NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Sư Căn Kỳ Chùa Tứ Minh Quán Tông
Diễn Đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi sư Căn Kỳ chùa Tứ Minh Quán Tông

Nhận được thư và sách Hiển Cảm Lợi Minh Lục[1], khôn ngăn hoan hỷ, biết Đế Công giảng kinh lần này, so với lần trước càng cảm thấy rạng rỡ hơn nữa. Nhân đó bèn đọc một lượt xong, liền đưa cho người khác. Có nhiều chỗ thấy nghe, thật quá quái lạ; riêng cho rằng: “Đế Công đã chứng thánh quả, Quan Đế còn chưa minh tâm”. Quang tôi nghe vậy, bảo: Chuyện này phải nhìn từ chỗ dụng tâm của họ Bạch và họ Quan mà xét thì cả Sự lẫn Lý đều thỏa đáng, trọn không mắc lỗi lạm thánh khuất hiền.

Bạch Công hãy để đó không bàn tới. Còn Quan Đế lúc còn sống là bậc đại trượng phu phú quý không dâm, khi nghèo hèn không thay đổi, oai vũ không khuất phục được. Mất đi, quy y với ngài Trí Giả, nguyện vì Già Lam hộ trì Phật pháp. Từ ngài Trí Giả đến nay đã hơn một ngàn ba trăm năm, Quan Đế làm chủ nhân của mọi tùng lâm trong thiên hạ. Có nhiều bậc Pháp Thân đại sĩ nương nguyện hoằng pháp, Quan Đế đều thân cận hộ trì từng vị; có lẽ đến nay vẫn còn chưa hết, vậy mà vẫn phải cầu Đế Công khai thị dứt khoát. Chẳng lẽ người thông minh như Đế Quân[2] mà lại ngu độn chẳng được lợi ích nơi pháp như thế ư?

Rất có thể là nay nhằm thời Mạt Pháp, Tăng đa phần thuộc loại tệ hại, chỉ biết chuyện lãnh thọ đại giới bèn gọi là Tăng. Chứ còn danh nghĩa, sự nghiệp của Tăng đa số trọn chẳng biết gì. Người tại gia có tín tâm, nếu có thể nghiên cứu Phật pháp, cuối cùng đều coi rẻ tăng lữ. Còn những kẻ không tin, thấy các ông Tăng du hành trong nhân gian, tạo đủ mọi nghiệp, bèn nói: “Tăng đều như thế, Phật pháp vô ích cho nước, có hại cho đời”. Do có những thứ tri kiến ngã mạn, tà kiến, hèn kém như thế, Quan Đế tâm hộ pháp thiết tha, thấy kinh sư (kinh đô) là chỗ đất trọng yếu trong thiên hạ, cao nhân danh sĩ đều tụ về đó, bèn hiện thân thuyết pháp, thỉnh Đế Công khai thị hòng trấn áp phàm tình ngã mạn, tà kiến của hàng tại gia, chấn động ý niệm xấu xa không hổ, không thẹn của những ông Tăng hèn kém.

Cổ nhân nói Như Lai chẳng bỏ phước nhỏ nhặt như mũi kim đâm, nói: “Như ông già tám mươi múa may để dạy con cháu’’. Quang tôi đối với Quan Đế cũng nghĩ thế. Tuy là suy bậy đoán mò, nếu chất vấn Quan Đế và Đế Công, các ngài đều gật đầu mỉm cười, chẳng hé môi: “Không, không phải như thế!” Luận như trên là ước theo Tích mà luận. Còn bàn về Bổn của Quan Đế và Đế Công thì chỉ có Quan Đế và Đế Công tự biết, Quang tôi làm sao suy lường bình luận cho được!

Căn Mẫn tuy đạo tâm khẩn thiết, e là chưa thấu hiểu quy củ, không hiểu cách thức dụng công, xin hãy dạy hắn tu hành tùy sức, chớ nên gắng gượng quá đáng đến nỗi thân tâm đều bệnh, sẽ khó tự đạt được lợi ích nơi pháp. Nghe ông X… chẳng khéo dụng tâm, đến nỗi thổ huyết không ngừng. Do vậy, trở thành bỏ phế, lơ là. Với những người sơ học đều nên bảo cho biết ý này.

***

[1] Theo pháp sư Hội Tánh, Hiển Cảm Lợi Minh Lục là bộ sách do môn nhân thuật chuyện Quan Đế đến cầu được khai thị với ngài Đế Nhàn. Theo Đế Nhàn Niên Phổ ghi: “Năm Dân Quốc thứ bảy (1918), Bắc Kinh mở hội giảng kinh. Sư sai ông Từ Văn Úy chủ trì lo liệu. Ông Từ thỉnh Sư giảng kinh Viên Giác, cho nên mùa Xuân năm ấy, ông Từ về Nam, đến chùa Quán Tông, đón Sư lên kinh đô… Lúc Sư giảng kinh tại kinh đô, thành hoàng của kinh thành là ông Bạch giáng cơ tại nhà ông Vũ Tấn Trạch tại ngõ Lưu Ly ở phía Tây kinh thành, tự nói mỗi tối đến chỗ Sư giảng nghe kinh, nay muốn hỏi pháp, sai [người hầu cơ] đến thương lượng mời Sư đến đàn cơ một phen, Sư chấp thuận. Trước hết, thần nói bộ hạ toàn là ngạ quỷ rất khổ, cầu xin pháp cứu tế… Tiếp đó, nói Quan Thánh cũng muốn hỏi pháp, hiềm là thần lực quá lớn, sợ người hầu cơ không chịu đựng nổi, nên sai ông Bạch chuyển lời, cho biết: Bất luận sau này Sư giảng kinh tại đâu, ắt sẽ đến đạo tràng ấy ủng hộ!”

[2] Chỉ Quan Đế, tức Quan Công (húy Quan Vũ, hiệu Vân Trường), thời Minh Thần Tông, ông được phong là Tam Giới Phục Ma Đại Đế Thần Oai Viễn Chấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân (do đó, dân gian thường gọi là Quan Thánh). Theo Phật Tổ Thống Ký, quyển 6, khi Trí Giả đại sư nhập định tại Ngọc Tuyền Sơn, thấy Quan Đế hiển linh, biến nơi ấy thành bằng phẳng, dâng cúng cho tổ Trí Giả lập đạo tràng hoằng pháp. Quan Đế lại xin cầu thọ Ngũ Giới với Tổ; từ đó, ông trở thành vị hộ pháp thủ hộ Già Lam. Do vậy, người Tàu còn gọi ông là Già Lam Bồ Tát.