NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư Gởi Dung Minh Đại Sư
Diễn Đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư gởi Dung Minh đại sư

Cổ nhân nói: “Thân người khó được, khó sanh vào chính giữa đất nước, Phật pháp khó nghe, sanh tử khó giải quyết xong”. Chúng ta may được thân người, sanh chính giữa đất nước, được nghe Phật pháp. Điều bất hạnh là tự thẹn nghiệp chướng sâu nặng, không sức đoạn Hoặc để mau thoát tam giới, liễu sanh thoát tử. Nhưng lại may mắn được nghe đức Như Lai ta tâm bi triệt để nói ra pháp môn Tịnh Độ đại quyền phương tiện khéo lạ khiến cho hàng phàm phu sát đất được đới nghiệp vãng sanh. Thật không còn may mắn nào lớn hơn được nữa! Nếu không phải là từ vô lượng kiếp đến nay đã trồng thiện căn sâu dầy, há nghe được pháp chẳng thể nghĩ bàn này ư? Chẳng gấp sanh lòng tin chân thật, phát nguyện cầu sanh ư?

Nay thấy tứ chúng xuất gia, tại gia hảo tâm, đa phần chuộng cao ưa xa, chẳng chịu nghiêm túc chuyên tu Tịnh nghiệp. Toàn là do thiện căn đời trước cạn mỏng, đời này chưa gặp người thông suốt, tuy ông hơi có niềm tin đối với Tịnh Độ, nhưng chẳng hiểu rõ lý Tịnh Độ đến nơi đến chốn. Lại ở nơi vắng vẻ Phật pháp không lưu truyền đến, tôi thật ngại ông thường ngày cùng người đời thù tạc, lâu ngày chầy tháng, cũng bị đồng hóa, “gần mực thì đen, gần lửa thì cháy”, thế khó tránh khỏi! Phải luôn luôn nỗ lực, nếu có thể hãy niệm niệm nơi đạo, dù bận hay rảnh, chẳng lìa danh hiệu Di Đà. Thuận cảnh, nghịch cảnh, chẳng quên vãng sanh Tây Phương thì có thể tùy duyên thường trụ nơi quê cha đất mẹ. Nếu không thể như thế, nên đến Tịnh nghiệp đạo tràng nơi khác và thân cận Tịnh nghiệp tri thức, mới chẳng phụ bạc mọi điều may mắn lớn lao vừa nói ở trên cũng như niềm may mắn không gì lớn lao hơn là được nghe pháp môn Tịnh Độ.

Đế pháp sư (tức ngài Đế Nhàn) chuyên tu Tịnh nghiệp, tôi cho rằng ông ta ắt được lợi ích lớn lao. Bởi lẽ những tâm nắm giữ đạo tràng đã đều chết sạch không sót, cái tâm niệm Phật lại càng khẩn thiết đến cùng cực. Chỉ e ông ta đã đạt tam-muội sâu xa, tôi còn chưa thể nhất tâm, ngày sau mặt mũi nào gặp gỡ ông ta. Vì thế, với việc nhân chẳng nhường, tôi lại toan bế quan. Nói chung vẫn ở Phổ Đà, không biết sẽ ở chắc chắn nơi đâu. Sợ ông bỏ lỡ pháp môn Tịnh Độ thì đáng tiếc một phen hộ quan[1] ba năm nhọc nhằn, nên khôn ngăn đôi co như thế. Mong thấu hiểu sâu xa nỗi lòng thô lậu canh cánh thì may mắn lắm thay.

***

[1] Hộ quan: trông chừng, chăm sóc người đang bế quan tu luyện.