LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm
Thư trả lời cư sĩ Hàn Giác An
(thư thứ nhất)
Hai chữ “hợp thập” (chắp mười ngón tay) chớ nên dùng. Vì quy y Phật – Pháp – Tăng Tam Bảo há nên chỉ dùng chắp mười ngón tay làm lễ? Do ông không biết, nên tôi mới nói riêng. Quang già rồi, hiện đang nằm bệnh mấy ngày, nay hơi khỏe đôi chút. Từ nay chớ nên gởi thư tới nữa, bởi không có mục lực lẫn tinh thần thù tiếp vậy!
(thư thứ hai)
Khế (契) có nghĩa là “phù hợp, chẳng khác”. Giác (覺) chính là “vô thượng giác đạo được chứng bởi Phật”. Hiện thời dùng tâm Bồ Đề tự lợi lợi tha để tín nguyện niệm Phật, niệm lâu ngày, nghiệp tiêu, trí rạng, sẽ khế hợp với giác đạo của đức Phật đã chứng. Vì thế, chương Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm có câu: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai nhất định thấy Phật, cách Phật chẳng xa, chẳng nhờ đến phương tiện, tâm tự được mở mang, như người nhiễm hương, thân có mùi thơm”. Đấy chính là ý nghĩa của Khế Giác.
Ông nên giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng Thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, thì lợi ích ấy chỉ có đức Phật mới biết được! Nếu học theo phường căn tánh kém hèn, còn chưa thể chân thật niệm Phật mà cứ muốn khai ngộ ngay, thì muốn khế giác đâm ra lại nghịch giác! Do niệm Phật đến mức cùng cực sẽ tự được khai ngộ. Khai ngộ rồi càng phải sốt sắng niệm. Thứ tri kiến kém hèn coi niệm Phật như chuyện thừa thãi ấy, cứ tưởng “hễ ngộ là đắc đạo rồi”; nếu ngộ rồi mà trọn chẳng cần phải tu để liễu thoát nữa thì sẽ trở thành “khế mê” chứ không phải “khế giác!”
Từ nay về sau không được gởi thư đến nữa, vì tôi không có mục lực lẫn tinh thần để thù tiếp vậy. Nay lại gởi cho ông Một Lá Thư Trả Lời Khắp, Kinh Nghiệm Dược Phương để giúp cho việc tự lợi, lợi tha. Toa thuốc trị bệnh sốt rét không ai chẳng được trị lành. Dù người bị bệnh sốt rét lâu từ hai ba năm cho đến mười mấy năm, cũng trị một lần liền lành. Năm nay, một đệ tử trị cho một người mắc bệnh sốt rét suốt mười ba năm rưỡi cũng một lần trị liền lành.