LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật 
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Nghê Văn Khanh

Đọc lá thư ông gởi cho thầy Diệu Chân, [biết ông] không thể ăn cơm, chỉ ăn được cơm lúa mạch hay Mạn Đầu. Chưa đáng coi là bệnh, sao lại phải cầu thuốc Tây, thuốc Tàu trị bệnh? Ông nói mỗi ngày tụng kinh Địa Tạng một cuốn, nay lại muốn thầm đọc kinh Pháp Hoa một cuốn. Nếu tinh thần sung túc thì được; nếu không, hãy chuyên lấy Phật hiệu để thay thế cho kinh, sẽ đỡ tốn tâm lực nhiều lắm. Quyến thuộc trong nhà ông vẫn muốn ông ngả mặn, đáng gọi là “si dại đến cùng cực!” Ông vẫn cần phải nghiêm túc răn nhắc họ về lợi ích do được trợ niệm lúc lâm chung và những họa hại vì tắm rửa, thay quần áo sẵn, khóc lóc. Nếu không, chắc sẽ đến nỗi trở thành thể hiện lòng hiếu kiểu “tình yêu của La Sát nữ” thì ông lẫn họ đều mắc họa thật sự. Chuyện này phải thường nói cho họ nghe quen tai.

Hiện thời ông hãy bảo con cái, dâu, cháu sớm tối bầu bạn niệm Phật với ông. Niệm đã quen thì mới hòng nhờ cậy họ trợ niệm khi lâm chung. Nếu không, theo như lời Vương Thiếu Hồ, Châu Thạch Tăng đã kể, sợ họ sẽ do một niềm hiếu tâm mà phá hoại [chánh niệm của ông]: Họ chẳng làm chuyện “đẩy xuống giếng rồi lại còn hè nhau vần tảng đá to quăng xuống”, quyết chẳng cam tâm! Con hiếu cháu hiền trong thế gian nếu chẳng biết Phật pháp thì trong ngàn người trọn chẳng có một ai không hiếu thuận kiểu đó! Điều này trọn chẳng khác gì La Sát nữ bảo người bị nó ăn thịt: “Ta yêu ngươi nên ăn thịt ngươi”. La Sát nữ do yêu thương mà ăn thịt, coi đó là tình yêu thật sự. Quyến thuộc vô tri do hiếu thảo mà buộc ông ngã mặn, do lòng hiếu mà tắm rửa, thay quần áo sẵn, khóc lóc, khiến cho người sắp qua đời hoàn toàn mất chánh niệm, vứt sạch công lao niệm Phật. Vốn có thể liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh, nhưng [những hành động vô tri ấy] ắt sẽ khiến cho thánh cảnh đã hiện lại bị diệt mất, lại còn [khiến cho người đã khuất] phải đọa trong ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì mới chịu dừng tay. Đấy chính là lòng hiếu lớn lao đặc biệt của quyến thuộc vô tri.

Ông Trần Phi Thanh sắp chết, con trai ông ta gởi thư đến, Quang nói về lợi ích của việc trợ niệm khi lâm chung và họa hại do phô trương bày vẽ. May là con ông ta làm theo lời Quang bảo, nên ông ta mất rất tốt đẹp. Ba ngày trước [khi ông ta mất], họ nhận được thư Quang, [khi ấy] thần thức ông ta đã không còn tỉnh táo nữa, thường nói sảng. Trong thư Quang gởi đến có kèm theo một ít tro hương đã được gia trì bằng chú Đại Bi, họ liền pha nước cho ông ta uống, thần thức liền sáng suốt. Họ bèn trợ niệm cho ông ta. Ông ta còn lần chuỗi niệm theo, niệm đến khi đã tắt hơi một lúc lâu mà tay vẫn còn lần chuỗi. Quang cũng bảo con ông ta: “Những kẻ hiếu thảo với cha mẹ trong cõi đời quá nửa đều giống như lòng yêu thương của La Sát nữ. Nếu các vị chịu làm theo lời tôi thì mới là lòng hiếu thật sự!” Lời Quang nói rất khích liệt, nên hai đứa con ông ta cũng khá cảm động. Nay tôi lại muốn cho con cái dâu cháu của ông đều giống như hai người con ông Trần Phi Thanh nên mới lược thuật như trên.

Bệnh của ông chẳng cần biết nặng nề đến đâu, hãy uống nước [pha bằng] tro hương chắc sẽ được lành. Nếu chẳng lành, cần gì cứ nhất định phải ăn cơm? Cháo lúa mạch so ra bổ dưỡng hơn cháo gạo, Mạn Đầu[1] là thứ người phương Bắc ăn thay cơm mỗi ngày, há đáng để bận tâm ư? Đối với chuyện phát nguyện cầu lành bệnh, chắc sẽ được như nguyện. Dẫu không được như nguyện, cũng chớ nên đâm ra si dại cố cầu; chỉ sợ đâm ra bị tổn hại, vô ích! Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối mà niệm. Chuyện thế gian mỗi mỗi đều toàn thân buông xuống hết! Nếu quyến thuộc [của ông] giống như con ông Trần Phi Thanh, ông sẽ quyết định được vãng sanh. Nếu có ý niệm sanh trong cõi trời cõi người thì Tây Phương sẽ chẳng có phần đâu; bởi lẽ, tâm sanh tử đã quá sức thuần thục, một sức nhỏ như mảy lông ấy vẫn có thể cự lại cái tâm liễu sanh tử nặng ngàn cân. Viết ra điều này [để] xin ông sáng suốt suy xét! (Ngày Mười Bốn tháng Mười năm Dân Quốc 27 – 1938)

***

[1] Mạn Đầu (thường được biết dưới tên gọi Mằn Thầu) là một thứ bánh bao không nhân, có hình dáng như một miếng bột cuộn tròn lại, thường dùng để ăn như cơm hằng ngày ở Hoa Bắc. Từ thời Xuân Thu, người Hoa đã lấy lúa mì cho lên men, vo tròn lại đem hấp ăn, gọi là Di Thực. Đến thời Hán, do đã có cối xay, lúa mì được xay thành bột, mới phổ biến lối làm bánh bằng bột mì. Tương truyền Mạn Đầu do chính Gia Cát Lượng (Khổng Minh) chế ra khi đem quân vượt sông Lô Thủy để đánh Mạnh Hoạch. Theo sự mê tín thời đó, hễ đại quân vượt sông phải dùng đầu người tế thủy thần để xin phép. Gia Cát Lượng liền sai quân lính vò bột mì ủ men thành bánh bao, bên trong nhồi thịt heo, ném xuống sông giả làm đầu người để lừa thủy thần. Do vậy bánh bao được gọi là Mạn Đầu (謾頭: Mạn (謾) là lừa dối). Dần dần Mạn Đầu (謾頭) được viết thành Mạn Đầu (饅頭) và là từ ngữ để chỉ chung các loại bánh bao. Đến đời Tống, Mạn Đầu chỉ còn có nghĩa là loại bánh bao không nhân, còn loại có nhân được gọi là Bao Tử hoặc Đại Bao