LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ La Hồng Đào

(thư thứ nhất)

Các hạ đã tự xưng là đệ tử Phật, há nên dùng tri kiến phàm phu của chính mình để suy lường cảnh giới Phật, cho rằng những điều ấy (tức những điều được giảng nói về cảnh giới Phật trong kinh luận) đều xuất phát từ ý kiến của con người, đều chẳng đáng để tin tưởng ư? Cần biết rằng sở dĩ đức Phật [nói ra những pháp môn] để dạy con người đều nhằm đối trị tập khí. Do tập khí chướng lấp tự tâm nên chẳng những không biết được những hành vi thần diệu của đức Phật, mà ngay cả sự thấy – nghe – hay – biết của chính mình từ sống cho đến chết có bao giờ tự biết đâu? Nay đã tin Phật lại chẳng dốc sức vào chỗ đạt được lợi ích chân thật, lại cứ lan man cật vấn những chỗ tri kiến của chính mình chưa thể thấu hiểu được ư? Đấy đúng là “bỏ những thứ trà – cơm nhà mình thường có để mong cỗ ngon nơi bếp trời”, tính toán sai lầm lớn quá! (Ngày mồng Một tháng Ba năm Dân Quốc 17 – 1928)

(thư thứ hai)

Nhận được thư trách Quang trả lời chẳng hợp với câu hỏi, ông chẳng biết đấy chính là lá bùa hộ thân của kẻ tầm thường, kém cỏi! Các hạ lầm tưởng ông Tăng tầm thường vô tri vô thức là thiện tri thức. Lỗi lầm căn bản thuộc về các hạ, chứ không phải do Ấn Quang. Các hạ đã tin Phật, hãy nên dựa theo những lý tột cùng của Phật để luận, sao lại chỉ dựa theo những dấu tích thần diệu để bàn? Hơn nữa, những dấu tích thần diệu nhiều vô lượng; các hạ lại chẳng nói rõ dấu tích thần diệu nào, mà vẫn cứ mong muốn một kẻ trọn chẳng nghiên cứu đạo Gia Tô[1] như Quang biện định dấu tích thần diệu của Gia Tô và Phật giống nhau hay khác nhau ra sao! Hơn nữa, các hạ bảo Quang chê các hạ “dùng tri kiến của phàm phu để suy lường trí Phật lẫn cảnh giới của Phật” là đã hiểu lầm [ý các hạ]. Như vậy thì xét theo phía Quang, cố nhiên Quang không trả lời câu hỏi của các hạ là đúng rồi, [bởi Quang] sợ [các hạ sẽ nói] Quang đem tri kiến phàm phu suy lường cảnh giới Phật, nên chối từ như thế. Đúng hay sai xin các hạ tự cân nhắc; nếu gởi thư tới nữa sẽ không trả lời một chữ nào! Xin hãy sáng suốt suy xét điều này!

Ấn Quang tái bút: “Đăng Đông Sơn nhi tiểu Lỗ, đăng Thái Sơn nhi tiểu thiên hạ. Quán ư hải giả nan vi thủy, du ư thánh nhân chi môn giả nan vi ngôn” (Lên Đông Sơn thấy nước Lỗ nhỏ, lên Thái Sơn thấy thiên hạ nhỏ. Nhìn biển cả khó thấy được nước, dạo chơi cửa thánh nhân khó thốt lời). Các hạ đã biết đạo Gia Tô sai lầm, lại tin Phật đến mức tột bậc, nhưng chẳng nương theo lý lẽ tột cùng mà lại biện luận dấu tích thần diệu thì có khác nào bảo kênh, lạch, khe, rãnh giống hệt biển cả chẳng khác gì! Đã chẳng thể biết được trí của chính mình, lại muốn được thiện tri thức trả lời trọn vẹn. Xin các hạ chớ đem tri kiến phàm phu suy lường cảnh giới Phật thì thiện tri thức chẳng cần phúc đáp mà các hạ vẫn tự hiểu rành rẽ! (Ngày mồng Hai tháng Ba năm Dân Quốc 17 – 1928)

***

[1] Nguyên văn “Da Giáo” (đạo Gia Tô). Gia Tô là cách người Trung Hoa phiên âm chữ Jesus. Đúng ra phải viết là Da Tô, nhưng phần lớn các sách vở từ trước đến nay thường ghi là Gia Tô, nên chúng tôi cũng thuận theo cách viết phổ biến này.