NHỮNG LÁ THƯ TỊNH ĐỘ
(Trích đọc những Lá Thư của Đại Sư Ấn Quang)
Thư bàn luận cùng bạn hữu về cương yếu của việc giảo chánh kinh điển
Diễn Đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Thư bàn luận cùng bạn hữu về cương yếu của việc giảo chánh kinh điển

Kinh Phật nghĩa lý vô cùng, tùy theo kiến giải của mỗi người mà tự trước thuật. Chỉ là một kinh nhưng phán định thành Biệt, Viên, Chung, Đốn khác nhau, do duyên quán tâm nên giải thích sai khác. Huống chi sau này bậc đại hạnh đạo Thiền, ai nấy đều thích nghe thuyết Trực Chỉ, cho là thân thiết, thống khoái, dễ được lợi ích. Do vậy, đa số dùng ý Tổ để giải thích ý kinh, ép lời Phật theo lời mình, phế sạch sự tướng, chuyên bàn bổn phận. Hoặc dùng lời cơ phong[1] để phân tích, hoặc giải thích là biểu thị pháp, chỉ có thể chẳng trái nghịch Tâm tông[2] thì đều [xem là] đáng hỗ trợ lời Phật nói. Dẫu chẳng thể độ khắp ba căn, xứng Phật bổn hoài, cũng có thể lợi ích một loại căn cơ khiến họ theo đường trở về nhà, lại hiển lộ ý nghĩa sâu thẳm, cao xa của kinh. Phật lý viên thông, pháp pháp quy chân, mỗi mỗi hợp đạo. Bởi cái tâm ấy như thái hư không, không ngằn mé, chẳng vì con người sống mỗi nơi khác nhau mà chia thành Nam, Bắc, Đông, Tây. Như châu Ma Ni, chẳng phải màu xanh, vàng, đỏ, trắng… khi gặp xanh bèn hiện sắc xanh, gặp vàng hiện sắc vàng, nhưng xanh hay vàng không phải là màu sắc vốn có của nó. Màu sắc vốn có của nó chẳng lìa xanh hay vàng; nếu muốn lìa xanh hay vàng để tìm màu sắc vốn có của châu, nếu không phải là bậc đại sĩ “Ngũ Uẩn đều không” sẽ không thể làm được.

Như Hoa Nghiêm Luận của Lý Trưởng Giả, như Pháp Hoa Kích Tiết của ngài Hám Sơn, như Tam Tông Thông của ông Tăng Phụng Nghi[3] và Thiền Tông lấy niệm Phật làm câu thoại đầu để khán, và thuyết coi y báo, chánh báo của Tịnh Độ như bổn phận v.v… chẳng được nhất loạt đánh giá những sách ấy theo cách thức thông thường bên Giáo, cho những sách đó là lầm lạc rồi bèn sửa đổi đôi chút. Bởi lẽ những thuyết ấy thuộc riêng về một tông, gộp hết thảy pháp để chỉ quy hướng thượng. Nếu sửa đổi thì mạch văn của phần trước phần sau bản chú giải sẽ bị đứt đoạn, và ý nghĩa giáo lý phần trước, phần sau chẳng còn phù hợp nữa. Vừa bị sửa đổi đôi chút thì cả hai đàng đều mất. Khoét thịt thành vết thương, chỉ tổn hại vô ích. Cứ để cho bản lai diện mục của nó được lưu thông hậu thế. Ví như lan mùa Xuân, cúc mùa Thu, mỗi loại riêng phô sắc, tận trung hành hiếu, cùng chấn hưng cương thường. Sư ở tại Hải Sơn, bảo lời chú giải kinh Pháp Hoa của ngài Hám Sơn có những chỗ chẳng hợp với ý chỉ kinh; đó là vì Hám Sơn đa phần ước theo bổn phận để bàn lẽ Trực Chỉ.

Hơn nữa, chuyện giảo chánh kinh thật không dễ dàng. Chỉ sợ Sư không rảnh rỗi để làm, ủy cho người khác làm. [Người làm chuyện này] cần phải có kiến thức lỗi lạc, mười phần tinh tế, lại phải đôi ba lượt tra xét kỹ càng, thêm siêng tra cứu, mới hòng sửa đúng những sai ngoa, khiến cho những lỗi tệ được sạch hết, thiên chân hiển lộ triệt để. Nếu không, thà cứ theo đúng dạng mà vẽ hồ lô, mới khỏi đến nỗi làm mất đi sự chân xác vốn có vậy.

***

[1] Những câu Thiền ngữ giúp cho đương cơ triệt ngộ thiền cơ, còn gọi là chuyển ngữ hay công án.

[2] Tâm Tông: tức Thiền Tông.

[3] Tăng Phụng Nghi, tự Thuấn Vi, hiệu Kim Giản, quê ở Hành Dương, Hồ Nam, đậu Tiến Sĩ đời Vạn Lịch nhà Minh. Ông từng gặp một vị Tăng, cùng nhau tranh luận ba ngày không dứt. Do vậy tin Phật, trì giới, ăn chay, nghiên cứu kinh luận. Một hôm thấy trăng lặn, mặt trời mọc, hoát nhiên đại ngộ. Ông soạn bộ Tam Tông Thông gồm Thủ Lăng Nghiêm Kinh Tông Thông, Lăng Già Kinh Tông Thông và Kim Cang Kinh Tông Thông.