Tiểu Sử Ngài Bất Không Kim Cang
Sa-môn Sakya Minh-Quang dịch

 

Ngài Bất Không Kim Cang (S. Amoghavajra 705-774), còn được gọi là Pháp sư Bất Không, là một nhà phiên dịch kinh điển nổi tiếng đời Đường. Ngài cũng là Tổ thứ sáu được phó pháp của Mật giáo.

​Pháp sư vốn là người nước Sư Tử (Sri Lanka) Nam Ấn Độ, thiên tư trác tuyệt, từ bé đã theo chú đến các nước ở vùng biển phía nam Ấn. Đến năm 14 tuổi, Ngài xuất gia với Tam Tạng Pháp sư Kim Cang Trí, theo Thầy học Tất-đàm chương, tức văn tự gốc từ đó diễn sinh ra Phạn ngữ, và trì tụng kinh chữ Phạn. Tuy nhiên, cũng có thuyết khác nói, Ngài là con trai dòng Bà-la-môn miền Bắc Thiên Trúc, thuở bé mất cha mẹ, theo chú đến Vũ Uy rồi Thái Nguyên, sau đó theo thờ học với Ngài Kim Cang Trí.

​Sau đó, năm 16 tuổi, Ngài vượt biển nam Ấn, đến Lạc Dương vào năm thứ tám niên hiệu Khai Nguyên (720) đời Vua Đường Huyền Tông. Vào năm thứ mười hai niên hiệu Khai Nguyên (724), Ngài được 20 tuổi, thọ giới cụ túc tại chùa Quảng Phúc ở Lạc Dương. Pháp sư thông minh mẫn tiệp hơn người, nên rất được ngài Tam Tạng coi trọng, được đắc pháp tam mật tất cả năm bộ.

​Đến khi Ngài Kim Cang Trí viên tịch, sư tuân theo di mệnh của Thầy sang Ấn Độ cầu pháp cùng với Hàm Quang, Huệ Biện v.v…. Ngài đi sang Tây Trúc bằng đường biển, trải qua Quảng Phủ, Ha Lăng rồi đến Tích Lan. Ngài theo học với A-xà-lê Phổ Hiền (Có thuyết nói với A-xà-lê Long Trí) thọ học mười tám hội Kim Cang Đảnh Du-già và Đại Tỳ-lô-giá-na thai tạng, mỗi hội mười vạn bài tụng. Ngài lại thọ quán đảnh của ngũ bộ, mật điển chân ngôn, kinh luận phạn văn hơn năm trăm bộ, đồng thời được chỉ dạy các mật ấn, văn nghĩa tánh tướng v.v…. Sau đó, Ngài lại đi khắp năm miền Ấn Độ để tham học.

Vào năm thứ năm niên hiệu Thiên Bảo (746), Ngài trở về Kinh Sư làm lễ quán đảnh cho Vua Đường Huyền Tông và trụ nơi chùa Tịnh Ảnh. Nhờ Ngài cầu mưa linh nghiệm nên được vua ban hiệu là Trí Tạng và y ca-sa mùa tía v.v…. Khi loạn An Lộc Sơn xảy ra, Ngài trụ ở chùa Đại Hưng Thiện ở Trường An, thực hành pháp cầu nguyện dứt trừ tai họa.

Khi Trường An bị chiếm đóng, Đường Huyền Tông lưu vong ở Thành Đô, Túc Tông lên ngôi ở Linh Vũ, sư tuy bị hãm trong quân trận loạn lạc vẫn nhiều lần bí mật sai sứ đưa thư cho Túc Tông, truyền đạt sự sinh hoạt hằng ngày và tỏ ý kiệt thành trung quân. Túc Tông cũng sai sứ bí mật cầu đại pháp.

​Đến đời Đường Đại Tông, Vua ngự chế ban cho Ngài chức Đặc Tiến Thí Hồng Lô Khanh, thêm hiệu là Đại Quảng Trí Tam Tạng, từng tạo lập đạo tràng mật giáo ở núi Ngũ Đài tỉnh Thái Nguyên, mở ra hoạt động hoằng Pháp.

Vào năm thứ sáu niên hiệu Đại Lịch (771), Ngài dâng biểu dâng tiến bảy trăm mười bảy bộ kinh gồm một trăm lẻ một quyển kinh điển phiên dịch từ niên hiệu Khai Nguyên cho đến lúc đó và một quyển mục lục. Tất cả sau này đều được đưa vào Đại Tạng Kinh.

​Giữa tháng sáu năm thứ chín niên hiệu Đại Lịch (774), Pháp sư tự biết ngày mình viên tịch, dâng biểu từ biệt, hiến tặng năm chiếc linh và chày kim cang v.v…, rồi nằm nghiêng nhập tịch, hưởng thọ bảy mươi tuổi, năm mươi tăng lạp. Ngài được truy tặng Tư Không, thụy hiệu là Đại Biện Chánh, tạo tháp an trí xá-lợi nơi chùa Đại Hưng Thiện. Pháp sư thọ 70 tuổi, 50 tăng lạp.

​Pháp sư Bất Không cùng với các Ngài Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva 344-413), Chân Đế (S. Paramārtha 499-569), Huyền Tráng (玄奘 602-664) được tôn xưng là bốn nhà đại phiên dịch kinh điển của Phật giáo Đại Thừa. Pháp sư đối với việc xác lập tổ chức đối chiếu âm vận nghiêm mật giữa chữ Hán và tiếng Phạn có công lao vô cùng to lớn. Ngài lại cùng với hai Ngài Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí được xưng là ba đại sĩ niên hiệu Khai Nguyên. Phó pháp đệ tử của Ngài có Hàm Quang, Tuệ Siêu, Huệ Quả, Tuệ Lãng, Nguyên Hạo, Giác Siêu v.v…. Trong đó, Huệ Quả là đệ tử đích truyền được xưng là tổ thứ bảy phó pháp của Chân Ngôn tông.

Theo Phật Quang Đại Từ Điển, trang 975.