thắng nghĩa căn

Phật Quang Đại Từ Điển

(勝義根) Cũng gọi Chính căn. Chỉ cho các quan năng thù thắng của con người. Hữu bộ của Tiểu thừa chia 5 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ra làm Phù trần căn và Thắng nghĩa căn. Phù trần căn chỉ cho các bộ phận trông thấy được như tròng mắt, lỗ tai, sống mũi…, còn Thắng nghĩa căn thì lấy Phù trần làm chỗ nương gá, lấy Tịnh sắc căn do 4 đại chủng đất, nước, lửa, gió tạo ra làm thể, co tác dụng khởi động thức và thu lấy cảnh (đối tượng nhận thức). Vì thế mà biết Phù trần căn là chỗ nương gá của Thắng nghĩa căn, có công năng nâng đỡ giúp thành, như tròng mắt, lỗ tai… nói ở trên đều là những khối thịt do 4 trần sắc, hương, vị, xúc tạo thành, thể của chúng thô to, hiện rõ, bản thân chúng không có tác dụng cảm giác nhận thức; còn Thắng nghĩa căn thì lấy Phù trần căn làm chỗ nương gá, thu lấy cảnh(đối tượng) của thế giới bên ngoài, còn thế giới bên trong thì khởi động thức, thể của thức này cực kì thanh tịnh vi diệu, mắt thường của người ta không thể trông thấy được, đó là thể tập hợp của những cực vi do 4 đại chủng tạo ra, là thực thể mà 5 căn nương gá vào để sinh ratác dụng cảm giác nhận thức, tương đương với cái mà người hiện đại gọi là thần kinh của 5 cảm quan. Nhưng Đại chúng bộ thì lại có thuyết khác, cho rằng thể của 5 căn chính là 4 trần sắc, hương, vị, xúc, lấy khối thịt làm tính, chứ không có thể của tịnh sắc nào khác, nó cũng không có công năng thu lấy cảnh. Vì thế nên biếtĐại chúng bộ trực tiếp lấy Phù trần căn làm 5 căn, chứ không lập riêng Thắng nghĩa căn. Ngoài ra, Luận sư Hộ pháp trong số 10 vị Đại luận sư Duy thức căn cứ vào giáo nghĩa Duy thức của Đại thừa, chủ trương Phù trần căn là chỗ nương gá của các căn, Thắng nghĩa căn là sắc thanh tịnh hiện hành do 4 đại chủng tạo ra, thuyết này đại khái cũng giống với thuyết của Hữu bộ Tiểu thừa, nhưng ngài Hộ pháp không thừa nhận cực vi của căn là sắc pháp ngoài tâm có thực thể như Tiểu thừa chủ trương. Còn luận sư Nan đà cũng là 1 trong 10 vị Đại luận sư Duy thức thì chủ trương 5 căn chỉ có chủng tử chứ không có tịnh sắc hiện hành riêng. [X. luận Câu xá Q.1; Thành duy thức luận thuật kí Q.2; Đại thừa pháp uyển nghĩa lâm chương Q.3]. (xt. Phú Trần Căn).