TỊNH ĐỘ YẾU MÔN
“THUYẾT TAM TÂM CỦA NHỊ TỔ TỊNH ĐỘ THIỆN ĐẠO ĐẠI SƯ”

(TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ CỦA ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO – Việt dịch: Cư Sĩ Liên Mãn)

 

Như đã đề cập ở trước, cho dù Đức Phật A Di Đà có nguyện lực rộng lớn, có thể độ khắp chúng sanh, nhưng nguyện lực này của Ngài cũng không thể tự phát khởi tác dụng lên chúng sanh được, nó đòi hỏi chúng sanh trước tiên phải có mong muốn được Vãng Sanh. Thuyết tam tâm mà Đại Sư Thiện Đạo đề cập, chính là vị trí của chủ thể Niệm Phật.

TÂM CHÍ THÀNH

Tâm chí thành tức là tâm chân thật, Đại Sư Thiện Đạo nói: Chí là chân, thành là thật. Ngài cho rằng, chúng sanh phải lấy chân thật làm nền tảng để phát khởi tu hành trên cả ba phương diện thân, khẩu, ý. Không thể bên ngoài hiện tướng hiền thiện tinh tấn, bên trong ôm lòng giả dối cần phải tâm khẩu nhất như, nếu tu hành không chân thật thì không thể Vãng Sanh Tịnh Độ.

Đức Phật A Di Đà khi còn là Bồ Tát, nhất cử nhất động, cho đến bốn mươi tám nguyện của Ngài đều đặt nền tảng trên sự chân thật. Nay chúng sanh muốn nương vào Đức Phật A Di Đà để được Vãng Sanh thì nhất định phải lấy Phật A Di Đà làm gương để tu hành, nếu không thì không thể phù hợp với thệ nguyện của Ngài, hẳn nhiên sẽ không thể giải thoát.

Đại Sư Thiện Đạo cho rằng chân thật hàm ý trên hai phương diện, tức là chân thật tự lợi và chân thật lợi tha. Người chân thật tự lợi là trong mỗi niệm đều xả bỏ các việc ác, xả ly uế độ và niệm niệm siêng tu các điều thiện.

Nói về vấn đề siêng tu, Tông Tịnh Độ lại lý giải trên hai phương diện: Tu thiện tức là dừng ác, mà dừng ác cũng chính là tu thiện, nên tu thiện và dừng ác đều quan trọng như nhau, không thể thiếu một trong hai.

Chân thật lợi tha, tức là chúng ta lấy việc bỏ ác song song với siêng năng hành thiện để gây ảnh hưởng đến cộng đồng, khiến cho họ bỏ ác làm lành, cũng siêng Tu Tịnh Độ giống như chúng ta.

Cũng có nghĩa là: Ta muốn làm nên thì giúp người làm nên, ta muốn thành đạt thì giúp người thành đạt. Đại Sư Thiện Đạo cho rằng, trong toàn bộ việc tu hành thì tâm chân thật rất quan trọng.

Người tu hành mà không có tâm chân thật là một thứ thiện tạp độc, là hành vi lừa gạt, một là lừa mình, hai là lừa người. Đức Phật A Di Đà là bậc toàn tri toàn năng, bất luận chúng sanh có hành vi giả dối ra sao đều không qua được pháp nhãn của Ngài.

Nếu chúng sanh dùng thiện tạp độc để cầu sanh Tịnh Độ, sẽ vĩnh viễn không đạt được mục đích. Người muốn Vãng Sanh Tịnh Độ là người đã thật sự cảm nhận được một cách sâu sắc cuộc sống nhân sanh đau khổ, là vì muốn giải thoát triệt để, là muốn thành toàn việc lớn của một đời người. Nếu ai tự lừa dối mình, mới chỉ xét trên mặt tự lợi, kết quả đã phải vĩnh viễn bị đọa trong biển khổ của kiếp người.

Nguy hại của việc tự lừa dối mình không chỉ giới hạn nơi tự thân kẻ đó, mà còn làm liên lụy đến người khác. Bởi vì trong lòng họ giả dối, nhưng bên ngoài lại hiện tướng siêng năng, mọi người nhìn thấy người nọ siêng năng như vậy mà còn không được Vãng Sanh, liền đâm ra nghi ngờ khả năng Vãng Sanh của mình.

Vô hình trung, người mà bên ngoài hiện tướng hiền thiện tinh tấn, bên trong ôm lòng giả dối kia đã làm ảnh hưởng tín tâm của mọi người đối với tín ngưỡng Tịnh Độ, rốt cuộc làm trở ngại bước chân của chúng sanh tiến lên con đường giải thoát, tội này chẳng phải nhỏ.

Ngược lại, nếu tất cả đều xuất phát từ tâm chân thật của chúng ta, thì ngay đó đã đem đến cho người khác tấm gương Vãng Sanh, gián tiếp dẫn dắt mọi người quay về nương tựa vào Tịnh Độ.

Theo một số sách ghi lại hành trạng của Đại Sư Thiện Đạo, thì Ngài đúng là một bậc mô phạm: Hơn ba mươi năm Ngài chưa từng đặt lưng xuống chiếu, rất ít ngủ nghỉ, trừ tắm rửa ra thì thân không rời Ca Sa. Tu hạnh Bát Chu Tam Muội, lấy việc Tụng Kinh lễ Phật làm hạnh nghiệp, giữ gìn giới hạnh một mảy may cũng không phạm. Ngài chưa từng liếc mắt nhìn

Nữ Nhân, không móng tâm danh lợi, cũng không từng có một lời nói đùa.

Tinh thần của Đại Sư Thiện Đạo ảnh hưởng rộng đến mọi tầng lớp trong xã hội thời bấy giờ, đến nỗi: Tăng tục trong Kinh Thành và các Châu, có người tự gieo mình từ núi cao xuống vực, hoặc có người tự trầm mình vào dòng suối sâu, hoặc có người tự gieo mình từ trên cành cây cao xuống, hay là thiêu thân cúng dường, xa gần cũng khoảng hơn trăm người.

Họ tu các phạm hạnh, xả bỏ vợ con, đọc tụng Kinh A Di Đà từ mười vạn đến ba mươi vạn lần, niệm danh hiệu Phật một ngày được một vạn năm nghìn câu đến mười vạn câu, đắc Niệm Phật Tam Muội, những người được Vãng Sanh Tịnh Độ nhiều không kể xiết. Xem đây thì đủ biết, Đại Sư Thiện Đạo có sức ảnh hưởng vô cùng lớn lao đối với quần chúng thời bấy giờ.

TÂM TIN TƯỞNG SÂU SẮC (TÂM TÂM)

Trong Quán Kinh sớ, Đại Sư Thiện Đạo nói: Nói thâm tâm, tức là tâm tin tưởng sâu sắc. Thâm tâm còn gọi là thâm tín, tức là tâm tin tưởng sâu sắc, là có tín tâm sâu dày đối với Phật Pháp. Đại Sư Thiện Đạo rất xem trọng thâm tâm, Ngài triển khai trình bày và phân tích trên hai phương diện chủ thể và khách thể.

Phương diện thứ nhất, Đại Sư Thiện Đạo cho rằng chủ thể cần phải xác định tâm tin tưởng sâu sắc thế nào, tức là phải tin tưởng rằng chính ta đang là một phàm phu sống trong thời Mạt Pháp, cần phải phủ định hoàn toàn khả năng của tự thân, không thể nương vào sức của mình để được Vãng Sanh thành Phật.

Phương diện thứ hai, Đại Sư Thiện Đạo lại từ phương diện khách quan xác lập tâm tin tưởng sâu sắc, nội dung có ba điểm: Phải tin tưởng tuyệt đối vào bốn mươi tám nguyện nhiếp thọ chúng sanh của Đức Phật A Di Đà, chúng sanh nương vào nguyện lực của Phật, chắc chắn được Vãng Sanh. Phải tin tưởng nhị thiện định tán, Cửu Phẩm, Tam Phước mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói trong Quán Kinh.

Tin tưởng sâu sắc Kinh A Di Đà, Chư Phật đến chứng tín cho việc xưng danh được Vãng Sanh. Thông qua việc trình bày và phân tích chặt chẽ, Đại Sư Thiện Đạo đã xác định tầm quan trọng của Kinh Điển Tịnh Độ trong thời Mạt Pháp, Ngài mong mỏi mọi người có niềm tin thật vững chắc đối với Tịnh Độ.

Xét trên bề mặt, hai phương diện chủ thể và khách thể của thâm tâm có chút mâu thuẫn, Đại Sư Thiện Đạo nhấn mạnh rằng trên thực tế hai phương diện này hoàn toàn thống nhất với nhau.

Theo Đại Sư Thiện Đạo, chúng sanh tội ác sâu nặng khó có thể được cứu, bởi vì nhận thức trọn vẹn được trình độ của tự thân là vô cùng yếu ớt, dựa vào tự lực thì không có cách nào được giải thoát, nên họ có thể buông bỏ tất cả những thấy biết lệch lạc, một lòng trông mong vào nguyện lực từ bi của Đức Phật A Di Đà.

Nhìn theo góc độ này thì chúng ta cách cõi nước Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà không xa. Ngược lại, nếu tự thị trình độ của mình là giỏi, không tin tưởng rằng ta là chúng sanh cần nương vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà thì giữa Ngài và chúng ta có khoảng cách rất xa.

Đại Sư Thiện Đạo cho rằng một khi đã có được tâm thâm tín thì chúng ta sẽ chỉ một lòng tin tưởng vào lời Phật, trong Kinh Đức Phật dạy như thế nào thì chúng ta vâng làm như thế ấy. Hẳn nhiên, sẽ xuất hiện những người lợi dụng Kinh Điển của Đức Phật để phê bình tình hình tín ngưỡng Tịnh Độ.

Đại Sư Thiện Đạo cho rằng trước tiên chúng ta phải có tín tâm kiên cố không dao động, tiếp theo cần nhận thức rằng Đức Thế Tôn Thuyết Pháp luôn phù hợp trình độ thính chúng.

Kinh Điển Tịnh Độ là Như Lai nói cho chúng sanh thời Mạt Pháp, không nên dùng những Kinh Điển khác của Ngài để phê bình Kinh Điển Tịnh Độ.

Tóm lại, chỉ cần chúng sanh khắc cốt ghi tâm rằng: Thân ta là phàm phu tội ác không có cơ hội giải thoát, chỉ nương vào nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mới có thể được Vãng

Sanh. Giữ được tín tâm không dao động thì đây chính là tiến trình để chúng sanh tu hành tiến vào Tịnh Độ của Đức Phật A Di Đà.

TÂM HỒI HƯỚNG PHÁT NGUYỆN

Hồi hướng phát nguyện là một điểm rất đặc sắc của Phật Giáo. Hồi là hồi chuyển, hướng là thú hướng. Bất cứ ai thuộc tín đồ Phật Giáo, khi tạo tác điều gì hữu ích cho Phật Pháp đều nên hồi hướng phát nguyện, tức là hồi chuyển công đức mà ta đã tu hành được, hướng đến kỳ vọng vào bản thân.

Trong Tông Tịnh Độ có hai loại hồi hướng: Một là vãng tướng hồi hướng, tức là đem công đức mà ta đã tạo tác chuyển tặng cho tất cả chúng sanh, hi vọng tất cả cùng đồng được Vãng Sanh về Quốc Độ của Đức Phật A Di Đà.

Hai là hoàn tướng hồi hướng, là sau khi Vãng Sanh về Tịnh Độ, thành tựu tất cả công đức, vị Bồ Tát này sẵn lòng quay lại Thế Giới Ta Bà để giáo hóa chúng sanh, giúp họ quay về Tịnh Độ.

Đại Sư Thiện Đạo cho rằng thiện hạnh của vãng tướng hồi hướng có hai phương diện: Một là thiện hạnh mà bản thân người đó đã tu tập được, bao quát tất cả công đức thiện hạnh đã được tạo tác từ quá khứ, hiện tại và tất cả công đức thiện hạnh đã được tạo tác từ thân, khẩu, ý của họ.

Thiện hạnh thế tục tức là giới phước và hạnh phước. Giới phước là giữ đủ các giới đã thọ, không phạm oai nghi. Hạnh phước là phát tâm Bồ Đề, tin nhân quả, đọc tụng Kinh Điển Đại

Thừa, khuyên người tu tập. Một phương diện khác của vãng tướng hồi hướng là tùy hỉ thiện hạnh.

Tùy hỉ hàm nghĩa trên hai mặt: Một là thấy người khác có điều vui, ta cũng tùy hỉ với niềm vui của người. Hai là vui theo việc xả thí trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ cũng là việc bố thí, nếu người giàu có thí xả tiền của, vải vóc, thì kẻ nghèo khó bố thí ngụm nước và bó rau… Tất cả đều xuất phát từ sự vui vẻ trong nội tâm.

Phát nguyện là chỉ cho việc chúng sanh nên phát khởi thệ nguyện Vãng Sanh Tịnh Độ. Trong tín ngưỡng Tịnh Độ, sự phát nguyện có vị trí rất quan trọng. Trong Bộ Kinh A Di Đà, Đức Phật trước sau ba lần khuyên chúng sanh nên phát nguyện.

Lần thứ nhất là sau khi mô tả sự trang nghiêm trên Thế Giới Tịnh Độ Tây Phương, Đức Thế Tôn khuyên: Chúng sanh nghe như vậy, cần nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia.

Lần thứ hai, khi khai thị nghe nói về chấp trì danh hiệu Đức Phật A Di Đà, Thế Tôn nói: Chúng sanh nghe lời này, phải nên phát nguyện sanh về nước kia.

Lần thứ ba, khi khai thị chúng sanh nên phát nguyện Vãng Sanh, Ngài nói: Nếu có niềm tin, phải nên phát nguyện sanh về nước kia.

Vì vậy, Đại Sư Thiện Đạo nói: Tâm thâm tín này cứng chắc như Kim Cang, một dạ nhất tâm, một lòng chính trực, không bị những kiến giải, những môn học khác, hay những người tu theo hạnh khác… làm lay động hay phá hoại được.

Tóm lại, tâm chí thành mà Đại Sư Thiện Đạo nói đến chính là tâm chân thật, là tâm mong mỏi được Vãng Sanh không chút giả dối. Tâm tin tưởng sâu sắc là tâm tin tưởng trọn vẹn vào nguyện lực của Đức Phật. Tâm hồi hướng phát nguyện là tâm hồi hướng tất cả những điều đã tu tập được, để cầu nguyện Vãng Sanh.

Ba tâm này gọi chung là an tâm, tức là đem tâm đặt vào nơi ba việc: Sở cầu Tịnh Độ, sở quy Đức Phật A Di Đà và sở hành Niệm Phật.

Trọng điểm của ba tâm là an tâm, do đó, Đại Sư Thiện Đạo nói: Ba tâm (tam tâm) đầy đủ thì hạnh nào cũng được thành tựu, nếu người có đủ ba tâm này mà KHÔNG ĐƯỢC VÃNG SANH LÀ CHUYỆN KHÔNG THỂ XẢY RA.