thiêu chỉ

Phật Quang Đại Từ Điển

(燒指) Cũng gọi Nhiên chỉ. Đốt ngón tay, bày tỏ lòng tín ngưỡng chân thành. Trong Phật giáo có việc dùng thân thể để phát đại nguyện cứu khổ cứu nạn cho dân hoặc để cúng dường Phật. Thiêu chỉ chính là thuộc loại này, gọi là Thiêu chỉ cúng dường hoặc là Nhiên chỉ cúng dường. Cứ theo phẩm Dược vương bồ tát bản sự trong kinh Pháp hoa thì ở đời quá khi bồ tát Dược vương còn là bồ tát Nhất thiết chúng sinh hỉ kiến, ngài đã từng đốt thân để cúng dường Phật. Những trường hợp thiêu chỉ có thật như truyện kí về các ngài Tuệ bân đời Tùy trong Hoằng tán pháp hoa truyện quyển 7, ngài Tức trần đời Hậu Tấn trong Tống cao tăng truyện quyển 23, ngài Vô nhiễm đời Đường, ngài Tăng khánh đời Lưu Tống trong Lương cao tăng truyện quyển 12, ngài Pháp ngưng đời Nam Tề trong Tục cao tăng truyện quyển 27 và ngài Tăng thôi đời Bắc Chu đều có ghi hạnh thiêu chỉ cúng dường của các ngài.Về thiêu thân, thiêu chỉ đã gây ra nhiều tranh luận và có phái tán đồng, phái không tán đồng. Phái không tán đồng thì dẫn chứng phẩm Thích dược vương trong Pháp hoa văn cú quyển hạ nêu rõ qui định Người thiêu thân phạm tội Thâu lan giá, người thiêu chỉ phạm tội Đột cát la để chê trách việc thiêu thân. Còn phái tán đồng thì dẫn chứng kinh Phạm võng quyển hạ có nói người không thực hành thiêu thân không phải là Bồ tát xuất gia để bênh vực cho hạnh thiêu thân, thiêu chỉ.[X.Pháp hoa nghĩa sớ Q.11; Pháp hoa kinh tam đại bộ bổ chú Q.10; mục Thiêu thân bất hợp trong Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.4; mục Xả thân trong Thích thị yếu lãm Q.trung].