trì lời thỉnh cầu của con, cùng vui trong pháp thiền định, trí huệ giải thoát cùng chư vị chúng tăng tối thắng. Ở trong pháp thiện thệ mà thường nhận lời thỉnh cầu của con, nơi nước Kế tân ngày đêm đều vô úy. Chư vị Thánh giả cũng thùy từ nhận lời lãnh thọ của con. Đấng A-nậu ở những nơi sông núi hang đá, từ các chốn hương sơn, xin từ mẫn nhận lời thọ thỉnh của con.
Vua thỉnh cầu như thế xong. Ở khắp bốn phương, có ba mươi vạn vị Tăng cùng đến. Mười vạn Tăng là A-la-hán. Hai mươi vạn là các bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và các bậc phàm phu thanh tịnh đều cùng đến an tọa. Duy có chỗ ngồi trên thượng tọa thì không ai dám ngồi. Vua hỏi chư vị Thượng tọa:
– Vì sao chỗ này để trống?
Đáp rằng:
– Vị Thượng tọa sẽ ngồi vào đây?
Vua hỏi:
– Vị Thượng tọa đó lớn hơn quý vị nữa sao?
Da-xá đáp:
– Xưa Phật có thọ ký cho một vị Sư tử hống tối ưu đệ nhất tên là Đầu-lô-bạt-la Đậu-bà-la. Vị này rất tôn trọng trong Phật pháp.
Vua nghe nói thì các lỗ chân lông đều dựng đứng lên như hoa Giàđàm. Vua lại hỏi:
– Có vị nào thấy Phật không?
Da-xá đáp:
– Có Tân-đầu-lô A-la-hán thấy Phật lúc đương thời.
Vua hỏi:
– Nay có thể gặp vị ấy được không?
Đáp:
– Được. Rồi vua sẽ thấy.
Vua rất vui mừng nói:
– Tôi quả thật được nhiều lợi ích. Nay xin lân mẫn cho tôi thấy được vị Tân-đầu-lô.
Nói xong thì vua chắp tay chiêm ngưỡng đứng đợi. Vừa lúc đó thấy vị Tân-đầu-lô hình như nửa mặt trăng, lại giống như nga vương, cùng vô số bậc A-la-hán, từ trên không trung đi xuống ngồi trên tòa cao.
Ba mươi vạn chúng đều sinh lòng cung kính. Vua thấy vị Tân-đầu-lô tóc trắng, lông mày thanh tú, thân tướng hảo như Bích-chi-phật, bèn năm vóc lễ lạy xuống đất, nói kệ rằng:
Như Lai tuy diệt độ
Tôn giả bổ xứ sinh
Ai mẫn thùy giáo thọ
Con nay tùy thuận theo.
Nói xong, bèn hỏi Tôn giả rằng:
– Ngài có thấy Đức Như Lai không?
Đáp:
– Ta có thấy, sắc Phật như vàng rồng, mặt như trăng đầy, có ba mươi hai tướng trang nghiêm nơi thân. Tiếng phạm âm thâm diệu, lòng đại bi soi khắp đất trời.
Vua lại hỏi:
– Ngài thấy Đức Phật ở chỗ nào?
Tôn giả đáp:
– Đức Phật cùng năm trăm vị A-la-hán, tại thành Vương xá kiết hạ an cư. Ta ở trong đó thấy đầy đủ phước điền. Phật ở tại thành Xávệ hiện thần thông hàng phục các ngoại đạo, những người ấy rồi được Đức Phật hóa độ mà lần lượt tu đạo giải thoát, ta cũng ở trong đó. Khi Đức Phật lên cung trời Đao lợi thuyết pháp độ mẹ, chư Thiên đều vây quanh. Khi Phật trở xuống ta cũng ở trong đó. Khi Phật đến ao Tănggià-thi-sa, ta cũng ở tại đó. Khi Tỳ-kheo-ni Liên Hoa Sắc Chuyển luân Thánh vương ta cũng có mặt. Khi Tô-ma-già-đề ở thành Mãn phú thỉnh Đức Phật, có năm trăm vị La-hán hiện thần thông bay đến thành Mãn phú. Khi ấy ta đang hóa đạo ở núi Báo. Từ trong hang báu đi đến thành Mãn phú. Khi Đức Phật đi khất thực ở thành Vương xá, ngươi đem đất đến cúng dường, còn La-đề-cúc-đa chắp tay tùy hỷ. Khi Đức Phật thọ ký cho ngươi ta cũng có thấy.
Vua lại hỏi Tôn giả:
– Gần đây Đức Phật ở đâu?Tôn giả đáp:
– Ngài ở tại núi Hương sơn.
Lại hỏi rằng:
– Thế thì đại chúng có bao nhiêu?
Đáp:
Sáu vạn người. Này Đại vương! Còn bao nhiêu câu hỏi hãy đợi chúng Tăng thọ thực xong ta sẽ trả lời đầy đủ, đến giờ chúng Tăng thọ thực rồi.
Vua nói:
– Xin vâng lời Tôn giả dạy. Tôi trước đây phát tâm luôn nghĩ đến Đức Phật. Vậy nên tưới cây Bồ-đề trước rồi sau hãy thọ thực.
Vua liền gọi Duy-na Tát-bà-mật-đa lại nói rằng:
– Ta đem mười vạn lượng vàng để cúng dường chúng Tăng và lấy ngàn bình báu đựng đầy hương để tưới cây Bồ-đề. Có thể đánh kiền chùy xưng ta là Đàn-việt làm trai đàn cúng dường chư Thánh chúng.
Lúc này vương tử Câu-na-la đứng đối diện mà không nói gì, chỉ đưa tay lên ngụ ý nói: “Tôi sẽ cúng gấp bội.” Mọi người trông thấy đều cười. Vua cũng cười, nói với La-đề-cúc-đa:
– Ông thấy thế nào?
Đáp:
– Chúng sinh quá tham lam làm phước.
Vua bảo:
– Tôi sẽ đem ba mươi lượng vàng cúng dường chúng Tăng. Dùng ba mươi sáu ngàn bình báu đựng đầy nước hương hoa để tưới cây Bồđề.
Bấy giờ Câu-na-la lại đưa lên bốn ngón tay. Vua nói với La-đề-cúc-đa:
– Có ai cùng ta cạnh tranh?
La-đề-cúc-đa quỳ xuống thưa:
– Ai có thể dám cạnh tranh cùng nhà vua. Vương tử chỉ nói đùa thôi.
Lúc này, vua quay qua thấy Câu-na-la thì thưa với Thượng tọa:
– Tôi đem cả kho tàng, cùng tất cả cung nhân trong cung, các quan phụ tướng, cùng vương tử Câu-na-la và cả thân tôi đều cúng dường chúng tăng. Xin ghi tên tôi lên bảng công đức.
Bố thí xong rồi, chư Tăng cùng chú nguyện. Thọ chú nguyện xong ở nơi gốc cây Bồ-đề, bốn bên đều có phân cách ra, vua đứng ở trên cao lấy bốn ngàn bình báu đựng đầy hương hoa để tưới cây. Tưới cây xong, lại thiết trai cúng dường cho đại chúng.
Thượng tọa Da-xá nói:
– Vua gặp được thắng phước điền, chớ sinh lòng ưu não.
Vua tự mình đi chia thức ăn cho các vị Sa-di. Lúc bấy giờ có hai vị Sa-di nhỏ tuổi đang hành trì rất kính cẩn. Vị này đem cơm cúng dường vị kia. Vị kia lại lấy phần cơm cúng lại cho vị này, lại lấy bánh cúng dường cho nhau. Cả hai cùng hoan hỷ cúng và cúng dường qua lại. Vua thấy thế thì cười mà nói rằng:
– Các vị tuổi trẻ thích vui chơi nhỉ?
Khi vua đưa thức ăn đến chỗ Thượng tọa. Thượng tọa hỏi:
– Vua thấy việc mất oai nghi, có sinh tâm hiềm tỵ không?
Vua nói:
– Không có, chỉ có hai vị Sa-di trẻ tuổi, vui đùa như trẻ con.
Thượng tọa nói:
– Đại vương! Xin chớ có hiềm tỵ. Hai vị Sa-di này đã giải thoát chứng quả A-la-hán rồi.
Vua nghe nói thì càng hoan hỷ, nghĩ rằng: “Ta nay nên cúng dường cho hai vị Sa-di này mỗi vị một tấm lụa dài.”
Hai vị Sa-di biết được tâm niệm của vua liền nghĩ: “Nay phải làm cho vua càng phát lòng kính tin.”
Thế là một vị đem một cái chảo ra, vị kia đem thuốc nhuộm. Vua trông thấy liền hỏi:
– Hai vị định làm việc gì?
Đáp:
– Muốn nhuộm vải. Vì biết Vua cúng cho chúng tôi một tấm lụa dài.
Vua nghe nói vậy liền nghĩ: “Hai vị Sa-di này đã biết được tâm niệm của ta.” Lúc này vua càng hoan hỷ, năm vóc lễ lạy xuống chân Sa-di, sau đó rồi đứng dậy, chắp tay thưa:
– Quyến thuộc chúng con hôm nay thật đại lợi nên gặp được đại phước điền. Chúng con xin đem hết sức để cúng dường.
Rồi vua nói với hai vị Sa-di:
– Nay vì chúng Tăng xin cúng mỗi vị ba y.
Sau đó vua lại thiết đại hội, đem bốn vạn lượng vàng, cùng thân mình Quốc độ, chư quần thần, cung nhân và vương tử Câu-na-la để cúng dường chúng Tăng, cúng dường xong rồi thì trở về cung.
Vua A-thứ-già lòng kính tin đã đầy đủ, khởi tâm xây tám vạn bốn ngàn tháp báu cùng thiết lễ cúng dường xong. Nhân dân khắp cả cõi Diêm-phù-đề đều kính tin và hướng về Phật pháp.
BỔN DUYÊN VỀ NGƯỜI EM CỦA VUA A-THỨ-GIÀ
Em của vua A-thứ-già là Túc Đại Sĩ, tin theo ngoại đạo chê bai Phật pháp, ông thường nói rằng:
– Những người xuất gia làm Sa-môn đều không được giải thoát.
Lúc đó A-thứ-già nói với Túc Đại Sĩ:
– Làm sao ngươi biết?
Đáp:
– Các Sa-môn không tu khổ hạnh mà chỉ thích đắm trước lạc thú, vui chơi.
A-thứ-già liền bảo:
– Những điều đáng tin thì ngươi lại không chịu tin. Còn điều không đáng tin thì lại tin. Đối với Phật, Pháp, Tăng phải sinh lòng chánh tin mới phải.
Một lần vua cùng đi săn bắn với Túc Đại Sĩ. Thấy một vị Bà-lamôn nướng thân mình trên ngọn lửa. Túc Đại Sĩ sinh tâm kính tin, mới đến bên lễ lạy thưa rằng:
– Đại sĩ tu khổ hạnh này đã được bao lâu?
Vị kia đáp:
– Đã mười hai năm.
Hỏi:
– Việc ăn uống như thế nào?
Đáp:
– Tôi chỉ ăn rễ và trái cây.
Hỏi:
– Mặc những gì?
Đáp:
– Mặc áo cỏ.
Hỏi:
– Thế thì Lấy gì để nằm ngồi?
Đáp:
– Trải chiếu cỏ để ngồi.
Lại hỏi:
– Ngài vì cớ gì lại tu pháp khổ hạnh này?
Đáp:
– Tôi vì thấy các loại côn trùng cùng muôn thú thì sinh tâm sát hại rất mạnh, cho nên mới tu pháp khổ hạnh này.
Túc Đại Sĩ nói:
– Ông mặt áo xấu, ăn ở cực khổ mà vẫn sinh tham dục. Huống chi các vị Sa-môn thích mặc y phục tốt đẹp, ăn ngon thì sao lại có thể đoạn dục? Anh của tôi là vua A-thứ-già, quả thật không biết phân biệt, bị bọn Sa-môn lừa dối.
A-thứ-già nghe người em nói vậy liền bảo với quan phụ tướng:
– Phải tìm cách để cho Túc Đại Sĩ sinh lòng tín giải.
Quan phụ tướng thưa:
– Xin vua cứ ra lệnh.
Vua liền cởi mũ và châu báu anh lạc, y phục ra để đi tắm.
Quan phụ tướng bảo với Túc Đại Sĩ:
– Vua nếu mất thì Ngài sẽ thay thế. Nay thử đội mũ, mặc y phục vua vào và các châu báu anh lạc xem có đẹp không?
Túc Đại Sĩ nghe lời mặc y phục của vua vào rồi lên ngai vàng của vua mà ngồi. Vua tắm xong ra thấy vậy thì nói:
– Ta còn chưa chết mà ngươi đã muốn làm vua.
Liền kêu to lên:
– Có ai ở đây không?
Bấy giờ có Chân-đà-la chạy ra, một tay cầm kiếm, một tay cầm linh đến bên vua thưa:
– Ngài ra lệnh gì?
Vua truyền lệnh:
– Ta và Túc Đại Sĩ không còn tình nghĩa gì nữa. Các ngươi hãy mau trị tội cho ta.
Quan phụ tướng tâu:
– Túc Đại Sĩ là em của ngài, xin cho được sám hối sửa đổi.
Vua nói:
– Theo lời xin của ngươi, ta cho làm vua trong bảy ngày, rồi sau hãy giết. Trong bảy ngày đó cho trăm ngàn loại kỷ nhạc, trăm ngàn vị Bà-la-môn chắp tay xưng tụng, trăm ngàn kỹ nữ vây quanh hầu hạ. Sẽ có bốn Chân-đà-la, tay cầm hung khí, mặt hầm hầm sát khí, đứng trong bốn cửa cất tiếng lớn rằng: “Một ngày đã qua, chỉ còn sáu ngày nữa, sẽ mổ xẻ thân ngươi ra từng phần. Ngày đoạn tuyệt mạng ngươi sẽ không còn bao lâu nữa.”
Một ngày cho đến bảy ngày đều xướng lên như thế. Qua bảy ngày thì đem Túc Đại Sĩ ra, vua hỏi:
– Trong bảy ngày qua ngươi có được vui vẻ không?
Đáp:
– Tôi trong bảy ngày mắt không thấy sắc, tai khônh nghe tiếng, mũi không ngửi mùi vị. Vì sao? Vì thấy bọn Chân-đà-la tay cầm kiếm xướng lên: “Ngươi đã một ngày làm vua, chỉ còn sáu ngày nữa.” Ngày ngày đều nghe như thế. Trong suốt bảy ngày đó lửa sinh tử luôn bức bách bên mình, cứ lo sợ đêm ngày không ngủ được thì lấy gì làm vui.
Vua nói:
– Ngươi vì sợ thân mình chết mà không thấy ngôi vị là vui thích. Huống chi các vị Sa-môn Thích tử, luôn quán xét sự khổ ưu bi của sinh lão bệnh tử. Cái khổ của cảnh địa ngục thiêu đốt, cái khổ về sự bị tàn hại khủng bố của loài súc sinh. Cái khổ đói khát của ngạ quỷ. Người có nhiều phước lạc mà còn phải chịu tám khổ bức bách nơi thân, huống chi là người không có phước. Chư Thiên tuy được hưởng thọ lạc thú mà khi năm tướng suy hiện ra cũng phải chịu khổ. Tất cả loài người trong tam giới luôn bị khổ về thân, về tâm bức bách. Năm ấm như bọn Chânđà-la, sáu tình như tụ giữa hư không. Năm trần như oán tặc. Tam giới đều là lửa vô thường thiêu đốt. Tất cả sự vô thường khổ không ấy chính là ta. Như thế, thì tại sao cho là các bậc Sa-môn Thích tử không tu khổ hạnh thì không giải thoát. Chí nguyện của Sa-môn, dù ở trong cảnh vui thú mà vẫn không bị ô nhiễm. Thí như hoa sen tuy ở trong bùn mà vẫn không bị bùn làm cho ô nhiễm. Sự chán ghét của cái hoạn sinh tử ở thế gian cũng như thế. Làm sao lại không đạt được quả giải thoát.
Vua dùng đủ phương tiện để giải bày cho Túc Đại Sĩ. Túc Đại Sĩ nghe xong liền chắp tay thưa:
– Đại Vương! Tôi nay muốn quy y Tam bảo.
Vua A-thứ-già liền ôm lấy cổ em nói:
– Ta vì muốn em tin Phật pháp cho nên mới bày ra cách này, chứ nào muốn giết em.
Túc Đại Sĩ đem hương hoa đến cúng dường tháp Phật, cầu xin nghe pháp, cúng dường cho chúng tăng. Sau đó đến chùa Kê-đầu-ma của Thượng tọa Da-xá ngồi trước pháp tòa để nghe thuyết pháp. Khi ấy thượng tọa Da-xá quán thấy Túc Đại Sĩ đã trồng thiện căn nhiều đời, nay đã đến lúc thuần thục, hiện thân để nhập Niết-bàn. Thế là Thượng tọa tán thán về pháp xuất gia. Túc Đại Sĩ nghe xong thì rất vui mừng, muốn cầu xin xuất gia liền đứng dậy thưa:
– Xin Tôn giả cho tôi ở trong Phật pháp, hôm nay muốn được xuất gia học đạo.
Tôn giả hỏi:
– Vương tử nên về thưa lại với Vua trước.
Túc Đại Sĩ về tâu với vua:
– Đại Vương! Xin cho tôi được xuất gia. Tôi lâu nay là kẻ cuồng si như voi ác không có câu móc kìm giữ. Vua dùng phương tiện dẫn dắt cho tôi được trở lại thuần lương chơn thiện. Vậy xin thương xót cho tôi được xuất gia tu đạo giải thoát.
Vua nghe nói thì ôm lấy em mà rơi lệ nói rằng:
– Chớ nên phát ý tưởng như vậy. Vì sao? Vì xuất gia là lãnh nhận các pháp xú lậu. Mặc y vải thô xấu, ăn thức ăn của người ta bỏ ra, ngủ thì dưới gốc cây, nằm ngồi thì cũng trên cây cỏ, bệnh thì uống thuốc bằng lá cây. Em nay từ nhỏ đã quen sống sung sướng, không kham nổi việc đói khát nóng lạnh đâu. Em nên từ bỏ ý định này đi.
Túc Đại Sĩ nói:
– Tôi nay không ham thích ngôi vị, cũng không thích sự hưởng lạc của cõi trời, cũng không vì các khổ não bức bách, cũng không tham tiền tài trân bảo, cũng không lo sợ kẻ oán địch mà xuất gia. Duy chỉ vì sợ các khổ sinh tử lão bệnh mà cầu xuất gia.
Vua nghe lời này liền khóc lớn lên. Túc Đại Sĩ nói:
– Đại Vương đừng khóc. Việc sinh tử mãi mãi lưu chuyển không ngừng, có hợp tất có chia lìa, thì có gì phải khóc lóc.
Vua nói:
– Em nay phải thử việc đi khất thực đã, cũng như việc tọa thiền dưới gốc cây, ngủ trên cỏ.
Thế rồi vua đưa bình bát tích trượng cho em và bảo vào cung khất thực.
Bọn cung nhân thấy vậy đều đem các món ăn ngon ra cúng dường. Vua trách:
– Tại sao các ngươi chỉ cúng các thức ăn ngon thế này. Phải đem các thức dư thừa, bình thường mà đem cúng thí cho vương tử.
Túc Đại Sĩ thọ nhận các món ăn dở xấu mà cũng không hề chê trách. Vua thấy vậy thì nói:
– Nay cho em xuất gia. Sau khi xuất gia phải về đây thăm ta.
Túc Đại Sĩ được vua cho phép liền nghĩ: “Nếu ta đến chùa Kêđầu-ma xuất gia, thì nơi đây huyên náo sẽ gây chướng ngại.”
Thế là Túc Đại Sĩ đi đến một nơi cách xa Vương thành xin xuất gia học đạo. Ngài chuyên tâm tu tập nên chẳng bao lâu đắc quả A-lahán.
Ngài lại suy nghĩ: “Ngày trước vua A-dục cùng ta có lời giao kết: Nếu ta xuất gia phải về thăm vua.”
Túc Đại Sĩ liền đắp y trì bát đi về thành Hoa thị khất thực. Lần đến trước cung vua, nói với người giữ cửa:
– Túc Đại Sĩ muốn ra mắt vua.
Người giữ cửa liền vào tâu với vua:
– Túc Đại Sĩ đang ở ngoài cửa muốn vào ra mắt vua.
Vua nghe vậy liền cho vào. Vừa thấy mặt em liền bước xuống tòa, năm vóc làm lễ sát đất, rồi đứng dậy chắp tay nhìn Đại Sĩ, rơi lệ nói rằng:
Tất cả loài sinh chủng
Gặp nhau đều hoan hỷ
Ta nay trông thấy em
Không cảm tình thân ái
Người chắc chứng thắng quả
Cam lồ trải đầy thân.
La-đề-cúc-đề trông thấy Túc Đại Sĩ mặc y phấn tảo, chấp trì bình bát đi khất thực, ngon dở đều thọ nhận, thì cũng hướng về mà nói kệ:
Quán Túc Đại Sĩ
Thiểu dục tri túc
Việc làm đã xong
Cho nên hoan hỷ
Bỏ ngôi vị vua
Cùng thành Hoa thị
Trân bảo kho tàng
Vinh quang lộc phước
Như bỏ nước bọt
Vào hàng Thánh chủng
Đoạn trừ kết sử
Đầy đủ nhân duyên
Được đại danh xưng
Ai cũng khen ngợi.
Khi đó vua A-thứ-già đỡ Túc Đại Sĩ lên ngồi trên tòa rồi bày những thức ăn ngon tự tay cúng dường Tôn giả. Ăn xong thì dâng nước uống thanh tịnh. Xong vua lấy tòa nhỏ đặt trước mặt Tôn giả mà cầu nghe thuyết pháp. Túc Đại Sĩ liền nói kệ:
Vương vị cao quý chớ buông lung
Tam bảo khó gặp nên cúng dường.
Thuyết kệ xong liền đứng dậy khỏi tòa đi ra. vua cùng năm trăm quần thần và nhân dân trong thành vây quanh cung kính tiễn đưa ra tới cổng. Ai cũng muốn được trông thấy Tôn giả thị hiện chứng quả Sa-môn. Túc Đại Sĩ suy tư: “Anh ta ngày trước đã dùng nhiều phương tiện để khuyến hóa ta quay về Phật pháp. Nay phải khiến cho người tăng thêm lòng kính tin”. Tôn giả liền bay lên hư không biến hóa khôn lường. A-dục vương cùng các quần thần chắp tay nói kệ:
Đoạn trừ mọi tình thâm
Như chim bay không về
Ta ở ngôi vị vua
Lãnh thọ muôn việc đời
Vì hiềm trách lòng này
Mà tự tìm giải thoát
Phước báo như thế này
Do tâm được tự tại
Quả báo tu thiền định
Kẻ ngu lầm không thấy
Người nay phi thân đi
Phá lòng kiêu mạn ta
Ta trí lực tuy nhỏ
Cũng khởi niệm xa lìa.
Thế là Túc Đại Sĩ đi về cõi biên địa tịnh tu. Đi đến nước khác thì bị bệnh nặng, đầu tóc đều rụng hết.
Vua nghe Tôn giả bị bệnh thì sai thầy thuốc mang lương dược đến chữa trị. Bệnh có hết chút ít rồi sau lại phát sinh như cũ. Vua lại phái thầy thuốc đến nữa. Về sau Túc Đại Sĩ nhân uống sữa mà thân thể dần mạnh khỏe trở lại. Rồi vào trong núi hoang vắng tu tập.
Lúc này có Phất-na-bàn-đặc là đệ tử của Ni-kiền Đà. Vẽ hình tượng Phật làm hình Ni-kiền Đà để lễ bái. Hàng phật tử Ưu-bà-tắc đem việc này tâu lên vua A-thứ-già rằng:
– Đệ tử ngoại đạo của Ni-kiền Tử tự họa hình phật làm hình Nikiền-tử để cho ngoại đạo lễ bái.
Vua nghe nói thì giận dữ ra lệnh bắt hết bọn Ni-kiền Tử trong khoảng chu vi bốn mươi dặm.
Trong một ngày mà giết hết tám vạn bốn ngàn bọn Ni-kiền Tử.
Tại thành Hoa thị cũng có bọn Ni-kiền Tử họa hình Phật làm hình Ni-kiền Tử để lễ lạy. Cũng có Ưu-bà-tắc tâu với vua. Vua nổi giận cho bắt hết bọn Ni-kiền Tử và quyến thuộc cho vào lửa thiêu.
Lại đánh trống ra lệnh nếu ai bắt được Ni-kiền Tử thì thưởng tiền.
Khi đó, Túc Đại Sĩ đến chỗ Ni-kiền Tử tá túc qua đêm. Vì vừa bệnh xong nên áo quần dơ xấu tóc tai dài lượt thượt, hình hài rất giống Ni-kiền Tử. Có một ác quỷ cầm dao bước đến đứng trước mặt.
Túc Đại Sĩ liền nghĩ: “Ta nay do túc duyên nhiều đời, nên trả báo bị quỷ sát hại.”
Quỷ vì cho đây là Ni-kiền Tử liền chém đầu, đem đến vua để cầu lãnh thưởng.
Vua nhìn thấy biết là Túc Đại Sĩ, lại nghe nói Sa-môn bị hại lầm rất nhiều. Nên đau đớn muộn phiền té xỉu xuống đất. Khi vua tỉnh dậy, quan phụ tướng liền thưa:
– Nay chư Sa-môn bị lạm sát rất nhiều. Vua nên ban chiếu thi ân để dân chúng yên ổn không lo sợ.
Vua liền ra lệnh:
– Từ nay về sau cấm không được giết hại Sa-môn.
Chư Tỳ-kheo lòng đầy nghi hoặc mới bạch Tôn giả Ưu-ba-cúcđa:
– Vì nhân duyên gì mà Túc Đại Sĩ bị quỷ sát hại?
Đáp:
– Các ông nên lắng nghe đây: Về đời quá khứ có một người thợ săn đặt bẫy ở bên dòng sông. Có một Bích-chi-phật khất thực đi ngang qua đây. Đến bên chỗ đặt bẫy dưới gốc mà ngồi. Người thợ săn không thể bẫy được con này mới nghĩ không hiểu vì sao hôm nay sao không có con thú nào đến. Liền đi đến xem thì thấy vị Bích-chi-phật ngồi đó, thì tức giận lấy dao chém chết. Người thợ săn nay chính là Túc Đại Sĩ. Vì do túc nghiệp giết vị Bích-chi-phật nên bị đọa vào địa ngục. Trải qua vô lượng kiếp chịu nhiều khổ não. Cho đến ngày đắc đạo còn phải trả báo bị quỷ chém chết.
Vị Tỳ-kheo lại hỏi:
– Còn nhân duyên gì mà được sinh ra vào nhà quý tộc, tu hành đắc đạo A-la-hán.
Đáp:
– Vào đời quá khứ vào thời Đức Phật Ca-diếp, vị ấy thường cúng dường chúng Tăng. Do phước báo này mà sinh vào nhà quý tộc. Khi ấy lại phát tâm xuất gia, trải qua một vạn năm tu hành khổ hạnh. Do thiện nhân đó mà đắc quả A-la-hán.