Thánh Đức và Pháp Môn của Bồ-tát Địa Tạng
-Người giảng: Đạo Sư Ấn Thuận, giảng tại giảng Đường Tuệ Nhật vào tiết trung nguyên (rằm tháng 07) năm 1963
-Người dịch: Sa-môn Sakya Minh-Quang, dịch tại Tu Viện Thiện Tường mùa an cư năm 2020
Mỗi năm vào tiết Trung Nguyên (tháng 07 âm lịch) giới Phật giáo Trung Quốc đều thạnh hành việc tổ chức các Pháp hội cầu siêu độ cho hương linh cha mẹ, người thân, ngạ quỷ và chúng sinh địa ngục. Trước hết là Pháp hội Vu-lan-bồn. Pháp hội này là Pháp môn cúng dường đức Phật và chúng Tăng, có duyên khởi từ việc Tôn giả Mục-kiền-liên vì cứu độ thân mẫu thoát khỏi nỗi khổ của ngạ quỷ mà hình thành từ thời đức Phật Thích-ca còn tại thế. Kế đó là Pháp hội Địa Tạng. Pháp hội này tổ chức vào ngày 30 tháng 07 âm lịch, là ngày nhập niết-bàn của Bồ-tát Địa Tạng khi ứng thân hóa độ ở Trung Quốc. Vì Bồ-tát Địa Tạng cứu độ chúng sinh ở địa ngục, nên tháng 07 có Pháp hội Địa Tạng. Ngoài ra, còn có Pháp môn Du-già Diệm Khẩu cứu độ chúng sinh ở ngạ quỷ và địa ngục. Ba Pháp hội này được tiến hành vào tháng 07 âm lịch ở Trung Quốc có xu thế hợp nhất với nhau. Trong buổi Pháp thoại này, tôi sẽ nói qua về Pháp môn Bồ-tát Địa Tạng.
1. Tăng Tục Phật giáo Trung Quốc đều sùng kính Bồ-tát Địa Tạng
1a. Tín Ngưỡng Dân Gian
Bồ-tát Địa Tạng ở Trung Quốc được hai giới xuất gia và tại gia kính ngưỡng một cách rộng rãi. Bồ-tát Địa Tạng đề xướng hiếu đạo, coi trọng việc siêu độ cứu giúp cha mẹ đã mất, còn văn hóa Trung Quốc cũng đặc biệt coi trọng hiếu đạo, với tinh thần “thận chung truy viễn”, tức “thận trọng lễ tang cha mẹ, cung kính cúng tế tổ tiên.” Vì văn hóa hiếu đạo này tương hợp với Pháp môn Địa Tạng, cho nên Bồ-tát Địa Tạng được đặc biệt tôn kính ở Trung Quốc.
Kinh điển Phật giáo nói đến rất nhiều vị Bồ-tát. Nhưng trong đó, Bồ-tát Quán Âm và Bồ-tát Địa Tạng được dân gian biết đến nhiều nhất. Ở quê tôi, vào ngày 30 tháng 07 âm lịch, mọi nhà đều thắp hương cúng dường Bồ-tát Địa Tạng để tưởng niệm công đức của Ngài. Người học Phật nói chung thường tụng niệm Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện, hoặc phát tâm viết kinh này để lưu thông. Có thể nói, Bồ-tát Địa Tạng được biết đến rộng rãi là do tinh thần hiếu thảo, muốn cầu siêu độ cho cha mẹ của mọi người mà ra.
Cho nên trong tháng 07 âm lịch, ngoài Pháp hội Vu-lan-bồn ra, còn có Pháp hội Địa Tạng, các chùa nói chung đều đặc biệt bận rộn. Điều này cho thấy, Bồ-tát Địa Tạng đã trở thành tín ngưỡng dân gian của quảng đại quần chúng. Vì vậy là người tin Phật, chúng ta biết được công đức của Bồ-tát Địa Tạng to lớn như thế nào.
1b. Chư Tôn Đức Tôn Trọng và Hoằng Dương
Bồ-tát Địa Tạng không những được quần chúng trong dân gian tôn sùng, mà chư Tôn đức xuất gia cũng có nhiều vị đặc biệt hoằng dương. Nay chỉ nêu ra hai vị Tôn đức. Vào cuối đời Minh đầu đời Thanh, trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc có bốn vị đại sư. Đó là các Ngài Tử Bá, Liên Trì, Hám Sơn, và Ngẫu Ích. Đại sư Ngẫu Ích là một vị “đại thông gia”, tức nhà thông suốt các tông và các thuyết trong Phật Pháp. Ngài hoằng dương Thiền, Luật, Thiên Thai, Tịnh Độ…, không bỏ một tông nào. Ngài Ngẫu Ích lại đặc biệt tôn trọng và hoằng dương Bồ-tát Địa Tạng, từng ở trước tôn tượng Bồ-tát phát đại nguyện. Lại nữa, thuở còn trẻ sau khi đã thọ cụ túc giới, Ngài còn ở trước Bồ-tát Địa Tạng xả giới Tỳ-kheo để trở thành Sa-di Bồ-tát giới.
Còn Đại sư Hoằng Nhất đời cận đại mà ai ai cũng biết, Ngài vốn là một nhà nghệ thuật. Sau đó Ngài xuất gia, chuyên nghiên cứu giới luật, trở thành một vị Đại sư nghiên cứu luật tạng sâu sắc duy nhất thời cận đại. Đại sư Hoằng Nhất cũng đặc biệt tôn trọng và hoằng dương Bồ-tát Địa Tạng. Một hôm Ngài đến Hạ Môn, gặp cư sĩ Lư Thế Hầu là người chích máu để vẽ Thánh tượng của Bồ-tát Địa Tạng. Nhân đó, Ngài khuyên Lư Thế Hầu vẽ họa tập về sự tích ứng hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng. Trên mỗi bức họa, Đại sư Hoằng Nhất đều viết lời “đề tán”, tức lời tán thán sự tích từng giai đoạn cuộc đời của Bồ-tát. Sau này mọi người in ấn tống họa tập này làm quà chúc thọ năm Đại sư sáu mươi tuổi. Do đây có thể thấy, hai vị Đại sư Ngẫu Ích và Hoằng Nhất coi trọng Bồ-tát Địa Tạng như thế nào.
Người tín ngưỡng Bồ-tát Địa Tạng nói chung chỉ biết Ngài phát đại nguyện: “địa ngục chưa hết, thệ không thành Phật” nên đến địa ngục để cứu độ chúng sinh. Nhưng còn ít người biết rõ Pháp môn lợi sinh của Bồ-tát Địa Tạng. Nhưng do các vị Tôn đức từ xưa đến nay tán thán và hoằng dương, có thể thấy công đức thực không thể nghĩ bàn của Bồ-tát Địa Tạng. Cho nên, mục đích của buổi thuyết giảng hôm nay là giúp đại chúng hiểu thêm sự vĩ đại của Bồ-tát Địa Tạng.
2. Bồ-tát Địa Tạng Núi Cửu Hoa
Trung Quốc có tứ đại danh sơn, tức bốn ngọn núi danh tiếng lớn, là Đạo tràng ứng hóa của bốn vị Đại Bồ-tát. Đó Bồ-tát Văn-thù ở núi Ngũ Đài, Bồ-tát Phổ Hiền ở núi Nga Mi, Bồ-tát Quán Thế Âm ở núi Phổ-đà Nam Hải, và Bồ-tát Địa Tạng ở núi Cửu Hoa. Trên bốn ngọn núi danh tiếng này có rất nhiều chùa chiền, hầu như đều lấy vị Bồ-tát ở núi mình làm tín ngưỡng trung tâm. Như các chùa ở núi Ngũ Đài đều thờ cúng Bồ-tát Văn-thù; các chùa ở núi Phổ Đà đều thờ cúng Bồ-tát Quán Âm làm bổn tôn v.v…. Như vậy, bốn ngọn núi danh tiếng lớn chính là bốn Đạo tràng ứng hóa của bốn vị đại Bồ-tát, cũng trở thành Thánh địa hành hương của Phật tử cả nước.
Núi Cửu Hoa ở huyện Thanh Dương tỉnh An Huy vốn có tên là núi Cửu Tử. Đời Đường, nhà thơ Lý Bạch đến núi Cửu Tử, thấy chín ngọn núi hình như đóa hoa. Về sau, vì vậy mọi người lại gọi núi ngày là núi Cửu Hoa. Phật giáo Trung Quốc đời nhà Đường thạnh hành như mặt trời rực rỡ lúc đang trưa, đã truyền đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Hàn Quốc và Nhật Bản có không ít du học Tăng đến Trung Quốc cầu Pháp, hoặc học Nho học, chính trị v.v….
Lúc đó, Hàn Quốc chia làm ba quốc gia, tức Tân-la, Cao-cú-ly, Bách Tế. Có một vị vương tử nước Tân-la phát tâm xuất gia, tên là Tỳ-kheo Địa Tạng. Ngài vào năm Trinh Quán thứ 4 (630) đời Đường Thái Tông đến Trung Quốc tham học. Ban đầu Ngài đi nhiều nơi tham học, du hóa vài năm, sau đến núi Cửu Hoa tỉnh An Huy miền nam Trung Quốc, thấy có vùng đất bằng phẳng bao bọc bởi núi cao (basin), liền dừng lại dựng am khổ tu. Không biết trải qua bao nhiêu năm, có vị thân sĩ ở địa phương là Chư Cát Tiết (諸葛節) đi chơi núi phát hiện. Chư Cát Tiết thấy vị hòa thượng này ở trong một chòi lá nơi thạch động. Nhìn vào ít cơm còn sót lại trong nồi cơm bể của Ngài, ông thấy lẫn trong đó là một ít đất sét trắng, mới biết Ngài tu kham khổ thế nào. Ông dò hỏi, mới biết Ngài là Vương tử nước Tân La đến Trung Quốc cầu Pháp. Trưởng giả Chư Cát cảm thấy mình thiếu sót trong việc hộ Pháp của người Phật tử địa phương. Do đó, ông mới phát tâm đề xướng xây dựng một ngôi chùa cho Tỳ-kheo Địa Tạng.
Người sở hữu vùng đất núi Cửu Hoa họ Mẫn, vô cùng giàu có. Vì vậy, muốn xây chùa phải xin Mẫn công cúng dường đất. Mẫn công vô vùng kính ngưỡng Tỳ-kheo Địa Tạng, liền hỏi Ngài cần bao nhiêu đất. Địa Tạng đáp: “Chỉ cần miếng đất rộng bằng một tấm cà-sa che phủ là đủ.” Lúc đó, Địa Tạng dùng sức thần thông, vừa trải tấm ca-sa ra đã bao phủ toàn bộ núi Cửu Hoa. Do đó, Mẫn công đem toàn bộ đất núi Cửu Hoa cúng dường Tam Bảo. Mẫn công hộ Pháp cho Ngài Địa Tạng. Con trai ông cũng xuất gia trở thành một vị Tỳ-kheo theo hầu Ngài Địa Tạng, Pháp danh là Đạo Minh. Tượng Bồ-tát Địa Tạng mà chúng ta thấy hiện nay, hai bên có một ông già và một vị Tỳ-kheo trẻ, chính là cha con Mẫn công.
Sau khi xây chùa xong, mọi người khắp nơi đến tham học rất đông. Nước Tân La cũng có không ít người đến cúng dường. Núi Cửu Hoa vừa cao lại vừa sâu. Chúng Tăng trong chùa càng đông thì cuộc sống càng trở nên thiếu thốn. Vì vậy, khi nấu cơm phải thêm vào phân nửa đất sét trắng mới đủ ăn, (đất này màu trắng và rất mịn, tục gọi là đất Quán Âm), mới biết sư thanh đạm cực khổ của Chúng Tăng nơi đây như thế nào. Cho nên đương thời người ta gọi Chúng Tăng nơi đây là “khô cảo Chúng” hay Chúng Tăng khô gầy. Đại chúng trong chùa chỉ nhất tâm cầu Phật Pháp, hoàn toàn buông bỏ sự hưởng thụ vật chất. Tỳ-kheo Địa Tạng và Đại Chúng ở núi Cửu Hoa có sức ảnh hưởng rất lớn. Về sau vua nước Tân La hay được mới cho người đem lương thực đến cúng dường.
Tỳ-kheo Địa Tạng một mực ở tại Đạo tràng này hướng dẫn Đại chúng tu hành tinh tấn khổ hạnh, cho đến ngày 30 tháng 07 âm lịch niên hiệu Khai Nguyên thứ 26 (738) đời Đường mới nhập niết-bàn, hưởng thọ 99 tuổi. Mọi người đều trực giác rằng Tỳ-kheo Địa Tạng chính là hóa thân của Bồ-tát Địa Tạng, vì độ chúng sinh nên ứng hóa đến Trung Quốc. Vì vậy, mọi người đều xưng Ngài là Bồ-tát Địa Tạng. Theo đó, núi Cửu Hoa cũng trở thành Đạo tràng ứng hóa của Bồ-tát Địa Tạng, một trong tứ đại danh sơn của Trung Quốc. Đặc biệt mỗi năm vào ngày 30 tháng 07 âm lịch, núi Cửu Hoa hương hỏa vô cùng thịnh vượng. Bồ-tát Địa Tạng tự có nhân duyên cảm ứng đặc biệt của mình mới cảm được sự nhất trí tín ngưỡng của dân gian.
3. Danh Hiệu và Công Đức của Bồ-tát Địa Tạng
3a. Giải Thích Ý Nghĩa Danh Hiệu
Trong Phật Pháp, Bồ-tát y nơi hạnh đức mà lập danh, không giống với tên người không có liên quan gì đến tâm hạnh của tự thân. Bốn vị đại Bồ-tát mà Trung Quốc đều biết trước danh hiệu đều có thêm từ tán thán. Ví dụ: Đại Trí Văn Thù, Đại Hạnh Phổ Hiền, Đại Bi Quán Âm, và Đại Nguyện Địa Tạng. Như vậy có thể thấy nguyện lực của Bồ-tát đặc biệt sâu rộng như thế nào. Trong kinh điển Đại Thừa có Kinh Đại Tập, vì lúc Phật thuyết Pháp đại chúng khắp mười phương vân tập thành đại Pháp hội nên lấy đó đặt tên. Trong Pháp hội Đại Tập, phần lớn danh hiệu các vị Bồ-tát đều có tên Tạng, như Nhật Tạng, Nguyệt Tạng, Hư Không Tạng, Kim Cang Tạng, Tu-di Tạng, và Địa Tạng.
Sao gọi là Địa Tạng? Địa là đại địa, tức mặt đất mà cũng là địa đại, tức một trong bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Tạng là hàm tàng, tức cất chứa, hay phục tạng, tức kho báu dưới lòng đất, như mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ than, mỏ sắt v.v…. Tên Tạng trong Phật Pháp có nghĩa là kho tàng. Như vậy, hàm nghĩa của Địa Tạng là:
-Địa là đất, một trong bốn đại có thể chịu đựng, gánh vác tất cả. Ví dụ như tất cả núi cao sông lớn, muôn sự muôn vật đều ở trên mặt đất. Đây dụ cho công đức của Bồ-tát có thể vì chúng sinh mà gánh vách tất cả hạnh khổ, làm được việc khó làm.
-Địa là đất, cũng có nghĩa y chỉ hay nương tựa. Tất cả cỏ cây đều y nơi đất mà mọc lên. Đây là dụ cho tất cả công đức tự lợi và lợi tha của thế gian đều nương nơi Bồ-tát Địa Tạng mà có.
Như vậy, Bồ-tát Địa Tạng có thể chứa đựng đủ mọi công đức, có thể sinh ra tất cả công đức, làm hạnh khổ khó làm để cứu độ chúng sinh, nên gọi Địa Tạng.
Địa Tạng còn được gọi là Địa Tạng Vương. Có lẽ vì Tỳ-kheo Địa Tạng là Vương tử nước Tân La, nên thêm chữ Vương vào để tôn xưng Ngài.
3b. Tán Thán Công Đức
Địa Tạng ở núi Cửu Hoa là Bồ-tát ứng hóa thân. Nay muốn nói đến công đức chân thật của Bồ-tát Địa Tạng phải căn cứ vào kinh điển. Kinh Chiêm Sát nói: “[Địa Tạng] từ khi phát tâm đến nay đã trải qua vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp, từ lâu đã qua được biển tát-bà-nhã, công đức đầy đủ, chỉ vì nơi sức tự tại của bản nguyện, nên quyền xảo biến hóa, ứng thân ảnh hiện khắp mười phương.” Như vậy, căn cứ theo kinh văn, Bồ-tát Địa Tạng phát tâm tu hành đến nay đã trải qua thời gian rất lâu: “vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn a-tăng-kỳ kiếp.” Cho nên, công đức trí tuệ của Ngài cùng với Phật không khác. Tát-bà-nhã là nhất thiết trí hay Phật trí. Biển tát-bà-nhã là hình dung trí tuệ và giác ngộ của đức Phật to lớn và rộng sâu như biển.
Như vậy, Bồ-tát Địa Tạng tu hành trong vô lượng vô biên kiếp, sớm đã đạt đến biển trí tuệ của Phật, công đức viên mãn, đầy đủ, lẽ ra sớm đã thành Phật rồi. Nhưng Bồ-tát phát nguyện độ tận tất cả chúng sinh, nên ẩn đi công đức chân thật, dùng sức bản nguyện, thần thông tự tại, hiện thân khắp nơi thuyết Pháp, cứu độ trời người. Cho nên, Kinh Lăng-già nói: “Có Bồ-tát đại bi vĩnh viễn không thành Phật.” Đây không phải là vì Bồ-tát trình độ kém, hay tu hành giải đãi, mà do nguyện lực đại bi, phát nguyện độ tận tất cả chúng sinh. Cho nên, dù công đức bằng với Phật mà không hiện thân Phật, trước sau đều dùng thân Bồ-tát độ thoát chúng sinh ở mười phương thế giới.
Công đức của Bồ-tát Địa Tạng bình đẳng với công đức Phật, cho nên công đức kính tin Bồ-tát cũng không thể nghĩ bàn. Như Kinh Thập Luân quyển một nói: “Ở chỗ các vị đại Bồ-tát trải qua trăm kiếp chí tâm quy y, xưng danh, tụng niệm, lễ bái, cúng dường, cầu các sở nguyện… cũng không bằng trong khoảng một bữa ăn mà chí tâm quy y, xưng danh, tụng niệm, lễ bái, cúng dường Bồ-tát Địa Tạng, cầu các sở nguyện, đều được đầy đủ. (…) Như bảo châu như ý, lại như kho báu dưới lòng đất.”
Như vậy kinh nói: Nếu chí thành quy y các vị đại Bồ-tát như Văn-thù, Di-lặc v.v…, xưng danh hiêu, lễ bái, cúng dường, cầu những sở nguyện của mình, như cầu sức khỏe, cầu trường thọ, cầu tài lộc, hay cầu dứt trừ phiền não v.v… trải qua một trăm kiếp, cũng không bằng trong khoảng một bữa ăn, thời gian rất ngắn mà chí tâm quy y Bồ-tát Địa Tạng, xưng danh, tụng niệm danh hiệu Bồ-tát, chí thành kính lễ. Công đức chí thành kính lễ Bồ-tát Địa Tạng rất lớn, nếu có sở cầu thảy đều thành tựu viên mãn. Đây là vì hoằng dương Pháp môn Bồ-tát Địa Tạng, nên đặc biệt tán thán công đức siêu thắng của Bồ-tát Địa Tạng.
Như ý bảo châu tức là ngọc ma-ni có thể sinh ra tất cả, đáp ứng mọi nhu cầu, mong muốn. Đây là nói, bi nguyện cứu độ chúng sinh của Bồ-tát Địa Tạng đáp ứng mọi sở cầu của chúng sinh. Lại như người nghèo bỗng gặp kho báu chôn dưới đất liền trở nên giàu có, muốn gì được nấy. Chúng sinh có các loại khó khổ, không được tự tại, nếu tu hành Pháp môn Địa Tạng thì sẽ được an vui, tự tại.
Ngoài ra, căn cứ theo Kinh Địa Tạng Thập Luân, Bồ-tát Địa Tạng cũng giống như Bồ-tát Quán Thế Âm, Ngài hiện đủ mọi thân tướng khắp mười phương thế giới để nói các Pháp khác nhau, khiến chúng sinh thoát khỏi các loại khổ đau, được đầy đủ an lạc.
Bồ-tát Địa Tạng còn có một công đức đặc thù. Công đức này được biểu hiện qua ý nghĩa danh hiệu của Ngài. Kinh Địa Tạng Thập Luân nói: “Có thể khiến cho tất cả cỏ cây, hoa trái… trên đại địa đều được sinh trưởng.” Sống ở nông thôn, điều mong mỏi chính là mùa màng tươi tốt. Bồ-tát Địa Tạng có thể thỏa mãn sở cầu của chúng sinh, khiến tất cả cây trái, lúa đậu… mọc lên tươi tốt, người dân thu hoạch dồi dào. Từ khi kinh này được dịch ra ít người hoằng dương, nên đối với công đức đặc thù này của Bồ-tát Địa Tạng ít người chú ý. Đối với công đức này, người nông dân nên đặc biệt tri ân và cầu nguyện.
Ngoài ra, Bồ-tát Địa Tạng còn có khả năng trị lành bệnh tật. Kinh Tu-di Tạng nói: “Ông (chỉ Bồ-tát Địa Tạng) nay có thể đối với tất cả chúng sinh mà làm một vị thuốc lớn, giống như đại diệu dược. Vì sao? Thân của ông chính là vị thuốc lớn vi diệu.” Thuốc ở đời xưa chủ yếu là cây cỏ và khoáng vật sinh trưởng từ đất. Cho nên, công đức của Bồ-tát Địa Tạng giống như đức Phật Dược Sư, nhưng không phải là “Đại Y Vương”, mà là “Đại Diệu Dược”, có thể khiến chúng sinh tăng trưởng khí huyết, tinh thần, sức khỏe, dứt trừ tật bệnh. Nếu có thể thấy Bồ-tát, gần gũi Bồ-tát, thì tất cả bệnh tật, như thân bệnh, tâm bệnh, cho đến sinh tử phiền não bệnh đều tiêu trừ, được đầy đủ tất cả công đức!
Cuối cùng, công đức của Bồ-tát Địa Tạng như mọi người đều biết, đó là: “Địa ngục chưa hết, thệ không thành Phật” mà Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn Nguyện Công Đức đã nói. Theo kinh này, Bồ-tát Địa Tạng có bản thệ nguyện độ tận chúng sinh nơi địa ngục. Trong các loại chúng sinh, khổ nhất chắc chắn là chúng sinh ở địa ngục. Bồ-tát Địa Tạng đặc biệt phát ra đại nguyện này vì muốn cứu độ chúng sinh phải chịu đau khổ cùng cực nhất.