NHỮNG LÁ THƯ THẦY
Thích nữ Hải Triều Âm
Triết Lý Nhà Phật
– Nếu tôi cho thì tôi còn gì mà ăn?
Đây là lời nói của tâm duy kỷ, nó đã khiến con người thành một bà Chằn ghê gớm.
– Nếu tôi ăn thì tôi còn gì mà cho?
Đây là lời nói của tâm từ thiện, nó đưa người ta lên ngôi vua ở cõi trời.
Thuốc đắng dã tật. Cái ta chịu đau, đó là điềm vui mừng báo tin những nỗi khổ to đã giải thoát, những vinh hoa lớn sắp đạt thành.
Thân hữu hạnh là nhờ phước đức. Tâm hữu hạnh là nhờ trí tuệ. Bồ-tát vì thương chúng sanh mà lăn lộn trong vòng luân hồi, các Ngài có khổ gì đâu?
Người đang ở trong vòng luân hồi, mà biết noi theo các Bồ- tát, tìm nẻo đường phước đức trí tuệ mà đi thì những người này có khổ gì đâu?
Muốn việc gì cũng được như ý, đó là quá khứ nhân hậu để quà biếu lại. Tất cả sở cầu đều bị chặt đứt, đó là hoa báo của tội ác, cần đề phòng chua chát ngày mai.
Bị dục tình đánh ngã mà toan chinh phục hoàn cầu thật là chuyện buồn cười. Cũng như kẻ đã tự cao là bậc anh hùng thì không bao giờ chịu đầu hàng giặc nghịch. Cho nên người kiêu ngạo là kẻ hèn nhát vì đã chịu ở dưới quyền giặc nghịch là thói tự cao.
Chẳng cần nói tới đời sau, hãy cứ xét ngay đời này. Đầy tớ không vâng lời chủ nhà có hại gì chăng? Huống chi nay chủ nhà lại xuống làm đầy tớ, để đầy tớ cầm quyền chỉ huy. Như chuyện nửa đêm, bỗng nhiên Thiền sư thét lớn: “Có giặc, có giặc”. Đại chúng vùng dậy tranh nhau đuổi bắt. Thiền sư nắm lấy một người hô lớn: “Bắt được một tên”.
– Thưa không phải, đây là anh A. Thiền sư buông tay ra và giải thích: “Thừa đương là con. Không thừa đương là giặc. Người trí tuệ nên lưu tâm để ý”.
Trong đêm dài mù mịt những sanh cùng tử, chúng sanh đời này sang đời khác cứ nhận giặc vô minh là tâm tánh của mình. Được Phật giác ngộ, biết mong giải thoát, lại cứ cưỡi trâu đi tìm trâu. Nơi tâm mình cứ phân chia ra hai đoạn, nào chánh nào tà. Đâu có biết sáng và tối không hề xung đột nhau. Hễ sáng đến thì tối liền thành sáng. Cả tối và sáng đều không thật thể. Chỉ có Như Lai Tạng diệu chân như tánh. Ai tùy thuận thì hải ấn phát quang. Ai bội giác thì trần lao tranh khởi.
Chỉ vì quá thương thân, thương “ta”, nên sợ hãi những việc rủi ro. Vì sợ đói khát ốm đau nên sẵn sàng giết vạn loài để cướp mạng sống. Vì sợ “ta” thiệt thòi công danh nên tàn nhẫn hủy phá ngôi Tam-bảo.
Phật dạy: “Khổ địa ngục lửa đốt, khổ lạc đà mang nặng đi xa, chưa gọi là khổ”. Cốt yếu của hạnh phúc cõi này cõi khác chính là làm công ích giúp đời. Nay lại cứ tàn hại lẫn nhau để hiện tại và vị lai ta người cùng khổ. Đây là ngu si.
Tất cả tai nạn nguy cơ, tất cả đau đớn ưu lo, tất cả khổ nhục ở đời, đều do trìu mến tấm thân ta. Nếu không chịu lôi tống cái “ta” ra, thì không thể nào giải thoát khổ não. Cũng như nếu cứ ôm lửa thì làm sao khỏi bỏng?
Vậy muốn cứu mình cứu người mau chóng, phải cấp tốc thi hành bí thuật “đổi thương thân ra thương người”. Thân này không phải là ta rồi! Đó là chí nguyện của ngươi! Tu sĩ đã đem thân cúng dường Tam-bảo rồi! Thân này là của Tam-bảo, của mười phương chúng sanh rồi! Trong đây không còn cái gì là ta nữa.
Tâm ơi! Từ nay ngươi sẽ chỉ tưởng đến một việc: “Lợi ích quần sanh”.
Mắt này đã cúng dường Tam-bảo, lẽ nào không lo thấu suốt Phật pháp mà chỉ chăm chăm tìm lợi ích mình? Tay này đã cúng dường Tam-bảo, lẽ nào không lo thực hành Phật sự mà chỉ vơ vét tham cầu công danh lợi ích riêng tư?
Tâm ơi! Đã có chí nguyện phục vụ Tam-bảo, trên đền bốn ân dưới vơi bể khổ, thì việc gì ngươi cũng phải nhắm về Tam-bảo mà lo lợi ích.
Ngươi hãy tập coi thân mình là của người khác và tất cả người khác là mình. Từ gần đến xa, từ ân đến oán, từ cao thượng đến hèn hạ, dần dần ngươi sẽ bớt thấy có người ghét mình và sẽ tiêu đi cái nghiệp tự tôn tự trọng.
Ngươi đã trải bao nhiêu đời lo kiếm lợi cho ngươi. Gắng công đã lắm mà chỉ gặt hái đau thương. Vậy nay hãy đè cái ngã khát cầu vui khoái xuống! Đề phòng những mưu kế thâm sâu xảo quyệt của nó, coi chừng những phản động biến chứng của nó, mà chuyển dần nó thành trí tuệ giác ngộ theo ánh sáng Phật đà.
Giá trị cao quý vô thượng chính là Trí Hóa. Nhờ ánh sáng trí giác mà vô biên công hạnh vĩ đại sẽ hoàn mỹ. Đó là từ một chữ “Không” mà tạo thành ngàn triệu ức cái “Có” lớn lao. Tức là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm vậy.
Viết phỏng theo kinh Bodhi – karyâvatâra. LouisFinot dịch bổn chữ Phạn ra tiếng Pháp, nhan đề là “La marche msp hacks no survey à la lumierè” (Bước đi tới ánh sáng Bồ-đề).
Đoàn Trung Còn dịch bổn chữ Pháp ra tiếng Việt Nam, nhan đề là Kinh Bồ Đề Hành, in trong cuốn Triết Lý Nhà Phật năm 1951 ở Sàigòn.