NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Trả Lời Sư Hải Thự
Diễn Đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời sư Hải Thự
Bạn bè gởi cho tôi bài văn gợi ý đăng trên tờ Thời Sự Tân Báo, Quang tôi mong tọa hạ phát huy đạo Phật, Tổ nhiệm mầu để kết pháp duyên. Tọa hạ nêu lên bảy đề tài:
1) Chấp tâm ở bên trong:
2) Trực chỉ kiến tánh là tâm, không phải là nhãn.
3) Sắc Ấm vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.
4) Nhãn Nhập vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.
5) Mười hai xứ vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh.
6) Địa đại châu biến (trọn khắp)
7) Nhất tâm nhị môn.
Sai Quang tôi soạn luận, bảo là để làm khuôn mẫu. Quang tôi tuổi nhỏ kém học vấn, lớn lên vô tri, lại thêm túc nghiệp sâu nặng. Vừa sanh ra đã mắc bệnh mắt, gần hơn mười năm qua, hết thảy kinh luận đều chẳng thể đọc, chỉ chấp trì Phật hiệu, sám trừ túc nghiệp; mong cậy vào Phật từ lực, mau sanh về Tây Phương mà thôi. Làm sao có thể soạn luận, huống gì làm khuôn mẫu cho được? Khiêm cung tự chăn giữ mình quả thật còn tốt hơn, chứ ý kiến sai lầm, sao có thể trình bày tường tận cho được? Phàm muốn phát huy những chỗ sâu thẳm của kinh Lăng Nghiêm, của Luận Khởi Tín, sao không lấy ý Thích Ca Như Lai và Mã Minh Bồ Tát, cùng những chú giải kinh này, luận này của lịch đại cổ đức? Trái lại, còn toan lấy ý Quang tôi làm khuôn phép. Khác nào nhà Nho muốn phát huy học vấn truyền thừa[1] của nhị đế tam vương, Khổng, Mạnh, nhưng không lấy Tứ Thư Ngũ Kinh, Thập Tam Kinh làm khuôn mẫu, lại lấy câu ca tiếng hát của tiều phu, mục đồng làm khuôn mẫu; người dệt vải muốn dệt gấm cổ hồi văn chẳng lấy cách thức của người dệt gấm làm mẫu mực, lại lấy cách thức của người bện chiếu cói làm khuôn mẫu. Sao lại điên đảo đến nỗi như thế!
Tuy vậy, con người giao tiếp với nhau, chỉ quý ở chỗ ai nấy tận hết sức mà thôi. Xưa có đứa bé trai ôm cát cúng Phật, Phật liền tán thán thâu nhận, bởi lẽ cát là thứ mà sức đứa trẻ có thể lo liệu được. Lòng thành cúng cát và sự cúng dường trân tu diệu vị bằng nhau chẳng khác. Nay Quang tôi đem cát là thứ mình dễ sắm sửa được để dâng lên tọa hạ. Dẫu biết là vô dụng, giãi bày lòng thành, cũng có thể dùng để trải đất, mong diệt được tội cấu của mình, tăng trưởng ruộng phước cho tôi. Do vậy, bèn đem bảy đề tài gộp cả lại, để bàn luận hàm hồ cho xong trách nhiệm, luận rằng: Chấp tâm ở bên trong, bên ngoài, hay trung gian v.v… chính là tình kiến của phàm phu. Chấp tâm nhất định chẳng ở bên trong, bên ngoài, hay trung gian cũng là tình kiến của phàm phu. “Trực Chỉ Kiến Tánh là Tâm chứ không phải là Nhãn” không đúng, dùng ngọn để tỏ bày cái gốc, chỉ ra sóng chính là nước, đó là chân trí. Vì sao? Do Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại, mỗi mỗi đều là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh trọn khắp pháp giới. Nếu có chỗ nào tồn tại và chỗ nào đó không tồn tại thì chẳng phải là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh vì không trọn khắp. Bởi lẽ Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh chứa đựng, nuôi dưỡng chúng sanh, bao quát có, không, thế gian, xuất thế gian, không một pháp nào có thể vượt ra ngoài, không ở trong đó được! Dùng phàm tình để nhìn thì chẳng những Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại đều thuộc về sanh diệt, đều chẳng phải là Chân Như, mà ngay cả đoạn Hoặc chứng Chân, thành Đẳng Chánh Giác cũng chẳng vượt ra ngoài sanh diệt được!
Nhìn bằng Thánh Trí thì chẳng những đoạn Hoặc chứng Chân, thành Đẳng Chánh Giác cố nhiên thuộc về Chân Như, mà ngay cả Ngũ Ấm, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Thất Đại toàn thể là Chân Như. Vốn từ trước đến nay, chưa hề có được mảy may tướng sanh diệt nào. Luận cao hơn nữa thì Chân cũng chẳng lập vì Như vốn vô danh. Nhất tâm còn chẳng có, huống gì có hai môn để luận nữa ư! Đấy là Chân Như rốt ráo, Như Lai Tạng Diệu Tánh Chân Như rốt ráo. Tâm rốt ráo chính là cái được gọi là “Ngũ Uẩn đều không, độ các khổ ách; viên mãn Bồ Đề trở về cái không thể đạt được” vậy! Một phen bàn luận như trên chính là do hai mươi năm trước Quang tôi ngẫu nhiên mộng tưởng viết ra, nay vâng theo nhã ý, hiến lên tọa hạ. Còn như nói phải luận từng phần, tỏ tường văn nghĩa, ngữ mạch, chỉ thú thì không phải là chuyện Quang tôi [vốn là kẻ] tâm mục suy đồi, học vấn hoang đường có thể lo liệu được nổi. Thỉnh cầu chư cổ đức và các vị giảng sư hiện thời thì họ sẽ có thể trình bày thông suốt bản hoài của tọa hạ, hợp với chí vốn có của tọa hạ vậy.
***
[1] Nguyên văn là “tân truyền”, tức cách nói gọn của thành ngữ Tân Tận Truyền Hỏa (củi hết lửa còn) ý nói học vấn được truyền thừa từ đời này sang đời khác.