NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân
Diễn Đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư trả lời cư sĩ Cao Thiệu Lân
(thư thứ nhất)
Ông Tạ Ân Quang lên núi cầm theo thư của các hạ. Mở ra xem thấy tâm mộ đạo khẩn thiết, nguyện lực rộng lớn, thề mong thâm nhập, nhưng chẳng cho chút ít là đủ, tôi mừng vui vô lượng. Còn như quá khen ngợi Bất Huệ khiến người hổ thẹn khôn cùng. Các hạ muốn liễu sanh tử đại sự, nhưng tuổi tác đã gần tri mạng[1], tháng ngày còn lại không nhiều, lại không có tri thức, bạn bè hữu ích để thân cận. Nhưng không chuyên tu Tịnh nghiệp, nhất tâm niệm Phật, lại muốn nghiên cứu rộng rãi nghĩa lý áo diệu và điển cú của các kinh, dường như là vì chưa biết sâu xa duyên do của Tịnh Độ vậy. Hãy nên đến chùa Hoa Nghiêm mượn đọc bộ Tịnh Độ Thập Yếu và Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, lắng lòng đọc kỹ, ắt tự biết chỗ hướng về.
Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ quá khứ, là vị lai chư Phật. Giết để ăn sao nuốt cho trôi? Nếu biết nghĩa này, dẫu táng thân mất mạng cũng chẳng thể ăn hết thảy loại thịt. Nhưng Phật dạy người khéo dẫn dụ dần dần, với bậc thượng căn liền dạy đoạn hoàn toàn. Với trung hạ căn bèn dạy giảm dần cho đến khi hoàn toàn đoạn được.
Bài văn Phát Nguyện tuy văn từ rộng sâu, nhưng phải chân thật từ tâm mà phát, vậy mới gọi là Nguyện. Nếu không, tâm và miệng trái nghịch nhau, sao gọi là Nguyện cho được? Với cái nguyện trong đời này tuy cũng không trở ngại, nhưng muốn sanh con cháu phước huệ, phải cầu nơi tích tụ âm đức lớn lao, rộng hành phương tiện. Huống chi các hạ năm nay tuổi đã bốn mươi tám, đã cưới ba vợ, nhưng chỉ sanh con gái, cho thấy đời trước đời này đều kém tài bồi. Nay muốn chuyển hồi lòng trời, ắt phải chân thật sửa lỗi làm lành như tiên sinh Viên Liễu Phàm cuối đời Minh đã dốc sức thực hiện vậy, trọn chưa có ai không được cảm ứng, thỏa mãn điều nguyện. Lại đừng nói nhà mình bần hàn, chẳng thể rộng tích âm đức, rộng hành phương tiện. Phải biết: Ba nghiệp thân – miệng – ý đều ác thì không gì ác lớn hơn. Nếu như ba nghiệp đều thiện thì không gì tốt lành lớn lao hơn!
Đối với kẻ ngu không tin nhân quả, chẳng tin tội phước báo ứng, ương bướng cứng đầu, hãy theo những gì An Sĩ Toàn Thư đã giảng mà diễn nói khiến cho họ bắt đầu tin nhân quả dần dần, lần hồi sẽ tin sâu Phật pháp, cuối cùng được vãng sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử. Một người như thế công đức còn vô lượng vô biên, huống chi nhiều người. Nhưng chính mình tận lực thực hành không sai sót mới hòng cảm hóa người chung quanh. Vợ con mình nếu tin nhận, phụng hành, người khác nhìn vào thấy là thiện, há có phải vì nhiều của cải ư? Chỉ cầu không đói, không rét, mong chi phát tài cự vạn? Để cho con một rương vàng đầy không bằng dạy cho con một quyển kinh. Tổ đức bị khuyết, bèn thẹn đến chết; tổ nghiệp dù bị khuyết, nào thương tổn gì?
Nhưng đến giờ đây, thân không còn nhiều ngày tháng nữa, nghĩ muốn nhanh chóng khôi phục [tổ nghiệp], uổng sanh vọng tưởng, trọn không có lợi ích thật sự gì. Hãy nên tùy duyên qua ngày chính là tri mạng, vui theo lẽ trời. Sống vừa thọ vừa khỏe trong đời, chỉ thuận không nghịch, người đời ai không mong được vậy, nhưng người được như thế rất ít, người không được thật nhiều. Do đời trước, đời này, không vun bồi lớn lao, không nhân chẳng thể có được quả vậy. Nay các hạ muốn sanh Tây Phương liễu sanh tử, hãy nên nguyện thần thức của cao, tằng tổ phụ mẫu[2] v.v… nương vào sức tu trì tịnh nghiệp tự hành, dạy người của chính mình liền được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh. Như vậy mới đáng gọi là “đại hiếu tôn thân” vậy. Còn như cúng tế tổ tiên chẳng dứt và khôi phục tổ nghiệp v.v… đều là cảnh giới thấy biết thiển cận của khắp phàm tình thế gian.
Hơn nữa, cầu sanh Tây Phương không được sợ chết. Nếu chết ngay ngày hôm nay thì hôm nay bèn sanh về Tây Phương, như câu nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ” (Buổi sáng nghe đạo, tối chết cũng được); há đâu hôm nay phải chết lại chẳng muốn chết. Đã tham luyến trần cảnh, chẳng thể buông xuống, bèn do tham thành chướng, cảnh Tịnh Độ không hiện, cảnh giới theo nghiệp thọ sanh trong đường thiện, nẻo ác bèn hiện. Cảnh hiện sẽ theo nghiệp thọ sanh trong đường thiện, nẻo ác vậy. Chuyện vãng sanh Tây Phương bèn thành bánh vẽ! Vì thế, người tu Tây Phương hôm nay chết cũng được, dẫu phải sống tới một trăm hai mươi tuổi mới chết cũng xong. Hết thảy phó mặc nghiệp trước, chẳng vọng sanh so đo. Nếu tín nguyện chân thành, thiết tha, khi báo hết mạng tận, thần thức bèn siêu nơi tịnh vực, nghiệp trả lại trần lao, sen nở hoa chín phẩm, trong một đời được Phật thọ ký.
Lại nữa, người đời không con thường lấy thêm nhiều vợ lẽ, chẳng biết vun quén đức, tiết dục. Làm như vậy chính là cách để chết cho mau, chẳng phải là phương cách cầu con. Chuyện này liên quan đến phong hóa và thờ cúng tổ tiên, ai nấy đều mạo muội mà làm. Chuyện liên quan mối luân thường lớn lao của con người nên tôi cũng chẳng thẹn mà bàn bạc. Bất Huệ tôi người kém đức mỏng, trăm điều chẳng làm được một, ăn bám Phổ Đà, tạm kéo dài hơi tàn, không dám làm thầy cho người. Vì thế, trước kia ông Tạ Ân Quang cũng nói lời ấy, nhưng đều từ tạ chẳng nhận.
Các hạ quy y Tam Bảo thì hãy chọn lấy người phẩm hạnh đoan chánh, đàng hoàng ở chỗ mình, bái người ấy làm thầy bèn trở thành đệ tử của Như Lai. Từ đây về sau, trong thư từ chớ nhắc đến chữ ‘quy y’ nữa. Quê ngài đã không có người thông minh, Quang tôi tự thẹn đạo nghiệp chưa thành, chẳng dám làm thầy, nhưng vẫn tùy duyên khai thị. Ví như người không chân, một bước khó dời, ngồi yên giữa ngã ba, có người muốn về thẳng quê nhà, nhưng không biết đường lối, bèn chỉ cho người ấy đường đúng, mau về quê nhà. Người muốn về nhà ấy trọn chẳng vì người chỉ đường kia không đi được mà vứt bỏ lời ấy vậy.
(thư thứ hai)
Ông gởi thư cho biết đang lễ kinh Pháp Hoa, nhiếp tâm niệm Phật, và muốn bớt lỗi nhưng chưa thể, toan dựa theo Công Quá Cách để thường ngày kiểm điểm. Đủ thấy gần đây ông siêng năng tu, đáng cho tôi học theo, chẳng như người đời nay chỉ muốn mua danh chuốc dự, dối mình lừa người mới cam. May mắn thay, may mắn thay!
Lễ tụng trì niệm, các thứ tu trì đều phải lấy thành kính làm chủ. Nếu thành kính cùng cực thì công đức sẽ như trong kinh nói: “Dẫu thuộc địa vị phàm phu, tuy chưa thể viên đắc, nhưng sở đắc của người ấy đã khó thể nghĩ bàn”. Nếu không thành kính sẽ giống như diễn tuồng, khổ, sướng, buồn, vui đều là giả vờ, chẳng do nội tâm phát ra. Dẫu có công đức cũng chẳng thể vượt khỏi si phước trong nhân thiên mà thôi; nhưng ắt sẽ lại ỷ vào si phước ấy tạo ác nghiệp, cái khổ tương lai khi nào hết được? Hãy đem ý này bảo khắp bè bạn, ngõ hầu tu thì phải chân tu, hành thì phải thật hành, lợi ấy rộng khắp! Quy củ bái kinh [như ông] đã lập về Lý cố nhiên vô ngại, nhưng nếu luận về sự tướng, nếu lễ bái chung chung thì nên niệm Nam Mô Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, Pháp Hoa Hội Thượng Phật Bồ Tát, lễ xuống, tưởng bài kệ lễ kinh như sau:
Chân không pháp tánh như hư không,
Thường trụ pháp bảo nan tư nghị,
Ngã thân ảnh hiện pháp bảo tiền.
Nhất tâm như pháp quy mạng lễ
(Tạm dịch:
Chân không pháp tánh như hư không,
Pháp bảo thường trụ khó nghĩ bàn,
Thân con hiện bóng trước pháp bảo,
Nhất tâm như pháp quy mạng lễ)
Tưởng toàn bộ kinh văn phóng quang, và những vị Phật, Bồ Tát đã nói trong kinh đều phóng quang chiếu đến thân mình và pháp giới hữu tình. Nếu lễ từng chữ hãy niệm “nhất tâm đảnh lễ Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh chữ…. Pháp Bảo”, lễ chữ nào niệm chữ đó, từ “như thị ngã văn” cho đến hết kinh đều niệm như vậy. Nhưng pháp quán tưởng thật chẳng phải là chuyện dễ. Nếu chẳng rõ thấu Lý và tâm thức rối loạn, rất có thể khởi lên các ma sự. Chỉ lấy chí thành cung kính làm chủ, quán được thì quán. Nếu không, cứ dốc cạn lòng thành đến cùng cực, cứ lễ thẳng ngay vào kinh thì cũng được công đức vô lượng.
Như ông lập chương trình [lễ kinh] là đối trước kinh mà lạy, lạy xuống tưởng bài kệ, ngẩng lên lại niệm Phật, quán Phật thì chẳng bằng thờ kinh trước tượng Phật, chuyên lễ một đức A Di Đà Phật cho chuyên tinh nhất trí. Chớ bảo duyên tưởng một vị Phật công đức chẳng lớn bằng duyên tưởng nhiều vị Phật. Phải biết A Di Đà Phật là Pháp Giới Tạng Thân, một mình Phật A Di Đà có đủ toàn thể công đức của tất cả mười phương pháp giới chư Phật, như những hạt châu nơi cái lưới của Thiên Đế, ngàn hạt châu in bóng trong một hạt châu, một hạt châu trọn khắp ngàn hạt châu, nêu lên một mà thâu trọn tất cả, chẳng thiếu, chẳng thừa. Nếu là bậc đại sĩ tu hành đã lâu thì cảnh duyên rộng lớn chẳng ngại, cảnh càng rộng tâm càng chuyên nhất. Nếu là kẻ sơ tâm mạt học mà duyên cảnh rộng thì tâm thức phân tán, nhưng chướng sâu huệ cạn rất có thể khiến cho các ma sự khởi lên. Vì thế, đức Phật Thế Tôn ta và chư Tổ các đời đều dạy nhất tâm chuyên niệm A Di Đà Phật là vì lý do này. Đợi đến khi nào niệm Phật chứng được tam-muội thì trăm ngàn pháp môn, vô lượng diệu nghĩa, thảy đều đầy đủ. Cổ nhân nói: “Đã tắm trong biển cả ắt dùng nước trăm sông. Thân đã đến điện Hàm Nguyên, cần gì hỏi Trường An chi nữa!” có thể nói là hình dung [ý này] khéo nhất.
Còn như việc dứt ác tu thiện, cật lực kiểm điểm, xét mình thì tuy không gì hay hơn Công Quá Cách, nhưng nếu tâm chẳng lấy thành kính làm chủ, dẫu hằng ngày ghi công, chép tội cũng chỉ là viết xuông. Ở nơi đây, chưa có sách Công Quá Cách. Theo như tôi thấy, chỉ nên trọng lòng kính, giữ lòng thành, trong mười hai thời, chẳng có một niệm hư phù lười nhác, coi thường. Ứng xử với người đời chỉ giữ lòng trung hậu, khoan thứ thì trong hết thảy thời, hết thảy chỗ, ác niệm chẳng thể khởi từ đâu được! Ví như túc nghiệp xui khiến, ngẫu nhiên phát sanh, nhưng luôn giữ lòng thành kính, trung hậu, khoan thứ, sẽ tự có thể vừa khởi niệm liền nhận biết, biết rồi liền mất, quyết chẳng đến nỗi phát sanh, nẩy nở khiến cả ba nghiệp phải xuôi theo nó.
Sở dĩ tiểu nhân giả vờ làm thiện mà thật ra làm ác là vì nghĩ rằng người khác không biết mà mình biết, chẳng biết rằng những kẻ không biết chỉ là phàm phu thế gian đó thôi. Nếu là thánh nhân đắc đạo cố nhiên biết rành rẽ; chư thiên, quỷ thần tuy chưa đắc đạo nhưng do quả báo đắc Tha Tâm Thông cũng đều biết rõ ràng. Huống hồ Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, chư Phật: Tha Tâm đạo nhãn thấy trọn ba đời như nhìn lòng bàn tay ư? Muốn người khác không biết, chỉ có chính mình không làm mà thôi! Nếu tự mình biết thì thiên địa, quỷ thần, Phật, Bồ Tát v.v… không vị nào không biết, không thấy tất cả. Nếu biết nghĩa này thì dẫu ở trong nhà tối phòng kín cũng chẳng dám coi thường, biếng nhác. Dẫu nơi người ta không biết cũng chẳng dám manh nha ác niệm bởi thiên địa, quỷ thần, chư Phật, Bồ Tát v.v… đều cùng biết. Dẫu là kẻ không biết hổ thẹn, biết được nghĩa này, cũng sẽ hổ thẹn vô ngần, huống gì bậc chân tu thực tiễn!
Vì thế, muốn giảm bớt lỗi, trước hết phải khởi đầu từ chỗ sợ chư thánh – phàm đều biết đều thấy. “Thấy tiên triết nơi canh, nơi tường, cẩn thận, dè dặt ngay cả với bóng áo”[3], vẫn chỉ là lời nói thiển cận ước theo tình kiến thế gian. Thật ra, tâm ta cùng mười phương pháp giới bản thể hợp nhau khít khao. Do ta mê nên cái biết bị hạn cuộc nơi một thân. Mười phương pháp giới thánh nhân triệt chứng Pháp Giới Tạng Tâm sẵn có nơi tự tâm, phàm hết thảy hữu tình trong pháp giới khởi tâm động niệm thì các ngài không gì chẳng tự biết, tự thấy. Vì cớ sao? Vì cùng bẩm thọ Chân Như, ta – người không hai. Nếu biết nghĩa này, ắt sẽ run sợ, kiêng dè, chú trọng lòng kính, gìn giữ lòng thành, thoạt đầu phải ra sức dứt vọng, lâu ngày không vọng nào có thể khởi được! (Ác niệm vốn thuộc vọng tưởng, nếu không giác chiếu sẽ thành ác thật sự. Nếu có thể giác chiếu thì vọng tưởng giảm, chân tâm hiện)
(thư thứ ba)
Mỗi lời trong thư đều chân thật, muốn được lợi ích nơi Phật pháp, chỉ vì chưa biết duyên do Tịnh Độ, tâm nguyện bèn thành trái nghịch Phật nguyện. Trong thế gian, người tu trì cầu liễu sanh tử thì nhiều, nhưng thường là dùng ngu kiến của chính mình để suy lường đại pháp chẳng thể nghĩ bàn của Như Lai, đến nỗi xoay xe sai hướng[4], không thể liễu thoát. Đời này còn chưa chánh kiến, huống chi đời mai sau! Vạn nhất lại được thân người, lại bị si phước đã tu trong đời này làm mê, mong chi lại càng tinh tấn cầu xuất ly nữa ư?
Phật nói hết thảy pháp môn Đại, Tiểu, Quyền, Thật đều phải cậy vào công lực của chính mình để đoạn Hoặc chứng Chân mới thoát được sanh tử. Nếu còn sót mảy may Hoặc nghiệp, sanh tử quyết định khó ra. Do vậy, từ đời này sang đời khác, từ kiếp này qua kiếp khác, xoay vần tu trì, nếu có sức lực đầy đủ, tiến thẳng chẳng lùi, ắt được liễu thoát. Đa phần là đang giác chợt mê, tiến ít lùi nhiều trải kiếp số như bụi trần, chẳng thể xuất ly. Do vậy, ông lẫn tôi đến nay vẫn là phàm phu, đều là vì không biết đến pháp môn Tịnh Độ độ khắp ba căn, chí cực viên đốn của Như Lai vậy. Dẫu ông chưa thân cận tri thức nhưng đã từng tụng kinh Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ, Thập Lục Quán kinh, và các bài Tịnh Độ Phát Nguyện Văn, Long Thư Tịnh Độ Văn, Quy Nguyên Trực Chỉ, những sách ấy thảy đều dạy vãng sanh ngay trong đời này, riêng ông lại muốn chuyển sang đời sau.
Phật thương chúng sanh không sức đoạn Hoặc, khó liễu sanh tử; vì thế riêng mở pháp môn hoành siêu[5] cậy vào Phật từ lực đới nghiệp vãng sanh. Bất luận đoạn Hoặc hay không, nếu đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha trì danh hiệu Phật (đây là Chánh Hạnh) và tu trì các điều thiện, hồi hướng vãng sanh (đây là Trợ Hạnh), không một ai chẳng được vãng sanh. Dẫu kẻ Ngũ Nghịch, Thập Ác, lâm chung tướng địa ngục hiện, nếu tâm thức không mê, nghe thiện tri thức dạy niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Nếu niệm được mười tiếng, hoặc chỉ một tiếng, ngay khi đó mạng chung cũng được vãng sanh (điều này chép trong Thập Lục Quán Kinh, Hạ Phẩm Hạ Sanh Chương là lời chân thành từ kim khẩu). Đã vãng sanh liền được cao dự hải hội, vĩnh viễn thoát luân hồi; dần dần tấn tu viên thành Phật Quả. Tội nhân nghịch ác như thế nếu chẳng được nghe pháp chẳng thể nghĩ bàn này, trải kiếp số nhiều như vi trần, khó thoát khỏi địa ngục. Ngạ quỷ, súc sanh còn khó được sanh vào, huống gì lại được làm thân người để tu hành liễu sanh tử?
Hãy nên phát tâm quyết định, lâm chung nhất định muốn sanh về Tây Phương. Đừng nói chi thân người tầm thường kém cỏi chẳng muốn thọ nữa, ngay cả làm vua trời – người và xuất gia làm Tăng, nghe một hiểu ngàn, đắc Đại Tổng Trì, làm thân cao tăng đại hoằng pháp hóa, lợi khắp chúng sanh cũng xem như cỏ độc, rừng tội, quyết định chẳng sanh một niệm tâm muốn hưởng. Quyết định như thế thì Tín – Nguyện – Hạnh của chính mình mới có thể cảm được Phật; thệ nguyện của Phật mới nhiếp thọ được mình, cảm ứng đạo giao được Phật tiếp dẫn, lên thẳng chín phẩm, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi. Tam Quy, Ngũ Giới là cửa ban đầu để vào Phật pháp, tu các pháp môn khác đều nương vào đây để nhập, huống chi pháp môn Tịnh Độ giản dị, dễ dàng nhất, chí viên, chí đốn chẳng thể nghĩ bàn? Chẳng soi xét tam nghiệp, chẳng trì Ngũ Giới sẽ không có phần được thân người lần nữa, huống gì muốn được thân liên hoa hóa sanh, đầy đủ quang minh tướng hảo ư?
Ông nói chiều tà đường xa, nên theo đường thẳng tắt thì hãy chuyên đọc tụng ba kinh Tịnh Độ và Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, nghiên cứu chú sớ của các kinh Tịnh Độ, còn các Ngữ Lục, Kim Cang, Pháp Hoa hãy nên để ra ngoài, vì việc nào cần gấp thì phải làm trước, không chia tâm làm hai vậy.
Còn như chuyện giảm bớt lỗi, quả thật là công phu thiết yếu của cả Nho lẫn Phật. Cừ Bá Ngọc lúc năm mươi tuổi biết bốn mươi chín năm trước sai trái, bảo với người khác: “Muốn giảm bớt lỗi nhưng chưa thể”. Chuyện này quả thật là dụng công nơi ý, chứ không phải là thân – miệng có lỗi! Tại gia cư sĩ hằng ngày cùng người đời thù tạc, phải nên khăng khắng đề phòng. Nếu không, chẳng những ý nghiệp không tịnh, mà thân – miệng cũng có thể ô uế không tịnh. Muốn cho cả mình lẫn người cùng được lợi, không gì bằng biết nhiều về những lời lẽ hành vi [của cổ nhân] để làm khuôn phép. An Sĩ Toàn Thư quả là kỳ thư bậc nhất xưa nay, dung thông tâm pháp cả Phật lẫn Nho, trình bày rõ nhân quả báo ứng và phương pháp tu trì cho cả đạo lẫn tục, nên thường mở ra xem, ngõ hầu không mối nghi nào chẳng được gỡ, không hạnh nào chẳng cẩn thận. Pháp Uyển Châu Lâm lại càng rộng lớn, tuy không phải là kinh điển thậm thâm, nhưng [sách ấy giúp] kẻ sơ tâm từ cạn vào sâu, không bị phạm lỗi hiểu lầm. Nếu trước hết chẳng hiểu tội phước nhân quả, lại toan dò ngay vào diệu lý Đệ Nhất Nghĩa Đế Thật Tướng, chỉ e kiến giải không rõ ràng, hiểu nhầm ý nghĩa, coi mê là ngộ, cầu thăng lên trái lại bị đọa!
Ông đã chuyên tu Tịnh nghiệp, nên lấy bài Tân Định Tịnh Độ Phát Nguyện Văn của đại sư Liên Trì làm chánh (Tỉnh Am Ngữ Lục quyển Hạ có chú giải bài phát nguyện này, tự đọc sẽ biết được chỗ hay khéo của nó). Ông tự lập bốn nguyện, hoặc dùng kèm hoặc không dùng đều được. Bài nguyện văn ấy Sự lẫn Lý chu đáo, trọn không sót một pháp, một nghĩa nào. Ngài nói bao quát pháp giới không sót; ông lại nói là đại thiên, đem so với lượng của pháp giới khác gì đem một hạt bụi sánh với đại địa, đem một giọt nước sánh với biển cả.
Xem khắp thư ông, tợ hồ chân thật dụng công nơi tâm địa, nhưng kẻ học ngày nay thường hay chuyên nói lời giả, chẳng tu thật hạnh. Ý muốn mua danh chuốc dự để cầu thể diện, trọn chẳng phải là chân thật tự xét, giảm lỗi mà nói lời ấy. Đấy gọi là tự hại, là tự vứt bỏ, là đại vọng ngữ, là không biết hổ thẹn. Nếu không phải vậy thì là bậc thánh hiền. Nếu mang cái thói ấy thì là phường hạ lưu, là tội nhân nơi pháp, là nghịch tử của Phật. Có thì hãy sửa, không thì càng cố gắng, trực tâm trực hạnh mới hợp với Phật. Lại tự mình đã tu trì Tịnh nghiệp (tức là sửa lỗi hướng thiện và niệm Phật, ngay trong đời này liền nguyện vãng sanh Tây Phương) thì cũng nên dạy hết thảy những người quen biết cũng tu Tịnh nghiệp. Hãy nên dựa theo phần Phổ Khuyến trong Long Thư Tịnh Độ Văn khiến họ tùy phận tùy lực gieo thiện căn chẳng thể nghĩ bàn này.
Nay đã muốn dạy người thì phải từ thân đến sơ, nỡ để thê thiếp con cái chẳng được lợi ích này ư? Văn Vương nêu gương cho vợ mình, [gương ấy] lan đến anh em, rồi lan ra khắp đất nước khiến nước nhà yên ổn[6]. Tự hành, hóa tha trong thế gian hay xuất thế gian không ai chẳng vậy. Ông chuyên cầu vãng sanh, sáng sớm ngoài mười niệm ra, phàm đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, im lặng, động, tịnh, mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, trong hết thảy lúc, hết thảy chỗ, đều nên lấy sáu chữ hồng danh đặt nơi tâm – miệng. Nhưng ở chỗ đúng pháp, đúng thời thì niệm ra tiếng hay niệm thầm đều tùy nghi. Nếu nhằm lúc đại tiểu tiện, ngủ nghỉ, chỉ nên niệm thầm, chớ niệm ra tiếng. Niệm thầm công đức vẫn bằng như niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng thì không cung kính, nếu nằm niệm lại còn bị tổn khí, không thể không biết!
Phải biết Tây Phương Cực Lạc thế giới đừng nói là phàm phu không hiểu, ngay cả thánh nhân Tiểu Thừa cũng không thể hiểu nổi, bởi pháp này thuộc về cảnh giới Đại Thừa chẳng thể nghĩ bàn vậy. Tiểu thánh hồi tâm hướng Đại mới hòng đạt tới. Phàm phu nếu không dùng tín – nguyện để cảm Phật, dẫu có tu hết thảy các hạnh thù thắng khác cùng với hạnh trì danh thù thắng vẫn chẳng thể vãng sanh. Do vậy, tín – nguyện là khẩn yếu nhất. Ngài Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không? Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”, đấy chính là lời phán định đanh thép dẫu ngàn đức Phật xuất thế cũng không thay đổi được. Tin cho tới nơi, đảm bảo ông sẽ có phần nơi Tây Phương (A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh – còn gọi là Thập Lục Quán Kinh, [ba kinh này] gọi là Tịnh Độ Tam Kinh. Thêm vào Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm gọi là Tịnh Độ Tứ Kinh, hình như chỉ có một bản Tịnh Độ Tứ Kinh. Còn như bản Vô Lượng Thọ Kinh do ông Ngụy Thừa Quán khắc in thì lại y theo những kinh khác để tăng bổ thêm. Về lý tuy là hữu ích, nhưng sự thật lại sai lầm nhiều, không thể noi theo đó được)
(thư thứ tư)
Nhận được thư, biết gần đây cư sĩ tu trì thân thiết, tự trách, bớt lỗi, mong thành thánh thành hiền, chẳng phải là uổng mang hư danh tu hành mà thôi, mừng vui vô lượng. Phàm muốn học Phật, Tổ liễu sanh tử, phải bắt đầu từ hổ thẹn, sám hối, dứt ác tu thiện (hổ thẹn, sám hối, dứt ác tu thiện chính là tự trách, giảm lỗi, khắc kỷ, giữ lễ. Nếu có thể tự trách sẽ tự nhiên ít lỗi, ít lỗi chính là thực hành chuyện khắc kỷ. Đã khắc kỷ sẽ tự nhiên giữ được lễ). Ăn chay, răn nhắc, ý thật chân thành, thiết tha. Nhưng phải thật sự thực hiện, tận lực mà làm. Nếu không sẽ trở thành vọng ngữ bậc nhất trong các vọng ngữ. Biết không khó, làm được mới khó. Thế gian bao kẻ thông minh, đều chỉ nói chứ không làm, hết cả đời này, uổng công đến núi báu trở về tay không. Đáng đau tiếc thay! Đáng đau tiếc lắm!
Còn như vọng niệm đầy dạ, thấp thoáng qua lại quấn quýt nơi ý tưởng là vì chưa thật sự đề khởi chánh niệm vậy. Nếu như chánh niệm chân thành, khẩn thiết, ắt ý tưởng sẽ xuôi theo chuyên chú chánh niệm một cảnh vậy. Đấy gọi là kiềm chế đúng pháp khiến cho giặc cướp đều thành con đỏ. Kiềm chế sai đường, dẫu chân tay cũng trở thành oán gia. Còn là phàm phu, ai không phiền não? Phải đề phòng trước trong lúc bình thời; tự nhiên gặp cảnh chạm duyên, phiền não chẳng đến nỗi bộc phát. Dẫu có phát cũng sẽ nhanh chóng giác chiếu khiến phiền não bị tiêu diệt.
Cảnh khởi phiền não, nào phải chỉ một, nhưng gây nên phiền não nhiều nhất chỉ có mấy cảnh như tài sắc và thuận – nghịch mà thôi. Nếu biết của cải vô nghĩa, hại quá rắn độc, sẽ chẳng lâm vào cảnh phiền não vì lấy của cẩu thả. [Biết] tạo phương tiện cho người, rốt cuộc vẫn là tạo tiền trình cho chính mình, sẽ không bị phiền não khi gặp kẻ cùng quẫn, cấp bách, hoạn nạn cầu cứu mà do tiếc của chẳng chịu giúp cho. Về sắc thì dẫu đối trước dung mạo như hoa, như ngọc, thường giữ ý tưởng coi như chị, như em. Dẫu nhìn thấy kỹ nữ, vẫn nghĩ như thế, sanh lòng thương xót, sanh tâm độ thoát, sẽ không bị phiền não thấy sắc đẹp động lòng ham muốn. Vợ chồng kính trọng nhau như khách, coi thê thiếp như ân nhân giúp mình có con nối dõi, chẳng dám coi họ như món đồ thỏa dục hành lạc thì không bị phiền não do ham sắc dục đến nỗi diệt thân, vợ không thể sanh, con không thể thành lập. Dạy dỗ, uốn nắn con cái từ nhỏ sẽ không có phiền não con cái ngỗ nghịch cha mẹ, bại hoại môn phong. Còn như gặp cảnh ngang trái phải sanh lòng thương xót, thương nó vô tri, không biết suy xét. Lại nên nghĩ do mình đời trước từng não hại nó nên nay mới gặp cảnh này hòng trả nợ xưa, tâm sanh hoan hỷ sẽ không có phiền não ngang trái báo thù. Nhưng những điều vừa nói trên đây là dành dạy cho kẻ sơ cơ.
Nếu là bậc đại sĩ tu lâu đã rõ Ngã Không thì vô tận phiền não đều hóa thành đại quang minh tạng. Ví như đao do mài mà bén, vàng do luyện được thuần, sen do bùn lầy bón tưới mới được thanh tịnh sáng sạch. Cảnh không tự tánh, tổn hại hay ích lợi là do người. Tam nghiệp, tứ nghi (tứ nghi là đi, đứng, nằm, ngồi) thường giữ như “bốn điều không” của Nhan Uyên. Ngũ Giới, Thập Thiện phải học theo “ba lần phản tỉnh” của Tăng Tử. Dẫu nhà tối không ai thấy, nhưng thiên địa, quỷ thần đều biết. Niệm vừa mới manh nha, ẩn kín, vi tế, tội – phước đã phân định rạch ròi một trời, một vực! Nếu có thể tu tỉnh như vậy, sẽ thấy mọi cử động đều lành, ác chẳng thể sanh từ đâu cho được! Đây chính là quy củ rộng lớn của việc chánh tâm thành ý, chớ cho là đạo Thích vụn vặt, chẳng giản dị, nhanh chóng như đạo Nho. Nếu luận về pháp môn Niệm Phật thì chỉ lấy ba pháp Tín – Nguyện – Hạnh làm tông yếu, đầy đủ ba pháp quyết định vãng sanh. Nếu không tin thật, nguyện thiết, dẫu có chân hạnh cũng chẳng thể vãng sanh, huống gì tu hành hời hợt, hờ hững ư? Ngài Ngẫu Ích đã nói: “Được sanh hay không toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp là do trì danh sâu hay cạn”. Đấy chính là lời bàn luận thường hằng ba đời chẳng đổi được, là đạo mầu độ khắp ba căn vậy, phải dốc toàn thân dựa theo đó mới hòng chứng được ích lợi thật sự. Ba điều Tín – Nguyện – Hạnh đều được giải thích tường tận trong sách Thập Yếu, nhưng trọng yếu nhất là phần thứ ba là phần Minh Tông (minh định tông chỉ của một bản kinh) thuộc đoạn Ngũ Trùng Huyền Nghĩa của sách Yếu Giải đã phát huy ba pháp này đến mức tinh xác, tường tận nhất. Trong những phần sau, đoạn nào, tiết nào cũng đều chỉ bày, hãy nên đọc kỹ, không thể viết đầy đủ hết.
Còn như niệm Phật, tâm khó quy nhất, hãy nên nhiếp tâm khẩn thiết niệm, sẽ tự có thể quy nhất. Pháp nhiếp tâm không pháp nào chẳng trước hết phải chí thành khẩn thiết. Tâm không chí thành mà muốn nhiếp tâm thì không có cách nào cả! Nếu đã chí thành mà vẫn chưa thuần nhất, hãy nên lắng tai nghe kỹ, bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm, đều phải niệm từ tâm khởi, tiếng từ miệng lọt ra, âm thanh lọt vào tai (niệm thầm dẫu miệng không động, nhưng trong ý vẫn có tướng miệng niệm), tâm – miệng niệm cho rõ ràng, rành mạch, tai nghe cho rõ ràng, rành mạch. Nhiếp tâm như thế, vọng niệm tự dứt.
Nếu vọng niệm vẫn còn nổi sóng, thì dùng pháp Thập Niệm Ký Số, tức là đem sức lực toàn tâm đặt nơi một tiếng Phật hiệu, dẫu muốn khởi vọng cũng không có sức. Diệu pháp nhiếp tâm niệm Phật rốt ráo này xưa kia các vị hoằng truyền Tịnh Độ chưa đề cập đến là vì căn tánh con người [khi ấy] còn thông lợi, chẳng cần phải làm như thế mới có thể quy nhất được! Ấn Quang do tâm khó chế phục, mới biết cái hay của pháp này. Càng thử càng thấy hay, chẳng phải là nói mò đâu nhé. Nguyện khắp thiên hạ những kẻ độn căn đời sau đều cùng sử dụng khiến cho vạn người tu vạn người về.
Pháp Thập Niệm Ký Số vừa nói đó chính là trong lúc niệm Phật, từ một câu đến mười câu phải niệm cho phân minh, lại phải nhớ phân minh, đến mười câu là thôi. Lại phải niệm từ một câu đến mười câu, chẳng được niệm hai mươi, ba mươi. Niệm đâu nhớ đấy, không được lần chuỗi, chỉ dựa vào tâm để nhớ. Nếu nhớ thẳng vào mười câu thấy khó thì chia thành hai hơi, tức là từ câu thứ nhất đến câu thứ năm và từ câu thứ sáu đến câu thứ mười. Nếu vẫn thấy mệt, nên từ câu một đến câu ba, từ câu bốn đến câu sáu, từ câu bảy đến câu mười, chia làm ba hơi để niệm. Niệm cho rõ ràng, nhớ cho rõ ràng, nghe cho rõ ràng, vọng niệm không chỗ chen chân, nhất tâm bất loạn, niệm lâu ngày sẽ tự được.
Phải biết mười niệm này giống như cách nhiếp vọng bằng pháp Thập Niệm buổi sáng, nhưng công dụng khác xa. Buổi sáng mười niệm thì hết một hơi là một niệm, chẳng luận số câu niệm Phật nhiều – ít. Cách này lấy một câu Phật hiệu làm một niệm, còn cách kia chỉ có thể niệm mười hơi vào buổi sáng. Nếu niệm hai mươi, ba mươi hơi sẽ tổn khí thành bệnh. Cách niệm này một niệm là một câu Phật hiệu, tâm biết một câu, niệm mười câu Phật hiệu, tâm biết mười câu. Từ một đến mười, rồi lại từ một đến mười, dẫu cả ngày niệm mấy vạn tiếng cũng đều nhớ như thế. Chẳng những trừ vọng lại còn dưỡng thần tốt nhất. Niệm mau hay chậm trọn không trở ngại, từ sáng đến tối, không gì không thích hợp.
So với cách lần chuỗi nhớ số, lợi ích khác nhau một trời một vực. Cách kia (tức cách niệm bằng lần chuỗi) thân mệt, thần động, cách này thân nhàn tâm an. Nhưng lúc làm việc nếu khó nhớ số thì cứ khẩn thiết niệm thẳng. Làm việc xong, lại nhiếp tâm nhớ số như cũ. Dẫu ý niệm loang loáng đến đi, cũng vẫn quẩn quanh chuyên chú nơi một cảnh Phật hiệu. Đại Thế Chí nói: “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, đắc Tam Ma Địa, ấy là bậc nhất”. Kẻ lợi căn chẳng cần phải nói nữa, nếu là hạng độn căn như bọn ta, bỏ pháp Thập Niệm Ký Số này, muốn nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối, thật khó khăn lắm!
Lại phải biết pháp nhiếp tâm niệm Phật này tuy cạn mà sâu, tuy nhỏ mà lớn, là pháp chẳng thể nghĩ bàn. Chỉ nên thường ngửa tin lời Phật, chớ vì mình thấy không đến nơi đến chốn bèn sanh nghi hoặc, đến nỗi thiện căn nhiều kiếp do đây bị mất, chẳng thể rốt ráo tự đạt được lợi ích thật sự, đáng buồn lắm! Lần chuỗi niệm Phật chỉ nên làm trong hai lúc đi và đứng. Nếu tịnh tọa dưỡng thần, do tay động nên thần chẳng an, lâu ngày thành bệnh. Pháp Thập Niệm Ký Số này đi, đứng, nằm, ngồi, không gì chẳng thích hợp. Lúc nằm chỉ nên niệm thầm, không được niệm ra tiếng. Nếu niệm ra tiếng thì một là bất kính, hai là tổn khí, hãy nhớ kỹ, nhớ kỹ!
Cư sĩ nay đã gần năm mươi, thân bị ràng buộc, chưa tham tầm tri thức, muốn liễu thoát trong đời này hãy chỉ nên chuyên chú một môn Tịnh Độ. Kim Cang, Pháp Hoa hãy gác ra ngoài, đợi đến khi thông suốt Tịnh Độ, đã đắc nhất tâm rồi mới lại nghiên cứu cũng không muộn. Nếu theo đuổi ngay trong lúc này, e trí lực không đủ, được cái kia mất cái này. Một pháp chưa tinh, hai điều lợi đều mất! Sách Giản Ma Biện Dị Lục thuộc Thiền Tông, dẫu bậc thông đạt giáo lý sâu xa còn chưa dễ gì biết được, huống là cư sĩ! Phàm những sách vở của Thiền Tông, nhất loạt chớ nghiên cứu, bởi Thiền Tông “ý tại ngôn ngoại”, nếu dựa theo mặt chữ để hiểu nghĩa sẽ hiểu lầm Phật pháp, do nhân lành chuốc lấy quả ác! Thích Thị Kê Cổ Lược là sách sử truyện, lấy Thiền Tông làm chánh. Phàm những sách như thế hãy gác lại chớ nghiên cứu thì mới nên.
Tôi thường nói: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, phải cầu nơi cung kính. Có một phần cung kính thì diệt được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, diệt mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ. Nếu trọn chẳng cung kính, dẫu gieo được viễn nhân, nhưng cái tội khinh nhờn chẳng thể tưởng được nổi!” Phàm thấy hết thảy những người tín tâm, đều đem ý này bảo họ. Đây chính là thật nghĩa quyết định từ sơ tâm cho đến rốt ráo. Nếu coi đó là lời bàn cổ hủ của ông Tăng hủ bại thì chính là tự hại, tự vứt bỏ, nào phải là cô phụ Ấn Quang, mà là cô phụ chính mình đó thôi!
***
[1] Tuổi tri mạng: năm mươi tuổi, do câu nói “ngũ thập tri thiên mạng” nên thường gọi tuổi năm mươi là tuổi tri mạng.
[2] Cao, Tằng, Tổ Phụ Mẫu: Tổ là đời ông bà, Tằng là đời bố mẹ của ông bà, tức Cố; Cao là bố mẹ của Cố, ta thường gọi là ông Sơ.
[3] Nguyên văn: “Kiến tiên triết ư canh tường, thận độc tri khâm ảnh”. Canh tường là điển tích nói về vua Ngu Thuấn do hâm mộ đức hạnh của vua Ðường Nghiêu nên trong suốt ba năm ăn canh thấy bóng vua Nghiêu hiện trong bát canh, ngồi thấy bóng vua Nghiêu hiện trên tường. Ðời sau thường dùng chữ “canh tường” để chỉ lòng cung kính, chí thành đến cùng cực. “Thận độc” là ở một mình, hành vi luôn dè dặt, chẳng cẩu thả. “Khâm ảnh” là bóng chiếc áo, lấy từ thành ngữ “khâm ảnh vô quý” (chẳng thẹn với bóng áo). Như vậy “thận độc khâm ảnh” ngụ ý hành vi luôn cẩn thận, nghiêm cung, không hề phải hổ thẹn với ai, dù ngay cả với bóng của chính mình.
[4] Nguyên văn “Bắc viên thích việt” (càng xe vừa xoay về phương Bắc), theo ý thành ngữ: “Bắc viên thích Sở”. Ý nói: muốn đi về nước Sở ở phương Nam mà quay đầu xe về phương Bắc, ý nói: Chí nguyện và hành động tương phản.
[5] Hoành siêu: Siêu việt tam giới theo chiều ngang. Sở dĩ gọi là Hoành Siêu vì những pháp môn kia phải theo thứ tự vượt từ Dục Giới lên Sắc Giới rồi mới thoát khỏi tam giới, còn pháp môn Tịnh Độ từ nhân gian vượt thẳng sang Tịnh Độ.
[6] Đây là một câu lấy từ kinh Thi, bài Tư Tề: “Văn Vương hình ư quả thê, chí ư huynh đệ, dĩ ngự ư gia bang”. Sách Mạnh Tử Tập Chú giảng “hình” là nêu gương, làm gương, lấy thân mình làm mẫu mực. “Quả thê” là tiếng Văn Vương gọi vợ (vua xưng là quả nhân), rồi chú thích câu này như sau: Văn Vương lấy thân mình làm gương cho vợ, gương ấy thấu đạt đến anh em Ngài, rồi lan ra khắp đất nước khiến cho nước nhà yên ổn.