TIÊN, THẦN, TINH, YÊU QUI Y
Hòa Thượng Thích Khánh Anh
Trích Khánh Anh Văn Sao
HOẶC ĐƯỢC THẤY, HOẶC ĐƯỢC NGHE
Ở KINH SÁCH XƯA, TỪ TÂY VỰC
ĐÔNG HOA, ĐẾN TỤC TRUYỀN Ở NAM VIỆT
XIN THUẬT CHÉP LẠI
THÍCH KHÁNH ANH
TIÊN QUY Y
Nói về hiện nay và xưa các lãnh đạo bên đạo Tiên đều quy y Tam Bảo.
Bên Tàu, có ngài Đế Nhàn pháp sư, nguyên là một vị đại Lão sư thủ lãnh đạo Tiên bấy giờ; sau khi nhân dịp được xem kinh sách của Phật học, rồi hiểu thấu lẽ tà chánh, chân vọng, nhứt là giác ngộ cái tâm sao là giác sao là mê, mà Phật đã phân rành rằng “Tứ thánh, lụïc phàm vẫn chỉ một tâm ấy, hễ mê là phàm, giác là thánh, nghĩa là, giác ngộ được tự tâm là Phật, trái lại, mê muội tự tâm là chúng sanh”. Nhân đó Ngài rõ được lý mê với giác, mà tự xét lại trong đạo tiên thì quá ư mê tín, vì lầm chấp lấy cái thân do tinh huyết dâm dục của cha mẹ tạo thành đây, để tu luyện bằng cách vọng tưởng, thì thành cái gì được chớ? Vì căn bản của thân nầy là đồ dâm vọng đó mà! Thế mà muốn luyện cho thành ra một cái khác, như cái sống lâu, cái Thánh Tiên, là không thể được! Bởi nguyên nhân là giống tinh khí bất tịnh, mà làm sao kết quả ra pháp thân thanh tịnh? Thí tỷ như nấu sạn để mong thành cơm thì làm sao mà thành đặng? Vì nguyên nhân nó là sạn, thì làm gì kết quả ra cơm? Thế mà người ta cứ lo nấu mãi, cũng như luyện tinh khí thần hoài, vậy còn cái mê nào hơn nữa?
Nên ngài Đế Nhàn đã hồi đầu giác ngộ, xả tà qui chánh, quy y Tam bảo, rồi đưa lời khuyến chánh ra, bố cáo đạo sĩ rằng: Các ngài mau quày đầu về Phật pháp lo tu tịnh độ đi, nếu có đọa địa ngục, thì tôi chịu đọa thế cho, còn cứ giữ tu theo đạo Tiên, sau có đọa ác đạo thì các ngài tự chịu lấy, chứ tôi không chịu trách nhiệm nữa, vì tôi đã xả Tiên qui Phật rồi”. Câu chuyện của Đế Nhàn trên, chính Sư cụ Lê Khánh Hòa nói lại cho tôi nghe tại Hội quán của Lưỡng Xuyên Phật học hội Trà Vinh. Phải chăng xin thứùc giả chỉnh giùm.
Từ đó, các Lão, các Thái, các Đạo sĩ trong phái tu Tiên ngài lãnh đạo trước kia, nay họ đều cũng quy thuận với Ngài, quy y Phật pháp cả.
Đến như ở xứ Nam Việt đây, ngài Hòa thượng Liễu Đàn, chùa Pháp Hoa (Vĩnh Long), ngài Hòa thượng Pháp Giới (Chợ Lớn), ngài Hòa thượng Tôn Thạnh (Gia Định)… các vị trên nguyên trước kia là bực đại Lão sư cả, được lời khuyến chánh của ngài Đế Nhàn, cũng đều thôi Tiên qua Phật, có vô hội Lưỡng Xuyên Phật Học khi còn hoạt động.
Sách Qui Nguyên Trực Chỉ, ghi sự tích ông Lữ Động Tân, sau khi đấu phép luyện gươm hóa rồng bay đi, để chém đối phương, rốt bị bại trận, phải lạy đức Hòa thượng Huệ Nam để làm thầy truyền quy y cho. Từ đây, Lữ Nham đem nào đờn cầm, nào bầu thuốc… là đồ bí mật của thần tiên, ông đều liệng ráo; chỉ lo mang giữ xâu chuỗi Bồ-đề để tay lần hột, miệng niệm Phật…
Cũng sách trên, chép chuyện của ông Đàm Loan, cũng là bực đại tiên, sau khi gặp được ngài Bồ-đề-lưu-chi, vấn đáp cùng nhau, ông Đàm Loan rõ đặng lẽ mê ngộ, liền quy đầu Phật pháp, thụ tam quy y; kế đem đốt cả kinh Tiên, mà chỉ học tu kinh thập lục quán, niệm Phật không rời. Đến ngày lâm chung, bảo đệ tử niệm Phật, còn ông Loan ngồi chấp tay qua đời. Bấy giờ, quanh vùng ai nấy cũng đều nghe trên không trung có đủ tiếng âm nhạc…
Chính lúc đức Thích-ca mới chứng quả, đi giảng pháp… có hàng trăm cả ngàn người trong các phái Bà-la-môn cũng như đạo Tiên, do các Tổ sư của chúng là: ba anh em ông Ca-diếp-ba; Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất… đều dẫn nhau lũ lượt đến quy y Phật, nguyện thường theo bên Phật.
Tạng kinh chép: ông Đại Ca-diếp, học thông Tứ Vi Đà Điển, là bốn bộ sách lớn nhứt, mà cả quốc dân Ấn Độ đều tôn sùng: tu tiên, thì đã chứng được ngũ thần thông, năm phép linh thiêng hay lạ nhứt mà cả Bà-la-môn đều mong mỏi, vậy danh đức, tài trí của ông, được quốc vương, quan dân tôn trọng biết dường nào!
Nghe Phật đến thuyết pháp trong xứ, ông Đại Ca-diếp thân đến để vấn đạo. Bấy giờ, Phật biết ông tu học đã khá, không thể dùng biện pháp bằng lý thuyết hay văn chương gì mà để cảm hóa được; nên Phật dẫn ra nơi Hàn thi lâm, lấy các xương sọ khô để nghiệm hồi: ông cầm xương sọ nầy lúc lắc một hồi, rồi nói rằng xương sọ của đờn bà vì bịnh sản hậu mà chết, nay đã cách vài chục năm rồi; Phật ấn khả rằng ông xét nói đúng.
– Kế đó, thử đến xương sọ khác, ông cũng cầm lên lắc một hồi rồi nói là cái xương óc của đờn ông; Phật nhận rằng nói và thấy biết không sai, nhưng nguyên người đó, lúc sanh tiền có làm ác hay làm thiện, đến ngày cuối cùng, chết vì bệnh gì? Ông đưa sọ lên bên tai, lắc và gõ để nghe một chặp rồi nói: người nầy hồi còn sống có tu thiện, vì là có thụ tam quy, sau vì bịnh già yếu mà chết. Phật khen quả thật như thế…
Rồi đến cái sọ sau, thì ông lắc hoài, gõ mãi, nghe luôn đã hằng lâu, mà rốt rời ông cũng chả nhận thấy, xét biết được là chỉ cả! Tức mình, ông hỏi lại Phật? Phật khai giác rằng: đối với xương óc đây mà ông chẳng xét thấu được, là vì Trí chứng của ông chỉ mới có 5 thần thông bên đạo Tiên, còn sọ đó là của người đã chứng đủ 6 thần thông bên đạo Phật. Lại nữa dẫu thần tiên chứng ngũ thông, nhưng còn hữu lậu, vì còn luân hồi trong ba giới nên không biết được Thánh tăng chứng lục thông là vô lậu, vì đã đoạn hoặc chứng chân, giải thoát ngoài tam giới; tóm lại, ông là người ở trong tam giới, nên chưa xét thấy được người tâm đã siêu thoát ngoài ba giới, là vậy.
Ca-diếp lại gạn: lấy gì làm bằng để chứng kiến đến đó, mới được tin chớ? Tức thời Phật gia bị cho nương theo “Phật nhãn quang minh” mà ông thấy rõ được tiền thân, hậu quả của cái sọ của vị La-hán ấy, chả khác như ông tự thấy trái am-la-lặc nằm trong tay, sát trước mắt, bằng một cách rất rõ rệt.
Đến đây, ông mới chịu phục, rồi quy y Phật, xin theo học Phật, để tu tập pháp vô lậu học. Từ đây, ông đem tất cả kinh sách khí cụ là những đồ nghề, đồ phép của đạo Tiên đều quăng cả xuống suối.
Cũng như ông anh cả của hai ông Ca-diếp kia. Sau khi quy y Phật rồi, cũng đem liệng hết thảy những đồ đạc quý giá để thờ tổ Hỏa Thân xuống sông, nổi trôi lều bều v.v…
THẦN QUY Y
Thần – Cọng quy y
Sư ông Giác Tánh hòa thượng là vị kế tổ đời thứ tư chùa Thiên Ấn, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyên là người trung niên xuất gia, vì từ Nho qua Thích, có kiêm thông nham độn, có giới đức lớn, quở người, người ấy bị đau, có tánh linh tri biết chuyện sắp đến, và có Thần linh âm phò mặc tướng, như là:
1) Chùa có mấy tịnh nhân (dân chùa) lo làm ruộng rẫy của chùa, để có huê lợi cho chúng Tăng tự túc, nên có nuôi một bầy bò để lợi dụng thú lực; lúc nửa đêm nọ, ông thần linh ở tại miễu Cây Cọng trước sân chùa, vào kêu Sư ông để mách bảo rằng: Bọn ăn trộm nó lùa bầy bò xuống núi rồi, nhưng tôi không cho nó đem đi xa, vì bắt nó đã buộc vào trong lùm cây dưới hố, đến sáng, đức thầy bảo mấy huynh đạo xuống lùa về.
2) Chúng đạo giã gạo khuya, đói bụng, nên nấu cơm tấm ăn, còn dư, không dám để trong nhà chùa, vì sợ Sư ông hay dậy sớm, đi kiểm điểm gặp thấy! Nên đem rá cơm đút giấu dưới cái tợ tại miễu ông Thần Cộng, Thần vào phương trượng méc với sư ông rằng: Các huynh đạo đem ra thứ gì như cơm mà chẳng phải cơm gởi hay là cho, mà chả thấy nói chi cả. Sư ông bảo thầy thủ tọa ra bưng vô một nửa rá cơm tấm.
3) Bọn ăn trộm vào chùa lấy hết đồ vật, đem ra chất một đống, tại cửa ngõ phía đông; ông thần vào cho Sư ông hay rằng: Ba thằng hôm đó nó lấy đồ chùa hết rồi, nhưng tôi chẳng cho chúng đem đi, hiện giờ, bắt nó nằm ngủ mê tại đó, sáng, thầy bảo các đạo ra đem về. Quả nhiên, sáng, chúng còn ngủ, đánh thức dậy, chúng lạy thú tội và xin quy y…
Còn nhiều thành tích linh hiển không thể kể nốt; sau Thần Cọng xin quy y, sư ông cho pháp danh là Ấn Cọng (nghe đức thầy Hoằng Tịnh nói lại, và Tăng chúng hiện còn truyền tụng)
QUAN ĐẾ QUY Y
Đức Trí Giả đại sư, là vị Tổ đời thứ tư phái Thiên Thai; lúc đầu ngài ngồi trong cái bộng của cây lớn, đêm lại, có một con rắn quá to, rất dài, đến án họng chong vào cửa bộng! Kế đến vô số yêu tinh quái mị, đến vây liệng đá sạn đất bụi…!
Kế đền có hai vị già và trẻ, dung mạo hiên ngang, đến quỳ gối trước xin lỗi, vì những quái gở khi hồi, là chúng tôi hiện ra để thử ngài, sang cũng nhờ có thế, mới biết được ngài đã có sức định huệ vững vàng! Nhẫn đến tự xưng tên là: Quan Vũ, Quan Bình, xin quy y, thụ ngũ giới, nguyện ăn chay trường, và kiến trúc ngôi Ngọc Tuyền tự, để thỉnh đức thầy Trí Giả ở đó… Còn linh kỳ hơn nữa, thấy rõ ở chương sau tờ thứ 30 của tập sách “Phật giáo vấn đáp” bằng chữ Nho, tác giả là Hải Thi, nhà in Thương Vụ xuất bản.
ĐÔNG NHẠC ĐẾ QUY Y
Đức Thiền sư hiệu Nguyên Khuê, chùa Nhàn Cư non Tung Nhạc; có một vị thần đến lạy đức Thiền sư, rồi tự xưng là Đông Nhạc Thánh Đế, cầu xin thụ tam quy và ngũ giới… nguyện cho làm một công quả chi, để đền ơn Tam Bảo, Sư bảo: với sanh tử là việc gấp, không lo, để lo chuyện gì là ơn với nghĩa! Thần nài rằng: Phật còn cho các Thần hộ pháp, sao thầy lại trái pháp phương tiện của Phật ư?
Bất đắc dĩ, Sư bảo: phía bắc chùa có núi, không phải án binh mà lại có cây; phía đông chùa là trước bình phong mà núi lại chẳng có cây cối; vậy Thần có thể dời đổi núi được hay không? Thần y giáo phụng hành, và dặn: tối nay, có sự biến động chi, Thầy bảo Tăng chúng đừng sợ! Quả nhiên, tối lại, thôi thì, gió mưa, sấm chớp, vang động rần rần! Đến sáng cả bao lâm mộc đều run mậu qua núi phía Đông, mà bên Bắc lại trơ trọi là núi đất v.v… còn những lời của Thần và sư vấn đáp nhau, có lắm điều hay tuyệt, đủ chép ở trong Bổn Truyện, văn nhiều không thể biên hết!
TINH QUY Y
Được nghe các nhân vật ở miệt Tây Ninh, Gia Định nói có cái tục truyền rằng: tại núi tỉnh Tây Ninh, có một vị nữ sơn tinh, hiển linh, nguy hiểm lắm! Vì thường hiện hình hớp hồn người, nếu ai chọc ghẹo. Mà vị nữ tinh nầy, thân tướng, đen lắm, nên người miệt ấy, ban đầu còn gọi là Bà Đen, sau thấy linh thiêng, uy mãnh quá, riết rồi phải kiêng sợ, cho đến nay cũng không dám kêu Bà Đen nữa! Mà chỉ gọi chỗ ấy là Điện Bà.
Có một Hòa thượng mà, người ở bản xứ không ai biết được danh hiệu là chi (có người để là tổ Bảo Thanh người ở tỉnh Phú An nào đó) chỉ gọi là “Hòa thượng đỉa”. Nghĩa là: dưới núi ấy có cái bàu nước, mà có thứ đỉa gì ghê quá, vì con rất to, nếu bò, trâu mà lội xuống đó, chúng nó bu cắn đến chết, huống chi là người! Nhân dân ở miệt ấy bị nạn đó chết cũng nhiều! Họ còn truyền tụng: Vị Hòa thượng ấy là người đâu ngoài vô, đến đó, Ngài phát nguyện để độ bàu đỉa đấy. Ngài xuống nước, ngồi kiết già, chấp tay, nhập định; bấy giờ đỉa thôi nhiều đến vô số, chúng bu chồng chất trên cả thân thể của Ngài chẳng khác nào như một đống con đồn đột. Nhưng chúng bu vô bao nhiều liền tiêu ra nước bấy nhiêu, cứ thế, từ gần, rồi đến xa, chúng cứ gom lại bu hoài, tiêu mãi, in tuồng đống nước đá lần hồi tan ra nước hết. Thế nên người ta tôn xưng là Hòa thượng đỉa.
Nhân dân cảm đức, chung sức dựng am, thỉnh Ngài ở đó (trên núi); bấy giờ, vị nữ sơn tinh ấy, trước thì hiện hình cọp, voi… ma quỷ để hù nhác! Kế hiện hình gái đẹp lả lơi để khêu ghẹo… riết rồi phục tội hiện nguyên hình ra sám hối xin quy y.
Đối với đức Hòa thượng, từ đây Bà Đen kính phục và lo hộ thầy để đền ơn: Bà xuống xóm, cứu dẫn những người có bịnh hoạn bằng cách âm thầm khiến họ lên núi, để nhớ ơn Hòa thượng tế độ mà bịnh gì cũng đều được lành mạnh! Nhân đấy, trước gần sau đến nơi xa, cả nhân dân chung quanh vùng Tây Ninh đều quy hướng sùng bái. Thành thử, thời gian qua chùa thêm tráng lệ, hương hoa nhiều nhứt hơn cả các chùa ở lục tỉnh.
YÊU QUY Y
Ở tỉnh Quảng Nghĩa, có tục truyền rằng: tại làng Vạn Tượng (cách dưới thành chừng 2-3 cây số ngàn) có một cặp vợ chồng (người ta có nói tên họ mà tôi quên) kia nhà nghèo, sanh đặng một gái đầu lòng, đặt tên là “Xấu”, vì diện mạo thô hèn, vả lại chẳng có xương sống, đã được 15 tuổi rồi mà cũng vẫn nằm mãi, chứ không hề ngồi hay đứng đi gì được.
Thường để con nằm trong cái võng có buộc sợi dây gần bên, để cho con nắm dây tự đưa võng: cha mẹ hằng ngày lao động ngoài vườn, ngoài ruộng, đến bữa về nấu ăn, nghỉ. Mỗi bữa đi công tác về nhà, thì thấy hoặc cơm hay đồ ăn trong nhà vẫn bị ai ăn mất hoài, vợ chồng cũng tưởng là bên xóm có đứa nào đến ăn vụng, hỏi con mình thấy có ai tới phá không? Thì cô Xấu chỉ ứ ứ chớ chẳng ra dấu ra bộ chỉ chỏ gì, vì từ nhỏ cô Xấu vẫn câm.
Tức giận quá! Bữa nọ vợ chồng anh, cũng giả như hằng ngày, ra vườn làm công việc, rồi anh lén sau nhà rình coi, té ra mới bắt gặp được: thấy con nằm trong võng nó le cái lưỡi dài ước có bốn năm thước, để liếm ăn cái trách cá ở chỗ cách xa cái võng. Thấy thế, người cha hoảng la lên và quở rằng: Họa mầy là con Yêu sao chớ!? Bấy giờ cô Xấu bỗng đứng dậy ứng tiếng nói thú thật và từ giã rằng: Yêu chẳng yêu! Vậy xin cáo biệt mẹ cha, con không ở đây nữa, vì lộ ra rồi.
Nói rồi, cô khinh thân bổng lên trên không trung như đi nửa lừng, rồi biến đâu mất. Từ đó về sau, lâu lâu, thoảng vãng đi về thăm viếng, khi ẩn, khi hiện, thường hiện hình xuống miệt cửa đại (cửa biển) nơi làng Cổ Lũy, làng An Thổ (cách thành Quảng Ngãi 6, 7 ngàn thước) để đi lại lẫn với người đi đường, có những cậu thanh niên nào hợi dê theo chọc gái thì liền bị hớp hồn chết ngay.
Có nhiều lúc, người ta thấy nhà chỗ này cháy, cô đứng trên ngọn lửa, đầu bỏ xả tóc, vỗ tay cười, dân chúng làng An Thổ xúm lại chữa lửa tắt, tức thì nhà chỗ khác nổi cháy, cô cũng chơi cái cách như trên, mà rốt rồi, nhà vẫn y nguyên, chứ không phải cháy như hỏa hoạn bị thiệt hại. Lâu lâu có bận như thế, nên riết rồi, người ta biết cô chơi như vậy, mà không lo chữa lửa nữa.
Đã thấy nhiều điều linh dị như thế nên người ta không dám kêu cô Xấu nữa mà phải gọi rằng Cô Tốt; cả bổn xứ ai cũng biết rõ rồi. Cô không thể gạt chơi được nữa, nên từ đây cô lại thường hiện hình giả gái, để quá giang ghe bầu, vô miệt tỉnh Phú An…; nghe đâu cô vào quy y thụ giáo nơi một vị Hòa thượng nào đó.
Câu chuyện lạ đời trên, tôi được nghe những người lớp trước nhắc lại như thế; đến năm Đinh Mão (1927) tôi vào lãnh việc Phật học giáo viên tại trường Thích Nữ học đường ở chùa Giác Hoa, Cái Dầy, Sóc Trăng do bà Huỳnh Toại Nga (Hai Ngó) làm thí chủ. Hòa thượng Như Hiển, Phi Lai chứng minh, Hòa thượng Chân Niệm, Trùng Khánh, pháp sư có hai thầy Hòa thượng Vạn Ân, Yết Ma Vạn Pháp ở Phú An tỉnh, vào cũng giúp việc giáo viên; sẵn dịp tôi hỏi chuyện trên… thì hai thầy đáp rằng có nghe nhắc lại: Bà Tốt từ Quảng Ngãi vào, xin đức Tổ chùa Thiên Tôn quy y cho, và ở ngoài ngỏ tam quan; bà thường hiện hình gái, đón đàn bà đi chợ để đưa tiền gửi mua vật thực, nhưng đến khi lấy tiền ấy ra trả cho người bán thì ra nó hóa miểng sành! Một hai người biết, lấy tiền thiệt của mình mua đồ về giao cho bà, bà cười, cũng đem tiền thiệt trả lại và biến mất. Mà từ quy y về sau không hớp hồn giết ai nữa…