tông thông thuyết thông

Phật Quang Đại Từ Điển

(宗通說通) Cũng gọi: Tông thuyết câu thông. Đồng nghĩa: Tự giác giác tha, Hướng thượng hướng hạ, Hành giải tươngứng. Thông suốt cả tông chỉ và giáo thuyết. Trong Thiền tông, nếu thông đạt tông chỉ sâu xa thì gọi là Tông thông; nếu người có khả năng đối trước đại chúng mà thuyết pháp giáo hóa một cách tự tại thì gọi là Thuyết thông. Kinh Lăng già quyển 3 (Đại 16, 499 trung) ghi: Phật bảo ngài Đạituệ: Tất cả Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát có 2 thứ thông tướng, đó là Tông thông và Thuyết thông. Này Đại tuệ Tông thông nghĩa duyên theo tướng thắng tiến mà mình chứng được, xa lìa ngôn ngữ, văn tự, vọng tưởng, hướng tới tự tướng tự giác vô lậu, xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng, hàng phục tất cả chúng ma ngoại đạo, nương theo sự giác ngộ của chính mình mà phát huy ánh sáng rực rỡ, đó gọi là Tông thông tướng. Còn Thuyết thông tướng là gì? Nghĩa là giảng nói được giáo pháp của 9 bộ, xa lìa các tướng khác, chẳng khác, có, không… dùng mọi phương tiện khéo léo, tùy căn cơ chúng sinh mà nói pháp thích hợp khiến họ được giải thoát, đó gọi là Thuyết thông tướng. Tông kính lục quyển 29 dẫn lời trong kinh Pháp hoa, cho rằng nếu Thuyết thông tướng mà Tông không thông thì giống như mây đen che mặt trời; còn nếu Tông thông mà Thuyết cũng thông thì như mặt trời ở giữa hư không, không bị một vật gì che lấp. Bởi vì Tông thông và Thuyết thông có quan hệ rất mật thiết, trong Thuyết thông nhất định lấy Tông thông làm chỗ y cứ chính yếu mới có thể dùng ngôn ngữ, văn tự một cách khéo léo để diễn đạt Phật ngữ thiền tâm là chỗ chứng ngộ của mình, cho nên Tông thông phần nhiều được dùng trong phạm vi tu hành của chính mình, còn Thuyết thông thì được dùng trong lãnh vực khai ngộ người khác. Do đó, trong Thiền lâm, từ ngữ Tông thông Thuyết thông đã trở thành danh tướng quan trọng để nói về sự tự hành và hóa tha. Y cứ vào đó, Tông kính lục quyển 29 cho rằng Tông thông là Định, còn Thuyết thông là Tuệ. [X. Truyền pháp bảo kí; Lục tổ đàn kinh; Đốn ngộ yếu môn; Tông kính lục Q.3, 9, 41; Viên ngộ Phật quả Thiền sư ngữ lục quyển 16; Thung dung lục tắc 12; Tổ đình sự uyển Q.7; Truy môn cảnh huấn Q.5].