Đ a n g t i d l i u . . .
Tổng Luận Đại Bát Nhã (pdf)

TỔNG LUẬN
ĐẠI BÁT NHÃ
Việt dịch: HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ NGHIÊM
Chiết giải: LÃO CƯ SĨ THIỆN BỬU
QUẢNG ĐỨC TÙNG THƯ Ấn hành

 

Thư ngỏ:
(của cư sĩ Thiện Bửu)

Thấm thoát đã 5 năm trôi qua kể từ khi đăng Tổng luận Đại Bát Nhã (phiên bản I) bắt đầu từ Tháng Tư Năm 2020, lần đầu tiên xuất hiện trên Trang Nhà Quảng Đức. Khi ấy, nạn Covid bắt đầu hoành hành dữ dội, Thiện Bửu lúc đó đã 80 tuổi đời, mới vừa hoàn thành thiên Tổng Luận sau 10 khó nhọc vừa học vừa chiết giải Kinh Đại Bát Nhã.

1. Lo rằng nếu mắc phải dịch này thì công trình xiển dương Đại Bát Nhã chẳng khác nào “dã tràng xe cát bể Đông”. Liền gởi thư kèm theo ebook  nhờ Thầy TT Thích Nguyên Tạng đăng lên Quangduc.com. Sau hai ngày duyệt qua Thầy quyết định tải Tổng luận trên Trang Nhà Quảng Đức. Thầy nhờ hai cộng sự viên đắc lực trong Ban Biên Tập Quảng Đức, 1. là Cư sĩ Thanh Phi duyệt soát và sửa chánh tả và 2. là Tâm Từ, một Phật tử thuần thục, là kỹ sư thiết kế trên mạng. Thiện Bửu củ soát lần chót phẩm nào, phần nào liền gởi cho Thanh Phi xem. Sau khi xem và sửa xong, Thanh Phi chuyển cho Tâm Từ đăng lên mạng ngay. Tròn một năm làm việc vất vả mới hoàn tất phiên bản I vào Tháng Tư Năm 2021.

2. Vì chiết giải 16 pháp hội tổng cộng 600 quyển, chiếm 4/5 hệ Bát Nhã, hơn 5 triệu chữ. Kinh vừa dài vừa khó. Khi củ soát lại phiên bản I, Thiện Bửu thấy có nhiều thiếu sót. Nên bắt đầu viết lại và cập nhật Hội thứ hai với bộ Đại Trí Độ Luận do Bồ Tát Long Thọ biên soạn. Công việc tiến hành đến cuối năm 2021, Thầy Nguyên Tạng dự định về Việt Nam làm giỗ cho HT Thích Trí Nghiêm với ý nguyện là in sách để làm rạng rỡ công lao dịch thuật Đại Bát Nhã từ Hán sang Việt do HT Trí Nghiệm thực hiện ròng rã trong 8 năm. 

Thầy nhờ Thiện Bửu thiết kế (layout) Tổng luận Đại Bát Nhã phiên bản I để in thành sách. Phiên bản I quá dài, gần 6.000 trang khổ 6X8, Thiện Bửu phải viết lại với sự cập nhật Hội thứ hai và chỉ hoàn tất tổng cộng 7 Tập (từ Tập 1 đến Tập 7, trừ Tập thứ 8). Đến khi Thầy Nguyên Tạng về Việt Nam được hơn 2 tuần thì Thiện Bửu mới hoàn tất xong Tập 8 và gởi về Việt Nam cho Thầy in 25 bộ Tổng luận phiên bản II. Kết quả Tổng luận Đại Bát Nhã phiên bản II ra đời vào Tháng Tư Năm 2022, thay thế phiên bản I trên Trang Nhà Quảng Đức mà độc giả đã hơn 34.800 lần nhập vào đọc tụng cho tới hôm nay. Đây là điều khích lệ không ít đối với Thiện Bửu. Nhưng Thiện Bửu không hảnh diện điều này mà trái lại rất ái ngại! Tại sao? Vì cả hai phiên bản ra đời vội vã, chưa đạt chỉ tiêu mong muốn. Dĩ nhiên không tránh khỏi sơ suất. 

Sự khác biệt giữa phiên bản I và phiên bản II là phiên bản II viết đầy đủ căn bản hơn với sự cập nhật thêm bộ Đại Trí Độ Luận của Bồ Tát Long Thọ đã nâng trình độ Tổng luận lên một bậc cao hơn. Vì Bồ Tát Long Thọ là vị La Hán thứ XIV làm chủ tăng đoàn thay thế đức Thế Tôn lãnh đạo và phát triển Tăng đoàn, là bậc thực tu thực chứng, một bậc Long tượng, một cây cổ thụ am tường Phật học cùng bối cảnh lịch sử Phật học. Sự cập nhật này giúp ích rất nhiều trong việc học hỏi thọ trì không những đối với 5 Hội đầu chiếm hết 565 trang trong số 600 trang Đại Bát Nhã mà còn giúp ích rất nhiều trong việc tụng đọc thọ trì toàn bộ Đại Bát Nhã và các giáo pháp Đại thừa khác! 

Tuy nhiên, Tổng luận phiên bản II giới thiệu trong phần mục lục nói trên vẫn còn thiếu sót, chưa nói lên hết những ảo diệu của Tánh không với những nguyên lý chỉ đạo của nó!

3. Rồi từ Tháng Tư Năm 2022 đến nay, Thiện Bửu đóng cửa tu hành, cứ 4 tháng đọc lại sửa chữa một lần, một năm ba lần cho đến nay tổng cộng chín lần. Đây là lần cuối cùng, không còn lần cuối cùng nào khác trong kiếp này nữa. Tuổi thọ đã ngoài 85, người đã mòn mõi lắm rồi. Tất cả khí lực bình sanh đã tận dụng để đột phá trong suốt ba năm cốt hoàn thành hạnh nguyện hoàn tất Tổng luận để khỏi hổ thẹn với tiền nhân.

Trước đây Thiện Bửu thấy không nhưng chẳng thấy chẳng không, chưa thấy tận không, vô tận không. Hiểu được các biểu thị hay pháp nghĩa hiển hiện của Bát Nhã Ba la mật là một chuyện, thâm nhập lại là một chuyện khác nữa. Phải tu tập phụng trì 6 pháp Ba la mật, 18 pháp không, thập nhị chân như trong nhiều đời nhiều kiếp. Kinh dạy rằng phải nhập được cáí vô tận không, vô tận như, cái bình đẳng và thanh tịnh mênh mông như hư không mà Hội thứ X có tên “Lý Thú Bát Nhã Phần”, xem các từ này như các “đại luân tự”, gọi là trí ấn (thân ấn, ngữ ấn, tâm ấn, pháp ấn) và trí tạng (thắng tạng, Như Lai tạng, kim cương tạng, chánh pháp tạng, diệu pháp tạng) trong Bí mật tạng ba đời của Như Lai. Thấy biết như vậy rồi tu thì có cơ hội. Biết rồi tu hành, không biết chẳng khác nào người mù sờ voi thôi. Đó là những ảo diệu được trình bày trong phiên bản III này. Đó cũng là diễn trình của Tổng luận Đại Bát Nhã mà Thiện Bửu tụng trì quán tưởng trong suốt 15 năm qua gặt hái được khi tu học và chiết giải về luận này. 

Tổng luận Đại Bát Nhã phiên bản III hoàn thành vào mùa Xuân năm 2025, đang in tại Việt Nam chỉ vỏn vẹn có 25 bộ phát hành khắp thế giới. Vì vậy, để phục vụ độc giả xa gần, Thiện Bửu đã nhờ các Websites Phật học lớn nhỏ đăng tải Tổng luận Đại Bát Nhã phiên bản III mà quý độc giả có dịp đọc tụng hôm nay. 

Đây là phiên bản chính thức cũng là phiên bản cuối cùng của Tổng luận Đại Bát Nhã, được nâng lên một trình độ khác với hai phiên bản trước cả hình thức lẫn nội dung. Chúc chư vị hưởng nhiều pháp lạc!

Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát.
San Jose, CA, cập nhật xong (phiên bản III) vào ngày 01-04-2025.
Cư sĩ Thiện Bửu.

0 0 Phiếu
Xếp Hạng Bài Viết
Đăng ký
Thông báo về
guest

0 Bình Luận
Mới nhất
Cũ nhất Được bình chọn nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận