thủy thiên

Phật Quang Đại Từ Điển

(水天) Phạm: Varuịa. Hán âm: Phạ rô noa, Phạ lâu na, Bà lâu na, Phật lâu nã. Một trong 12 vị trời của Mật giáo, 1 trong 8 vị trời che chở cho thế gian ở 8 phương, là vị trời giữ gìn phương tây, là chúa dòng họ Rồng. Thủy thiên vốn là vị thần của Bà la môn giáo ở Ấn độ đời xưa, chủ về sông ngòi, coi việc cúng tế, duy trì đạo đức, thưởng thiện phạt ác… Trong Hiện đồ mạn đồ la Thai tạng giới của Mật giáo có 2 vị Thủy thiên: 1. Thủy thiên ở phía bắc của cửa Tây thuộc viện Ngoại kim cương bộ, thân có màu đỏ, trên đầu có 9 cái đầu rồng(hình dáng con rắn), tay phải để ngang ngực, cầm vòng dây, tay trái đặt ở cạnh sườn. Có thuyết cho rằng đây là vợ của Thủy thiên, còn vị trời trên đầu có 7 đầu rồng, tay trái nắm lại đặt ngang eo mới là Thủy thiên. 2. Thủy thiên ở phía nam của cửa Tây, tay phải cầm thanh gươm, tay trái cầm hoa sen, trên hoa sen có ngôi sao. Vị trời này thường bị ngờ lầm là Thủy diệu. Trong Ngoại kim cương bộ thuộc Mạn đồ la Kim cương giới, Thủy thiên được an trí ở phía bắc, tay phải cầm dây rồng, tay trái đặt ở eo, ngồi trên lá sen. Hình tượng Thủy thiên phổ thông thường dùng là theo thuyết của Lược bản Du già hộ ma quĩ và Thập nhị thiên quĩ, tức là Thủy thiên ở trong nước, đầu đội cái mũ có 5 con rồng, ngồi trên lưng con rùa, tay trái cầm dây rồng, tay phải cầm thanh gươm. Ngoài ra, pháp tu thờ Thủy thiên làm Bản tôn, gọi là Thủy thiên pháp. [X. phẩm Cụ duyên kinh Đại nhật Q.1; phẩm Bí mật Mạn đồ la Q.5; kinh Đà la ni tập Q.11; kinh Đại luân vân thỉnh vũ Q. thượng; Lưỡng bộ mạn đồ la nghĩa kí Q.3]. (xt. Bát Phương Thiên; Thập Nhị Thiên).