LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Việt dịch: Bửu Quang Tự, đệ tử Như Hòa
Sản xuất: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm

 

Thư trả lời cư sĩ Chân Tịnh

Hai vị sư từ quý địa đến cầm theo thư của ông đưa cho tôi xem. Bài ca ngợi Quang do ông đã soạn chính là đem phàm lạm thánh, đến nỗi ông lẫn Quang đều mắc đại tội. Từ rày, muôn phần chớ nên theo thói ấy chút nào nữa! Nếu do chẳng biết mà nói thì lỗi còn nhỏ; chứ nếu đã biết mà vẫn nói bừa sẽ mắc thêm lỗi hý luận. Sách Lễ Ký nói: “Nghĩ nhân tất ư kỳ luân” (Làm người ắt phải tuân theo lẽ thường). Chẳng tuân theo lẽ thường, giống như thường dân xưng càn là đế vương, kẻ xưng tụng và người được xưng tụng đều mắc tội lớn, há chẳng cẩn thận ư? Quang suốt đời chẳng chịu khen ngợi người khác một cách sáo rỗng, mà cũng rất ghét người ta khen ngợi tôi một cách sáo rỗng!

Quang đã bảy mươi chín tuổi, sau ba mươi hai hôm nữa sẽ tròn tám mươi, nhưng sáng chẳng đảm bảo được tối, sợ rằng chưa được tám mươi đã chết rồi. Bất luận [tôi] còn sống hay đã chết, đều chớ nên theo thói xấu của người đời nay, khen ngợi xằng bậy. Trong bộ Văn Sao của Quang, cha mẹ, sư trưởng tôi đều chẳng nhắc tới, sợ người ta nghi ngờ tôi thêu dệt đến nỗi bị nhục lớn! Người đời nay khi cha mẹ, sư trưởng qua đời liền cầu người có tiếng tăm viết bài tán tụng, Quang hết sức chẳng muốn thuận theo thói ác ấy khiến cho cha mẹ lẫn thầy bị nhục lây. Tôi chết rồi, hãy nên cực lực đề xướng pháp môn Tịnh Độ, khiến cho người thấy nghe “sống thì hiền thiện, mất thì sanh về Cực Lạc”. Điều này chỉ có công chẳng có lỗi. Nếu lầm lẫn viết bài ca ngợi, phúng điếu chính là đã hủy nhục Quang trước mặt mọi người vậy. Ngàn vạn phần xin đừng tập theo thói ác ấy!

Trứng gà có ăn được hay không? Tranh luận đủ mọi lẽ đã lâu! Nhưng người hiểu lý quyết chẳng nghĩ ăn [trứng gà] là đúng. Kẻ thích ăn liền khéo léo biện luận, chứ thật sự đã chường ra cái ngu! Vì sao vậy? Có người nói trứng có cồ, [tức là] có mầm sống thì không được ăn, còn trứng không có cồ chẳng thể nở thành gà con thì ăn được! Nếu nói như vậy thì con vật còn sống chẳng được ăn, chứ con vật chết rồi thì ăn được, có lẽ ấy hay chăng? Người thông minh thường hay dấy lên thứ tà kiến ấy, chẳng biết là nhằm thỏa thích bụng miệng mà phô phang cái trí của chính mình, đến nỗi bị người hiểu lý thương xót!

Sư Chi Đạo Lâm[1] đời Tấn học rộng, giỏi biện luận, tranh luận cùng thầy về chuyện trứng có ăn được hay không; do ông ta giỏi biện bác, vị thầy chẳng thể khiến cho [Đạo Lâm] khuất phục được. Vị thầy ấy mất rồi, hiện hình trước mặt ông ta, tay cầm trứng gà quăng xuống đất, gà con liền chui ra. Đạo Lâm hổ thẹn cảm tạ, thầy và trứng gà đều biến mất. Đấy là lời quyết đoán thời Tấn (Phật pháp lúc mới truyền vào Trung Quốc, phân chia ra Đại Thừa và Tiểu Thừa để hoằng truyền. Đại Thừa thì hết thảy loại thịt đều không ăn, Tiểu Thừa ăn ba thứ tịnh nhục, ngũ tịnh nhục. Tam tịnh [nhục] (ba thứ thịt sạch) là [thịt của những con vật mà chính mình] chẳng thấy giết, chẳng nghe giết, chẳng nghi là do mình mà [con vật] bị giết. Thêm hai thứ [thịt của những con vật] tự chết và “điểu tàn”. “Điểu tàn” là thịt do chim hay thú hay ăn bỏ sót lại. Đó là ngũ tịnh [nhục]. Tới thời Lương Vũ Đế, đều theo Đại Thừa, vĩnh viễn phế bỏ Tiểu Thừa. Đạo Lâm là cao tăng nhưng vẫn y theo Tiểu Thừa để luận).

Gần đây người ta hay bị bệnh phổi, Quang chẳng nghĩ như vậy là bình thường! Người đời sau nghiệp nặng, dậy thì sớm, mười một mười hai tuổi đã có dục niệm. Dục niệm đã dấy lên, không có cách gì kiềm chế, lại chẳng biết nghĩa lý giữ gìn thân thể nên bèn dùng đến cách thủ dâm. Như cây cỏ vừa mới nẩy mầm liền bị bẻ chồi, ắt phải khô héo. Con em thông minh do vậy mất mạng chẳng biết là bao nhiêu! Dẫu chẳng đến nỗi chết ngay lập tức thì thân thể yếu đuối, không nên cơm cháo gì! Đến khi lớn lên cưới vợ, cha mẹ, sư trưởng tuyệt chẳng nói đến đạo tiết dục, giữ gìn thân thể. Vì thế, quá nửa bị bệnh chết đều do thủ dâm và tham ăn nằm mà ra!

Do vậy, Khổng Tử đáp lời Mạnh Vũ Bá hỏi về đạo hiếu rằng: “Phụ mẫu duy kỳ tật chi ưu” (Cha mẹ chỉ lo lắng về tật ấy), chính là dạy phải kiêng ăn nằm. Chẳng kiêng ăn nằm thì trăm bệnh đua nhau phát ra, có thể kiêng ăn nằm thì giảm bớt bệnh tật nhiều lắm! Mạnh Tử nói: “Dưỡng tâm giả (do kẻ khéo dưỡng thân ắt phải nhờ vào chế ngự tâm chẳng cho dục niệm khởi lên, nên gọi là “dưỡng tâm”) mạc thiện ư quả dục. Kỳ vi nhân dã quả dục, tuy hữu bất tồn yên giả, quả hỹ. Kỳ vi nhân dã đa dục, tuy hữu tồn giả, quả hỹ” (Dưỡng tâm thì không gì hay bằng ít ham muốn. Ai làm người mà ít ham muốn, tuy tâm người ấy có những điều không hợp đạo nghĩa, nhưng những điều ấy cũng ít. Ai làm người mà lắm ham muốn, tâm dù có giữ được đạo nghĩa thì đạo nghĩa ấy cũng chẳng được mấy[2]).

Cổ nhân trọng sanh mạng người dân, thiên Nguyệt Lệnh trong sách Lễ Ký chép: “Trọng Xuân tiên lôi tam nhật, tù nhân dĩ mộc đạc tuần ư đạo lộ viết: ‘Lôi tương phát thanh, kỳ hữu bất giới kỳ dung chỉ giả (tức phòng sự) sanh tử bất bị, tất hữu hung tai” (Ba ngày trước khi sấm động vào lúc giữa mùa Xuân, viên quan chấp lệnh cầm mõ gỗ đi khắp nẻo đường rao truyền: ‘Sấm sắp rền, kẻ nào chẳng kiêng ân ái (tức ăn nằm) sẽ sanh con chẳng vẹn toàn, ắt có tai nạn hung hiểm) (tức là chân tay, thân thể chẳng trọn vẹn, hoặc sanh ra quái thai, hoặc vợ chồng bị chết, hoặc bị bệnh ngặt nghèo, nên nói là “ắt có tai nạn hung hiểm”). Đấy là chánh lệnh của quốc gia. Nay thì cha mẹ, sư trưởng, trọn chẳng nói với con cái về chuyện này. Đến khi đã ngã bệnh, thầy thuốc cũng chẳng bảo kiêng ăn nằm. Ấy là vì chẳng coi mạng người là trọng, chỉ mong người ta bệnh ngày càng nặng để phải chữa trị nhiều hơn! Thầy thuốc dụng tâm như thế, tội khác nào bọn cường đạo chặn đường cướp của! Bệnh của ông bất luận là do nguyên nhân nào phát sanh, đều nên lấy việc đoạn hẳn chuyện ăn nằm làm phương sách để mau được lành bệnh. Đợi đến khi hoàn toàn bình phục rồi, hoặc mỗi năm chung đụng một lần, hoặc mỗi quý (ba tháng) một lần để mong chẳng lỗi đạo “tiếp nối đời trước, mở ra đời sau”, đừng thường xuyên ân ái, sẽ sanh được con cái thể chất khỏe mạnh, tánh tình từ thiện, thọ mạng dài lâu, vẻ vang nhiều lắm!

Quang đưa cho vị Sư [mang thư ông tới đây] một cuốn Thọ Khang Bảo Giám [nhờ trao lại cho ông], văn lẫn lý trong cuốn sách ấy đều đáng tuân theo. Chỉ có điều trong những ngày kiêng ăn nằm, [ngày vía] của những vị [thần thánh] có thần thông nhỏ nhoi cũng đều kể vào, dường như không thích đáng lắm[3]. Nhưng đối với chuyện “[ngày vía của] đại quỷ thần thì nên kính, chứ [đối với ngày vía của] tiểu quỷ thần nếu chẳng kính sẽ do vậy mà bị chuốc họa”, hãy đừng nên bàn luận bừa bãi thì may mắn lắm thay! Dùng điều này để tự lợi mà cũng dùng những điều này để lợi tha. Do vậy, tự tu Tịnh nghiệp sanh về Tây Phương giống như trao bằng khoán chuộc lại vật cũ. Nữ nhân cũng thế! Ai muốn tiết dục ắt trước hết phải nói nguyên do với vợ sẽ chẳng đến nỗi [gia đình] bị lục đục. Trong đời có những kẻ thanh xuân chôn chồng, nguyên nhân quá nửa là vì chẳng khéo tiết dục mà ra! So với cảnh giữ phòng không ở góa, sao bằng tiết dục để được tề mi giai lão[4] chẳng hay hơn ư? Đây là đối với nữ nhân mà nói. Đàn ông cũng nên biết những chuyện kiêng kỵ có liên quan đến tánh mạng của nữ nhân, đấy chính là người phối ngẫu có đức hạnh hằng nâng đỡ, tạo lợi ích cho nhau. Quang ăn nói dài dòng chỉ vì bi tâm tha thiết, có lẽ đã gây nhàm tai người nghe!

Tịnh Độ Ngũ Kinh là căn bản của pháp môn Tịnh Độ. Hãy đọc kỹ lời tựa, sẽ tự biết được những ý chánh. Tịnh Độ Thập Yếu là trước thuật thiết yếu nhất của Tịnh Độ. Quan trọng nhất là sách Di Đà Yếu Giải, là bản chú giải tuyệt diệu nhất của kinh này. An Sĩ Toàn Thư là sách đứng đầu các thiện thư. Cảm Ứng Thiên Trực Giảng dùng chữ đơn giản, dễ hiểu nhưng không dung tục, kẻ nhã người tục cùng xem đều được lợi ích. Ấn Quang Văn Sao văn tuy vụng về, chất phác, nhưng nghĩa lý chấp nhận được. Noi theo những điều được sách này đề xướng chắc chắn chẳng bị chê là trái luân thường, gây rối đất nước. Hãy nên lấy Thọ Khang Bảo Giám làm sách giữ gìn tánh mạng cho con em đã hiểu chuyện đời. Chẳng những thanh niên phải nên xem, ngay cả người già cũng nên đọc. Muốn con em được trường thọ phải hoàn toàn cậy vào người cao tuổi thường nói đến chuyện họa – phước.

 ***

[1] Chi Đạo Lâm (314-366), vốn tên là Chi Độn, họ Quan, người huyện Trần Lưu (nay là huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam), là danh tăng thời Đông Tấn. Sư xuất gia năm hai mươi lăm tuổi. Căn cứ theo chữ Chi đặt trước đạo hiệu, người ta cho rằng Sư thọ giới với một vị Tăng Tây Vực vì thời ấy, Tăng sĩ hay lấy họ của thầy làm họ mình, nên Sư đổi họ thành Chi. Sau Sư đến Kiến Khang (Nam Kinh) giảng kinh, giao du thân tình với Tạ An, Vương Hy Chi, thích bàn lẽ huyền diệu, ưa ngao du sơn thủy, ngâm vịnh. Sư đặc biệt hứng thú với giáo nghĩa Bát Nhã, có những kiến giải đặc sắc. Dưới thời Tấn Ai Đế, Sư từng vâng chiếu giảng kinh Bát Nhã Đạo Hành tại chùa Đông An ở kinh đô. Sư từng chú giải thiên Tiêu Dao của sách Trang Tử, đề xướng tư tướng “Sắc vốn là Không”. Trước tác nổi tiếng nhất là Thích Tức Sắc Bổn Vô Nghĩa, Đại Tiểu Phẩm Đối Tỷ Yếu Sao, Sắc Tức Du Huyền Luận. Sư còn chú thích các kinh An Ban Thủ Ý, Bổn Khởi Tứ Thiền v.v….

[2] Câu nói này được trích từ thiên Tận Tâm hạ của sách Mạnh Tử. Chúng tôi dịch câu nói này theo cách giải thích trong sách Tứ Thư Bạch Thoại Chú Giải của Thường Nhiệt Châu và Lân Công Chấn (Hoa Tạng Tịnh Tông Học Hội xuất bản tại Đài Loan năm 2003)

[3] Đây là phần Bảo Thân Lập Mạng Giới Kỳ Dữ Thiên Địa Nhân Kỵ trong sách Thọ Khang Bảo Giám, liệt kê những ngày vía của Phật, Bồ Tát, thần thánh trong Tam Giáo, hoặc những lúc thiên nhiên giao mùa, đổi tiết khí đều nên kiêng ăn nằm. Ngày vía của những vị thần rất nhỏ trong Đạo Giáo cũng được kể vào đó, chẳng hạn ngày 17 tháng Hai là ngày vía của Đông Phương Đỗ Tướng Quân, ngày 20 tháng Tư là ngày vía của Nhãn Quang thánh mẫu v.v… Theo ngu ý, mục đích của việc liệt kê thật nhiều ngày vía chỉ nhằm giúp cho người ta dễ tiết dục vì sợ phạm tội với thần thánh.

[4] Tề mi giai lão: đây là thành ngữ ghép của hai thành ngữ “tề mi cử án” (nâng án ngang mày) và “bách niên giai lão” (sống cùng nhau đến trăm tuổi). “Tề mi cử án” phát xuất từ phần Dật Dân Liệt Truyện trong Hậu Hán Thư: Toại Chí Ngô sống nhờ căn chái của nhà giàu là Ty Bá Thông. Ngô phải đi làm thuê cho người khác kiếm ăn. Mỗi lần chồng về, vợ dọn cơm chẳng dám sỗ sàng nhìn thẳng, luôn nâng cái án lên ngang mày mời chồng ăn cơm, Ty Bá Thông thấy vậy, lấy làm lạ, nói: “Anh ta khiến vợ kính trọng như thế, chắc không phải là người tầm thường!” Án vốn là cái mâm có chân thời cổ, dùng để đựng thức ăn. Vì thế, đời sau hay dùng chữ “tề mi cử án” hay “cử án tề mi” để hình dung vợ chồng kính trọng nhau, yêu thương nhau đằm thắm.