TIỂU SỬ CƯ SĨ
HUYỀN THANH – NGUYỄN VŨ TÀI
1958-2017
Cư sĩ HUYỀN THANH, tên thật là NGUYỄN VŨ TÀI, sinh ngày 01/04/1958 tại Thị xã Dalat, tỉnh Lâm Đồng. Thân phụ tên là NGUYỄN VŨ NHAN, nguyên quán tại làng Xối Đông, tổng Thần Lộ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Thân mẫu tên là VŨ THỊ NI, nguyên quán tại làng Lịch Diệp, tỉnh Nam Định.
Thuở nhỏ Nguyễn Vũ Tài đã Quy Y với Hòa Thượng THÍ CH THANH CHI ÊN (Trụ trì chùa Hải Vân ở khu Ấp Chợ, xã Tân Sơn Hòa, tỉnh Gia Định) và được Thầy ban cho Pháp Danh là HUYỀN THANH.
Năm 1978, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm khoa Toán Lý và đi dạy môn Toán cấp I I từ năm 1979 cho đến năm 2003 thì chuyển qua làm công tác Giám Thị ở các trường Trung học Cơ sở Ngô Quyền quận Tân Bình, trường Trung học Cơ Sở Hoàng Hoa Thám quận Tân Bình, và trường Trung học Cơ Sở Nguyễn Gia Thiều quận Tân Bình cho đến khi chấm dứt công tác vào năm 2010.
Năm 1983 qua sự giới thiệu của Đại Đức TRÌ GIỚI, Huyền Thanh theo học khóa “ Phật Học Cơ Bản” do Đại Đức VIÊN MINH giảng dạy tại chùa Kỳ Viên quận 3 và tham cứu giáo lý Nam Truyền với Thượng Tọa THÍ CH THIỆN TÂM tại chùa Phổ Minh quận Gò Vấp.
Năm 1986 Huyền Thanh được Thầy THÍ CH QUẢNG TRÍ ở Chùa Liễu Quán quận Tân Bình hướng dẫn tu tập Pháp Mật Giáo căn bản.
Năm 1990 Huyền Thanh theo học Hán Văn với bác Vọng Chi (NGUYỄN CHÍ VIỄN) và phụ giúp bác Vọng Chi phiên dịch các Kinh bản Mật Giáo qua sự yêu cầu của anh LÊ THÀNH TRÍ (nay là thầy THÍ CH PHÁP QUANG ở chùa Tịnh Luật Texas). Trong giai đoạn này, qua sự trợ giúp tài liệu của anh Lê Thành Trí nên Huyền Thanh đã tự học cách đọc và viết chữ Tất Đàn (Siddham).
Năm 1994 – 1995 dưới sự khuyến khích của Ni Sư THÍCH NỮ TRÍ HẢI, Huyền Thanh đã soạn dịch các quyển “Lăng Nghiêm Đại Thần Chú” , “Lăng Nghiêm Đại Bi Thập Chú”, “Quán Âm Ngũ Bộ Chú” , “42 tay của Thiên Thủ Quán Âm” và được sự trợ giúp tài liệu của Thầy THÍCH PHÁP QUANG nên dần dần hoàn chỉnh thành các quyển “Đại Phật Đỉnh
Thủ Lăng Nghiêm Thần Chú Pháp” , “Đại Bi Quán Âm Căn Bản Pháp” (với 3 phần: Phổ Môn Pháp, Ngũ Bộ Chú, Thiên Thủ Thiên Nhãn Pháp) vào năm 2006.
Năm 2000 dưới sự chỉ dạy của Thầy THÍ CH QUẢNG TRÍ, Huyền Thanh đã phụ giúp Thầy cho lưu hành các tập “Mật Tạng Phật Giáo” theo dạng Photocopy tại Việt Nam qua sự trợ giúp của các sư cô NHƯ HẠNH, NHƯ TRÍ, NHƯ NGUYỆT, NHƯ THÔNG tại Chùa Dược Sư quận Gò Vấp, đến năm 2005 đã lưu hành được 6 tập. Trong giai đoạn này một số Kinh bản do Huyền Thanh soạn dịch đã được lưu hành trên trang Web của chùa Tịnh Luật (www.tinhluattemple.org) và được in trong “Mật Tạng Phật Giáo Việt Nam, tập 2” do gia đình Cư Sĩ LIÊN HOA phát tâm ấn tống.
Năm 2005 dưới sự hướng dẫn của Thầy THÍ CH NGUYÊN TẠNG, Huyền Thanh làm cộng tác viên với trang nhà QUẢNG ĐỨC (www.quangduc.com) để lưu hành các Kinh bản Mật Giáo đã phiên dịch và biên soạn.
Từ năm 2008, với sự hỗ trợ của Tống Phước Khải, tất cả các kinh sách được soạn, dịch của tác giả Huyền Thanh được lưu hành riêng trên trang mattong.wordpress.com và sau đó chuyển sang trang Kinh Mật Giáo tại địa chỉ kinhmatgiao.wordpress.com.
Từ năm 2015, em Trần Ngọc Nguyên cũng tiếp bước góp phần hỗ trợ việc phổ biến kinh sách đã dịch của Huyền Thanh trên trang Kinh Mật Giáo.
Trang Kinh Mật Giáo hiện là nơi lưu trữ gần như toàn bộ các tài liệu đã được biên soạn và phiên dịch của tác giả Huyền Thanh. Đây là nơi tham khảo tài liệu dành cho giới nghiên cứu Mật Thừa Phật Giáo trong và ngoài nước.
Bên cạnh các tài liệu điện tử được lưu trữ trên trang Kinh Mật Giáo, một khối lượng lớn các ấn bản của tác giả Huyền Thanh đã được lưu hành, bao gồm nhiều tài liệu, kinh sách được in vi tính và một số sách in qua hệ thống nhà xuất bản.
Qua thống kê ban đầu, Huyền Thanh đã biên dịch 1085 quyển/ 758 đề mục kinh trong các bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, Gia Hưng Đại Tạng Kinh, Vạn Tự Tục Tạng Kinh. Công việc phiên dịch Bộ Mật Giáo thuộc Đại Chính Tạng của Sa môn Thích Quảng Trí và Huyền Thanh đã
hoàn tất ba Bộ đầu gồm Bộ 1 (CBETA T.18), Bộ 2 (CBETA T.19) và Bộ 3 (CBETA T.20); riêng Bộ 4 (CBETA T.21) còn lại 18 bản chưa được phiên dịch. Bên cạnh đó, Huyền Thanh đã phiên dịch và biên soạn nhiều bộ sách lớn đóng góp vào tư liệu khảo cứu và tu tập Mật Giáo như Mật Giáo Chư Tôn Ngũ Bộ (Như Lai Phật Bộ, Chư Bồ Tát Bộ, Quán Âm Pháp Bộ, Kim Cương Minh Vương Bộ và Chư Thiên Hộ Pháp Bộ), những bộ Pháp Kinh theo từng Bản Tôn, Chú Luân Đàn Trường, Mật Pháp Tạp Tập và rất nhiều bản khảo cứu về các Thần Chú, Đàn Pháp, Mật Pháp…
Các đầu kinh sách được in ấn qua hệ thống các nhà xuất bản:
Năm 2006
– Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm Thần Chú Pháp, Huyền Thanh biên dịch, NXB Tôn Giáo
Năm 2007
– Đại Bi Quán Âm Căn Bản Pháp, Huyền Thanh dịch, NXB Tôn Giáo
Năm 2008
– Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni Kinh, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh dịch, NXB Tôn Giáo
Năm 2009
– Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm Đà La Ni Kinh, Huyền Thanh dịch, NXB Phương Đông
– Quán Tự Tại Bồ Tát Đà La Ni Kinh, Sa môn Thích Quang Trí – Huyền Thanh biên dịch, NXB Tôn Giáo
– Chuẩn Đề Phật Mẫu Đà La Ni Kinh, Huyền Thanh dịch, NXB Tôn Giáo
– Dược Sư Pháp Đà La Ni Kinh, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh
Thanh biên dịch, NXB Tôn Giáo
– A Di Đà Pháp Đà La Ni Kinh, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh biên dịch, NXB Tôn Giáo
– Tự học chữ Phạn Siddhaṃ, Huyền Thanh – Dương Đức Thịnh – Tống Phước Khải, NXB Phương Đông
– Kinh Luận Tuyển Tập, Huyền Thanh biên dịch, NXB Tôn Giáo
Năm 2010
– Kinh Đại Nhật, Huyền Thanh biên dịch, NXB Phương Đông
– Kinh Kim Cương Đỉnh (Tập I , Tập I I ), Huyền Thanh biên dịch, NXB
Phương Đông
– Kinh Tô Tất Địa Yết Ra, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh biên dịch, NXB Phương Đông
– Chư Kinh Mật Giáo, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh biên dịch, NXB Tôn Giáo
– Thai Tạng Giới Mạn Đà La, Huyền Thanh dịch, NXB Phương Đông
– Dược Sư Kinh Pháp, Huyền Thanh biên dịch, NXB Phương Đông
Năm 2014
– Chư Kinh Hiển Mật, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh biên dịch, NXB Hồng Đức
– Như Lai Phật Bộ, Huyền Thanh soạn dịch, NXB Hồng Đức
Năm 2015
– Quang Minh Chân Ngôn, Huyền Thanh soạn dịch, NXB Hồng Đức
– Phật Đỉnh Tôn Thắng Pháp Kinh, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh biên dịch, NXB Phương Đông
– Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh, Huyền Thanh dịch, NXB Hồng Đức
– Long Vương Pháp Kinh, Sa môn Thích Quảng Trí – Huyền Thanh biên dịch, NXB Hồng Đức
– Mật Tông Tu Đạo Thứ Đệ Đại Luận (Tập I ), Thích Pháp Chánh – Thích Pháp Quang – Huyền Thanh hợp dịch, Tường Quang Tùng Thư (Mỹ Quốc)
Năm 2017
– Nghi lễ thờ cúng lửa trong Phật Giáo – Hộ Ma Bất Động Minh Vương của Chân Ngôn Tông Nhật Bản, Huyền Thanh – Tống Phước Khải – Trần Ngọc Nguyên biên dịch, NXB Hồng Đức
Trong cuộc đời của mình, ngoài việc chăm lo chu toàn trong gia đình, Huyền Thanh đã dành những thời gian còn lại để nghiên cứu và hoằng dương Phật Pháp. Với sự cần mẫn và nghiêm túc, Huyền Thanh đã để lại một gia sản đáng kể trong sự nghiệp hoằng dương Phật Pháp, như phiên dịch Kinh điển và phục hồi Phạn văn Thần Chú Mật Giáo từ các Tạng Kinh… như đã nêu ở trên, để các Phật tử ở Việt Nam và trên Thế giới có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về Phật giáo.
Tiếc rằng công trình nghiên cứu và hoằng dương này đã phải chấm dứt vào ngày 24 tháng 11 năm 2017 vừa qua.
Trong sự thương tiếc khôn nguôi, chúng tôi nguyện cầu công việc phiên dịch Mật Tạng và các kinh bản Phật Giáo của Đại Tạng Kinh sẽ được tiếp tục và hoàn thiện để làm cho Phật Giáo nói chung và Phật Giáo Việt Nam nói riêng được tỏa sáng khắp mọi nơi.
Biên soạn lại tiểu sử
Quý muội Diệu Lý (Nguyễn Thị Mộng Lý) kính ghi
KHÓC ANH
Khóc anh lệ đổ sông Hằng
Khóc anh mây xám giữa trời rưng rưng
Huyền Thanh hai sắc đen, xanh
Huyền Thanh, hai tiếng nghẹn ngào khóc anh
Bóng câu cửa sổ qua nhanh
Đời anh trụ thế sáu mươi năm tròn
Đất nước gió lửa vẫn còn
Thân anh, tứ đại mỏi mòn rã tan
Chấp niệm tuy vẫn còn mang
Nhất tâm cầu nguyện, liền an một lòng
Trường Giang cuồn cuộn về đông
Dương Giang dậy sóng trào dâng khóc người
Biết anh đi tiếp con đường
Biết anh tinh tấn, hoằng dương đạo màu
Biết anh an tịnh, không sầu
Biết anh cao bộ, tâm sâu an nhàn
Khóc anh khóc ở thế gian
Vui anh vui ở đất lành tịnh yên
Từ đây cho đến thiên niên
Mong anh đốn ngộ, an nhiên một ngày.
16/ 12/ 2017
Quý muội Diệu Lý
Nguyễn Thị Mộng Lý
Ghi chú:
Hầu hết công trình của Huyền Thanh đã được phổ biển trên trang Kinh Mật Giáo. Theo niềm vui trong cuộc sống và di nguyện của Huyền Thanh, cũng như được sự đồng ý của gia đình, chúng tôi xin chia sẻ Nghi thức trì niệm Ngũ Bộ Chú là bản ghi chép cuối cùng đến cho quý Đạo Hữu.