NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Sư Ngộ Khai
Diễn Đọc: Tạng Thư Phật Học
Thư gởi sư Ngộ Khai
Trộm nghe pháp môn Tịnh Độ là pháp phơi bày thông suốt rốt ráo bản hoài của chư Phật, vượt trỗi hết thảy Thiền, Giáo, Luật, thống nhiếp hết thảy Thiền, Giáo, Luật. Nói đại lược thì một chữ, một câu, một sách có thể bao quát không còn sót. Nói rộng thì dù những lời huyền diệu thuộc Tam Tạng mười hai bộ kinh, diệu nghĩa của các tổ sư năm tông[1] cũng không thể diễn tả trọn. Dẫu cho chúng sanh trọn khắp đại địa cùng thành Chánh Giác, hiện tướng lưỡi rộng dài, dùng sức thần thông, sức trí huệ, vi trần nói, cõi nước nói, sôi nổi nói, nói không gián đoạn, há có thể nói hết được ư? Ấy là vì Tịnh Độ vốn chẳng thể nghĩ bàn. Thử xem bộ kinh lớn Hoa Nghiêm, vua toàn Tam Tạng, cuối cùng quy trọng nguyện vương. Áo điển Pháp Hoa mầu nhiệm đứng đầu các kinh, nghe đến liền được vãng sanh, địa vị bằng bậc Đẳng Giác.
Còn như ngàn kinh vạn luận, đâu đâu cũng chỉ quy là có lý do vậy. Văn Thù phát nguyện, Phổ Hiền khuyến tấn; Như Lai thọ ký trong kinh Đại Tập rằng: “Trong đời Mạt Pháp, nếu không nhờ pháp này không thể đắc độ”. Trong luận Tỳ Bà Sa, ngài Long Thọ dạy giản dị là “đạo dễ hành, mau thoát sanh tử”, nên vãng thánh tiền hiền ai nấy đều hướng về, há vô ích sao? Đúng là giáo pháp cả một đời [đức Phật] đều đặt để nơi pháp môn Niệm Phật. Không chỉ như thế, phàm hết thảy cảnh giới được tiếp xúc bởi sáu căn như núi, sông, đại địa, sáng, tối, sắc, không, thấy, nghe, hay, biết, sắc, thanh, hương v.v… có pháp nào không phải là văn tự xiển dương Tịnh Độ? Lạnh – nóng đắp đổi, già – bệnh đưa đẩy, lụt, hạn, binh đao, dịch bệnh, bè lũ ma, tà kiến, có thứ gì chẳng phải là lời cảnh sách lay tỉnh con người sớm cầu vãng sanh? Nói rộng ra há có thể hết được hay chăng?
Nói một chữ thống nhiếp trọn hết thì chính là chữ Tịnh. Tịnh đến cùng cực ắt sáng suốt, sao không đạt đến Diệu Giác. Một chữ này há dễ đảm đương? Nghiên cứu bài tụng về Lục Tức Phật [2] ắt sẽ biết!
Một câu là Tín – Nguyện – Hạnh. Không có Tín sẽ chẳng thể khởi Nguyện, không có Nguyện sẽ chẳng thể dẫn dắt Hạnh. Không có diệu hạnh trì danh sẽ không thể thỏa mãn sở nguyện hòng chứng được Tín ấy. Hết thảy kinh luận Tịnh Độ đều phát minh ý chỉ này.
Một kệ là kệ tán Phật[3], nêu chánh báo để nhiếp y báo; nêu lên hóa chủ để bao gồm đồ chúng. Tuy chỉ có tám câu nhưng đã nêu trọn đại cương của ba kinh Tịnh Độ.
Một sách là Tịnh Độ Thập Yếu, mỗi chữ đều là lời hướng dẫn trong đời Mạt Pháp, mỗi lời đều là gương báu của Liên Tông. Buồn khóc ứa lệ, mổ tim vẩy máu, xứng tánh phát huy, tùy căn cơ mà chỉ bày. Dẫu có ví là vớt người chết đuối, cứu kẻ đang bị lửa thiêu cũng không thể sánh ví được nỗi lòng thống thiết của bộ sách ấy. Bỏ cuốn sách này đi thì chánh tín không thể do đâu mà sanh, tà kiến không do đâu mà diệt! Trong cuốn sách ấy, quan trọng nhất là sách Yếu Giải. Sách này chính là hướng dẫn tốt lành trên đường hiểm để người sơ tâm nhập môn đoạn nghi sanh tín, chỉ bày nẻo ắt phải theo để về được bảo sở[4]. Sách Tịnh Độ Hoặc Vấn của ngài Thiên Như, sách Trực Chỉ của ngài Diệu Hiệp, thật là những bậc công thần đột phá kiên nhuệ nhất.
Hãy nên biết pháp môn Tịnh Độ có đủ bốn pháp giới, tất cả sự tướng đều là pháp giới sự sự vô ngại, đọc rồi tu, chẳng thể chấp Lý phế Sự. Nếu chấp thì cả Lý lẫn Sự cùng mất. Giống như người biết Ý căn tối thắng nhưng phế bỏ năm căn thì Ý căn cũng không có chỗ nào để lập được. Chỉ có dùng Sự để rõ Lý, dùng Lý để dung Sự mới hòng không lầm lỗi. Như nói đến yếu chỉ Tịnh Độ thì toàn Sự chính là Lý, Lý – Sự viên dung, liền khế hợp bản thể. Sớm biết Sư đã no đẫy cỗ vua, vẫn miệt mài hiến món rau cần, chẳng qua là để biểu thị tấc dạ đứa con cùng quẫn[5] mong trở về nhà, đồng thời muốn tẩy sạch tội khiên báng pháp trước kia[6].
***
[1] Năm tông: năm tông phái nhà Thiền, tức Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Quy Ngưỡng và Pháp Nhãn.
[2] Lục Tức Phật: Sáu hạnh vị của Viên Giáo do Thiên Thai Trí Giả đại sư lập ra, gồm: Lý Tức Phật (chưa nghe Phật pháp, nhưng tự tánh chính là Phật), Danh Tự Tức Phật (đã nghe Phật pháp), Quán Hạnh Tức Phật (ngoại phàm, tương đương với Thập Tín của Biệt Giáo), Tương Tự Tức Phật (Nội Phàm, thuộc địa vị Thập Tín), Phần Chứng Tức Phật (bốn mươi mốt địa vị Pháp Thân đại sĩ, từ Thập Trụ trở lên), Cứu Cánh Tức Phật (quả vị Phật).
[3] Tức bài kệ tán “A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân”….
[4] Bảo sở: Nơi chốn có của báu. Kinh Pháp Hoa dùng chữ Bảo Sở để ví cho quả Chánh Giác.
[5] Kinh Pháp Hoa dùng tỷ dụ con ông trưởng giả cự phú, bỏ cha trốn sang xứ người, phải làm mướn kiếm ăn, không biết mình sẵn có gia tài cự vạn. Cũng như chúng sanh có kho tàng tánh đức trong tự tâm, nhưng mãi chạy theo ngũ dục, lục trần nhỏ nhặt, hư giả, bỏ quên kho báu tánh đức.
[6] Khi còn trẻ, do say mê Tống Nho, tổ Ấn Quang từng viết sách công kích đạo Phật.