(摩呵男) Phạm, Pàli: Mahàmàna. I. Ma Ha Nam. Cũng gọi: Ma ha na ma. Hán dịch: Đại hiệu, Đại danh. Tên của vị đệ tử Phật, là 1 trong 5 Tỉ Khưu được Đức Phật hóa độ đầu tiên. Trong kinh Trung Bản Khởi ghi tên ngài là Ma Nam Câu Lợi (Phạm: Mahànàma- Koơiya), trong Phật sở hành tán, ngài được gọi là Thập Lực Ca Diếp. Ngài là 1 trong 5 người của hoàng tộc được vua Tịnh Phạn chọn đi theo hầu Thái tử Tất Đạt Đa khi Thái tử vượt thành xuất gia; sau khi Thái tử đắc đạo thành Phật, chuyển pháp luân lần đầu tiên ở vườn Lộc Dã, để độ cho ngài và 4 vị kia đều đắc đạo, chứng quả A La Hán. Về sau, ngài hộ trì đức Phật giáo hóa chúng sinh. Phẩm Đệ tử trong kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 3 (Đại 2, 557 thượng), nói: Mau chóng thành tựu thần thông, trong đó không có hối tiếc, chính là Tỉ Khưu Ma Ha Nam. [X. kinh Thị giả trong Trung A Hàm Q.8; kinh Quá khứ hiện tại nhân quả Q.3; luật Tứ phần Q.32; luận Đại tì bà sa Q.182; Pháp hoa văn cú Q.1, thượng, Đại đường tây vực kí Q.7]. II. Ma Ha Nam. Cũng gọi Thích chủng ma ha nam (Phạm: Sakkamahànàma), Ma ha nam thích, Thích ma nam. Vị cư sĩ Phật tử thuộc dòng họ Thích Ca ở thành Ca Tì La Vệ, Trung Ấn Độ. Luật Ngũ Phần quyển 15 và Hữu Bộ Tì Nại Da Phá Tăng Sự quyển 2, đều nói ngài là con của vua Hộc Phạn. Còn luận Đại Trí Độ quyển 3 và Đại Sự (Phạm:Mahàvastu) thì cho rằng ngài là con vua Cam Lộ Phạn. Sau khi người em là A Na Luật xuất gia thì ngài đảm trách các việc trong nhà, rất kính trọng giáo pháp của Phật, thường cúng dường thuốc thang, y phục và thức ăn uống cho chúng tăng. Bài kinh Khổ Ấm trong kinh Trung A Hàm là do ngài thỉnh Đức Phật tuyên thuyết. Cứ theo kinh Tăng Nhất A Hàm quyển 26 chép, thì lúc vua Tì Lưu Li thành Xá Vệ đánh giết dòng họ Thích Ca ở thành Ca Tì La Vệ, ngài Ma Ha Nam đã tự nguyện chết trong nước để cứu dòng họ Thích. Có thuyết cho rằng Thích Chủng Ma Ha Nam này chính là Tỉ Khưu Ma Ha Nam nói ở trên. [X. kinh Tạp A Hàm Q.29, 30; kinh Tăng Nhất A Hàm Q.3, 35; kinh Phật Bản Hạnh Tập Q.11, 58; luật Ngũ Phần Q.3].