tô bà ha

Phật Quang Đại Từ Điển

(蘇婆訶) Phạm:Svàhà. Cũng gọi: Tăng bà ha, Tắc phạ ha, Sa bà ha, Sa phược ha, Tát bà ha, Sa phạ ha, Sa phạ hạ, Sa ha. Từ ngữ kết thúc câu chân ngôn, đà la ni. Nhân vương kinh đạo tràng niệm tụng nghi quĩ quyển hạ cho rằng Sa phạ ha nghĩa là thành tựu, cát tường, viên tịch, tức tai, tăng ích, vô trụ…… Theo nghĩa vô trụ thì Sa phạ ha chính là Niết bàn vô trụ, nương vào Niết bàn vô trụ này mà làm lợi lạc cho hữu tình đến vô cùng tận. Đại nhật kinh sớ quyển 6 thì cho rằng Sa ha nghĩa là cảnh giác, tức cảnh giác chư Phật không trái với bản thệ, đầy đủ điều nguyện ước, làm cho đạo tràng là thanh tịnh trang nghiêm. Còn Đại nhật kinh sớ quyển 13 thì cho rằng Sa ha là phá dẹp các chướng ngại, có nghĩa dẹp trừ các ma chướng, khiến chúng phải lui tan. Đây vốn là từ cảm thán do người Ấn độ đời xưa xướng lên khi cúng tế thần, còn có nghĩa là vật dâng cúng tốt đẹp. Người đời sau biến Tô bà ha thành Thần thánh ngữ, thêm vào cuối câu chú để biểu thị ý nghĩa thành tựu, cát tường, tức tai, tăng ích…… [X. phẩm Trì tụng pháp trong kinh Đại nhật Q.7; kinh Bất không quyên sách thần biến chân ngôn Q.1; Tôn thắng Phật đính tu du già pháp quĩ nghi Q. thượng; Kim cương đính kinh du già Quán tự tại vương Như lai tu hành pháp; Đại nhật kinh sớ Q.7; Bát nhã ba la mật đa tâm kinh lược sớ; Tuệ lâm âm nghĩa Q. hạ].