THIỀN TÔNG: TỪ TÂY THIÊN
ĐẾN ĐÔNG ĐỘ BUỔI SƠ THỜI
(TỪ THỜI ĐỨC PHẬT ĐẾN THỜI LỤC TỔ HUỆ NĂNG)

THE ZEN SCHOOL: FROM INDIA
TO CHINA IN EARLY TIMES
(FROM THE TIME OF THE BUDDHA THE TIME OF
THE SIXTH PATRIARCH HUI-NENG)

Thiện Phúc

 

Những Thiền Phái Ngay Sau Thời Lục Tổ Huệ Năng (pdf)

Lời Đầu Sách

Như chúng ta được biết, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền giáo pháp bí mật cho ngài Ma Ha Ca Diếp. Như vậy, Thiền tông Ấn Độ khởi đầu từ Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp và truyền thừa được 28 đời trước khi truyền qua Trung Quốc. Theo trường phái Thiền, Thiền tông đã được lưu truyền qua từng vị tổ sư, không truyền bằng giáo pháp, nhưng chỉ lấy tâm truyền tâm và không không dùng đến văn tự. Tuy nhiên, mãi đến hôm nay, lịch sử của Thiền Tông vẫn còn là một huyền thoại.

Truyền thuyết cho rằng một ngày nọ, thần Phạm Thiên hiện đến với Đức Phật tại núi Linh Thứu, cúng dường Ngài một cánh hoa Kumbhala và yêu cầu Ngài giảng pháp. Đức Phật liền bước lên tòa sư tử, và cầm lấy cành hoa trong tay, không nói một lời. Trong đại chúng không ai hiểu được ý nghĩa. Chỉ có Ma Ha Ca Diếp là mỉm cười hoan hỷ. Đức Phật nói: “Chánh Pháp Nhãn Tạng nầy, ta phó chúc cho ngươi, này Ma Ha Ca Diếp. Hãy nhận lấy và truyền bá.” Một lần khi A Nan hỏi Ca Diếp Đức Phật đã truyền dạy những gì, thì Đại Ca Diếp bảo: “Hãy đi hạ cột cờ xuống!” A nan liền ngộ ngay. Cứ thế mà tâm ấn được truyền thừa. Giáo pháp nầy được gọi là “Phật Tâm Tông.” Như chúng ta được biết, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã truyền giáo pháp bí mật cho ngài Ma Ha Ca Diếp qua biến cố “Niêm Hoa Vi Tiếu”. Tuy nhiên, theo lịch sử Thiền tông thì sự việc nầy không xuất hiện cho mãi đến năm 800 sau Tây Lịch (vì không được các bậc tông sư đời Tùy và Đường nói đến. Đến đời Tống thì Vương An Thạch lại nói đến sự việc nầy), nhưng lại được coi như là điểm khởi đầu của Thiền Tông. Thuật ngữ Nhật Bản ‘Nenge-misho’ có nghĩa là ‘dùng ngón tay vừa xoay bông hoa vừa mỉm cười’; từ ngữ thiền nói lên việc truyền Pháp của đức Phật Thích Ca một cách im lặng cho đồ đệ của Ngài là Ca Diếp, về sau được gọi là Đại Ca Diếp. Việc truyền từ tâm sang tâm là khởi đầu của việc ‘truyền đặc biệt, ngoài kinh điển’, như Thiền đã tự gọi mình. Câu chuyện nầy bắt nguồn từ một bộ kinh mang tên ‘Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Kinh’, kể lại một chuyến thăm của các vị Bà La Môn của một ngôi đền Ấn giáo đến thăm các môn đồ của Phật trên núi Linh Thứu, đã dâng Phật một cành hoa Kim Đàn Mộc (Ba La vàng) rồi xả thân làm sàng tọa thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Thế Tôn đăng tọa, giơ cành hoa lên và vừa dùng mấy ngón tay xoay bông cho đại chúng xem, và vừa mỉm cuời, nhưng không nói lời nào. Không một ai ở đó hiểu Thế Tôn muốn nhắn nhủ gì, duy chỉ một mình Ca Diếp mỉm cười đáp lại thầy mình.

Khi đức Thế Tôn niêm hoa, Ca Diếp phá nhan vi tiếu (Thế Tôn niêm khởi nhất chi hoa, Ca Diếp kim triêu đắc đáo gia). Hành giả tu Thiền hãy mở mắt lớn lên mà nhìn một cách cẩn thận. Ngàn núi ngăn cách người tư duy khỏi người thật sự có mặt trong hiện tại. Theo quyển Chìa Khóa Tu Thiền, một ông vua Việt Nam tên Trần Thái Tông đã nói: “Trong khi đang nhìn vào cành hoa mà đức Thế Tôn giơ lên trên tay, Ma Ha Ca Diếp đã bất thần tìm thấy chính mình ở nhà. Gọi đó là ‘Truyền Pháp Yếu’.” Theo sự trình bày được tóm lược phần nào về câu chuyện nầy trong thí dụ thứ 6 của Vô Môn Quan, nhân đó Đức Thế Tôn đã nói: “Ta có chính pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng trao lại cho Ma Ha Ca Diếp.” Từ đó các đệ tử Phật gọi ông Ca Diếp bằng Đại Ca Diếp, và ông trở thành vị Tổ đầu tiên của dòng Thiền Ấn Độ. Câu chuyện đức Phật vẫy cành hoa trước đại chúng, cũng giống như chuyện kể “khi đức Phật vừa đản sanh ngài đã bước đi bảy bước, nhìn về bốn phương” không nên được hiểu theo nghĩa đen từng chữ. Phần giải thích đầu tiên cho việc đức Thế Tôn truyền chánh pháp cho Ma Ha Ca Diếp bắt đầu được truyền bá trong một quyển kinh có nguồn gốc từ Trung Hoa vào khoảng năm 1036 sau tây lịch, tức là khoảng một ngàn bốn trăm năm sau khi đức Phật đản sanh. Đó là vào thời nhà Tống, tột đỉnh của sự phát triển văn hóa Trung Hoa với nhiều thơ văn và điển tịch được xuất bản. Tư tưởng thần bí, truyền khẩu và những biện giải theo tông phái góp phần tạo nên một vai trò pháp điển này. Truyền thuyết về việc đức Phật vẫy cành hoa trước đại chúng đáp ứng nhu cầu cho việc giao tiếp với người khai sáng, và ngay lập tức được tin tưởng và truyền tụng giống như một loại phúc âm hay chân lý không thể bàn cãi. Bộ sách “Tứ Nguyên Lý” (Lăng Già Kinh Tứ Quyển) được cho là của Bồ Đề Đạt Ma, thật ra được diễn đạt vào thời nhà Tống, sau thời Bồ Đề Đạt Ma khoảng sáu trăm năm, dùng cùng một ngôn từ xem như lời của đức Phật “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự.” Những vị đại sư thời nhà Tống đã làm ra những trọng điểm với những huyền thoại của họ. Dầu chúng ta có nói gì đi nữa thì Thiền tông Ấn Độ khởi đầu từ Sơ Tổ Ma Ha Ca Diếp và truyền thừa được 28 đời trước khi truyền qua Trung Quốc. Theo trường phái Thiền, Thiền tông đã được lưu truyền qua từng vị tổ sư, không truyền bằng giáo pháp, nhưng chỉ lấy tâm truyền tâm và không không dùng đến văn tự.

Nói về Thiền tông Trung Hoa, theo Thiền sử, đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ V, Thiền tông được Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Tổ thứ 28 ở Ấn Độ, mang vào Trung Quốc. Thiền được coi như là một trường phái quan trọng của Phật giáo tại Trung Hoa. Đây là sự tái tạo độc đáo những tư tưởng trong kinh Phật trong lần kết tập kinh điển lần thứ tư. Ba lần kết tập trước đã sản sinh ra bộ luận A Tỳ Đạt Ma, giáo lý Đại Thừa, và giáo điển Mật tông. Thiền tông gần như đồng thời với giáo lý Mật tông, và cả hai có nhiều điểm rất tương đồng. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Trung Hoa vào khoảng năm 470 và trở thành người sáng lập ra phái Mật Tông và Thiền Tông ở đây. Người ta nói ngài đã hành thiền trước một bức tường của Thiếu Lâm tự trong chín năm. Những đệ tử của Bồ Đề Đạt Ma hoạt động mạnh mẽ ở mọi nơi và đã hoàn toàn chiến thắng các tôn giáo bản địa để rồi cuối cùng Thiền tông được đánh giá rất cao ở Trung Quốc. Sau Tổ Bồ Đề Đạt Ma, nói chính xác hơn là sau thời Lục Tổ Huệ Năng, ban đầu Thiền Tông Trung Hoa được chia làm ít nhất 4 phái thiền: Phái Thiền Hành Tư, Phái Thiền Hoài Nhượng, Phái Thiền Huệ Trung, và Phái Thiền Thần Hội.

Rồi sau đó, Thiền tông Trung Hoa lần nữa lại được chia làm 5 trường phái chính hay Ngũ Gia Thiền, chỉ cho giáo pháp riêng biệt được giảng dạy từ những truyền thống có liên hệ tới những vị Thiền sư đặc biệt. Ba trong số năm truyền thống này: Tào Động, Vân Môn, và Pháp Nhãn, đi xuống từ dòng truyền thừa được truy nguyên ngược về Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Đầu Hy Thiên. Hai truyền thống kia: Lâm Tế và Quy Ngưỡng, được tiếp nối từ Mã Tổ Đạo Nhất và Bách Trượng Hoài Hải. Tông Lâm Tế về sau này lại sản sanh ra hai nhánh Dương Kỳ và Hoàng Long. Khi mà hai phái sau này được thêm vào Ngũ Gia thì người ta gọi đó là Thất Tông. Phải thật tình mà nói, Thiền Tông đã và đang là một trong những tông phái quan trọng nhất trong Phật Giáo và đã đóng góp không nhỏ trong cuộc sống của rất nhiều người qua nhiều thế kỷ. Chính vì lý do nầy mà tôi đã cố gắng hết sức mình biên soạn bộ sách 3 quyển có tựa đề “Thiền Tông Từ Tây Thiên Đến Đông Độ Buổi Sơ Thời”. Bộ sách này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về lịch sử và triết lý của Thiền Tông, mà nó chỉ tóm lược về sự phát triển của Thiền Tông và Những Dòng Truyền Thừa cũng như pháp tu đặc biệt của từng tông phái khi Thiền được truyền bá từ Tây Thiên qua Đông Độ vào thế kỷ thứ V.

Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích cuối cùng của người tu Phật là giác ngộ và giải thoát, nghĩa thấy được cách nào để thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử ngay trong kiếp này. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều sách viết về Thiền Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn bộ “Thiền Tông Từ Tây Thiên Đến Đông Độ Buổi Sơ Thời” song ngữ Việt Anh nhằm giới thiệu một cách khái quát về sự phát triển của Thiền Tông trong buổi sơ thời. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.

Cẩn đề,
Thiện Phúc

TẬP 1 II TẬP 2 II TẬP 3